Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm B
ĐỀN THỜ MỚI LÀ THÂN MÌNH CHÚA GIÊSU

Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Bối cảnh của câu chuyện Tin mừng chúa nhật tuần 3 mùa chay là lễ Vượt qua của những người do thái, cuộc lễ mà hằng năm những người do thái cử hành để tưởng nhớ sự kiện họ được Thiên Chúa giải thoát khỏi nô lệ Ai cập để đưa vào đất hứa. Những ai có điều kiện đều cố gắng để đi dự lễ ở Giêrusalem để tưởng niệm sự kiện vượt qua và để cầu nguyện với Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng có mặt ở đây vào dịp lễ này và khi nhận thấy nhiều người buôn bán chiên bò và đổi tiền, Người đã nổi giận và chắp dây thừng làm roi đánh đuổi những người buôn bán chiên bò và hất tung bàn của những người đổi tiền.

          Đối với những người do thái, Đền thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân người, là nơi để con người đến cầu nguyện và nhận những phúc lành của Thiên Chúa ban. Dầu vậy, đền thờ có thể bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích do bởi con người dùng làm nơi buôn bán trục lợi cho mình. Chúa Giêsu đã nổi giận và dùng roi đánh đuổi những người buôn bán chiên bò và đổi tiền, đồng thời người loan báo một dấu chỉ mới là « đền thờ thân thể người », sẽ không còn bị hư đi vì những việc mua bán lạm dụng của con người và đền thờ này sẽ lôi kéo  mọi người đến với mình để được ơn sủng cứu độ. Đền thờ mới này dù có bị con người phá hủy, ám chỉ cái chết thập giá của người, nhưng sẽ được xây dựng lại mau chóng nội trong ba ngày. Chúa Giêsu ám chỉ sự phục sinh vinh quang của người sau cái chết thập giá. Nơi Chúa Giêsu và nơi những sự kiện xảy ra trong cuộc đời của người thì những dấu chỉ như đền thờ và lễ vượt qua của do thái giáo sẽ mặc một ý nghĩa mới và quyết định. Thân thể của người sẽ là đền thờ mới nơi sẽ tuôn trào mọi ân sủng cứu độ, và cái chết thập giá của người là cuộc vượt qua quyết định để đi từ sự chết đến sự sống muôn đời.

          Nơi đền thờ Giêrusalem, những người buôn bán thường được sắp xếp ở  sân trước đền thờ, chỗ dành cho chư dân chứ không phải ở bên trong đền thờ, để những khách hành hương khi đến đây thuận tiện đổi tiền và mua chiên bò làm lễ vật. Chúa Giêsu, khi nhìn thấy cảnh tượng này, người đã nổi giận và dùng roi đánh đuổi những người buôn bán vì cho rằng như thế là làm ô uế đền thờ. Hành động của Chúa Giêsu thuộc về những hành động các tiên tri thường làm để diễn tả sứ điệp của các ngài. Chúng ta có thể nhớ lại những hành động của các tiên tri như Giêrêmia tiên báo sự phá hủy của đền thờ Giêrusalem (7,1-14), hoặc Malakhia (3,1) hoặc của tiên tri Isaia (56,7). Chúa Giêsu muốn diễn tả rằng những gì các tiên tri đã loan báo về việc thanh tẩy đền thờ ở thời đại cuối cùng đang diễn ra. Đây là lúc đền thờ Giêrusalem được thanh tẩy và mọi người phải cố gắng để đón nhận thực tại mới. Những lời Chúa Giêsu nói khi người xua đuổi những người mua bán chiên bò và hất tung bàn của những người đổi tiền là đòi hỏi họ chấm dứt những việc làm bất xứng này trong nhà của cha người : «hãy đem những thứ này đi khỏi đây và đừng làm nhà cha ta thành nơi buôn bán ». Chúa Giêsu đã hành động như người bảo vệ quyền của Thiên Chúa và mạc khải tương quan duy nhất của người với Chúa Cha. Chỉ có người hiểu biết Cha và chỉ có người có quyền đòi hỏi mọi người phải tôn trọng đền thờ của Thiên Chúa là Cha người cách phù hợp. Những người do thái liền đặt câu hỏi bởi đâu người có quyền làm như vậy, và họ đòi người cho họ một dấu chỉ để làm bằng chứng. Chúa Giêsu đã trả lời và cho họ một dấu chỉ bí ẩn là chính thân xác người mà những người do thái không hiểu : «Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại ».

          Nhờ những câu bình luận của tác giả Tin mừng Gioan, chúng ta có thể hiểu hơn về hành động thanh tẩy đền thờ của Chúa Giêsu. Tác giả hiểu sự cô đơn của Chúa Giêsu, các môn đệ và dân chúng không hiểu người, nhất là do bởi số phận bi đát của người sẽ bị những thượng tế và luật sĩ cũng như dân chúng loại trừ : sự nhiệt thành vì nhà Chúa của người dẫn người lần hồi đến cái chết. Dầu vậy, Chúa Giêsu vẫn luôn xác tín con đường thập giá mà người đón nhận sẽ dẫn tới sự phục sinh vinh quang, người xác tín Chúa Cha sẽ phục sinh người và vì thế, người sẽ là đền thờ mới, là thực tại trọn vẹn mà đền thờ Giêrusalem chỉ là hình bóng và là dấu chỉ.  Những điều này, các môn đệ chỉ có thể hiểu được ý nghĩa khi người Phục sinh : «Khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lại lời đó, nên các ông mới tin Kinh thánh và tin lời Chúa Giêsu ». Vì thế, sự hiện diện của Thiên Chúa và hành vi cứu độ quyết định của Thiên Chúa đối với dân người không phải nơi đền thờ Giêrusalem, được xây dựng bởi gạch đá nhưng là nơi chính Thân mình của Chúa Giêsu. Dấu chỉ sống động của sự hiện diện của Thiên Chúa không ở một nơi nào, dù là đền thờ Giêrusalem, nhưng là nơi con người sống động của Chúa Giêsu.

Vì thế, lời mời gọi của Chúa Giêsu khi trả lời câu hỏi của những người do thái, là hãy nhìn ngắm và tìm kiếm dấu chỉ sống động của Thiên Chúa ở giữa họ. Dấu chỉ mà Chúa Giêsu ban tặng chính là việc người bị treo trên thập giá và được sống lại trong vinh quang. Thánh Phaolô khai triển trong bức thư gửi tín hữu Côrintô ý nghĩa của dấu chỉ thập giá. Dấu chỉ mà Thiên Chúa ban tặng cho con người lại là thập giá, sự vấp phạm đối với những người do thái, và là sự điên rồ đối với những người hy lạp, nhưng lại là khôn ngoan của Thiên Chúa. Đối với những người do thái, người bị đóng đinh trên thập giá là đồ bị chúc dữ và là tội nhân, mà tội nhân thì không thể thuộc về Thiên Chúa được. Đối với những người hy lạp, người bị treo trên thập giá là kẻ điên rồ, bởi vì những người khôn ngoan thì được danh giá và được mọi người kính trọng, chỉ có những người ngu dốt, làm điều gian ác mới bị trừng phạt tủi nhục như thế. Nhưng thánh Phaolô cảm nghiệm được rằng điều mà con người cho là vấp phạm và điên rồ lại là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự điên rồ của Thiên Chúa vượt xa sự khôn ngoan của loài người và sự yếu đuối của Thiên Chúa vượt xa sức mạnh của loài người bởi vì Thiên Chúa có thể làm cho Đức Giêsu phục sinh từ trong cõi chết.

Những thực tại mới của mầu nhiệm thập giá và sự phục sinh vinh quang của Đức Giêsu là điều đảo lộn đối với lối suy nghĩ hẹp hòi của những người do thái  vốn quen với những cách suy nghĩ bình thường cố hữu : thân xác của người sẽ là đền thờ đích thực nơi mà Thiên Chúa hiện diện và cứu độ nhờ bởi việc đón nhận cái chết thập giá. Những thực tại mới này cũng đảo lộn những suy nghĩ bình thường của mỗi người chúng ta vốn thường tìm kiếm những thành công, vinh quang, của cải ở trần gian. Chúng ta ít khi hình dung những đau khổ, những thất bại, những khó khăn vất vả của những việc chu toàn bổn phận hằng ngày lại là điều kiện của việc tham dự vào sự vượt qua từ thân phận phải chết để đạt đến sự sống phục sinh vinh quang. Chúa Giêsu đã sống thực mạnh mẽ xác tín vào sức mạnh phục sinh của Cha người, và người lôi kéo chúng ta bước theo người để đạt đến sự phục sinh vinh quang. Chúng ta cũng được mời gọi hiến dâng chính đền thờ là thân xác mình bằng cách chết đi chính mình, hy sinh tính ích kỷ và tham muốn của mình, diệt trừ những tính hư tật xấu và cố gắng để sống phục vụ với lòng yêu mến Chúa và yêu thương phục vụ mọi người.