Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm B |
ĐỨC GIÊSU HIỂN DUNG TRÊN NÚI |
Chú giải của Fiches Dominicales |
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI 1. Sau khi loan báo cuộc khổ nạn Đáp lại câu hỏi thúc ép của Đức Giêsu, Phêrô vừa mới tuyên bố Thầy là Đấng Messia”. Đức Giêsu liền dẫn các môn đệ vào con đường khổ nạn và chết mà Người sẽ phải đi để hoàn thành sứ mạng của Người. Maccô viết: "Rồi Người bắt đầu dạy cho các môn đệ biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại”. Viễn tượng kinh hoàng như thế đi ngược với tư tưởng Người thời đó. Về Đấng Cứu thế. Nghĩ rằng Đấng Cứu thế mà cũng phải trải qua đau khổ và sự chết là điều không ai dám nghĩ, cả những người Do Thái thời đó cũng như các môn đệ của Đức Giêsu: Bởi đó Phêrô tức tốc phản ứng, ông liền kéo riêng người ra và bắt đầu trách Người”. Cử chỉ đó đã làm cho Phêrô bị một lời quở trách cực mạnh từ Đức Giêsu: "Satan, lui ra đàng sau thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Sau đó, Đức Giêsu nói tiếp: "Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Con đường mà Con Người đi cũng là con đường bắt buộc đối với các môn đệ Người. 2. Cuộc hiển dung của Đức Giêsu trên núi. Maccô đã đặt tường thuật hiển dung của Chúa trong tương quan với việc công bố lần thứ nhất cuộc khổ nạn, việc này đã vấp phải sự không hiểu nơi các môn đệ và khiến bọn họ kinh hoàng. Giống như Matthêu và Luca, tác giả Tin Mừng thứ hai diễn tả bằng một lối văn tượng trưng, mượn những yếu tố chính từ cuộc thần hiện (cuộc Thiên Chúa tỏ mình) ở núi Sinai ("Jésus, l'histoire vraie", Centurion, trang 330). Ngày xưa, trong cuộc xuất hành qua hoang địa, Môsê đã công bố cho con cái Israel rằng: "Đức Chúa, Thiên Chúa của người, sẽ cho nổi lên giữa các người một vị ngôn sứ giống như Ta, các người hãy nghe lời Người”. Hôm nay Maccô đã bật mí: vị ấy đã đến rồi, đây là thời gian hoàn tất, một kỷ nguyên mới đã khai sinh. Maccô viết: "Sáu ngày sau" mà lại không chỉ rõ sau cái gì, nhưng rất có thể là ông muốn nói về biến cố Xuất Hành. + Hoặc là nói về sáu ngày mà sau đó, theo Xh 24,1 6, "Thiên Chúa gọi ông Môsê từ giữa đám mây lên núi Sinai”. Nếu thế, theo Maccô, đó là một cách giới thiệu biến cố hiển dung như một Sinai mới và đồng thời giới thiệu Đức Giêsu như một Môsê mới. + Hoặc là nói về sáu ngày chuẩn bị cho đại lễ Lều Trại, lễ đó người ta dựng lều bằng cành cây (như người Do Thái còn làm ngày nay) để tưởng nhớ cuộc xuất hành, với hy vọng vào thời đại cứu thế mà Thiên Chúa sẽ đến cư ngụ mãi mãi ở giữa dân Người. Nếu thế, theo Maccô đó là một cách côgn bố thời đại mới đã khởi đầu. Cũng như ngày xưa Môsê lên núi Sinai, thì Đức Giêsu cũng dẫn các bạn hữu của Người lên một ngọn núi cao. Nhưng ngọn núi nào? Từ ngữ này mang ý nghĩa thần học nhiều hơn là địa lý: núi ở trong Kinh Thánh là địa điểm đặc tuyển cho việc mặc phải thần linh. Ở đây nói về một Sinai mới, một cuộc mặc khải quyết định của Thiên Chúa. - Cũng như Môsê, lúc lên núi nhận giao ước, chỉ đem theo Giousê, Đức Giêsu chỉ gọi riêng đi theo Người có "Phêrô, Giacôbê và Gioan”. Cũng ba người đó, những người bạn thân nhất được theo Chúa vào phòng bé gái chết mà được Người làm cho sống (5,37-43); ba người đã chứng kiến cuộc hấp hối của Người trong vườn cây dầu: Đức Giêsu đã liên kết họ với Người trong những thời điểm mạnh của mặc khải, để họ trở nên những trụ cột của Hội Thánh Người. - Cũng như da mặt của Môsê ngời sáng, vì ông đã đàm đạo với Thiên Chúa và cũng như dân Israel xem thấy mặt ông chiếu sáng (Xh 34,29-35), Đức Giêsu "hiển dung" trước các môn đệ, vinh quang Thiên Chúa, cái vinh quang mà Đức Giêsu chiếu toả vào buổi sáng Phục sinh, lúc này đang xâm chiếm bao phủ Người. Vào lúc đó ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Đó là hai vị có thần thế trong Cựu ước. Cả hại vị đều đã trèo lên núi: Môsê lên để lập giao ước, Êlia lên để nhận sứ mạng cải tổ giao ước. Hai vị tượng trưng cho toàn bộ Cựu ước: Lề Luật và các Ngôn sứ (Êlia) giờ đây được thực hiện: thời đại cứu thế đã khởi đầu. Phêrô đề nghị "Chúng ta hãy làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Thực ra, ông không biết mình nói gì do quá kinh hoàng, Maccô giải thích. Phêrô đã lầm lẫn vì nghĩ rằng đã đến giờ mà Thiên Chúa cư ngụ vĩnh viễn ở giữa dân Người và họ có thể ở đó miên trường. Sau cùng, cũng giống như khi lập giao ước ở núi Sinai, một đám mây, dấu chỉ hữu hình của sự hiện diện Thiên Chúa, đã bao phủ ngọn núi, thì ở đây một đám mây che phủ các ông. Rồi cũng giống như ở Sinai, có tiếng nói phát ra tử đám mây. Những lời này gần giống như tiếng vang của những lời đã phán lúc chịu phép rửa ở sông Giođan. Nhưng, lúc xưa tiếng đó nói với Đức Giêsu: "Con là Con Ta yê u dấu, Cha hài lòng về Con" (1,11), còn ngày nay tiếng đó nói với ba môn đệ: Tiếng đó soi sáng các môn đệ cho biết căn tính của Đấng mà Phêrô mới đây đã tuyên xưng là Đấng Thiên Sai (Mêsia): “Đây là Con yêu dấu của Ta”. Tiếng đó xác nhận giáo huấn của Đức Giêsu về cuộc khổ nạn - phục sinh của Con Người: "Các ngươi hãy vâng nghe lời Người". J.Hervieux quảng giải: "Giờ đây dường như qua tia chớp loè sáng, họ đã thoáng thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa", và vượt qua khỏi sự chết, Người được Thiên Chúa dành cho một cuộc sống vinh quang. Lẽ nào họ không giữ niềm hy vọng và không tiếp tục theo Thầy trên con đường thập giá?" (L’evangile de Marc", Centurion p.125). - Bỗng chốc, Maccô kết luận: "Các ông chợt nhìn chung quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi ở trên núi xuống Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trừ khi Con Người đã từ cõi chết sống lại”. Chúng ta lại thấy ở đây một lần nữa "bí mật thiên sai”, mà Maccô rất quí trọng: điều mà ba môn đệ vừa thấy vượt quá sức tưởng tượng quá đỗi, nó làm xáo trộn tận cùng hình ảnh Đấng Thiên Sai của các ông, nên tốt hơn các ông nên giữ im lặng ít lâu. Sau này, dưới ánh sáng của Phục Sinh, các ông sẽ hiểu rõ ý nghĩa. Lúc đó, các ông sẽ có thể làm chứng. BÀI ĐỌC THÊM 1. "Mọi sự chứng tỏ một khởi đầu mới”. (Célébrer, tạp chí C.N.P.L. số 266, trang 26). Cuộc hành trình này kêu mời chúng ta từ bỏ một số hình ảnh Thiên Chúa. Ông Apraham đã khám phá dung mạo của một Thiên Chúa, không chấp nhận máu của tế vật và không đòi hy lễ nào khác ngoài sự vâng phục toàn tâm con người. Người Kitô hữu còn có thể khám phá một Thiên Chúa không đòi hỏi hy sinh "vượt sức người" (siêu phàm), mà chỉ đòi tin tưởng và phó thác. Phêrô, Giacôbê và Gioan, cả các ông cũng vậy, phải loại bỏ một thứ hình ảnh Thiên Chúa, để khám phá ra một hình ảnh khác nơi Đức Giêsu Kitô. Loại bỏ thứ quan hệ dựa trên sự sợ hãi, họ phải cảm nghiệm được một Thiên Chúa, Đấng đã không dung tha con ruột mình, và chấp nhận sự mạc khải đau đớn một Đấng Thiên Sai chịu khổ nạn, Đấng ấy sẽ lôi kéo họ đi theo Người. Và còn hơn nữa, Người còn đề nghị ta khám phá rằng nhân loại là con đường tới Thiên Chúa. Mà không phải một Thiên Chúa không có thân xác, nhưng một Thiên Chúa trong xác thịt hẳn hòi. Một thân xác được mời gọi để biến đổi hình dạng. Đó là con đường do Đức Giêsu vạch ra. Người Do Thái trông đợi sự biến dạng sẽ xảy ra vào ngày tận thế. Khi trình bày điều đó đã thực hiện nơi Đức Giêsu, Maccô muốn tuyên báo rằng ngày tận thế đã khai mào. Thực vậy, mọi sự chứng tỏ một khởi đầu mới: Một hy vọng đáng nể cho tất cả những gì đang rên xiết "chuyển dạ sinh ra”. 2. “Điều kinh ngạc trong Đức Giêsu, Thiên Chúa tỏ mình rất phàm nhân”. (Thư gởi các người Công giáo Pháp, Cerf, trang 49-50). "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3,16). Cả cuộc đời của Đức Giêsu, từ lúc sinh ra cho tới ngày chịu. chết và sống lại, luôn tỏ ra quy hướng về Chúa Cha; Người lãnh nhận tất cả mọi sự từ Chúa Cha, và dấn thân hoàn toàn vào công trình cửu độ theo mệnh lệnh của Chúa Cha. Nhưng điều kinh ngạc không phải chỉ là việc nhập thể của Chúa Con, Đấng đến cư ngụ ở giữa chúng ta để bày tỏ tình thương của Chúa Cha. Điều kinh ngạc còn là trong Ngôi Lời nhập thể, Đức Giêsu, Thiên Chúa tỏ mình ra quá phàm nhân. Trước hết, người phàm vì Người tỏ mình phàm hơn chính người trần: Chúa đi đến với những người lạc mất trong số người trần, kẻ bé nhỏ và kẻ bị loại trừ, kẻ đau yếu và kẻ tội lỗi. Người phàm, bởi vì Người chia sẻ hết mọi sự của bản tính nhân loại, đau khổ và bạo lực, bất công và chết chóc, chết trên cây thập tự. Hoàn toàn người phàm, đến độ ban tặng cho ta được thông công sự sống của Người. "Lạy Cha, Con muốn rằng, con ở đâu thì những người Cha đã ban cho Con cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con, vinh quang mà Cha đã ban cho Con " (Ga 17, 24). Lòng tin vào Đức Giêsu, Chúa con bao gồm sự bạo dạn dám đón nhận sự sống của chính Thiên Chúa vào sự sống người phàm của ta. Nếu chúng ta trình bày Lời Chúa và các Bí tích cho người khác, ta làm cũng vì mục đích đó: là để chúng ta biết được niềm vui sống và yêu mến như con thảo của Thiên Chúa, theo bước chân của Chúa Con, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. |