Chúa Nhật III Mùa Vọng - Năm C
CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
SƯU TẦM

Bài Tin Mừng hôm nay nối kết với bài Tin Mừng Chúa nhật 2 mùa vọng, một lần nữa, Luca nói với chúng ta về Gioan Tẩy giả, vị tiền hô của Chúa Giêsu, và về lời rao giảng của ông.

Bản văn gồm hai phần: Trong phần thứ nhất, Gioan trả lời câu hỏi của thính giả về những gì họ phải làm để hưởng ứng sứ điệp căn bản của ông – sứ điệp loan báo về cuộc xét xử sắp xảy đến và nêu đòi hỏi người ta phải triệt để đổi đời. Trong phần thứ hai, Gioan Tẩy giả phân trần rằng ông không phải là Đấng Mêsia, và rằng ông không thể hành động như trung gian chuyển giao Thánh Thần của Vương Quốc đang đến.

Phần thứ nhất không phải là cái gì đáng ngạc nhiên lắm. Bao giờ cũng có những cám dỗ để người ta phớt lơ những bổn phận luân lý được nêu ra ở đây, xem chúng là quá rõ ràng, thậm chí quá bình thường. Nhưng nếu xét kỹ hơn, ta sẽ thấy những bổn phận luân lý ấy đầy thúc bách.

Gioan được nhìn nhận là người mà Ngôn sứ Isaia đã loan báo trước; là tiếng kêu trong hoang địa, là người loan báo sự cứu độ đang đến của Thiên Chúa, là ngôn sứ của cuộc xét xử cuối cùng sắp xảy đến, là ngôn sứ của cơ hội cuối cùng để hoán cải tận căn, của sự thực rằng người ta không thể làm hài lòng Thiên Chúa bằng bất cứ gì khác hơn là thực hiện một cuộc hoán cải dứt khoát trong đó thay đổi toàn bộ và tận nền tảng cuộc sống của mình, bứt mình ra khỏi tình trạng của mình hiện tại. Và giờ đây người ta đến hỏi vị giảng thuyết này về một cuộc thay đổi tận căn và một sự bắt đầu mới. Điều gì họ thực sự phải làm nếu họ muốn hưởng ứng sứ điệp không khoan nhượng ấy? Câu trả lời xem ra chỉ là một chuỗi những huấn dụ đạo đức sáo mòn mà người ta có thể gặp thấy ở bất cứ chỗ nào khác – và đó là những huấn dụ không cần phải được dẫn trước bởi bất cứ sự cảnh báo thế mạt nào để làm cho nó trở nên dễ hiểu. Các nhân viên thuế vụ không được đòi hỏi người ta thái quá; các binh lính phải trở nên những con người đàng hoàng, không doạ nạt người khác và phải biết hài lòng với lương bổng của mình. Dĩ nhiên, Gioan không đặt vấn đề về động cơ hay công việc của các nhân viên thuế vụ và binh lính làm tay sai cho chính quyền đô hộ – công việc mà những người có vẻ đạo đức sẽ đánh giá là rất tồi tệ và đáng khinh bỉ.

Ngay cả khi Gioan tiếp tục nói rằng họ phải chia sẻ thực phẩm và áo quần (nếu họ có đủ phần mình) cho người thiếu thốn xung quanh, ông cũng đã không đi quá điều xem ra được thấy chỉ là những mệnh lệnh luân lý phổ quát và hiển nhiên của con người. Nếu chúng ta làm một liệt kê dài hơn về những lời khuyên tương tự cho những người thuộc các nghề nghiệp và hoàn cảnh khác, thì sự tương phản bên ngoài sẽ vẫn còn giữa một bên là mệnh lệnh triệt để đòi người ta đổi đời và bên kia là những chuẩn mực đạo đức rất thông thường mà chắc chắn các thính giả của Gioan đã hiểu rõ – và đã thi hành hay đã không thi hành – trước khi nghe ông rao giảng; và nếu gạt chuyện thiện chí qua một bên thì chắc hẳn là các thính giả của Gioan cũng đã không chu toàn các chuẩn mực ấy một cách hữu hiệu hơn mấy kể từ lúc họ nghe ông kêu gọi trong bối cảnh đặc biệt này.

Điều ấy có nghĩa gì? Bài Tin Mừng không hề cung cấp câu trả lời trực tiếp. Chúng ta chỉ biết rằng những tương phản mặt ngoài này lại ăn nhập với nhau một cách nào đó và làm bật ra ý nghĩa.

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm rằng những đòi hỏi đạo đức xem ra thông thường ấy không hề là những đòi hỏi dễ dàng chút nào – miễn là chúng ta đừng lập lờ đánh lận con đen để chỉ xếp vào các nguyên tắc đạo đức những gì phù hợp và dễ dàng đối với mình. Cuộc sống hằng ngày tự nó đòi hỏi người ta rất nhiều. Sống được cuộc sống đơn điệu nhạt nhẽo hằng ngày thường khó hơn là thực hiện một hành vi phi thường nào đó mà tính anh hùng của nó dễ làm cho ta tự mãn.

Giá trị đạo đức và tôn giáo không duy chỉ là tổng số ý nghĩa của các khoảnh khắc dồn lại; giá trị ấy hình thành một toàn thể với đặc tính riêng của nó là một toàn thể – ngay cả khi giá trị ấy được nhận ra xuyên qua các hành vi riêng lẻ. Nếu không phủ nhận điều đó thì ta sẽ nghĩ gì về một đời sống được kết dệt trong các bổn phận, trong ý chí mới mẻ mãi muốn trung thực và tốt lành đối với người khác; một đời sống không cho phép mình sa vào bạc nhược chán chường do bởi sự vô nghĩa của hiện tại; một đời sống với tinh thần lành mạnh sáng suốt vốn là một ân huệ và là nhân đức Chúa ban …? Một đời sống như vậy đâu có còn đối lập với lời kêu gọi hoán cải của Gioan nữa! Một đời sống đạo đức xem ra thông thường như thế thực sự cho thấy rằng sự hoán cải không phải là một cái gì đó xảy ra vào một khoảnh khắc nhất định trong thời gian – nhưng là một nguyên động lực giấu ẩn thấm nhuần vào bản chất trông có vẻ bình thường của đời sống xét như một toàn thể.

Nhưng không phải chỉ vậy. Đó không phải là tất cả ý nghĩa rút ra được từ sự tương phản ngoại tại nói trên. Còn một ý nghĩa gì đó khác nữa – (có lẽ không thể cảm nhận được ít là trong một số trường hợp) – hàm chứa trong việc chúng ta thi hành những bổn phận hằng ngày của mình, kể cả những bổn phận thuộc loại tiện ích cho chính mình.

Trong cuộc sống thường ngày, nhiều lúc chúng ta bị đẩy vào những tình huống trong đó ta bỗng thấy các công việc lặt vặt buồn tẻ của mình chẳng có nghĩa lý gì, hoặc thậm chí phi lý. Có những lúc bất chợt tính chất đạo đức thông thường trở nên chẳng đáng gì. Ý nghĩa đạo đức thông thường bỗng biến mất, hoặc đổi thành một cái gì hoàn toàn khác. Tính hiệu dụng của một hành vi bỗng tiêu ma, hoặc đã chuyển vào cõi thiêng thánh! Đó là những lúc mà ta phải làm việc bổn phận chỉ vì đó là bổn phận chứ không cảm nhận được một sự tưởng thưởng nào; đó là những lúc mà ta thấy bổn phận giống như một thứ hình phạt.

Một kẻ đang có danh giá bỗng không còn được trọng vọng trước mặt người ta nữa, nhưng trở thành một kẻ khờ dại vụng về bước đi giữa đời. Đột nhiên, thiên hạ triệt để lợi dụng tấm lòng vị tha; thiên hạ không còn nể trọng sự thành thực mà thậm chí sử dụng nó như một thứ vũ khí để chống lại chính kẻ thành thực!

Có cả ngàn cách trong đó tính chất đạo đức thông thường có thể trở thành một điều hết sức mỉa mai, trong tất cả tính hiển nhiên của nó và chẳng thấy ở nó ý nghĩa gì là đặc biệt anh hùng. Nó không còn cần thiết nữa; nó không còn sảnh sinh ra kết quả rõ ràng mà chính người thực hiện mong muốn nhận được …

Song nếu như người ta vẫn kiên thủ thi hành các việc đạo đức thông thường ấy ngay cả khi nó không còn có lợi nữa, ngay cả khi nó trở thành dường như vô nghĩa – thì điều gì xảy ra? Những việc thi hành như thế sẽ trở thành một loại “tiền hô” của Thiên Chúa, Đấng là nguồn ơn cứu độ và là nguồn mạch tự do. Từ “Thiên Chúa” ở đây không được hiểu một cách mơ hồ chung chung. Từ “Thiên Chúa” ở đây mang một ý nghĩa trực tiếp. “Thiên Chúa” ở đây được cảm nghiệm trong chính cuộc biến đổi lặng lẽ nhưng phi thường này, cuộc biến đổi làm hoàn thành trọn vẹn ý nghĩa cho hành vi đạo đức thường ngày của chúng ta.

Khi chúng ta dám điên rồ, khi chúng ta từ chối tranh chấp dù mình có cơ hội giành phần thắng, khi chúng ta nhất mực yêu thương dù ngay từ đầu mình không nắm chắc sẽ được yêu thương đáp lại, khi chúng ta vẫn trung thực với những xác tín của mình – thậm chí với sự bất lợi của mình dù sự bất lợi đó không phải chỉ là một giai đoạn trong cuộc chiến mà ta chắc chắn sẽ đạt chiến thắng chung cuộc, tóm lại – khi chúng ta không lập lờ với lương tâm mình và không còn nhập nhằng lẫn lộn những đòi hỏi của lương tâm với tính hiệu dụng và ý nghĩa vật chất hiển nhiên được chủ yếu hàm chứa (và hoàn toàn có thể biện minh) trong tính chất đạo đức thường ngày… đó là những khi mà chúng ta gặp gỡ chính Thiên Chúa, dù có lẽ chúng ta không gọi tên Ngài và dù ta không ý thức rằng mình đang gặp Ngài.

Để cho sự đòi hỏi của lương tâm chuyển hoá ý nghĩa của những hành vi đạo đức thường ngày đằng sau vẻ bên ngoài của chúng – đó là một thách đố, và nếu chúng ta từ thác sự thách đố này (nhiều khi một cách rất khéo léo), thì đó chính là lúc Thiên Chúa đang xét xử chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta hưởng ứng tiếng gọi bất chợt ấy, chúng ta sẽ được chính Thiên Chúa là nguồn mạch tự do và là nguồn ơn cứu độ. Tất cả điều này có thể diễn ra một cách thật âm thầm lặng lẽ chính khi ta chu toàn các bổn phận hằng ngày. Chúng ta dường như cũng ứng xử theo khuôn mẫu thông thường của con người, hết mực kính trọng người khác (ngay cả dù mình đang ở vị trí thượng phong trên họ). Nhưng rồi bất chợt, trong nháy mắt, chúng ta ở trong sa mạc – sa mạc cứu độ của Thiên Chúa.

Nếu chúng ta trân trọng giương cao nguyên tắc đạo đức thường ngày và không lập lờ quẳng bỏ nó khi nó không đem lại lợi ích cho mình, đó là chúng ta đang thật sự tiến tới một sự biến đổi tận căn trong tâm hồn, cho dù chúng ta không thể xác định rõ sự biến đổi ấy diễn ra chính xác vào lúc nào. Bấy giờ chúng ta cầu khẩn và tán dương ân sủng Chúa, ân sủng lấp đầy các chiều sâu mà những nẻo bước của cuộc sống bình dị hằng ngày chúng ta thực sự vẫn hướng về, vươn lên tới điểm mà ở đó chúng ta không chút hãi sợ để cho chính mình rơi vào cõi sâu thăm thẳm ấy.

Chúng tôi sẽ làm gì? Dường như bị khiếp sợ, người ta đã nêu câu hỏi ấy sau bài giảng đầy tính đe doạ của Gioan Tẩy giả về tội lỗi và về sự xét xử tất yếu sẽ xảy đến, về cuộc hoán cải toàn diện. Gioan đã trả lời họ. Và thật bất ngờ, câu trả lời của ông đặt chúng ta vào ngay chính chỗ hiện tại của mình, yêu cầu ta sống một cách hết sức bình thường, yêu cầu ta tiếp tục nhẫn nại sống cuộc sống thực tế của mình. Câu trả lời ấy cho thấy rằng chính ở đây và chính lúc này ta có thể cảm nghiệm Nước Thiên Chúa đang đến, chỉ cần chúng ta thực sự muốn cảm nghiệm, và chỉ cần chúng ta chịu nhìn nhận – trong niềm cậy trông – ý nghĩa ẩn giấu và năng lực nội tại thâm sâu của cuộc sống thường ngày.