Chúa Nhật XIV thường niên - Năm A
TIN MỪNG MẶC KHẢI CHO NGƯỜI HÈN MỌN
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Thuở ấy". Chi tiết xác định này có một giá trị thần học hơn là thời gian; nó nối kết câu 25 với cc. 20-24: dù quê hương của Chúa Giêsu (Capharnaum, c.23) có từ khước Người chăng nữa, thì những kẻ bé mọn vẫn hiệp lòng với lương dân (Tyr, Siđon c.21) để đón tiếp Người. Các thành, trung tâm của các trường giáo sĩ và của văn hóa tôn giáo đã chẳng biết Đấng mà những kẻ "đơn hèn" nhận ra vậy.

“Con xin ngợi khen Cha": Chúa Giêsu đội ơn hay xưng tụng Cha Người vì đã gặp thất bại nơi những kẻ khôn ngoan thông thái; không phải Người ưa thích đám hèn dân hơn hạng ưu tú vì tính khí hay là vì thiện cảm tự nhiên đâu; song Người nhận ra rằng thất bại ấy, và sự thành công đi kèm theo, đều tương ứng với chính bản chất của công cuộc Người thực hiện để phục vụ nhân loại là cứu kẻ nghèo, hạng người bị giới quyền cao khinh bỏ.

“Lạy Cha": Ở đây, Matthêu dùng hô cách (vocatif) patôr là hình thức đúng của tiếng kêu. Nhưng trong câu tiếp, cũng tiếng kêu ấy của Chúa Giêsu (Lạy Cha!) lại được diễn tả bằng chủ cách (nominatif) (ho patôr) là hình thức sai trong Hy ngữ. Việc chuyển từ hô cách sang chủ cách cho thấy từ ngữ Aram Chúa Giêsu dùng hẳn là Abba, tiếng mà vào thời Người, thường được sử dụng khi gọi (hô cách) cũng như khi nói về người cha (Hy ngữ ho patôr). Điều này thánh Phaolô đã xác nhận lúc bảo Kitô hữu cầu khẩn Thiên Chúa bằng mấy tiếng “Abba, ho patôr" (Rm 8,15 và Gl 4, 6). Thế mà, chữ Abba là một tiếng kêu thân mật dành cho việc xưng hô trong gia đình. Không bao giờ một người Do thái dám gọi Thiên Chúa bằng Abba tương đương với chữ ba ơi trong việt ngữ, papa trong Pháp ngữ. Người ta chẳng tìm thấy một lời khẩn cầu nào với Thiên Chúa bằng chữ Abba trong mọi kinh nguyện Do thái của 10 thế kỷ đầu trước Chúa Kitô, cũng như trong các kinh nguyện phụng vụ hoặc kinh nguyện riêng tư cả. Thành ra ngôn ngữ của Chúa Giêsu ở đây có một cái gì đó mới mẻ, độc đáo, lạ lùng: Người dám nói với Thiên Chúa như một đứa bé nói với cha nó cách đơn sơ, thân tình, không chút sợ hãi. Tiếng này mặc khải chính nền tảng của mối thông hiệp giữa Chúa Giêsu với Thiên Chúa vậy.

“Chúa trời đất": Đây là nơi duy nhất trong Tin Mừng mà chúng ta gặp tiếng xưng hô long trọng này. Công thức thật đặc biệt quan trọng ở đây vì cho phép ta thực sự lượng giá được tầm mức và ý nghĩa của những lời sắp nói.

"Đã che dấu ": Cặp động từ "che dấu-mặc khải" nổi bật lên trên toàn bộ các chương 11-13 và là chìa khóa giúp hiểu được chúng. Không phải loài người, cũng chẳng phải Chúa Giêsu, song chính Thiên Chúa là chủ từ của động từ ấy; câu 26 sẽ nhấn mạnh điều đó; sự cứng lòng và niềm tin mà Chúa Giêsu gặp không phải là những tai nạn, cũng chẳng phải là những kết quả tích cực hay tiêu cực, của các nguồn lực riêng của Người đâu; chính quyền bính và ý muốn Thiên Chúa điều khiển tất cả hoạt động của Người.

“Điều ấy": Không phải là những phương diện riêng biệt đặc biệt cao sâu của sứ vụ Chúa Giêsu, song là ý nghĩa tổng quát của toàn thể công trình mặc khải của Người. Các tiếng “Khôn ngoan" và “thông thái" cùng chỉ hạng học thức, chuyên môn, có thẩm quyền trong lãnh vực tôn giáo (x. Is 29, 14 và 1Cr 1, 19); trong lúc tiếng bé mọn" chỉ những “người nghèo trong tinh thần” của Bát phúc (Tv 19, 8; 116, 6), chỉ đám cùng dân là những người "tội lỗi" mà Biệt phái bao giờ cũng khinh bỉ; lý tưởng của những kẻ sau này ngày càng thoái hóa sự hiểu biết có tính cách vật chất và thuần lý về Lề Luật các truyền thống giáo sĩ. Như vậy ở đây Chúa Giêsu vừa đối lập với ngộ đạo kiểu quý phái của Qumrân vừa sung khắc với các tôn giáo huyền bí của các nhóm người Hy lạp.

“Không ai biết được Cha trừ ra Con": Đối lại với tri thức thuần lý của các giáo sĩ, Chúa Giêsu đưa ra một tri thức diện hiện sinh, làm bằng sự thân mật và tình yêu. Ý chí, tình yêu, cảm giác, nghĩa là tất cả mọi hình thức của trí tuệ mến yêu (inteuigence aimnte) đều tham dự vào tri thức đó. Đàng khác, Kinh Thánh đã chẳng gọi cuộc gặp gỡ sâu xa nhất giữa hai vợ chồng trong tình yêu là sự "hiểu biết" đó sao (St 17, 25...)? Ở đây biết và yêu chỉ là một chuyện. Đây cũng là nơi duy nhất trong các trình thuật Nhất lãm phát biểu một cách rõ ràng và không chối cãi được mối tử hệ thần linh của Đấng Mê-si-a.

"Hết thảy những kẻ lao đao và vác nặng". Cũng một tiếng Hy lạp có nghĩa "gánh nặng được dùng chỗ này và Mt 23, 4 nơi Chúa Giêsu quở trách Biệt phái đã đặt những “gánh nặng nề" lên vai người khác. Như vậy ở đây Chúa Giêsu chẳng nghe lời các thử thách và khó khăn của đời sống, sức nặng của tội lỗi v v nhưng đến gánh nặng không thể nào chịu đựng của tinh thần vụ luật giáo sĩ. Điều này được xác nhận trong các câu tiếp theo: "mang lấy ách" là một thành ngữ thông thường các giáo sĩ dùng để chỉ ách của nước Thiên Chúa, của Lề luật, của trời, của các huấn lệnh v.v... xem chú thích BJ). "Ta sẽ nâng đỡ các con": Hy ngữ: anapausô - dịch sát chữ là: "Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức".

"Hãy mang lấy ách của Ta": Chúa Giêsu không đến để miễn cho con người mọi bó buộc luân lý; Người thay thế các yêu sách Lề luật Do thái bằng những đòi hỏi của Người là những đòi hỏi, như đã thấy trong Diễn từ trên núi, cũng có tính cách nghiêm chỉnh, và còn triệt để hơn các đòi hỏi của luật Môisen. Chỉ có điều là vị Tôn sư đề nghị ra chúng thì hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, khác xa với các giáo sĩ. Và chẳng những Người ban cho môn đồ sức mạnh để mang ách đó trong vui tươi song còn làm gương cho họ bằng cách sống điều mình đòi hỏi: "Lịnh truyền của Người không nặng nề" (1Ga 5, 3) và "chỉ tóm lại nơi một lời này: Ngươi hãy yêu mến đồng loại như chính mình ngươi" (Rm 13, 9).

"Ta hiền lành": Nơi đây Mt dùng chữ praus (hiền lành) như ơ chân phúc thứ hai. Chúa Giêsu là kiểu mẫu của môn đồ vậy.

“Ach Ta thì êm ái và gánh Ta lại nhẹ nhàng": Điều này chẳng có nghĩa là Chúa Giêsu đòi hỏi ít thua các giáo sĩ đâu. Người đòi hỏi nhiều hơn nhưng cách khác. Tình yêu làm mọi gánh hoá ra nhẹ nhàng. "Nơi nào có tình yêu, nơi ấy chẳng có gian khổ" thánh Augustin đã nói như thế.

KẾT LUẬN

Học theo đức Khôn ngoan chân thật của Nước Trời là nên nghèo hèn với Chúa Giêsu. Cái thường gây vấp phạm, là cách thức Chúa mặc khải chính mình Người: quyền này tỏ trong sự yếu đuối!

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Giống hạng người "khôn ngoan, thông thái" mà Chúa Giêsu nhắm đến là những kẻ dùng trí tuệ riêng để xây cho mình một Thượng đế quan, một vũ trụ quan hoàn toàn đóng kín, cùng nhất định không muốn thay đổi chúng để học thêm điều gì mới lạ. Họ tưởng mình đã biết hết về Thiên Chúa, đã nắm trọn học thuyết đích thật về Ngài. Nhưng người ta có bao giờ mà nắm được chân lý, chính Chân lý luôn nắm chúng ta, và chỉ cần chúng ta để cho Ngài nắm lấy. Cơn cám dỗ ngàn đời của tâm trí con người, khởi từ câu chuyện biểu tượng của Adam và Eva, bao giờ cũng vẫn là một: Đó là tin rằng "mắt chúng ta sẽ mở ra" và "chúng ta sẽ nên giống Thiên Chúa" bằng cách ăn trái cây hiểu biết, bằng cách vận dụng trí tuệ của mình, thay vì chấp nhận rằng chính trong khi tự biến đi trong tình yêu Thiên Chúa mà chúng ta trở nên giống Ngài nhờ ân sủng.

2. Đức tin chúng ta đừng bao giờ biến thành một gánh nặng không thể vác nổi, một gánh nặng làm tróc thịt trầy da. Nếu nó trở thành một gánh nặng, hãy tin chắc rằng nó không chính thực đâu. Tình yêu chỉ biết mang lại tự do, ánh sáng và sự nâng đỡ cho những tâm hồn gặp gỡ được nó.

3. Trong đoạn này, Chúa Giêsu cho chúng ta một tấm gương cầu nguyện. Lời cầu nguyện ấy bắt đầu bằng một lời tạ ơn nói lên lòng chấp nhận thánh ý Chúa Cha và biết ơn Ngài vì đã cho gặp thử thách của thất bại. Nó tiếp tục bằng cách đi lên đến tận nguồn của lịch sử cứu rỗi, tức là mầu nhiệm Thiên Chúa trong chính mình Ngài. Sau cùng nó kết thúc bằng cách hứa ban cho ta ơn cứu rỗi ấy một cách cụ thể nếu chúng ta chấp nhận trở nên khó nghèo.

4. Ngày nay những kẻ "bé mọn" là ai? Phải chăng là một giai cấp xã hội? Có tương quan nào giữa lời nhận xét của Chúa Giêsu cách đây 2000 năm và cái chúng ta có thể nhận xét hôrn nay các tin hữu không? đâu là những kẻ khôn ngoan và thông thái của thời đại này? Phải hiểu thông thái và khôn ngoan theo nghĩa trần tục hay nghĩa tôn giáo? Ta có được đi đến chỗ bảo rằng các tín hữu tưởng mình biết mọi sự về Thiên Chúa những kẻ khôn ngoan và thông thái hiện thời mà ơn cứu rỗi bị che dấu đi không?

5. “Ach dịu dàng của Chúa Giêsu chỉ các đòi hỏi của đức tin Kitô giáo, chỉ bổn phận Kitô hữu: giữ mười giới răn, chống lại tính xấu thực hành luân lý Tin Mừng của Diễn từ trên núi, tuân phục các quyết nghị của Giáo Hội, chấp nhận bệnh tật, già nua, cái chết. Gánh này, thay vì đè nặng chúng ta, lại ban cho đời chúng ta một ý nghĩa. Như đôi cần chim, nó mang chúng ta lên trong lúc chúng ta tưởng phải mang nó.

6. Chúng ta sẽ học ở trường nào nếu không phải là trường của Chúa Giêsu Kitô? Xa Người, chúng ta chỉ có thể học đòi theo những thúc đẩy mù quáng và mâu thuẫn của đam mê, những cái nhìn thiển cận và tầm thường của tinh thần thế tục, học đòi … theo sự khôn ngoan nhân loại, thứ khôn ngoan tự biết mình không thể ban một ý nghĩa cho cuộc đời. Còn nơi trường Chúa Kitô, chúng ta học biết rằng mình là con cái được yêu đang tiến về Chúa Cha, dưới sự dẫn dắt của Chúa Con hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.