Chúa Nhật Lễ Thánh Gia - Năm B |
TRÌNH DÂNG CHÚA GIÊSU TẠI ĐỀN THỜ |
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt |
CHÚ GIẢI CHI TIẾT “Theo luật Môisen": người ta có thể thắc mắc tại sao Luca nhấn mạnh quá nhiều đến việc Thánh Gia hoàn tất các nghi thức Do thái. Nếu nhớ Luca là môn đệ của Phaolô, ta sẽ tìm ra được lý do tuyệt diệu trong suy tư sau đây của thư Galata: "Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền Lề luật, để giải phóng những kẻ ở dưới quyền Lề luật, ngõ hầu ban quyền nghĩa tử: cho ta. Và bởi vì anh em là nghĩa tử, nên Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài đến trong lòng anh em, chính Thần khí kêu lên: Abba, Cha ơi! Cho nên anh em không còn là nô lệ, nhưng là con; mà nếu là con, thì cũng là kẻ thừa tự thể theo (ý của) Thiên Chúa" (14,4-7). Bản văn này làm sáng tỏ Tin mừng thời Thơ ấu cách lạ lùng thật. Vì chẳng có nơi nào cho thấy rõ ràng Chúa Giêsu thật là Con Thiên Chúa, sinh bởi người nữ; chẳng có nơi nào mà Tin mừng nhấn ngạnh mãnh liệt việc Người tuân giữ các quy khoản Lề luật như đoạn văn hôm nay . "Họ phải được thanh tẩy": Theo luật Môisen trong Lv 12 thì sau khi sinh con trai, người mẹ trở nên ô uế trong 7 ngày xét theo luật phụng tự (nghĩa là không được chạm đến vật gì đã thánh hiến cũng như tham dự phụng vụ tại Đền thờ) và tiếp đó phải ở riêng trong nhà 33 ngày nữa. Sau thời gian thanh tẩy theo nghi thức ấy bà phải đến Đền thờ dâng một của lễ. Người ta ngạc nhiên khi nghe thánh sử bảo: Họ phải được “thanh tẩy", vì chỉ mình người mẹ là cần chuyện này mà thôi. Có thể giải thích như sau: họ phải được thanh tẩy. Nghĩa là việc thanh tẩy này có liên can tới họ; thanh tẩy là điều bắt buộc đối với một mình người mẹ do việc sinh con ra, là việc sinh nở thì vừa liên hệ tới bà mẹ và liên hệ tới đứa bé. Người ta cũng có thể ức đoán rằng Lc quan niệm lễ nghi thanh tẩy như được thi hành trong thực tế, nghĩa là có kèm theo nghi thức trình dâng đứa trẻ. Nếu thế thì đây là một lễ nghi tại Đền thờ trong đó Maria dâng các lễ tế tiên liệu cho việc thanh tẩy, đồng thời lợi dụng cơ hội để trình dâng Hài Nhi Giêsu. Nhưng dù sao chắc một điều là Giuse không dính dáng gì đến việc "họ được thanh tẩy", vì Lề luật chẳng hề buộc người chồng phải thanh tẩy. "Và khi đến ngày, theo luật Môisen. họ phải được thanh tẩy, thì họ đem người lên Giêrusalem": Hai chữ “họ” của câu này xem ra giống nhau, nhưng văn mạch cho thấy là không phải vậy; chữ "họ" thứ nhất nhắm Maria và Giêsu, chữ "họ" thứ hai nhắm Maria và Giuse; câu văn hơi sai đôi chút. Vì Luca quá muốn gãy gọn mà lại quên lưu ý là các đại danh từ số nhiều đi liền nhau đây không chỉ cùng nhân vật. Tuy nhiên ý nghĩa cũng khá rõ ràng. Việc trình dâng Hài Nhi tại Đền thờ này không có trong lề luật. Chỉ việc chuộc đứa bé là truyền buộc thôi. Nhưng Luca chẳng hề nói qua một tiếng đến lễ nghi chuộc Chúa Giêsu đó, mà chỉ đề cập tới việc dâng trình Người. Ông lại còn nhấn mạnh đến việc trình dâng này bằng cách liên kết vào đó hai văn từ của lề luật mà thật ra chỉ liên hệ tới việc chuộc con. Làm như vậy là để mặc cho việc trình dâng một ý nghĩa long trọng: dâng hiến và thánh hiến. Thành thử đối với Luca, việc long trọng trình dâng Chúa Giêsu cho Giavê hôm nay tương đương với việc chu toàn cách thiêng liêng nguyên tắc pháp luật của Xh 13, theo đó mọi con trai đầu lòng (và nhất là Đứa Con đầu lòng này) đều thuộc về Giavê. "Một người tên là Simêon” Tên này rất thông dụng thời đó. Có kẻ đã đồng hóa ông Simêon với một giáo sĩ tên Simêon, con của Hillel và cha của Gamaliel, cả ba đều là những đại giáo sĩ ở Giêrusalem. Nhưng việc đồng hóa này không bảo đảm. Lời kinh Nunc dimittis quả cho thấy Simêon là một cụ già, song Luca chẳng quả quyết điều này một cách minh nhiên. "Niềm an ủi của Israel": Từ Is 40, 1; 51, 12; 61,2 ... từ ngữ này ám chỉ thiên sai thời đại. “Thánh Thần ở trên ông": Theo ngôn ngữ Cựu ước (Ds 11, 17 .11,25.29; 2V 2, 15; Is 11,2; 41, 1; Ed 11,5), thành ngữ này muốn nói Simêon là ngôn sứ. “Đức Kitô của Chúa": Đây là tước hiệu cổ truyền của Đấng thiên sai trong Cựu ước Hy lạp (1Sm 24,7,11; 26, 9. 11. 16.23; 2 Sm 1, 14. 16 ...) và tương đương với tước hiệu "Đấng Messia của Giavê”. Đừng lẫn lộn với thành ngữ Kitô Chúa" (thành ngữ riêng biệt của Lc trong Tin mừng, x. 2, 11) mà người ta thấy trong Ac 4,20 bản Hy lạp) và Tv Salomon 17,36 cũng như trong Phaolô nhiều lần về sau. Tước hiệu "Kitô Chúa" này rõ ràng có một ý nghĩa siêu việt mà những đồng hóa Đấng Messia với Giavê. Nó giàu nghĩa hơn tước hiệu "Đức Kitô của Chúa". "Cha mẹ": Vì đã nhấn mạnh nhiều đến việc đầu thai đồng trinh của Chúa Giêsu, nên Lc không ngần ngại dùng chữ. "cha mẹ Người" (x. cc. 41.43) và ngay cả "cha Người" (cc. 33.48). Các sao lục viên vẫn thường thay các hạn từ vừa nói bằng chữ Maria và Giuse để làm nổi bật sự kiện Chúa Giêsu chỉ có một Cha ở trên trời. "Giờ đây, lạy Chúa ...": Sấm ngôn nơi cc.29-32 này tương ứng với thánh ca Dacaria về Gioan Tẩy Giả trong Lc 1,67-79; nhưng thay vì cảm hứng từ các Thánh vịnh, ở đây sấm ngôn mượn lời của sách Isaia đệ nhị, phần thứ hai, và công bố rằng trong Chúa Ciêsu, ơn cứu độ đã được ban tặng. Thánh thi này đã được dùng trong kinh nguyện phụng vụ của Giáo Hội (kinh tối) từ thế kỷ V (x. Hiến pháp Sứ đồ 7,48). "Theo lời Ngài": Các chữ này làm ta liên tưởng tới việc Thánh Thần đã mặc khải (c.26) cho Simêon biết ông sẽ được nhìn thấy Đấng Messia trước khi lìa đời. "Anh sáng rạng soi dân ngoại": Việc cứu rỗi dân ngoại lần đầu tiên được loan báo ở đây trong tác phẩm Lc. Nhưng nó chỉ cược công bố cách minh nhiên rõ ràng từ sau mặc khải phục sinh (Lc 24,47). “Vinh quang của Israel dân Ngài": Tước hiệu này rất đặc biệt. Nó đưa ta về đoạn Xh 40,35: "Đám mây bao phủ nhà tạm và Vinh quang Giavê lấp đầy chỗ Thần cư ". Đây là việc Vinh quang đi vào trong cung thánh; và Vinh quang chính là Giavê. Ở đây cũng vậy, cũng nói về Vinh quang trong cung thánh, nhưng Vinh quang được mạnh dạn đồng hóa với Chúa Giêsu: người là Vinh quang. Có một dấu chứng nói lên ý tưởng táo bạo này là: theo quan niệm Cựu ước, ai đã thấy Giavê (Xh 19,21; 33,20; Lv 16,2; Ds 4,20) hoặc chỉ nghe Ngài nói thôi (Xh 20,10, Đnl 5,24-26; 18,16) đều phải chết. Thế mà trong giai thoại trình dâng Chúa Giêsu đây, các thành ngữ "thấy cái chết" (2,26), “thấy Chúa Kitô của Chúa" (2,26), thấy ... Vinh quang" (2,30.32) lại liên quan mật thiết với nhau. Môisen đã không vào lều tạm vì sợ chết (Xh 40,35). Simêon thấy "vinh quang" và có thể lìa trần. Theo lối chơi chữ trong bản văn, thì ông "thấy" Vinh quang đồng thời với cái chết. “Cha mẹ người đều kinh ngạc": Lc cố ý cho thấy sau các lần mặc khải đầu tiên ở 1,31-35 và 2, 11. 14, cha mẹ Chúa Giêsu vẫn chưa quán triệt hết mầu nhiệm của Người. "Người có mệnh làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy trong Israel": Chúa Giêsu là nhân vật bắt ta phải quyết định chọn lựa. Trong Người hoàn tất cái sấm ngôn hình như tiềm ẩn trong các lời Simêon nói: “Đối với các người, Ngài (Giavê) sẽ là cơ hội thánh hóa, là đá vấp phạm, là thạch nham nên dịp trượt ngã cho đôi nhà Israel, là tròng lưới là là cạn bẫy cho dân Giêrusalem. Lắm người sẽ trượt nhà trên đó; chúng ngã lăn và tan xương, chúng sẽ sa bẫy và bị chụp" (Is 8, 14). Nhưng lời tiên tri sau đây cũng đúng cho Chúa Giêsu: "Này Ta đặt trên Sion một viên đá hoa cương, viên đá góc quý giá làm nền. Ai cậy tin vào viên đá này sẽ không nao núng" (Is 28,16). Khi buộc mỗi người phải chọn theo hay chống lại người, Chúa Giêsu sẽ là dấu chỉ gây cớ vấp phạm. “Và hồn bà, một mũi gươm sẽ đâm thâu qua": Câu này từ lâu đặt ra cho các nhà chú giải nhiều vấn đề lóc búa. Một số dựa theo Origène (Reuss, Bleek ...) cho rằng lưỡi gươm là sự nghi ngờ sẽ đâm thâu suốt cuộc đời Maria, nỗi nghi ngờ về lai lịch sâu xa của Quý tử; nhưng lối chú giải này không mấy phù hợp với phần còn lại của Tin mừng là xem ra là một lối giải thích có tính cách tâm lý học vô bằng cứ. Lối giải thích cổ truyền (từ paulin de no le và thánh Augustin) đã xem lưỡi gươm chính là việc Maria hiệp thông và nỗi đớn đau của đứa con tử nạn. Lối giải thích này dĩ nhiên có thể chấp nhận, nhưng không chắc chắn. Quả thế, nó cắt đứt chuyển thông liên tục của bản văn và xem ra đưa vào đấy một dấu ngoặc (BJ và Nguyễn thế Thuấn đặt câu nói giữa hai gạch ngang) là như thế là ngược lại với thói quen của người sêmita. Tiếp đến, nó quá thu gọn tư tưởng vào cá nhân con người Maria, một điều xem ra ngược với nhãn giới của thánh sử, vì đối với ông cũng như đối vật mọi tác giả Tân ước, tâm lý các nhân vật không đáng lưu tâm bằng vai trò của họ trong lịch sử cứu rỗi; người ta thấy rõ điều này trong các quang cảnh của thời Thơ ấu, trong đó Maria bao giờ cũng chỉ đóng một vai trò phụ thuộc sánh với vai trò Chúa Giêsu. Sau cùng lối giải thích cổ truyền đây quá quy chiếu về đồi Canvê mà loại bỏ mọi cái khác. Gần đây, việc chú giải câu này đi theo một chiều hướng khác biệt. Trong Cựu ước, hình như lưỡi gươm vẫn thường được xem như là biểu tượng của sự đối kháng và chia rẽ (Ed 12. 14). Hơn nữa, Isaia lại còn bảo Thiên chúa đã biến miệng Người tôi tớ thành một "lưỡi gươm sắc bén" (49,2). Hình ảnh này đã được Khải Huyền lấy lại khi nói về Chúa Kitô (1.16; 2, 12. 16; 19, 15 .21). Khi nhớ rằng viên Ky mã trong Khải huyền, mà miệng võ trang bằng một lưỡi gươm sắc bén, được gọi là “Ngôi lời Thiên Chúa" (Kh 19, 13) và khi lưu ý rằng Is 49,2 đi trước Is 49,6 là đoạn gọi Người Tôi tớ là "ánh sáng muôn dân", thì ta phải lập tức nghĩ rằng cả hai câu này đã có trung tâm trí lực khi ông viết các câu 32.35a và rằng lưỡi gươm phân rẽ Israel làm đôi (c.34) chính là Lời mặc khải đến trong Chúa Giêsu, lời cứu độ nhưng cũng là lời phán xét (x. Dt 4, 12). Thế mà hình như chắc là trong hai chương đầu này. Luca trình bày Maria như là Nữ tử Sion, nghĩa là Israel nhân cách hóa (x. chứng minh dài dòng của Laurentin, sđd, tr.148- 163). Theo viễn ảnh như vậy, có thể Lc còn muốn tiếp tục việc nhân cách hóa này (trong quang cảnh trình dâng Chúa Giêsu và có lẽ rằng chính vì xét như là Nữ tử Sion mà Maria đã được Simêon ngỏ lời ở c.35a: trong con người của bà. Chính Israel sẽ bị gươm của Giavê xuyên thấu. Lối chú giải này (của Sahlin. Black, Laurentin. Boismard, Benoit ...) có lợi điểm là làm cho c.35a thuần nhất với văn mạch của nó. Thay vì nằm trong ngoặc đơn, thì câu này trở thành một khâu trong chuỗi khai triển; nó t.iếp tục tư tưởng của câu trước và chuẩn bị cho tư tưởng kế tiếp theo. Chúng ta đã thấy mối liên lạc giữa c.34 và 35a: cơn khủng hoảng gây ra trong Israel bởi "dấu chỉ vấp phạm" được mô tả, theo Edêkien, như lưỡi gươm Giavê đâm thâu tâm hồn (dân Chúa). Còn c.35b thì đưa ra một kết luận ăn khớp: thử thách gây nên do việc Chúa Giêsu đến rồi đây sẽ vạch trần bí ẩn của mọi tâm hồn khi đòi con người phải chọn lựa theo hay chống Chúa Giêsu. Được hiểu một cách ăn khớp với nhau như thế, cc.34-35 sẽ cân xứng tuyệt vời với các cc.30-32. Lời tiên tri của Simêon phân chia thành một bức song bình: một bên là việc chiếu soi dân ngoại và ơn cứu độ phổ quát, vốn tựng trưng cho vinh quang Israel; bên kia là cơn khủng hoảng trong chính Israel, cơn khủng hoảng sẽ khiến nhiều con cái tuyển đến ngã gục. Đó là tất cả bi kịch của lịch sử cứu rỗi, được Lc trình bày trong Tin mừng và sách công vụ; tấm bi kịch này được Simêon loan báo ở đây cách vắn tắt nhưng vô cùng mạnh mẽ. Để biện minh cách tiêu cực cho lối giải thích vừa nêu, chúng ta hãy đưa ra một bắt bẻ quan trọng đối với lối giải thích cổ truyền. Trong Tin mừng Luca, chẳng có chỗ nào nói đến việc Maria hiệp thông vào số phận đau đến của Chúa Giêsu cả. Dĩ nhiên người ta có quyền giả thiết bà đã hiệp thông một cách nào đó. Nhưng nếu Luca đã muốn ngụ ý điều này khi đặt trên miệng Simêon lời tiên tri bí ẩn, thì hẳn sau đó ông đã cho thấy việc hiệp thông được thể hiện trong nhiều sự kiện rõ rệt. Thế mà Lc đã chẳng nhắc đến tên Trinh nữ trong số các người đàn bà theo dõi việc đóng đinh thập giá. "Ngày đêm tham dự phụng tự (Nguyễn Thế Thuấn: “Bà không rời khỏi đền thánh, thờ Chúa ngày đêm”): Nét này, mà người ta còn gặp lại trong Lc 18,7; Cv 20,31; 26,7, hình như hơi lý trưởng hóa. Vì dù sao, các phụ nữ không được phép ở lại đêm trong khuôn viên Đền thờ. "Họ trở về Galilê, đến Nagiarét ...": Đây chỉ là một lối tóm tắt, hoàn toàn theo kiểu của Luca. Matthêu cho thấy Thánh Gia đã ở lại Bêlem khá lâu (Mt 2,11), và thời hạn cuộc lưu trú này tùy thuộc vào ngày giờ gán cho cuộc thăm viếng của các đạo sĩ. Dựa vào Mt 2, 16, có người bảo là hai năm. Nhưng dầu giả thiết thế nào chăng nữa, thì việc Trình dâng tại Đền thờ cũng phải xảy ra trước cuộc Hiển Linh. Vì khó cho rằng Giuse, mà trong suốt thời thơ ấu của Chúa Giêsu luôn luôn tỏ ra khôn ngoan thận trọng, ai đi lôi kéo cơn lôi đình của Hêrôđê xuống trên đứa bé. Thành thử việc trở lại Nagiarét mà Luca nói ở đây trước tiên giả thiết việc lui về Bêlem rồi chạy trốn đến biên giời Ai Cập (hợp với Mt 2,13-15), và trùng hợp với việc định cư tại Nagiarét mà Mt 2,19-23 đã nói. KẾT LUẬN Với nhiều điển tích, nhiều ám chỉ Kinh thánh, Luca cho thấy việc Trình dâng Chúa Giêsu tại Đền thờ khai mào thời đại thiên sai, cái thời đại đã được các ngôn sứ xưa loan báo và được đánh dấu bằng việc Vinh quang của Giavê long trọng tiến vào Đền thờ. Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG 1. Từ thuở ấu thơ, ngay cả khi chưa nói được. Chúa Giêsu đã hoàn tất các lời Kinh thánh. Hôm nay, Ngài thực hiện lời hứa đã ban cho Đanien (9,21-24), cho Malaki (3,1) và cho biết bao ngôn sứ khác ngày xưa. Hôm nay, trong con người trẻ bé Giêsu, chính Thiên Chúa trở lại cung thánh bị bỏ phế của Ngài. Vì, dù tội Israel thế nào chăng nữa, Thiên Chúa vẩn luôn trung thành với lời mình đã hứa. Sự thất trung của Israel chỉ làm trì hoãn việc thực hiện các lời hứa này, chứ không thể hủy bỏ chúng được. Trong cuộc đời chúng ta cũng thế. Ngày chúng ta được Rửa tội, Thiên Chúa đã nhận chúng ta làm nghĩa tử Ngài. Rồi dù chúng ta có lắm bất trung, Ngài vẫn không khi nào ruồng rẫy. Dù tội chúng ta có xua đuổi Ngài ra khỏi cung thánh lòng ta, Ngài vẫn tìm mọi cách giúp chúng ta ăn năn thống hối. Hôm nay chúng ta hãy mở rộng cung thánh chúng ta cho Ngài, hãy mời Chúa Kitô đã từ nay vinh hiển đến ở mãi trong cuộc đời chúng ta, hãy cùng với Người tận hiến bản thân cho Thân phụ chí hảo của Người, để chúng ta cũng được trở nên "ánh sáng" (2,32) chiếu soi hết mọi người sẽ gặp chúng ta. 2. Hành động của Thánh Thần có mặt khắp cả bài Tin mừng hôm nay. Chính Thánh Thần ở trên Simêon (c.25) đã mặc khải cho ông biết ông sẽ thấy Đấng Messia trước khi qua đời (c.26), đã thúc đẩy ông vào Đền thờ ngay lúc Chúa Giêsu đến (c.27). Đối với chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể sống dưới sự hoạt động của Thánh Thần cách thường xuyên nếu chúng ta ở trong ơn nghĩa thánh và biết chăm chỉ tuân theo những thúc đẩy bên trong của Ngài. Thánh Thần cũng có thể trở nên trong chúng ta một nguồn sáng giúp ta hiểu rõ hơn đức tin và bổn phận chúng ta, một nguồn sức mạnh và năng lực thiêng liêng giúp ta can đảm sống trọn đời môn đồ Chúa, một nguồn linh ứng cho lời cầu nguyện cũng như cho cuộc sống chúng ta thường ngày. 3. Simêon và Anna đã suốt đời chờ đợi giờ được cho xem thấy Chúa Kitô. Đối với chúng ta, họ là những tấm gương hy vọng và trung tín. lòng trung tín của họ đã được ân thưởng: họ được niềm vui bồng ẵm trên tay “Ang sáng dân ngoại”, “Vinh quang Israel", đích thân Thiên Chúa. Chúng ta cũng được hồng ân như vậy mỗi lần đi rước lễ. Chúng ta hãy chuẩn bị tiếp lấy ân sủng này trong sự trung tín mong chờ và đón nhận nó với tất cả tâm tình biết ơn như Simêon và Anna. 4. Maria và Giuse đã chấp hành hoàn hảo mọi yêu sách của Lề luật Môisen. Các đấng lại vâng phục dẫn độ còn thi hành thói quen đạo đức là Trình dâng con trai đầu lòng tại Đền thánh, một điều là luật không đòi hỏi. Sở dĩ các đấng đã đi quá Lề luật như thế, đó là vì các đấng đã tuân phục với tình yêu chứ không vì sợ hãi. 5. Maria, thụ tạo tinh tuyền nhất trong lịch sử nhân loại, đã khiêm tốn chấp hành nghi thức thanh tẩy. Phần chúng ta là những người đã bị tội lỗi làm cho ra vô cùng ô uế, chúng ta cũng hãy khiêm tốn lãnh nhận bí tích cáo giải để được thanh tẩy tâm hồn. Cho đến tận thế, Chúa Giêsu vẫn là dấu chỉ vấp phạm (c.34) vì buộc con người phải chọn lựa theo hay chống lại Ngài. Phần chúng ta, hãy làm lại việc dấn thân theo Ngài vô điều kiện. Nếu chúng ta trung thành với Ngài, thì "ân sủng Thiên Chúa cũng sẽ ngự xuống" (c.40) trên chúng ta và đổ đầy cuộc đời chúng ta niềm vui và ánh sáng. 7. Maria và Giuse đã ngạc nhiên khi nghe những điều Simêon và Anna nói về Quý tử. Sở dĩ ngạc nhiên, là vì các Đấng chưa hoàn toàn quán triệt mầu nhiệm sâu xa bao phủ con mình. Dù được sống thân mật với Chúa Giêsu, các đấng cũng phải tiến tới trong đức tin. Nhưng đức tin các đấng được đào sâu vì các đấng "gẫm suy mọi sự ấy trong lòng" (2,19). Đối với chúng ta, cũng chẳng có gì lạ nếu chúng ta không hiểu hết mầu nhiệm của Thiên Chúa. Dù đã qua 20 thế kỷ, Giáo Hội vẫn luôn luôn tiếp tục đào sâu mầu nhiệm Chúa Kitô. Như Chúa Kitô, đức tin chúng ta phải lớn lên, triển nở trong sức mạnh và ân sủng. Đức tin chúng ta, chính là sự tăng trưởng liên tục và dần dần của Chúa Kitô trong chúng ta. |