Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm B

CHÚA GIÊSU LOAN BÁO NGƯỜI SẼ
      ĐƯỢC TÔN VINH NHỜ CÁI CHẾT

Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

"Ai ghét sự sống mình nơi thế gian này": Có lẽ phải dịch như bản TOB: ai thôi bám chặt sự sống mình đời này. Vì theo cách nói sêmita, động từ đùng ở đây, khi đối lại với chữ yêu, thì thường có nghĩa là yêu mến ít hơn, là không xem như một giá trị tuyệt đối (St 29,31-33; Đnl 21,15; Mt 6,24; Lc 16,13; 14,26).

"Ta đã tôn vinh Danh Ta và sẽ còn tôn vinh nữa": Chữ “tôn vinh" thứ nhất ở đây quy về các "dấu chỉ" Chúa Giêsu đã thực hiện để làm chứng cho Chúa Cha. Chữ "tôn vinh" thứ hai ám chỉ đến cái chết và việc giương cao Chúa Giêsu (vì tôn vinh Ngài trong chính mình).

“Dân chúng bảo đó là một tiếng sấm": Khó mà hiểu được tại sao một tiếng nói lại có thể phát ra vì lợi ích của những kẻ đã không hiểu nó cũng như không biết ai đã nói ra nó ("tiếng ấy phát ra không phải vì Ta mà vì các ngươi"). Có thể Gioan đã nghĩ đến một nhóm thứ ba (các môn đồ chẳng hạn) là những người, trong thực tế, đã nhận ra được nguồn gốc và ý nghĩa của tiếng nói trên.

"Chính bây giờ là cuộc phán xét thế gian này": Giờ của Chúa Giêsu đánh dấu một giai đoạn quan trọng và quyết định đối với toàn thể nhân loại. Cuộc sáng tạo cũ đến đây chấm dứt, cuộc sáng tạo mới bắt đầu (Việc đi từ cuộc sáng tạo cũ sang sáng tạo mới không phải và một hiện tượng vật lý đơn thuần, nhưng là một sự tiến triển luân lý và thiêng liêng). Số phận mỗi người tùy thuộc vào biến cố này và vào việc người ta có chấp nhận nó bằng đức tin hay không. Giờ Chúa Giêsu là giờ phán xét (krisis), giờ phân chia: ai từ chối Chúa Giêsu vào "giờ” này thì bị liệt vào phe của "đầu mục thế gian", đối thủ lợi hại của Chúa Giêsu, và bị luận phạt như nó (x. 3,18).

"Chính bây giờ đầu mục thế gian này sẽ bị đuổi ra ngoài": Chúa Giêsu nói đến Satan như nói đến một bạo chúa thất trận, bị truất phế. Nhiều bản văn mà một số có nguồn gốc Kitô giáo (Ep 2,2; 6,12) đồng ý gán cho Satan tước hiệu "đầu mục thế gian này". Các giáo sĩ cũng gọi nó là "sar ha olam”

Chính ma quỷ gán cho mình quyền thống trị trên mọi sự "thế gian" (Mt 4,9). Khi nói như thế, nó chỉ khoe khoang hão, tuy nhiên hãy biết rằng trong Tin Mừng, tội nhân bị gọi là tội và ngay cả con cái của nó (Ga 8,34.44; Cv 8,10), rằng Thiên Chúa đã đặt nó thi hành các việc công lý của Ngài (Mt 5,25-26; G 2,6; Dcr 5,5), rằng kinh nghiệm xưa nay cho thấy ma quỷ rất khéo léo trong việc phỉnh gạt, làm khổ nhân loại. "Và Ta, một khi Ta được giương cao khỏi đất": Hãy so sánh với lối chơi chữ của St 40,13 và St 40,19 về chữ "nâng đầu lên": đầu của viên chánh chước tửu sẽ "được nâng lên cao" và ông sẽ được ân xá; còn đầu của viên chánh ngự thiện cũng "được nâng lên cao" nhưng ông ta sẽ bị treo cổ. Trong Is 52, 13 thì bảo người Tôi tớ Gioan "được nhắc cao" và "được tôn dương". Có lẽ đây là nguồn gốc chữ "được tôn vinh" và “được giương cao" trong Gioan.

KẾT LUẬN

Trong đoạn này, chính “giờ" của Chúa Giêsu là trọng tâm xét trên bình diện lịch sử lẫn thần học. Về phương diện Kitô học, "giờ" này đánh dấu việc Ngôi Lời nhập thể hoàn tất sứ mệnh mặc khải và cứu chuộc thế gian. Nó đặc trưng tất cả cuộc đời Chúa Kitô, vốn luôn quy hướng về nó. Vì chính lúc bấy giờ xảy ra cuộc "phán xét" (krisis) nhân loại, xảy ra sự phân chia (krisml) những kẻ tin hay từ chối tin mầu nhiệm Chúa Kitô tử nạn và được tôn vinh. Ai tin thì được cứu rỗi và được sống, còn ai từ chối tin thì bị luận phạt và phải chết muôn đời.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1) Trong Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu thường nói đến "giờ" của Người. Đó là lúc người đạt đến cao điểm sứ mệnh cứu chuộc, tức là Chết và Phục sinh. Không nên tách rời hai yếu tố này. Cái chết là cuộc vượt qua cần thiết do tình yêu đòi hỏi, nhưng sự phục sinh sẽ ban cho nó một ý nghĩa khi tôn dương và làm nẩy sinh sự sống. Giờ Chúa Giêsu vừa là thứ Sáu thánh vừa là Chúa nhật phục sinh, và giờ này hôm nay cứu tiếp tục trong mỗi Kitô hữu là con người vừa chịu đựng đinh vừa được sống lại.

2) Ở đây Chúa Giêsu lợi dụng dịp vài người ngoại giáo đến gặp để nói đến giờ của Người. Lương dân “Hy lạp" này là những kẻ có cảm tình với đạo Do thái. Họ hành hương đến Giêrusalem dù không phải là con dân Abraham. Chúa Giêsu bảo Giờ của người, nghĩa là ơn cứu chuộc, cũng liên hệ tới họ. Liên hệ như thế nào? Người giải thích bằng cách đưa ra hình ảnh hạt lúa mì chết đi trong lòng đất và mọc lên sai hoa lắm quả. Hạt lúa mì mục nát chính là Người. Các hạt sinh sôi là tất cả mọi dân tộc, tất cả loài người, tất cả "lương dân" sẽ trở thành tín hữu.

3) Mọi Kitô hữu đều được mời gọi sống Giờ của Chúa Giêsu. Cần lưu ý là trong bản văn thánh Gioan, các chữ "vinh quang" và "sự chết" rất gần nhau và hầu như được liên kết với nhau. Điều này cho thấy hai điểm. Trước hết Kitô hữu phải biết tiêu diệt trong mình những gì chống lại với sự sống đích thực. Phép rửa của họ đưa họ vào mầu nhiệm chết. Họ không thể ở trên Thầy của họ. Họ phải chết về phương diện thể lý, nhưng cũng phải vượt qua bằng một cái chết thiêng liêng: cái chết này gọi là sự từ bỏ chính mình. Nhưng phải chăng vì thế mà họ phải tỏ ra khắc khổ và buồn bực? Không, vì họ còn phải sống mầu nhiệm phục sinh, tôn vinh, một mầu nhiệm vui tươi của sự từ bỏ của Kitô hữu chỉ có ý nghĩa trong sự kết hiệp với cái chết và phục sinh của Chúa Kitô cùng bắt chước Người. Thế mà Chúa Kitô, trong giờ của Người, đã sống thực sự đau khổ và hiển vinh cùng một lúc. Nên Kitô hữu, người của từ bỏ, phải đồng thời là người của sự vui mừng thiêng liêng.

4) Cũng như Thầy mình, mỗi Kitô hữu đều được kêu lời trở nên hạt lúa gieo vào lòng đất. Điều này liên hệ tới phần của họ trong việc cứu rỗi thế giới. Dù có được kêu gọi hoạt động bên ngoài hay không, thì mỗi Kitô hữu, qua việc kết hợp với Chúa Kitô đều có ơn gọi tham gia vào việc cứu rỗi anh chị em mình. Nếu không thể hoạt động bên ngoài, thì họ hãy ấp ủ tư tưởng phấn khích này là: việc âm thầm dâng lời cầu nguyện, đau khổ, cái chết, trong sự kết hiệp với Chúa Giêsu cũng có khả năng cứu rỗi nhiều người. Nếu có sự hoạt động, họ phải nhớ rằng hiệu năng hành động của họ trước tiên tùy thuộc việc họ hiệp thông vào kinh nguyện và khổ giá Chúa Giêsu.

5) Chúa Kitô đã chấp nhận bị nghiền nát trong cuộc khổ nạn để trở nên bánh dâng lên Chúa Cha trên bàn thờ thập giá, đồng thời trở nên lương thực nuôi ta trong bí tích Thánh Thể nhiệm mầu. Chúng ta hãy mau mắn đến bàn tiệc rước lấy Mình Thánh Chúa để được tăng thêm sự sống của Người, để Người biến đổi ta nên thân xác Người, hầu một ngày nào đó ta có thể nói: "Không phải tôi sống, nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi".