Chúa Nhật XIV thường niên - Năm A |
HÃY HỌC CÙNG TA VÌ TA HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỢNG TRONG LÒNG |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Sau những tuần lễ mừng những mầu nhiệm từ Phục sinh đến Ba ngôi, rồi Mình máu Thánh Chúa, chúng ta trở về với những tuần lễ thường niên với viễn tượng cứu độ và công cuộc rao giảng của Chúa Giêsu. Giữa những công việc rao giảng bề bộn và việc huấn luyện các môn đệ, Chúa Giêsu phải đối diện với sự cứng tin của nhiều người và những thành phố mà người đã khổ công rao giảng và làm nhiều phép lạ, ngoài ra người còn phải đối diện với những chất vấn của Gioan tẩy giả qua các môn đệ của ông. Dựa vào bối cảnh cụ thể này, chúng ta hiểu những lời cảnh báo của Chúa Giêsu qua cách nói trong lời cầu nguyện thân mật của người với Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện và tạ ơn Cha vì đã dấu « những việc này » không cho những người khôn ngoan thông thái biết mà lại mạc khải cho những người bé mọn. Những việc này là gì ? Đó là những việc tàn phá sẽ đổ xuống cho những ai không biết trung thành với ý định tốt lành của Thiên Chúa. Chúa Giêsu trách những người và thành mà nơi đó người đã làm những việc lành trọng đại nhưng nhiều người đã không biết hoán cải. Ngược lại những người bé nhỏ là những người khi đón nhận mạc khải của Đức Giêsu rao giảng về Chúa Cha, thì đã biết sống trung tín và bắt đầu hưởng nếm Vương quốc bình an của Thiên Chúa. Chúa Giêsu như là Đấng cứu độ xét xử những người bất tín và những người biết trung tín. Những người biết sống trung tín thì đến với người, học với người, đón nhận ách êm ái của người và tìm được sự nghỉ ngơi. Họ sẽ không còn phải sợ hãi lời xét xử của Đức Giêsu. Đọc lại bài đọc I sách tiên tri Dacaria, tiên tri đã tiên báo thời đại đấng cứu thế và nhắc nhở mọi người, nhất là dân riêng của Chúa hãy có những tâm tình vui mừng phấn khởi vì Chúa là đấng cứu độ của họ sắp đến. Có một chi tiết mô tả đấng cứu thế là người khiêm tốn ngồi trên lưng lừa con, khác với những vị tướng oai hùng khác vẫn ngồi trên chiến mã uy nghi. Thế nhưng không vì thế mà đấng cứu thế yếu hèn hay nhu nhược bởi vì người sẽ loại bỏ mọi chiến xa cũng như ngựa chiến và sẽ công bố hòa bình trên vạn quốc. Những người do thái hy vọng vào ơn cứu độ. Họ quan niệm đó là thời kỳ mà Thiên Chúa sẽ thực thi công lý. Vì thế Gioan là vị tiền hô của Đấng cứu thế tiên báo một thời kỳ xét xử và luận phạt. Chúa Giêsu khai mạc thời kỳ cứu độ bằng một cung cách sống mới mẻ khiến cho Gioan phải phân vân, và nhiều người khác không tin. Trong hoàn cảnh như thế, chúng ta hiểu được những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Người tạ ơn Cha vì đã dấu những điều này đối với những người khôn ngoan thông thái mà lại mạc khải cho những người bé mọn. Lẽ ra những người khôn ngoan thông thái phải hiểu biết hơn những người bé mọn, thế nhưng đứng trước triều đại nước Thiên Chúa và Đấng cứu thế, sự hiểu biết tùy thuộc yếu tố khác, không dựa vào sự khôn ngoan thông thái của người đời, nhưng dựa vào sự khôn ngoan của những người biết tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Do đó mà những người bé mọn lại là những người tỏ ra thích hợp hơn với việc đón nhận nước Thiên Chúa. Họ thích hợp với nước Thiên Chúa bởi vì thái độ sống của họ phù hợp với thánh ý của Chúa Cha vốn yêu mến thái độ khiêm nhường, chân thật và hiền lành. Điều Chúa Giêsu tha thiết thực hiện trong công việc của người đó là làm sao để phù hợp với thánh ý của Cha. Ngay trong chính đời sống của người, người đã cố gắng sống khiêm nhường, hiền lành và chân thật. Người cảm thấy rằng Chúa Cha không ủng hộ cho một đường lối cứu thế với những thành công bên ngoài qua những cảm nghiệm mà người có thể nhận thấy : thay vì những hình ảnh xét xử và trừng phạt như Gioan tẩy giả đã loan báo, thì lại là những việc khiêm tốn như rao giảng Tin mừng cho người nghèo, chữa lành những người què quặt, đui mù tàn tật. Vì thế mà sau đó, chúng ta lại được nghe những lời cầu nguyện thân mật của Chúa Giêsu với Chúa Cha : « Cha đã trao phó mọi sự cho Con, không ai biết Con trừ ra Cha và không ai biết Cha trừ ra Con và những kẻ mà Con muốn mạc khải cho ». Đây là một lời cầu nguyện tạ ơn, đồng thời lại là một tiếng reo vui hạnh phúc khôn tả, một lời tuyên xưng. Tại sao lại tạ ơn như thế ? Có phải là Chúa Giêsu đã thất bại ? Thế nhưng nếu người thất bại, người không tạ ơn như thế được. Đúng ra phải nói là những người khôn ngoan thông thái đã thất bại, những người vốn tự cho mình nắm giữ đặc quyền của sự hiểu biết. Vì thế chúng ta mới hiểu đứng trước một hoàn cảnh khó khăn như thế, Chúa Giêsu tạ ơn vì những người bé mọn đã nhận biết Đấng cứu thế. Những người khiêm nhường và bé mọn này đã đón nhận người, đã nhận ra được điều bí mật của tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ nơi người Con một yêu dấu. Vì thế mà sau đó Chúa Giêsu mời gọi mọi người hãy đến với người. Họ hãy khôn ngoan và sáng suốt để đến với người và học với người vì người thực sự khiêm nhường và hiền hậu, những ai đến với người sẽ tìm gặp được bình an và sự nghỉ ngơi. Lời cầu nguyện tạ ơn của Chúa Giêsu vào một hoàn cảnh khó khăn của công việc của người phản ánh đánh giá đúng mức của người về công việc của mình và thái độ của dân chúng. Chúa Giêsu không đánh giá giả tạo hay lạc quan quá mức, nhưng người đánh giá cách chân thực và vững vàng thực hiện sứ vụ mà người đang theo đuổi và cố gắng chu toàn. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn lôi kéo chúng ta đến với người để học với người. Người nói ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta nhẹ nhàng. Ách và gánh ở đây có thể nói đến việc chu toàn những lề luật tôn giáo trong đời sống. Những người do thái đã cố gắng để chu toàn lề luật và nghĩ rằng họ trở nên hoàn thiện nhờ những việc chu toàn lề luật này. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đón nhận ách và gánh của người, tức một đời sống tôn giáo mới mẻ, dựa trên một sự hiểu biết mới do chính người hướng dẫn chúng ta. Đây là một sự công chính mới triệt để hơn, đòi hỏi hơn, nhưng lại nhẹ nhàng và êm ái hơn nhiều so với thái độ vụ luật cũ nhưng không hiệu quả, bởi vì khi học với người, chúng ta thực sự cảm nếm và hưởng nơi nguồn ơn cứu độ thực sự bắt nguồn từ chính Chúa Cha. Một cách cụ thể, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu hãy sống đời sống mới này bằng cách sống theo Thánh Thần của Đức Kitô. Sống theo Thánh Thần của Đức Kitô là sống theo chính Đức Kitô, vì Thánh Thần của người sẽ hướng dẫn chúng ta sống phù hợp với cách sống của Đức Kitô. Đời sống này là một đời sống chiến đấu chống lại tội lỗi và xác thịt và sự kiêu căng tự mãn làm cho con người khép kín trong chính mình. Bài Tin mừng với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu không có nghĩa Thiên Chúa đối xử phân biệt và từ chối Nước trời đối với ai. Thiên Chúa luôn sẵn sàng ban tặng Nước Chúa cho mọi người. Thế nhưng con người chúng ta phải cảnh giác trước những nguy cơ của chính mình, những cách sống thánh Phaolô cảnh giác là thói đam mê xác thịt, và những thói kiêu căng tự mãn gọi là sự khôn ngoan người đời làm cho con người khép kín nơi chính mình. Đây không phải là sự hạ mình làm cho con người không còn khả năng triển nở sung mãn hay hạnh phúc, mà ngược lại đây chính là sự cao cả của con người bởi vì họ được hướng dẫn bởi một sự khôn ngoan mới, sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa nơi người con một hiền lành và khiêm nhượng, Đấng dẫn con người tới viễn tượng ơn cứu độ chân thực. |