Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm B
ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA
Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP.

 

          Các bài đọc Chúa nhật hôm nay nói về lề luật của Chúa và đền thờ của Ngài. Ngài ban bố lề luật qua ông Maisen và dùng Con Ngài là Đức Giêsu Kitô để nói về đền thờ. Luật của Chúa là đường lối dẫn con người đến hạnh phúc, còn đền thờ của Ngài là nơi chúng ta đến gặp gỡ, tiếp xúc với Ngài, hầu chúng ta tìm được niềm tin và sức mạnh cho tâm hồn.

 

          Mỗi người có nhiều đền thờ vật chất nhưng chỉ có một đền thờ thiêng liêng là thân xác mình theo lời thánh Phaolô dạy:”Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao”?(1Cr 3,16). Chúng ta có nhiệm vụ phải tôn trọng và bảo vệ cả hai loại đền thờ đó bằng bất cứ giá nào dựa vào Thánh kinh:”Lòng nhiệt thành lo việc nhà Chúa làm hao tổn thân tôi”(Tv 68.10). Hãy tôn trọng thân xác mình và đừng biến nó thành hang trộm cướp. Đừng để cho của cải vật chất chi phối tâm hồn mình. Hãy biến thần Mammon thành đầy tớ trung thành phục vụ ta, và hãy cố gắng biến thân xác và linh hồn  mình thành”Ngôi Thánh Đường” của Thiên Chúa.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          Bài đọc 1 : Xh 20,1-17.

 

          Thiên Chúa đã dùng ông Maisen giải phóng dân Israel ra khỏi ách nộ lệ của Ai cập. Khi đến núi Sinai, Thiên Chúa ban bố lề luật cho Maisen và ông đã truyền lại cho dân chúng. Luật ấy được gọi là “Thập giới” hay “Mười điều răn”. Đối với họ “mười điều răn” là cách đọc được ý muốn của chính Thiên Chúa ngõ hầu sống hiệp thông với Ngài. Đó chính là điểm cốt lõi, cho dầu phần lớn các điều răn còn được thấy ở những nơi khác ngoài Israel.

 

          Thập giới không phải là xiềng xích nặng nề, kìm hãm tự do con người, nhưng là luật chỉ đạo của Thiên Chúa để hướng dẫn và bảo đảm bước đường tiến tới tự do và hạnh phúc. Thiên Chúa đòi Israel phải tuyệt đối trung thành và tuân giữ các điều răn của Ngài. Có như vậy, Ngài mới là Chúa của Israel và Israel là dân riêng của Ngài. Ngày nay, chúng ta là dân riêng của Ngài. Điều  mà Ngài đòi hỏi Israel cũng là điều Ngài đòi hỏi chúng ta ngày nay.

 

          Bài đọc 2 : 1Cr 1,22-25.

 

          Thánh Phaolô rao giảng Đức Kitô bị đóng đinh. Theo Ngài, nhờ thập giá Đức Kitô, chúng ta đến được với Chúa Cha, nhưng thập giá lại là điều ô nhục đối với người Do thái và là sự điên rồ đối với người Hy lạp. Người Do thái mong đợi Đấng Cứu thế quyền năng chứ không hèn yếu ; người Hy lạp trông một sự can thiệp của Thiên Chúa phù hợp với sự khôn ngoan của họ, và đối với Đấng ấy, cái chết không được phép chạm đến.

 

          Nhưng thánh Phaolô lại quả quyết rằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa thể hiện rõ nhất nơi thập giá và sự khôn ngoan của Thiên Chúa trổi vượt hơn sự khôn ngoan của con người. Do đó, Ngài tự hào về sự khôn ngoan của thập giá bởi vì sức mạnh của Ngài tỏ lộ trong sự yếu đuối:”Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”.

 

          Bài Tin mừng : Ga 2,13-25.

 

          Thánh Gioan thuật lại việc Đức Giêsu xua đuổi những kẻ buôn bán ở sân đền thở Giêrusalem. Đền thờ là nơi dân Chúa thập phương tụ họp lại để tỏ lòng tôn thờ và dâng tiến lễ vật cho Thiên Chúa. Đền thờ phải là nơi trang nghiêm dành cho việc thờ phượng. Nhưng người ta vì ham lợi lộc đã biến Đền thờ thành nơi buôn bán, ồn ào nhộn nhịp.  Đức Giêsu vì nhiệt thành với Thiên Chúa đã dám chấp nhận nguy hiểm dẫn đến cái chết khi nghĩ đến câu Thánh vịnh:”Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”(Tv 68,10).

 

          Để trả lời cho những thách thức của họ, Đức Giêsu nói:”Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi. Nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”(Ga 2,21). Đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài. Và “Nhà Cha” thực sự từ nay sẽ là “đền thờ thân thể Ngài”, và Ngài sẽ là vị tư tế duy nhất muôn đời. Nhưng nhân tính của Ngài sẽ chỉ giữ vai trò trên sau khi bị phá hủy và trỗi dậy (Ga 2,20).

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.        

                                                Thanh tẩy đền thờ Thiên Chúa.

I. ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA.

 

          Đền thờ là nơi qui tụ mọi người thành cộng đồng tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý là ngợi khen, cảm tạ, cầu nguyện với tinh thần đức tin, đức cậy và đức mến sâu sắc như Đức Maria đã thể hiện trong lời kinh Magnificat (Sách Giáo  lý số 2906-2907).

 

          1. Đền thờ Giêrusalem.

 

          Đền thờ Giêrusalem là một đền thờ nguy nga tráng lệ đã được vua Hêrôđê Cả ra lệnh trùng tu đại qui mô từ năm 19 trước công nguyên và mãi đến năm 63 sau công nguyên mới hoàn thành. Sự kiện Đức Giêsu xua đuổi kẻ buôn bán xẩy ra vào năm 27-28 sau Chúa Giêsu thì việc trùng tu đó kéo dài  46 năm. Điều này rất phù hợp với thánh Luca 3,2 nói về ngày Chúa chịu phép rửa năm 15 đời hoàng đế Tiberiô. Đây là một nêu mốc khá chắc chắn để tính niên lịch của Chúa. Công việc trùng tu đền thờ  đòi hỏi  rất nhiều nhân công. Flavius Joseph nói rằng  khi xong việc người ta phải thải về 18.000 thợ. Như thế mới thấy rằng Đền thờ Giêrusalem lớn lao và đẹp đẽ đến chừng nào.

 

          2. Đức Giêsu xua đuổi người buôn bán.

 

          Vào dịp lễ Vượt qua của người Do thái, Đức Giêsu lên Giêrusalem, thấy người ta đổi tiền, mua bán súc vật làm ô uế Đền thờ, Ngài lấy làm khó chịu xua đuổi họ ra khỏi đền thờ:”Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”.  Cũng nên biết là những người ở xa đến khó có thể đem theo súc vật để hiến dâng, cho nên việc mua bán súc vật trong Đền thờ là cần thiết hay ít ra được dung thứ. Vậy nếu việc mua bán súc vật là tiện lợi cho người từ xa tới, thì sao Đức Giêsu lại tỏ ra khó chịu, lên tiếng cảnh giác những người buôn bán súc vật quanh Đền thờ ?  Thưa chúng ta thấy có một số lý do :

 

          a) Những khách hành hương.

 

          Lễ Vượt qua của người Do thái được tổ chức rất long trọng ở Giêsrusalem. Theo luật pháp, mọi người nam Do thái sống cách xa Giêrusalem trong vòng 25 cây số bắt buộc phải đi dự lễ. Trong các lễ của người Do thái, lễ Vượt qua là lễ trọng nhất. Không phải chỉ có người Do thái trong xứ Palestine đến dự lễ mà các người Do thái ở khắp nơi cũng hướng về quê hương và mong được mừng lễ Vượt qua tại Giêrusalem ít nhất một lần trong đời, giống như người Hồi giáo muốn hành hương về thánh địa La Mecque. Chuyện nghe thật đáng kinh ngạc, nhưng dường như cũng đã có đến 2 .200.000 người Do thái đã tập họp về Xứ thánh dự lễ Vượt qua,

 

          b) Việc dâng của lễ.

 

          Theo thói quen, mỗi khi hành hương lên Giêrusalem mừng lễ người ta thường dâng của lễ bằng con vật sống. Trong sân đền thờ có chỗ bán con vật sống là việc bình thường. Nhưng cái không bình thường là sự lạm dụng. Luật qui định là bất cứ con vật nào dùng làm lễ tế đều phải lành lặn, không tỳ vết. Các chức sắc quản trị đền thờ bổ dụng những người kiểm tra để khám xét con vật, mỗi lần khám xét đều phải trả lệ phí một phần mười hai siếc-lơ. Nếu khách hành hương mua một con vật ngoài đến thờ, chắc chắn con vật ấy sẽ bị từ chối khi khám xét.  Ngoài ra,  mỗi con vật mua trong đền thờ có khi phải trả đắt gấp 15 lần so với giá mua bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bóc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật.  Sự bất công xã hội này càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.

 

          c) Việc đổi tiền.

 

          Luật buộc mỗi người Do thái phải nộp thuế cho đền thờ từ 19 tuổi trở lên. Tiền thuế phải nộp là nửa siếc-lơ, bằng hai ngày lương công nhật. Trong việc giao dịch bình thường, có đủ mọi thứ tiền ở Palestine, nhưng thuế nộp cho đền thờ là một thứ tiền riêng của người Do thái, khách hành hương phải đổi lấy thứ tiền này. Người ta lấy lý do là  các thứ tiền khác bị xem là ô uế không thể dùng để trả nợ cho Thiên Chúa.

 

          Việc đổi tiền bạc có ăn lời đôi chút là chuyện thường. Kinh Talmud qui định:”Mỗi người cần có đồng nửa siếc-lơ, người ấy phải chi cho người đổi bạc chút ít tiền lời”. Nhưng đàng này khách hành hương phải chịu những tệ nạn bọn đổi bạc với giá cắt cổ. Nhìn thấy những sự bóc lột quá đáng như thế, Đức Giêsu bừng bừng nổi giận. Thánh Gioan cho biết là Chúa đã lấy dây bện thành một ngọn roi xua đuổi bọn họ và đạp đổ tung thùng tiền.

 

          3. Đức Giêsu bảo vệ đền thờ.

          Đức Giêsu đã cảnh cáo bọn họ:”Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”(Ga 2,16). Đây cũng là lời quở trách những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã đồng lõa trong việc trần tục hóa và thương mại hóa Đền thờ. Tin Mừng thánh Matthêu (21,14), Marcô (11,17),và Luca (19,36) còn trích sách ngôn sứ Isaia để cảnh giác họ:”Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp”(Is 56,7).

 

          Khi xua đuổi những người buôn bán trong Đền thờ, Đức Giêsu đã bộc lộ cho chúng ta thấy lòng tôn kính của Ngài đối với nhà của Chúa, và để lại cho chúng ta một tấm gương sáng về cung cách tôn kính những nơi thờ phượng như những thánh địa dành riêng cho việc cầu nguyện mà thôi.

 

II. ĐỀN THỜ CỦA CHÚNG TA.

 

1. Hai loại đền thờ.

 

 Khi Đức Giêsu nói với người Do thái :”Hãy phá hủy Đền thờ này đi. Nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Nếu hiểu chữ “Đền thờ” theo nghĩa vật chất thì làm sao xây dựng lại được vì Đền thờ này lớn lao phải dựng lại mất 46 năm mới hoàn thành ? Người Do thái không thể hiểu câu nói của Đức Giêsu và cho đó là câu nói hồ đồ và có tính cách phạm thượng. Nhưng ý Đức Giêsu muốn nói : Đền thờ ấy chính  là thân thể Ngài.

 

          a) Đền thờ vật chất.

 

          Đền thờ vật chất đây là những nhà thờ mà chúng ta xây dựng. Bất cứ một giáo xứ nào, họ giáo nào cũng có một nhà thờ nhà nguyện để giáo dân qui tụ lại tôn vinh Thiên Chúa, nghe lời Chúa và dâng Thánh lễ. Nhà thờ có thể to hay nhỏ, tráng lệ hay bình thường, trang trí bằng mọi hình dạng nhưng luôn phải có vẻ trang nghiên đạo đức.  Ngày nay các nhà thờ đang mọc lên rất nhiều, đó là một điều tốt nhưng rồi người ta lại lơ là với nhà Chúa, không chịu đi dự Thánh lễ, cầu nguyện, làm các việc đạo đức khiến nhà thờ trở nên... hoang vắng như nhiều nhà thờ ở bên Tây phương !

 

          b) Đền thờ thiêng liêng.

 

          Đền thờ thiêng liêng ở đây được hiểu là thân xác chúng ta, con người chúng ta hay là Hội thánh.  Chúng ta không ngại tốn công, tốn của để sửa sang hay xây cất nhà thờ. Dù phải hy sinh đến mấy, miễn là làm được nhà thờ là chúng ta không quản ngại.  Nhưng còn một đền thờ khác nữa, mà có khi chúng ta chưa lo sửa sang cho đủ,  đó là con người chúng ta, thân xác chúng ta. Thánh Phaolô nói :”Thân xác anh em là đền thờ Thiên Chúa, nơi Thánh Thần ngự trị”. Vì vậy, song song với việc lo xây cất nhà thờ ở bên ngoài là xây cất nhà thờ nội tâm với một nền móng vững chắc là đức tin và những sự hiểu biết cần thiết về đạo và những đồ trang trí là những đức tính của một Kitô hữu trưởng thành như khoan dung, quảng đại, thông cảm và tha thứ.

 

          2. Tôn trọng đền thờ chúng ta.

 

          a) Nhiệt thành với đền thờ

          Thánh kinh hôm nay nhắc nhở ta :”Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa hun đúc tâm hồn tôi”(Tv 68.10). Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa phải nhắc nhở cho chúng ta biết tỏ ra tôn kính nhà Chúa, biết giữ sạch sẽ cho nhà Chúa. Lòng nhiệt thành cho nhà Chúa phải nhắc nhở ta dạy dỗ cho con cháu biết phân biệt đâu là nơi thờ phượng. Dạy cho con cháu biết tôn trọng nhà thờ, nơi thờ phượng thì phải giữ nghiêm trang, không la hét, trò chuyện, xả rác... Ta cũng nên xét theo phương diện tích cực xem, ta có thể làm gì để tỏ ra tôn kính nhà Chúa như săn sóc, giữ gìn và bảo vệ nhà Chúa.

 

          Nhìn ra các tôn giáo bạn, ta thấy người Hồi giáo khi vào nhà thờ của họ, phải để giầy ngoài sân. Ta có thể tưởng tượng giả sử có một ngàn người để một ngàn đôi giầy, tức là hai ngàn chiếc bên ngoài, ra khỏi đền thờ đi tìm chiếc giầy nào là của mình trong hai ngàn chiếc giầy thì sẽ lộn xộn và khó khăn như thế nào. Tuy nhiên, để tỏ ra  tôn kính nơi thờ phượng, người Hồi giáo vẫn  giữ điều lệ này cho tới ngày nay.

 

          b) Bênh vực nhà Chúa.

 

          Nói tới việc bênh vực nhà Chúa theo gương Đức Giêsu, chúng ta cũng cần phân biệt hai loại đền thờ, đó là đền thờ vật chất mà mọi người qui tụ về đó để tôn vinh Thiên Chúa. Và còn một đền thờ nữa là con người chúng ta, thân xác chúng ta.

 

          * Bênh vực đền thờ vật chất.

 

          Chúng ta đã có nhà thờ dùng để thờ phượng Chúa, để tổ chức những sinh hoạt phụng vụ hay làm các việc đạo đức. Ai cũng yêu mến nhà thờ của mình. Ai cũng bênh  vực, không để cho người khác phạm đến nhà thờ. Có khi chúng ta chịu đổ máu để bênh vực nhà thờ của chúng ta.  Nhưng chúng ta phải lưu ý : nhà thờ là nhà của muôn dân, nơi dành cho mọi người đến cầu nguyện, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, mầu da, chủng tộc. Nhiều khi vô tình hay hữu ý , ai trong chúng ta cũng có lần thành chướng ngại vật ngăn cản anh em tìm đến gặp Chúa : chỉ cần một lời nói cứng cỏi và thiếu tế nhị, một thái độ lạnh nhạt thiếu nhã nhặn hay một cửû chỉ khinh thường  tha nhân... là chúng ta đã có thể xua đuổi anh chị em lương dân ra khỏi nhà thờ và sau này họ khó có cơ hội khác để trở lại.

 

Truyện : Mahatma Gandhi vào nhà thờ.

 

          Khi còn là một sinh viên, Gandhi được du học tại Nam Phi, một thuộc địa của nước Anh. Tại đây nổi tiếng về tệ nạn phân biệt chủng tộc. Trong thời gian này, Gandhi có dịp đọc Kinh thánh của Kitô giáo và lập tức ông bị giáo thuyết của Đức Giêsu cuốn hút, nhất là kinh Tám mối phúc thật trong Bài Giảng trên núi. Ông rất tâm đắc trước lời Chúa dạy về một tình yêu phổ quát và bình đẳng giữa mọi người, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, là Do thái hay lương dân... Gandhi nghĩ rằng : Có lẽ Kitô giáo là giải pháp tối ưu và hữu hiệu để giải quyết tận gốc sự phân biệt giai cấp trong xã hội Ấn độ quê hương của ông. Gandhi nghĩ mình nên tìm hiểu  và sẽ gia nhập vào Kitô giáo.

 

          Ngày nọ, Gandhi có ý định đi bộ đến một nhà thờ để mong được chứng kiến lễ nghi trong đạo và cũng để tìm hiểu thêm về giáo lý Công giáo. Tuy nhiên, khi ông bước đến cửa nhà thờ thì bị người giữ cửa chặn lại và không cho ông bước vào nhà thờ. Bấy giờ ông cho biết ý định  tìm hiểu đạo của mình. Nhưng thật là bất ngờ khi người giữ cửa lại nói như sau:”Đây là nhà thờ dành riêng cho người da trắng. Nếu mi muốn tìm hiểu đạo, thì hãy tìm đến nhà thờ khác dành riêng cho dân da mầu mà xin”! Gandhi rất tức giận và bỏ về nhà, ông ghi lại cảm tưởng trong nhật ký của ông như sau:”Tôi rất thán phục Đức Giêsu và giáo thuyết đầy tình nhân ái khoan dung của Ngài. Thế nhưng tôi rất bất mãn mỗi khi tiếp xúc với các tín hữu là môn đệ của Ngài ! Nếu trong đạo Kitô mà cũng còn phân biệt chủng tộc như vậy, thì Kitô giáo có hơn gì Ấn giáo có phân biệt giai cấp của tôi ? Thôi, tôi cần chi phải gia nhập đạo này. Tốt nhất là tôi cứ chấp nhận  có bất toàn trong Ấn giáo và cố gắng sống theo giáo lý truyền thống của cha ông là đủ”!

          * Bênh vực đền thờ thiêng liêng.

 

          Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa và trở thành đền thờ của Chúa như thánh Phaolô đã nói (x. 1Cr 3,16). Trong nghi thức rửa tội cho trẻ em, Linh mục đọc lời nguyện trừ tà xua đuổi ác thần ra khỏi em bé để em được trở nên đền thờ của Chúa:”Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã sai Con Chúa xuống thế gian, để trục xuất quyền lực của ác thần Satan ra khỏi chúng con, giải thoát và đem con người được giải thoát khỏi tối tăm vào ánh sáng kỳ diệu của Nước Chúa. Chúng con nài xin Chúa làm cho những em này, sau khi khỏi tội nguyên tổ, được trở thành đền thờ của Chúa uy linh, và xin Chúa cũng cho Thánh Thần ngự trong các em”.

 

          Khi đã trở thành đền thờ thiêng liêng của Chúa chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ cho xứng đáng, đừng bao giờ để cho thần Mammon trở vào chiếm giữ, vì như Chúa nói:”Kho tàng của con ở đâu thì lòng con ở đấy” (Mt 6,21). Tiền của là một nhu cầu  không thể thiếu trong cuộc sống vì “Đồng tiền liền khúc ruột”, nhưng đừng để cho tiền của lấn át linh hồn. Chúng ta phải khôn ngoan biến tiền của thành đứa đầy tớ trung thành phục vụ mình, đừng bao giờ để cho nó trở thành ông chủ khắc nghiệt chế ngự ta.

 

Truyện : Tiếng chim hót trong bụi mận gai.

 

          Thỉnh thoảng đài truyền hình Việt nam lại cho chiếu bộ phim “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” mà tác giả là một nữ văn sĩ người Úc theo đạo Tin lành. Khi viết cuốn tiểu thuyết này, bà đã đứng trong quan điểm của đạo Tin lành để phê phán luật độc thân của hàng giáo sĩ Công giáo.  Tuy nhiên, câu chuyện này cũng là cơ hội để chúng ta suy nghĩ về sức mạnh của đồng tiền  ảnh hưởng thế nào  trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn Giáo hội.

 

          Câu chuyện về một Linh mục là cha Ralph. Ralph là một linh mục trẻ nhiều tài năng nhưng cũng đầy tham vọng. Vị linh mục này có nhiều ưu điểm, có sức cuốn hút nhiều người  đến với mình.  Nhưng đồng thời ông ta cũng muốn được nổi danh và ham mê tiền bạc. Trong số các người mến mộ cha Ralph, có một bà già qúi phái giầu có. Bà qúi mến cha cách đặc biệt nhưng không được đáp lại, nên tình yêu đã biến thành hận thù. Thay vì trả thù theo kiểu thường tình, thì người đàn bà này có sáng kiến gài bẫy để bôi đen cuộc đời vị linh mục trẻ : Trước khi chết, bà đã làm tờ di chúc dâng cúng toàn bộ tài sản kếch sù của bà cho Giáo hội Công giáo, với điều kiện duy nhất là Giáo hội phải cử cha Ralph quản lý số tài sản đó.  Cách trả thù của bà quí phái giầu có đã thành công : Cha Ralph dần dần được cất nhắc lên địa vị khá cao trong Giáo hội. Nhưng đồng thời chính đồng tiền mà Cha quản lý  đã làm cho đời sống tinh thần của Cha ngày một xuống cấp và cuối cùng Cha đã sa ngã vào các đam mê tội lỗi, trái với sự tình nguyện “sống độc thân vì Nước Trời” mà Cha đà khấn hứa (Theo Lm Đan Vinh).

         

          3. Hãy biến cuộc đời mình thành đền thờ.

 

          Chúng ta là những Kitô hữu, cuộc sống chúng ta đã được dâng hiến cho Thiên Chúa và đã trờ thành đền thờ cho Chúa ngự.  Nỗ lực của chúng ta là phải làm sao sống xứng đáng là đền thờ của Chúa, đừng bao giờ đuổi Chúa ra khỏi đền thờ này. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng biến cuộc đời của chúng ta thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi.

 

          Charles Singer có một bài thơ ngụ ngôn nói về đề tài nay : hãy biến cuộc đời thành “Ngôi Thánh Đường”. Xin trich một đôi câu trong bài thơ này :

         

Lạy Chúa, cuộc đời con là một ngôi Thánh đường,

Từ tro bụi, bao năm trường xây đắp,

Con tự hào với tất cả niềm tin,

Bằng đôi tay, bằng mối tình nghệ sĩ,

Để vươn lên thật cao qúi tôn nghiêm...

Lạy Chúa,

Ngôi thánh đường của đời con,

Không thể xong trong một sớm một chiều,

Nhưng vun đắp trải qua nhiều năm tháng...

Lạy Chúa, con chỉ là người thợ cả,

Chính Ngài, con không quá lời đâu :

Là Thiên Chúa, là Khởi Đầu, Chung Cuộc,

Chính Ngài, Nhà Kiến Trúc của đời con.

          (Lm Trương đình Hiền)

 

          Và để kết thúc, ta hãy đọc lời nguyện sau đây được viết trên cửa một nhà thờ nọ :

          Lạy Chúa, xin làm cho cánh cửa này đủ rộng để có thể đón tiếp mọi người nào cần đến tình thương của đồng loại, anh em.

          nhưng cũng đủ hẹp để có thể ngăn chận mọi kiêu căng, ganh tị, bất hoà.

          Xin làm cho ngưỡng cửa này đủ phẳng để buớc chân của trẻ thơ và những người lầm đường lạc lối vào đây mà không bị vấp ngã.

          Xin làm cho nhà này là nhà cầu nguyện và là cổng dẫn vào Nước Chúa.

                   (Theo Flor McCarthy)