Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm B
TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYÊN
 Lm Vinh Sơn

Tại các giáo đường ở châu Âu trong Mùa vọng, bên cạnh bàn thờ người ta trang hoàng một vòng nguyệt quế được kết từ những cành lá thông mà trung tâm là 4 cây nến: Chúa nhật thứ nhất họ thắp lên cây nến thứ nhất, và mỗi Chúa nhật tiếp theo người ta lại thắp thêm ngọn nến cho đến Chúa nhật thứ tư bốn cây nến được tỏa sáng.

Mỗi Chúa Nhật thắp lên một cây nến nhắc nhở người tín hữu tỉnh thức cầm đèn sáng trong tay cầu nguyện chờ đợi như Thánh Thi ca tụng:

Và giờ đây xin thương tình lạy Chúa,

Lấy lửa thiêng đốt cháy cả tâm can

Để chúng con luôn tỉnh thức sẵn sàng

Cầm đèn sáng trong tay chờ Ngài đến.

Tư thế canh thức đó chuẩn bị đón mừng lễ Chúa Giêsu Giáng sinh và tỉnh thức cầu nguyện, sẵn sàng cho ngày cánh chung, ngày đó ngôn sứ Isaia đã nói: “Hỡi người canh thức, đêm còn mấy chốc nữa?” (Is 21,11), Thánh Phaolô đã nói đến Chúa ngự đến khi diễn tả ánh bình minh của ngày mới: “Đêm sắp tàn, ngày gấn đến” (Rm 13,12), ngày đó “Con Người” sẽ quay lại để phán xét mà Tin Mừng Mc 13,33-37, Chúa Giêsu nói đến hình ảnh: “chủ nhà trở về…” vì chúng ta không biết giờ nào… nên Đức Kitô kêu mời: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào”.

Trước hết tỉnh thức giữa đêm khuya cuộc đời, theo Kinh Thánh, đêm khuya là thời gian của bóng tối của “quyền lực tối tăm” (x.Lc 22,23; Mc 14,49; Ep 6,12). Do đó đêm tối cũng chính là thời gian của cám dỗ, thời gian của thử thách, do đó chúng ta phải mang tâm tình thức tỉnh.

"Nửa đêm" trong vườn Giếtsêmani, Chúa Giêsu bị thử thách, các Tông đồ bị cám dỗ ngủ mê và thiếu tỉnh thức. Trước sự mê ngủ của các môn đệ Chúa Giêsu đã mời gọi các ông tỉnh thức, ba lần "Người thấy họ ngủ”. Người nói: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (x. Mt 26, 36-46; Mc 14, 32-42; Lc 22, 39-46).

Đêm tối, Chúa bị bắt, Phêrô theo bước chân Thầy đến Dinh Thượng Tế, bị chất vấn, ông đã yếu đuối, mất cảnh giác và đã chối thầy. Ông thức tỉnh nhận ra tình trạng “chối thầy” của mình lúc bắt đầu bình minh vào "Lúc gà gáy”.

Tin Mừng còn nhắc đến một thái độ thức tỉnh là phải “coi chừng” để nghe lời Chúa (x. Mc 4,12), nếu không ta chỉ đứng bên lề mà để cho lời Chúa vượt qua. Cần phải có thái độ “coi chừng”, để chúng ta giữ mình khỏi “men Pharisêu”, men giả hình, kiêu căng để khỏi bị thấm nhiễm (x. Mt 8, 6; Mc 8,15). Cần phải chú ý “coi chừng”, để không tin những kẻ bắt mao danh Đức Kitô nói trước tương lai (Mt 24, 4 -13; Mc 13,5-13; Lc 21, 8-19) đó là các tiên tri giả hình.

Khi nói về thái độ tỉnh thức, Thánh Phaolô đòi hỏi phải có hành động “thức dậy ngay” (Rm 13,11). Ngài còn sử dụng đến hình ảnh về chiến tranh với những “vũ khí” trang bị cho thái độ tỉnh thức (x.Rm 13,12; Ep 6,10; 1 Tx 5,6-8). Có nghĩa là người thức tỉnh luôn chủ động:

- Tỉnh thức là luôn sẵn sằng, sẵn sàng ngay cả lúc ngủ: dụ ngôn Mười cô trinh nữ, năm cô trinh nữ khôn ngoan cũng ngủ như năm cô khờ dại (Mt 25,1-13). Sự khác biệt giữa họ là sẵn sàng đèn dầu. Nửa đêm, khi chàng rể đến, các cô khôn ngoan ra đón với đèn sáng trong tay, vì các cô có mang theo dầu dự trữ. Còn của các cô khờ dại đèn đã tắt do thiếu dầu. Lúc đó các cô mới chạy đi mua, nên không kịp hẹn hội Hoa đăng. Vậy tỉnh thức là ở trong tư thế sẵn sàng đón Chúa bất cứ lúc nào, sẵn sàng cả trong khi ngủ, ngủ trong an bình như các cô trinh nữ khôn ngoan, cho nên Thánh Phanxicô de Sales nói rằng: “Sự chờ đợi đích thực có nghĩa là chờ đợi mà không lo lắng gì cả”.

- Tỉnh thức là dấn thân chu toàn bổn phận như Người quản gia được giao trách nhiệm phân phát lương thực cho các gia nhân (x. Mt 24,45-51; Lc 12, 42-46). Nếu chủ về mà gặp thấy anh vẫn thức tỉnh đang siêng năng làm công việc được giao nên dược chủ cất nhắc. Ngược lại anh mê ngủ, hay anh lạm dụng quyền hành và chè chén say sưa (x. Mt 24,49), anh bỏ bê trách nhiệm sẽ bị luận phạt.

- Tỉnh thức là luôn chủ động làm cho những nén vàng, nén bạc Chúa trao được sinh lợi (x. Mt 25,31-46). Mỗi người được trao khác nhau, dù ít dù nhiều đều có bổn phận phải sinh lợi cho mình và Thiên Chúa. Người đào lỗ chôn giấu nén bạc được giao là thụ động không dám đầu tư vì sợ mất vốn. Người tỉnh thức hăng say làm việc để sinh lợi là người thức tỉnh với “số mệnh” được giao, anh được chủ khen là đã trung tín với ơn Chúa ban.

- Tỉnh thức để nhận ra Chúa nơi người anh em bé mọn, khốn khổ, bất ngờ đến với mình và nài xin mình trợ giúp. Thật thế, Đức Kitô đến với chúng ta qua hiện thân người đói khát, rách rưới, một người yếu đau, lỡ đường, thậm chí một phạm nhân trong nhà giam như chính Ngài đã khẳng định (x. Mt 25,31-46). Ai tỉnh thức đón nhận những người bé mọn này là đón nhận Ngài, được Ngài đưa vào dự tiệc dành sẵn đời đời. Vâng, Người thức tỉnh biết nhận ra Chúa nơi anh em, Ngày Chúa đến, họ hân hoan như Thánh Phaolô diễn tả: Một ngày kia chúng ta sẽ gặp gỡ Chúa, mặt đối mặt với Người, chúng ta sẽ thực sự nhận biết Chúa, như Chúa biết chúng ta (x. 1Cr 13,12).

Mang tâm tình Tỉnh thức, chúng ta luôn có thái độ sẵn sàng như Cha Charles de Foucault khuyên nhủ: “Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay”. Nhưng thái độ chủ động trong thức tỉnh chưa đủ, tâm tình tỉnh thức còn dẫn đến cầu nguyện. Thật thế, tỉnh thức phải luôn đi đôi với cầu nguyện như Chúa Giêsu đã kêu gọi: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cơn cám dỗ”(Mc 14,38). Cuộc sống thường ngày chúng ta thường bị cám dỗ ngủ quên trong những thành công, trong những tiện nghi dễ dãi làm ta say mê những thực tại trần thế mà quên đi ngày Chúa đến.

Bước vào mùa vọng, người Kitô hữu mang tâm tình thức tỉnh và cầu nguyện như Chúa Giêsu kêu gọi để chờ, để đợi. Chờ đợi ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang, ngày đó Ngài đến thật bất ngờ, không ai biết được ngày giờ. Cho nên anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra Ngài đến bất thần, bắt gặp anh em đang mê ngủ (x. Mc 13,33-37).

Trong thức tỉnh chúng ta cầm đèn sáng trong tay với lời cầu:

“Maranatha, Lạy Chúa, xin hãy đến!” (Kh 22,20).

“Xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con,

và ban ơn cứu rỗi cho chúng con” (Tv 84, 8)