Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm B |
THANH TẨY ĐỀN THỜ |
Suy niệm của Đan Vinh |
I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA 1) Ý chính: Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ. Với lòng nhiệt thành yêu mến Thiên Chúa, Đức Giêsu không thể chấp nhận được cảnh tượng bát nháo diễn ra nơi Đền Thờ của Chúa Cha. Người đã biểu lộ uy quyền của Con Thiên Chúa bằng việc dùng roi xua đuổi bọn con buôn với tiền bạc, chiên bò, chim câu... ra khỏi Đền Thờ. Người tẩy uế Đền Thờ của Chúa Cha và khẳng định rằng: Từ nay việc thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa sẽ phải được cử hành trong Đền Thờ Mới là thân xác Phục Sinh của Người và sẽ tồn tại mãi mãi, thay cho sự thờ phượng tại Đền Thờ Giêrusalem bằng gỗ đá chỉ có tính tạm thời và sẽ bị phá hủy sau này. 2) Chú thích: * Gần đến Lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò r a khỏi Đền Thờ. Còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ (Ga 2, 13-15): + Lễ Vượt Qua của dân Do Thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem: Vào thời Đức Giêsu, lễ Vượt Qua là một trong ba đại lễ, buộc người Do Thái ở khắp nơi phải hành hương về đền thánh Giêrusalem để sát tế và ăn bữa tiệc chiên vượt qua, kỷ niệm biến cố Xuất Hành, trong đó Đức Chúa dùng Môsê, giải phóng con cháu Giacóp là dân Do Thái khỏi ách làm nô lệ cho dân Ai cập. + Người thấy trong Đền Thờ: Đền Thờ là dấu chỉ Đức Chúa hiện diện giữa dân Người. Câu hỏi: Theo lịch sử dân Ítraen thì đã có bao nhiêu Đền Thờ được xây dựng tại Giêrusalem và cấu trúc của các Đền Thờ ấy thế nào? Đáp: Không kể đền thờ tạm là Nhà Lều trong thời gian 40 năm dân Do Thái đi qua sa mạc, còn có ba Đền Thờ được xây dựng tại Giêrusalem là Đền Thờ Salômon, Đền Thờ Sau Lưu Đầy và Đền Thờ Hêrôđê như sau: Đền thờ Salômon: Dưới triều vua Đavít, tuy Hòm Bia đã được đem về Giêrusalem, nhưng vẫn còn được để giữa Mái Lều Vải Nhà Tạm (x.2 Sm 6,17). Vua Đavít muốn xây một Đền Thờ để kính Đức Chúa. Nhưng ngôn sứ Nathan tuyên sấm lời Đức Chúa là sẽ dành việc xây dựng ấy cho con của ông (x.2 Sm 7,2.13). Sau đó, vua Salômon đã thực hiện ý định của vua cha Đavít vào năm 970 và Đền Thờ đã được hoàn tất sau 7 năm thi công (1 V 6,37-38). Đền Thờ này nằm giữa một khu đất rộng là Sân Trước. Tại đây có Bàn Thờ Toàn Thiêu bằng đồng (x. 1 V 8,64). Đền Thờ có chiều dài ba mươi thước, chiều rộng mười thước và chiều cao mười lăm thước, gồm Gian Tiền Đình, Gian Cung Thánh và Nơi Cực Thánh. Tại Gian Cung Thánh có Bàn Thờ Hương, Bàn Bánh Tiến và Mười Chân Đèn bằng vàng (x. 1 V 6,20-21; 7,48-49). Nơi Cực Thánh nằm giữa Đền Thờ có một Bàn Thờ bằng gỗ bá hương và được dát bằng vàng ròng (x.1 V 6,2. 16-22). Tại Nơi Cực Thánh, Hòm Bia Giao Ước được đặt ngay dưới đôi cánh của hai bức tượng Thần sứ Kêrubim. Vào năm 586 trước Công Nguyên, quân Babylon xăm lăng tàn phá thành Giêrusalem và Đền Thờ Salômon này cũng bị phá hủy. Các báu vật trong Đền Thờ đã bị chiếm đoạt mang về Babylon. Đền thờ sau lưu đày: Được xây trên nền của Đền Thờ cũ và kích thước cũng như trước. Đền Thờ này kém bề thế hơn và Nơi Cực Thánh để trống không. Trong Gian Cung Thánh có đặt một Chân Đèn 7 Ngọn thay cho 10 ngọn đèn như trong Đền Thờ Salômon trước đó. Dân hồi cư trước hết đã tái lập Đền Thờ Toàn Thiêu. Việc xây dựng Đền Thờ Kéo dài trong 5 năm và được thánh hiến vào năm 515 trước Công Nguyên. Năm 169 Đền Thờ này lại bị vua Antiôcô IV chiếm đoạt và xúc phạm. Đến năm 164, Giuđa Máccabê đã thanh tẩy Đền Thờ, lập một Bàn Thờ Toàn Thiêu mới và trang hoàng lại Gian Cung Thánh. Đền thờ Hêrôđê: Để tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng, Hêrôđê đã mở rộng chu vi và trang trí lại bên trong Đền Thờ. Công việc trùng tu Đền Thờ bắt đầu từ năm 20 trước Công Nguyên và đến năm 26 sau Công Nguyên mới tạm xong và được tổ chức khánh thành các công trình chính (x.Ga 2,20). Sau đó việc trùng tu Đền Thờ lại tiếp tục đến năm 63 sau Công Nguyên mới chấm dứt. Về mặt cấu trúc: Đền Thờ có bốn hàng cột nằm ở ba mặt của Đền Thờ: Về phía Đông có hành lang Salômon (x. Cv 3,11; 5,12); Phía Tây Bắc có pháo đài Antônia thông ra sân ngoài. Nơi đây thường xuyên có một tiểu đoàn quân lính Rôma trú đóng, mục đích giữ gìn an ninh trật tự trong các dịp lễ lớn của dân Do Thái và sẵn sàng trấn áp bạo loạn (x. Cv 21,31-37). Đền Thờ có bốn cổng lớn. Một bức tường bằng đá được dùng làm ranh giới cấm lương dân vượt qua. Nội vi Đền Thờ có nhiều sân: Bên ngoài bức tường đá là sân lương dân, là nơi các luật sĩ thường lui tới bàn luận với nhau (x. Cv 3,11). Sân nữ giới nằm giữa nơi có dân chúng ra vào và ăn thông với Cửa Đẹp (x. Cv 3,2). Tiếp theo là sân Ítraen dành cho nam giới. Cuối cùng là sân Tư Tế. Tại đây có đặt một Bàn Thờ Toàn Thiêu. Cách đó 10 thước, toàn bộ thánh điện được thiết kế giống như Đền Thờ ngày xưa gồm Tiền đường, Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh. Về số phận của Đền Thờ Hêrôđê: Đức Giêsu đã tiên báo sự sụp đổ của Đền Thờ này (x. Lc 21, 5-7). Người cũng báo cho các tín hữu biết trước về ngày thành Giêrusalem bị quân thù kéo đến bao vây và sẽ bị tiêu diệt. Sự kiện này được coi như hình bóng của Ngày Tận Thế (x. Lc 21,20-28). Quả thật, lời tiên báo của Đức Giêsu đã trở thành hiện thực: Dân Do Thái đã nổi loạn và quân Rôma do tướng Titô chỉ huy đã đến bao vây Giêrusalem. Đến ngày mùng 06 tháng 8 năm 70, thành đã bị thất thủ. Trong lúc hỗn loạn, một tên lính Rôma đã ném một bó đuốc vào trong Đền Thờ, lửa bốc cháy tấm màn che giữa Gian Cung Thánh và Nơi Cực Thánh và toàn bộ Đền Thờ đã bị thiêu hủy. Chỉ một ít đồ thánh như chân đèn 7 ngọn và Bàn Thờ Dâng Bánh còn sót lại và được mang về Rôma như chiến lợi phẩm (x. Dcr 14,1). + Có những kẻ bán chiên bò bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền: Tại sân lương dân, các Tư Tế cho một số người bán chiên, bò và chim câu... để dân chúng mua mà dâng làm lễ vật cúng tế trong Đền Thờ (x. Ga 2,14; Lc 2,24). Cũng có cả những người ngồi đổi tiền từ đồng tiền của Rôma lưu hành ngoài xã hội, trên đồng tiền có hình và ký hiệu của hoàng đế Xêda (x. Lc 20,24-25), nên bị cấm lưu hành trong Đền Thờ. Dân Do Thái muốn đóng thuế Đền Thờ hay góp tiền trùng tu Đền Thờ (x. Lc 21,1-2) thì trước hết phải đổi từ tiền của Rôma thành tiền của Đền Thờ tại bàn đổi tiền rồi mới được đóng góp (x. Ga 2,14). + Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ: Sự bất kính do bọn con buôn gây ra như thế khiến Đức Giêsu rất đau lòng. Người nổi cơn thịnh nộ và đã dùng giây thừng cột thú vật được ném bừa bãi ở nơi đó, chấp lại thành roi rồi dùng roi ấy đánh đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ. * Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán". Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: "Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân". Người Do Thái hỏi Đức Giêsu: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?" Đức Giêsu đáp: "Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại" (Ga 2,16-19): + "Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán": Nói câu này, Đức Giêsu tự xưng là Con Thiên Chúa. "Nơi buôn bán" hay "hang trộm cướp" là kiểu nói diễn tả tình trạng bất kính ở trong Đền Thờ, một nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa! Thế là ứng nghiệm lời các ngôn sứ đã tuyên sấm quở trách dân Do Thái xưa (x. Gr 7,11). + "Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân": "Sẽ phải thiệt thân" nghĩa là "sẽ phải chết". Như vậy ý nghĩa lời Thánh Vịnh 69,10 như sau: lòng nhiệt thành với Đền Thờ sẽ dẫn Đức Giêsu đến chỗ bị người đời bách hại (x.Ga 15,5). + Người Do Thái hỏi Đức Giêsu: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?": "Người Do Thái" trong câu này ám chỉ các chức sắc Đền Thờ như các Tư Tế và Lêvi. Họ bực tức khi thấy Đức Giêsu đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ. Do đó họ hạch hỏi Đức Giêsu dựavào dấu lạ nào để chứng minh mình được Thiên Chúa sai đến thực sự và có quyền xua đuổi con buôn như thế. Trước đây họ cũng nhiều lần đòi Đức Giêsu chứng minh Người được Thiên Chúa sai đến, bằng cách phải làm phép cho họ thấy mà tin Người (x. Mt 12,38; Mc 8,11; Lc 11,16). + "Các ông cứ phá Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại": Ở đây, Đức Giêsu cho họ một phép lạ làm chứng Người được Thiên Chúa sai đến, là phép lạ Người sẽ sống lại nội trong ba ngày. Tuy nhiên Đức Giêsu xử dụng kiểu nói dụ ngôn mà các ngôn sứ hay dùng là đã gọi thân thể của mình là Đền Thờ. Câu này có nghĩa là: Dù họ có giết chết Người thì cũng chỉ trong ba ngày Người sẽ sống lại. * Người Do Thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?" Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết chổi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó. Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói (Ga 2,20-22): + Phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong: Các đầu mục Do Thái đã hiểu sai ý của Đức Giêsu. Họ hiểu lời Người theo nghĩa đen nên mới nói về thời gian xây dựng Đền Thờ mất 46 năm (Khởi công năm 20 trước Công Nguyên và đến năm 26 sau Công Nguyên mới tạm hoàn thành những công trình chính), đang khi ý Đức Giêsu ám chỉ Đền Thờ là Thân Thể của Người. Sau này khi Thượng Hội Đồng Do Thái xét xử Đức Giêsu do Caipha chủ tọa có hai kẻ đứng ra cáo gian rằng: "Tên này đã nói: Tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày sẽ xây cất lại" (Mt 26,61). Họ cũng nhắc lại điều tố cáo này khi lăng nhục Người trên thập gía (x. Mt 27,40). + Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người: Thân Thể Đức Giêsu phục sinh là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình ra cho loài người (x. Ga 1,14). Thân Thể ấy là Đền Thờ Mới, là nơi thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật (x. Ga 4,23-24). + Khi Người từ cõi chết chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó: Chỉ dưới ánh sáng Phục Sinh và được ơn Thánh Thần tác động, các môn đệ mới hiểu chính xác về lời nói và việc làm của Đức Giêsu (x. Ga 12,16; 14,26). + Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói: Lời Thiên Chúa trong Kinh Thánh và Lời Đức Giêsu tiên báo đều đã được ứng nghiệm (x. Ga 18,9.32). Do đó cả hai đều được các môn đệ tôn trọng. * Trong lúc Đức Giêsu ở Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. Nhưng chính Đức Giêsu không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người (Ga 2,23-25): + Nhiều kẻ tin vào danh Người. Nhưng chính Đức Giêsu lại không tin họ: Phép lạ chỉ kích thích trí tò mò làm cho người ta đến xem để biết thực hư ra sao. Nhưng đức Tin là bởi nghe (x. Rm 10,17) chứ không bởi thấy, như lời Đức Giêsu Phục Sinh nói với Tôma: "Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"(Ga 20,29). Một số khá đông dân chúng tin Đức Giêsu vì đã thấy các phép lạ Người làm (x. Ga 12,17-18). Nhưng đức tin dựa trên mắt thấy như vậy là đức tin bất toàn và không bền vững. Do đó Đức Giêsu không mấy tin các tín hữu này. Thực vậy, khi bị xét xử trước tòa quan Philatô, trong số đám đông dân chúng đòi kết án tử hình thập gía cho Đức Giêsu, chắc không thiếu những kẻ đã từng tin và hoan hô Người là "Con Vua Đavít", "Đấng nhân Danh Chúa mà đến!" lúc Người khải hoàn vào thành Giêrusalem (x. Lc 19,37-38; Ga 12,12-15). Đàng khác, không phải cứ trông thấy phép lạ là người ta sẽ tin. Các kẻ thù của Đức Giêsu đã từng chứng kiến bao phép lạ người làm, thế mà họ đâu có tin. Ngược lại còn quyết tâm tiêu diệt Người nữa (x. Ga 11,45-53). Họ xuyên tạc để lôi kéo dân chúng đừng tin theo Người, như nói rằng: "Ông ta nhờ tướng quỉ mà trừ quỉ" (Mc 3,22). + Người biết họ hết thảy: Thánh gioan đã ghi lại nhận xét này khi thấy dân chúng nô nức đi theo Đức Giêsu. Người biết rõ ý của họ và đã nói thẳng với họ rằng: " Thật, tôi bảo thật các ông: Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê!" (Ga 6,26). Trong phép lạ chữa bệnh nhân bại liệt, Mátthêu cũng viết: "Đức Giêsu biết ý nghĩa của họ liền nói: Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy?..." (Mt 9,4). II. HỌC SỐNG LỜI CHÚA 1) "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây. Đừng biến Nhà Cha tôi thành nơi buôn bán" (Ga 2,16): Câu chuyện: Tiếng chim hót trong bụi mận gai. Thỉnh thoảng đài truyền hình VN lại cho chiếu bộ phim "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" mà tác gỉa là một nữ văn sĩ người Úc theo đạo Tin Lành. Khi viết cuốn tiểu thuyết này, bà đã đứng trên quang điểm của đạo Tin Lành để phê phán luật độc thân của hàng giáo sĩ Công Giáo. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng là cơ hội để chúng ta suy nghĩ về sức mạnh của đồng tiền ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn Giáo Hội. Câu chuyện về một linh mục là Cha Ráp (Ralph). Ráp là một linh mục trẻ nhiều tài năng nhưng cũng đầy tham vọng. Vị linh mục này có khá nhiều ưu điểm, có sức cuốn hút nhiều người đến với mình. Nhưng đồng thời ông ta cũng muốn được nổi danh và ham mê tiền bạc. Trong số các người mến mộ Cha Ráp, có một bà già quí phái giàu có. Bà quí mến Cha cách đặc biệt nhưng không được đáp lại, nên tình yêu đã biến thành thù hận. Thay vì trả thù theo kiểu thường tình, thì người đàn bà này có sáng kiến gài bẫy để bôi đen cuộc đời vị linh mục trẻ: Trước khi chết, bà đã làm tờ di chúc dâng cúng toàn bộ tài sản kếch sù của bà cho Giáo Hội Công Giáo, với điều kiện duy nhất là Giáo Hội phải cử Cha Ráp làm quản lý số tài sản đó. Cách trả thù của bà quí phái giàu có đã thành công: Cha Ráp dần dần được cất nhắc lên địa vị khá cao trong Giáo Hội. Nhưng đồng thời chính đồng tiền mà Cha quản lý đã làm cho đời sống tinh thần của Cha ngày một xuống cấp và cuối cùng Cha đã sa ngã vào các đam mê tội lỗi, trái với sự tình nguyện "sống độc thân vì Nước Trời" mà Cha đã khấn hứa. Suy nghĩ và thảo luận: + Suy nghĩ: Câu chuyện trên dầu sao cũng nói lên một thực tại: Hễ là người thì dù ở trong bất cứ hoàn cảnh hay bậc sống nào, nếu không biết khôn ngoan phòng tránh, thì đều có nguy cơ bị ngã gục trước sức mạnh của đồng tiền! Thực ra: Tiền của là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống: "Đồng tiền liền khúc ruột!", hay như lời Chúa dạy: "Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó" (Mt 6,21). Tiền bạc giúp người ta sống xứng với nhân phẩm: "Phú quí sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc!". Tiền bạc cần để duy trì các hoạt động của mọi tổ chức từ trên xuống dưới, mà còn làm được rất nhiều việc hữu ích về phụng vụ, truyền giáo, bác ái xã hội, phục vụ những người nghèo khổ, bệnh tật và bất hạnh... Tuy nhiên, "Tiền của sẽ là một đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu". Bao lâu ta coi đồng tiền là phương tiện thì nó giúp ta làm được rất nhiều việc tốt đẹp hữu ích cho Chúa và tha nhân. Vì "có tiền mua tiên cũng được!". Nhưng nếu ta quá coi trọng đồng tiền, biến nó trở thành mục đích cuộc đời mình. Nếu lúc nào ta cũng lo kiếm tiền bằng bất cứ giá nào, thì bấy giờ đồng tiền sẽ trở thành ông chủ và sẽ sai khiến ta ăn ở bất công với người dưới, bất nhân độc ác khi cố tình làm ngơ trước nỗi đau của đồng loại, hoặc khi tranh chấp quyền lợi với đối phương, gian dối và lừa đảo trong các quan hệ kinh doanh làm ăn, vô lương tâm và không còn nghĩ tới tội phúc, thưởng phạt đời sau... + Thảo luận: Theo bạn thì việc thờ phượng Thiên Chúa tại nhà thờ và làm chứng cho Đức Kitô ngoài xã hội, Giáo Hội có cần tiền bạc không và cần tiền làm gì? Bạn sẽ làm gì để giúp Giáo Hội có tiền bạc để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân cách tốt đẹp hơn? Giả như Đức Giêsu sắp đến viếng thăm bạn, vậy cần phải cấp thời thanh tẩy những gì trong tâm hồn của bạn để tránh bị Người nổi giận? 2) Tránh trở nên chướng ngại vật cản trở tha nhân tìm đến với Chúa: Câu chuyện: Niềm tin của Thánh Găngđi nước Ấn độ: Khi còn là một sinh viên, Găngđi (Mahatma Gandhi) được du học tại Nam Phi một thuộc địa của nước Anh. Tại đây nổi tiếng về tệ nạn phân biệt chủng tộc. Trong thời gian này, Găngđi có dịp đọc Kinh Thánh của Kitô giáo và lập tức ông bị giáo thuyết của Đức Giêsu cuốn hút, nhất là kinh Tám Mối Phúc thật trong phần Bài Giảng Trên Núi. Ong rất tâm đắc trước lời Chúa dạy về một tình yêu phổ quát và bình đẳng giữa mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, là Do Thái hay lương dân...Găngđi nghĩ rằng: Có lẽ Kitô giáo chính là giải pháp tối ưu và hữu hiệu để giải quyết tận gốc sự phân biệt giai cấp trong xã hội An Độ quê hương của ông. Găngđi nghĩ mình nên tìm hiểu và sớm gia nhập vào Kitô giáo. Ngày nọ, Găngđi có ý định đi bộ đến một nhà thờ để mong được chứng kiến lễ nghi trong đạo và cũng để tìm hiểu thêm về giáo lý Công Giáo. Tuy nhiên, khi ông bước đến cửa nhà thờ thì bị người giữ cửa chặn lại và không cho ông bước vào nhà thờ. Bấy giờ ông cho biết ý định tìm hiểu đạo của mình. Nhưng thật là bất ngờ khi người giữ cửa lại nói như sau: "Đây là Nhà thờ dành riêng cho người da trắng. Nếu mi muốn tìm hiểu đạo, thì hãy tìm đến Nhà thờ khác dành riêng cho dân da màu mà xin!". Găngđi rất tức giận và bỏ về nhà, ông ghi lại cảm tưởng trong nhật ký của ông như sau: "Tôi rất thán phục Đức Giêsu và giáo thuyết đầy tình nhân ái khoan dung của Người. Thế nhưng tôi rất bất mãn mỗi khi tiếp xúc với các tín hữu là môn đệ của Người! Nếu trong đạo Kitô mà cũng còn phân biệt chủng tộc như vậy, thì Kitô giáo đâu có hơn gì Ấn Giáo có phân biệt giai cấp của tôi? Thôi, tôi cần chi phải gia nhập đạo này. Tốt nhất là tôi cứ chấp nhận có bất toàn trong Ấn Giáo và cố gắng sống theo giáo lý truyền thống của cha ông là đủ!". Suy niệm: Vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta chắc cũng có lần trở thành một chướng ngại vật, ngăn cản anh chị em lương dân tìm đến gặp Chúa. Chỉ cần một lời nói sẵng giọng và thiếu tế nhị, một thái độ lạnh nhạt thiếu nhã nhặn hay một cử chỉ khinh dễ coi thường tha nhân, một hành động hẹp hòi ích kỷ trái với tinh thần quảng đại vị tha của Tin Mừng hoặc một gương mù gương xấu nơi vị chủ chăn...là có thể chúng ta đã xua đuổi anh chị em lương dân ra khỏi nhà thờ và sau này họ khó còn cơ hội nào khác để trở lại. 3) Cứ phá đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại (Ga 2,19): Câu chuyện: Tiền vào nhà, Chúa đi ra: Ở bên Pháp, có đôi vợ chồng bác nông dân kia làm tá điền cho một ông bá tước giàu có. Đội vợ chồng này tuy nghèo nhưng lại có lòng đạo đức. Mỗi buổi sáng, khi vừa nghe tiếng chuông nhà thờ là hai vợ chồng đã lập tức thức dậy và mau mắn đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và Rước lễ sốt sắng. Sau lễ, họ trở về nhà, vội ăn sáng rồi vác cuốc ra đồng làm việc và mãi đến chiều tối mới trở về nhà. Ngày nào hai vợ chồng cũng đều đọc kinh tối chung với nhau trước khi ngủ. Họ luôn sốngvui vẻ hòa thuận và chưa hề nghe họ cãi vã to tiếng với nhau bao giờ. Họ được mọi người trong làng khen ngợi bình chọn là một gia đình đạo đức tiêu biểu và họ trở thành gương sáng cho các đôi vợ chồng khác học tập noi theo. Ông chủ đất này muốn thử xem lòng đạo đức của đôi vợ chồng tá điền kia có thật hay không. Một hôm, ông sai gia nhân mang một túi đựng 100 đồng tiền vàng đến bí mật để ngay trước cửa nhà của đôi vợ chồng bác tá điền. Sáng hôm ấy, khi mở cửa đi lễ như thường lệ thì phát hiện ra một túi tiền vàng được ai đó để trước cửa nhà. Thế là đôi vợ chồng thôi không đi lễ nữa và vội đóng cửa lại để đếm tiền. Đếm đi đếm lại mãi, đến nỗi họ chẳng thiết gì đến ăn uống và không ra đồng làm việc. Sau khi đã nắm vững số tiền đang giữ, hai vợ chồng bàn định tìm chỗ để cất giấu cho an toàn. Mỗi người một ý không ai chịu ai cả, và lần đầu tiên họ đã cãi vã nhau. Cuối cùng họ nhất trí sẽ để túi tiền ngay dưới gối và nằm đè lên cho chắc ăn. Tuy vậy, họ vẫn khống yên tâm, nên cả hai đều không dám rời xa chiếc giường. Thực đúng như lời Chúa đã phán: "Kho tàng của ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó" (Mt 6,21). Lúc nào tâm trí họ cũng nghĩ tới số tiền kia đến dộo ăn uống ngủ nghĩ thất thường. Cũng từ hôm ấy, hai vợ chồng chẳng còn tha thiết cùng đi dâng lễ mỗi sáng và đọc kinh tối chung với nhau nữa! Lòng họ lúc nào cũng lo sợ sẽ có ngày chủ nhân túi tiền đến đòi lại số tiền ấy. Sau một tuần căng thẳng, cả hai vợ chồng đều suy nhược và bị cảm ho đau nhức phải nằm liệt giường. Khi biết rõ tình trạng của đôi vợ chồng này, một hôm ông bá tước đã đến thăm hỏi. Trong cuộc nói chuyện, ông đã ôn tồn giải thích cho đôi vợ chồng biết nguyên nhân gây ra bệnh của họ. Ông cũng tường thuật cặn kẽ các việc ông đã làm cách đó một tuần để chứng minh lời Đức Giêsu nói: "Không ai có thể làm tôi hai chủ!...Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được" (Mt 6,24), và lời thánh Phaolô: "Lòng yêu mến tiền của là căn nguyên của mọi sự dữ" (1 Tm 6,10). Ông bá tước đã thuyết phục được đôi vợ chồng tá điền sẵn lòng trả lại túi vàng cho ông không thiếu đồng nào. Cũng từ lúc đó, đôi vợ chồng tá điền đã tìm lại được sự bình an trong tâm hồn. Họ lại vui tươi yêu đời, sớm hôm đọc kinh dự lễ để thờ phượng Chúa, phó thác cuộc sống trong tay Chúa Quan Phòng, và thực thi giới răn yêu thương như Đức Giêsu đã dạy. |