Chúa Nhật III Mùa Vọng - Năm C

GIOAN RAO GIẢNG MỘT TIN MỪNG
KÊU GỌI ĐỔI MỚI

Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Từ những “đám đông” hỏi Gioan cho biết phải làm gì.

Chúa nhật tuần rồi, Luca đã tán tụng gốc gác thần linh – “Lời Thiên Chúa" - sứ mệnh của Gioan Tẩy Giả, trước khi liệt ông vào phẩm trật các ngôn sứ của Cựu ước mà ông đang thực hiện những lời loan báo về ông.

Hôm nay Luca trình bày cho ta công việc rao giảng của Gioan trong hai khung: khung luân lý đạo đức (10-14) và khung mang tính thiên sai (15-18).

Trước hết là khung luân lý, gồm các câu được ngắt đều đặn như một điệp khúc bởi cùng một câu hỏi đặt ra từ phía những người hưởng ứng lời ông kêu gọi ‘chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để dược ơn tha tội’: "chúng tôi phải làm gì?". Có nghĩa là: sẽ có thế và sẽ phải thay đổi cụ thế đời sống như thế nào để gọi là tỏ lòng sám hối. Câu hỏi này chúng ta sẽ còn gặp thấy trên môi miệng của những người được nghe bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô, trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống: "chúng tôi phải làm gì " (Cv 2,37). Ta sẽ còn lại được nghe câu hỏi ấy từ miệng viên cai ngục khi mục kích Phaolô và Sila được giải thoát cách lạ lùng: "Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu độ?" (Cv 6,30). Với mỗi người, Gioan đều đưa ra câu trả lời cụ thể và thích hợp, mỗi lần câu trả lời đều nhắm tới cách đối nhân xử thế trong xã hội, mà không nhất thiết bắt người ta phải dứt lìa với môi trường sống và nghề nghiệp của họ, lại còn vượt xa khuôn khổ của Luật Môsê vốn áp đặt cho mọi người nữa.

“Chúng tôi phải làm gì?", "đám đông" hỏi Gioan, đám đông vô danh ấy chẳng bao lâu nữa sẽ nô nức đến với Đức Giêsu để nghe lời người (Lc 5, 1; 5, 15; 6,19).

Gioan mời gọi họ hãy sống thiết thực giữa đời thường, coi nhau như anh em và chia cơm sẻ áo cho nhau: "Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”.

"Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?", tới lượt những người "Publicanô" hỏi: họ là những người thu thuế cho ngân sách của quân Rôma chiếm đóng; hạng người này đâu đâu cũng được nổi tiếng là bất lương và bị mọi người Do Thái khinh bỉ, liệt họ vào hạng người tội lỗi công khai, khó mà sám hối được, trừ phi họ từ bỏ cái nghề bị thiên hạ coi là "ô uế" kia. Gioan không yêu cầu họ phải dứt bỏ nghề nghiệp, nhưng hãy hành nghề một cách khác, một cách lương thiện: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình".

"Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?", đó là câu hỏi của “những binh lính", những tên lính đánh thuê cho Hêrôđê Antipa, hoặc là thành viên của đội quân chiếm đóng Rôma; họ cũng là hạng người bị dân chúng khinh miệt.

Gioan cũng không yêu cầu họ phải rời bỏ hàng ngũ, phải thay đổi nghề nghiệp, nhưng hãy thay đổi cách hành nghề. Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình".

Roland Meynet nhận xét: Mọi người đến với Gioan để xin chịu phép rửa. Bất cứ ai trong đám dân chúng, cũng như trong số những kẻ hành quyền, dù ở cấp bậc bé nhỏ nhất, thảy đều nhận được cùng chỉ thị: chẳng phải ăn chay, cầu nguyện hay dâng lễ vật đền tội, mà chỉ phải thực thi công bình mà thôi.

Với những ai muốn ỷ vào quyền thế, Gioan đòi hỏi họ đừng làm quá những gì luật đã ấn định. Những người thu thuế không được tăng thuế trên mức qui định; những binh lính thì không được sách nhiễu hay vu cáo dân chúng để kiếm thêm tiền cho đồng lương của mình. Công bình trước tiên có nghĩa là: thỏa thuận thế nào thì làm đúng như vậy, là chỉ làm như đã ấn định. Công bình đối với tất cả mọi người, đối với quần chúng có nghĩa là: mỗi người phải được hưởng cái họ phải có. Công bình cũng chính là lập lại thế quân bình đã bị phá vỡ: người này thiếu ăn, trong khi người khác lại quá dư thừa (Tin Mừng theo thánh Luca: Phân tích tu từ"? Ccrf, trg 47).

2. Đến “dân đang trông ngóng” việc Chúa sắp làm.

Bây giờ tới khung mang tính Mêsia. Bên kia "đám đông" ấy. Luca đã nhận ra được một thực tại mới đang hình thành: Một "dân" gồm những người hiệp nhất trong cùng một niềm "trông ngóng". Ở đây không còn vấn đề là hỏi cho biết phải "làm" gì, nhưng là tìm cho biết việc Chúa đang làm và sắp làm, giống như những nhân vật trong Tin Mừng và Công vụ Tông đồ khi tán tụng việc Chúa làm: "Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả... Chúa giơ tay biểu dương, sức mạnh… Chúa tỏ lòng thương xót với dân Người... Người sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét" (Lc 1, 49.51.68.71).

“Đang trông ngóng”, nên “dân” đó tự hỏi không biết Gioan Tẩy Giả có phải là Đấng cuối cùng được Chúa sai đến, “Đấng Mêsia” chăng? Gioan vội xoá mình đi và xác định vai trò của mình đối với Đấng “đang đến”, “quyền thế hơn” ông. Câu này được Luca đặt trên môi miệng của Gioan và sẽ được lập lại ba lần trong sách Công Vụ Tông Đồ, diễn tả tính liên tục giữa Gioan và Đức Giêsu, nhưng hơn nữa nó còn đánh dấu bước vượt qua của giai đoạn quyết định: lịch sử của Giao ước đã bước vào một kỷ nguyên mới rồi.

BÀI ĐỌC THÊM:

1. “Làm một dân mới"

Gioan nói: Không có những con đường đặc biệt để đến với Chúa đâu. Trước vấn đề cấp bách phải làm phát sinh hoa trái của đức công bình, thì mọi người đều như nhau cả. Thế đã là một phép lạ rồi, khi lời của vị ngôn sứ ấy đã tập hợp lại được bên bờ sông, những con người ít khi lo sống thánh thiện như các binh lính, các cô gái điếm, các người thu thuế... Tất cả đều là những hạng người vốn xem thường những nghi thức thanh tẩy, coi nhẹ việc thực hành luật, lại rất nhạy bén trong vấn đề khuếch trương những mục đích họ theo đuổi trong tháng.

Những con người cặn bã với tư cách đáng ngờ như thế liệu có thể làm phát sinh được cái gì tốt? Đơn giản là chỉ có một dân có lòng tin, có tâm hồn mới, thực thi đức công bình mới làm được điều đó mà thôi. Những lời khuyên Gioan đưa ra thật rõ ràng: "Ai có hai áo thì chia cho người không có, ai có gì ăn thì cũng làm như vậy". Mà có cần phải vào hoang địa mới nghe được những điều vốn đã được ghi trong sách Luật từ bao đời nay chăng? Tất nhiên là ở trong hoang địa, tai ta sẽ dễ đón nhận, dễ lắng nghe hơn: nơi đây Thiên Chúa đã thử thách dân Do Thái để làm cho họ thành dân của Người, nơi đây Thiên Chúa đã ban tặng họ Giao ước và dùng những phép lạ củng cố lòng tin của họ, nơi đây chính là một mái tường rèn luyện mà cũng là nơi con tim Thiên Chúa và lòng tin con người được bộc lộ.

Một phép lạ được thực hiện bên bờ sông Giođan: Gioan đã quy tụ được những con người vốn thường xa cách nhau. Ngài đã làm nên một cộng đồng có những tâm hồn hối cải. Và cộng đồng này là phản bác sống động đối với tôn giáo của nhóm Xa-đốc, Pharisêu, Etxênô là những nhóm chủ trương một lối sống thánh thiện tách biệt. ở Qumran, ngươi ta không lẫn lộn một thầy kỳ cựu với một tập sinh, những người Pharisêu thì họp thành những cộng đoàn nhỏ, khép kín, rất tỉ mỉ về luật thanh tẩy. Gặp một người kém thanh sạch, họ cho là mình bị mất giá. Phục hồi độ thanh sạch, đòi hỏi phải tẩy rửa theo nghi thức. Hệ thống ấy, Gioan chỉ cứ việc làm theo thôi. Vậy mà với tư cách là con trai của vị tư tế, Gioan lại không mấy quan tâm đến nước sạch hãy dơ, theo nghi thức hay không theo, khi bảo người ta lại xuống giòng sông Giođan để dìm mình xuống. Sử gia Flavius Josèphe kể lại "Lúc ấy tất cả người ta cùng lội xuống". Người thanh sạch nhất cũng như người dơ bẩn nhất, hết thảy đều cùng thú nhận tội lỗi của mình. Thế là một cuộc khởi hành mới diễn ra, một dân mới đã có thể chỗi dậy để không sống theo câu nệ và hình thức của lối sống thánh thiện tách biệt kia, nhưng nhắm thay đổi con tim và thực thi công bình là điều trước nhất.

2. "Sám hối: một sự trở về từ cả hai phía”.

Sám hối. Đó là một từ rất gần gũi với thánh tẩy, một từ có ý nghĩa phục sinh, khơi gợi sự trở về. Nhưng thật lạ, đó lại là vấn đề trở về từ cả hai phía: hai người cùng quay lại phía của nhau...

Bạn biết chuyện xảy ra khi có người nào đó gặp mặt bạn trên đường đi hoặc ở ngoài phố (dĩ nhiên là đi bộ), và người ấy chợt nhớ lại khuôn mặt bạn, tiếng nói bạn, cuộc đời bạn. Trong giây lát hồi tâm người bạn ấy liền kêu tên bạn: “Ô Phêrô... Ô chị Briditta". Và rồi đến lượt chính bạn hồi tâm để nhớ lại người đó.

Sám hối đúng là như vậy cho dù ta có dùng những từ ngữ nào để nhân cách hóa Thiên Chúa, những từ ngữ phàm trần, quá ư phàm trần thì cũng vậy thôi. Chính Thiên Chúa khởi sự, và chính Thiên Chúa đã luôn luôn đi bước trước. Vô phúc cho ta, nếu ta nghĩ rằng việc sám hối của ta, là phận vụ của ta!

Bởi vì Chúa ra hiệu trước, nên chính ta phải nhìn vào Người, phải nhận ra Người và đi theo Người trong Đức Giêsu Kitô. Sám hối luôn luôn là một ân sủng, một ân sủng thúc bách ta phải lên đường.

3. “Không phải chỉ thực hành luân lý; Hãy đón nhận Tin Mừng một Thiên Chúa đang đến”.

Không! Không thể để cho thế giới hư nát này cứ tiếp tục mãi được, một thế giới có những con người phè phỡn ê hề, đang khi những người khác chết đói là chuyện không thể được. Vậy thì "ai có gì ăn, thì chia cho người không có". những kẻ nắm giữa địa vị quyền thế về phương diện nghiệp vụ mà lại dành cho thuộc hạ của mình những đặc quyền đặc lợi nào đó, là không thể chấp nhận được. Vậy thì, các bạn là những viên chức thu thuế, là những binh lính... tất cả các bạn, nhờ địa vị mà có được những phương thế để khống chế người khác, các bạn "chớ hà hiếp ai, chớ gây thiệt hại cho ai”.

Chúng ta có nghe những lời nói quyết liệt kia của thánh Gioan Tẩy Giả chăng? Nhất nữa, chúng ta có dám đặt ra cho mình câu hỏi được lặp lại ba lần trong Tin Mừng hôm nay: "Còn anh em chúng tôi, thì phải làm gì? ", để rồi có cái gì đó làm thay đổi cuộc đời ta và để có thể xây dựng thế giới mới, thế giới chan hòa "niềm vui của Thiên Chúa và của chúng ta" chăng?

Người ta thường hay quên mất phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay. Người ta chỉ dừng lại phạm vi thực hành luân lý: "Chúng tôi phải làm gì?". Thế nhưng, sứ điệp của Gioan Tẩy Giả còn hàm chứa lời loan báo rằng những nỗ lực sám hối của ta sẽ không bao giờ đủ. Ông nói, Thiên Chúa đang đến, Người "quyền thế hơn tôi". Người đến để "phát giác" anh em, để "thanh luyện" anh em. Người đến như "lửa" để "đốt cháy" ta, để thanh luyện ta, giống như người ta dùng lửa thanh tẩy những trang thiết bị dùng trong phẫu thuật vậy! Người là "Hơi thở", là "Thần Khí" tiếng Do Thái là "Ruah" cũng có nghĩa là gió - gió thổi để tách hạt lúa ra khỏi rơm. Là Thần Khí, người ban cho ta sự sống.

Chúng ta có chấp nhận để dìm mình vào lửa, vào khí, vào gió đó chăng? Đó là ý nghĩa của từ Phép Rửa hay Thánh tẩy vậy.

Để có thể nhảy lên vui sướng với Chúa, để có thể khám phá niềm vui của thế giới mới, bạn đừng lỡ bỏ qua mất phép rửa trong Thánh Thần này đấy.