Chúa Nhật XIV thường niên - Năm A
HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỢNG
Lm Giuse Đinh Tất Quí

"Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.(Mt 11,29)

  Anh chị em thân mến,

  Qua bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa muốn đề cập đến hai đức tính cần thiết mà người mỗi người theo Chúa phải học để có thể thành công trong cuộc đời của mình nhất là trong cuộc đời truyền giáo. Hai tính ấy là  hiền lành và khiêm nhường.

  1/.Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành.

Đây là mối phúc thứ hai của Chúa Giêsu trong hiến chương Nước Trời:

"Phúc cho những kẻ hiền lành.

Vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp" (Mt 5,4).

Nhiều người cứ tưởng hiền lành là yếm thế, là nhu nhược, là yếu đuối, để mặc kệ cho người ta phá hoại, mặc cho bất công hoành hành, mặc kệ cho tội ác phóng túng...!

  Không! Không phải như thế mà hiền lành ở đây là một hành vi cao cả, không phải là những việc làm khuyến khích thêm tội ác mà là để cảm phục những người có tội để họ biết đường quay trở về.

Hiền lành chính là sức mạnh, sức mạnh của giọt nước làm thủng đá, của khí trời làm gẫy sắt...

Thánh Phanxicô Salesiô quả quyết: “Kẻ hiền lành sẽ làm chủ các tâm hồn và mọi ý chí sẽ ở trong lòng họ”.

Vâng! Chỉ có những tâm hồn mạnh mẽ thật, biết xả kỷ, biết tự chủ, biết tự thắng mình mới có thể sống hiền lành được.

Một bữa kia, Socrates có người bạn đến rủ ông đi công việc sớm một chút. Bà vợ ông thấy vậy la lối gầm thét om sòm. Socrates vẫn thản nhiên. Nhưng khi ông vừa bước ra khỏi cửa thì bà vợ đứng trên lầu đổ một thau nước bẩn xuống đầu ông. Các bạn ông thấy vậy tỏ dấu bất bình, phản đối... Nhưng Socrates chỉ cười và nói:

- Thế có gì lạ đâu! Hễ trời gầm thì thế nào mà chẳng có mưa!

Rồi ông thản nhiên trở vào nhà thay quần áo.

Chúng ta hãy nhìn vào gương Chúa Giêsu, là bậc thầy về sự hiền lành, là cha chí ái của chúng ta, để học lấy cái sức mạnh của sự hiền lành, cái sức mạnh của con người biết lấy ơn trả oán, biết xả kỷ mưu cầu ích chung, biết bình tĩnh trước mọi xúc phạm, ngược đãi...cái sức mạnh mà Chúa đã kéo về với Chúa đến hơn 1/3 nhân loại.

Bắt chước sống hiền lành như Chúa, chúng ta sẽ được Chúa chúc phúc, trước hết là cái phúc được sống an vui trong lòng, được gieo an vui cho mọi người chung quanh, và cái phúc chiếm được lòng mọi người.

Thánh Phanxicô Salésiô một lần kia bị xỉ nhục một cách thậm tệ nhưng ngài vẫn chịu đựng. Người anh của Ngài thấy vậy tỏ ý không bằng lòng với thái độ mà ông coi như là "nhu nhuợc" như thế. Thánh nhân cắt nghĩa:

- Anh ạ. Ai cũng có máu Ađam cả. Em cũng bực tức và cũng giận lắm, nhưng em cố gắng theo gương hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu. Cứ mỗi dịp như vừa rồi, em lại tập thêm được một chút ít bằng cách tự bảo "Này hỡi Phanxicô, hãy đậy kỹ vung, đừng nói, đừng mở gì ráo. Cuối cùng em thấy rằng: lấy một giọt mật thì bắt được cả một bày ruồi, chứ lấy cả một thùng giấm cũng chẳng bắt được một con"

  Và đây là những lời còn táo bạo hơn: "Nếu kẻ thù móc mắt bên phải của tôi, tôi vẫn có thể dùng con mắt trái để mỉm cười với họ. Nếu họ móc cả mắt trái của tôi, tôi vẫn còn mãi trái tim để yêu mến họ"

  2/"Hãy học cùng Tôi vì Tôi khiêm nhường".

Thánh Phaolô đã từng ca ngợi sự khiêm nhường của Chúa Kitô như thế này: “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ.” (Pl 2,6-7). Nhà văn Lewis Wallace trong tác phẩm BEN HUR nổi tiếng cũng đã phải sững sờ trước sự khiêm nhường sâu thẳm của Đức Kitô. Ông đã đặt vào môi miệng của Ben Hur những lời sau đây lúc anh phải chứng kiến cảnh Đức Kitô bị Giuđa phản nộp và bị các tên lính bắt trói điệu Chúa đi. Anh hăm hở tiến đến gần Chúa Giêsu và hỏi:

- Lạy Thầy, hãy nghe tôi, có phải Thầy tự ý muốn đi theo bọn lính và các giáo sĩ hay không?

Đức Giêsu lặng thinh.

- Lạy Thầy, tôi có một binh đoàn quân Galilê trong thành phố này. Hãy ra lệnh đi, họ sẽ phục tùng Thầy. Thầy có thuận không?

Đức Giêsu vẫn một mực cúi nhìn đăm đăm xuống đất.

- Lạy Thầy, một lời thôi, một lời của Thầy thôi, tất cả sẽ theo Thầy...

Đức Giêsu vẫn im lặng, đến nỗi Ben Hur ngã vật xuống bờ sông Cédron và thốt lên:

- Người Nazareth, hỡi người Nazareth, thế thì thông điệp của Người mang ý nghĩa gì?

Thông điệp mang một ý nghĩa gì ư? Đó là “Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Đó là thông điệp mà Đức Giêsu gửi cho mọi người chúng ta. Ngài đã làm gương trước, chúng ta chỉ việc học đòi bắt chước Ngài thôi.

Khiêm nhường là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác hẳn với tính tự cao, tự đại thường đưa đến những thất bại trong cuộc sống.

Khi đưa quân qua đánh Nga, hoàng đế Napoléon của nước Pháp đã mơ tưởng đến việc có thể thu phục được cả Ấn độ, và với lòng kiêu căng vô biên, nhà vua đã cho đúc một thứ huy chương có dòng chữ này: "Thiên Đàng là của Chúa, trái đất là của ta”. Thế nhưng thật là mỉa mai chính vì trận đem quân đánh Nga này mà nhà vua đã mất ngôi báu. Và sau trận thất bại của nhà vua, một viên đại tướng Nga cũng cho đúc một huy chương khác, trên mặt có một hình bàn tay đưa qua đám mây và cầm roi đánh vào lưng Napoléon cùng với lời này: "Cái lưng là của mi, cái roi là của Ta”. Và như thế, vị hoàng đế kiêu ngạo, sau này trong nơi vắng vẻ khi bị tù đầy ở đảo Sainte Helène có thể suy nghĩ về những lời này của Chúa: "Kẻ nào đưa mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23,12).

Mẹ Têrêsa viết: "Nếu sống khiêm nhường, không gì có thể làm ta thay đổi, dù lời khen, lời chê. Ai chỉ trích không làm chúng ta nản lòng, ai khen tụng, chúng ta không tự mãn ". - "Khiêm nhường là nẻo đi đúng đắn. Chính con đường khiêm nhường sẽ làm ta nên giống Đức Giêsu hơn."

Một buổi chiều nọ, thánh Macariô một con người luôn được sống thân tình với Chúa, trở về căn buồng chật hẹp của mình, tay ôm nặng những ngành lá vạn tuế. Satan hiện đến trước mặt Ngài và nói.

- Hết mọi việc ông làm tôi cũng làm cả: ông ăn chay, tôi đây có ăn gì đâu, ông thức khuya, tôi chẳng hề ngủ. Ông đã từ bỏ của cải, tôi thì vẫn sống nghèo. Chỉ có cái này tôi không có, và chính vì thế ông vẫn làm cho tôi khó chịu.

- Cái chi thế, thánh nhân hỏi.

- Sự khiêm nhường

Nói đoạn, quỉ biến mất.

Lạy trái tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Amen.