Lễ Giáng Sinh - Năm C |
TIN VUI GIÁNG SINH |
McCarthy |
Suy Niệm 1. BÌNH AN DƯỚI THẾ Một trong những điều mà chúng ta luôn liên kết với Lễ Giáng Sinh, đó là sự bình an. Khi Đức Giêsu sinh ra, các thiên sứ hát rằng “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Đây là một câu, trong số những lời nói đầy yêu thương nhất ở Tin Mừng. Bạn có thể nói rằng những lời nói này tóm tắt cả Tin Mừng. Vào ngày Lễ Vọng Giáng Sinh năm 1914, những quân lính Đức và Anh đối đầu với nhau, tại các hào chứa đầy bùn lấy và chuột cống. Tại các hào của quân Anh, những lá thư và tấm thiệp được gửi đến từ gia đình, và anh em binh lính khá vui vẻ. Đến nửa đêm, một số người trong bọn họ bắt đầu ca hát. Thế rồi đột nhiên, một người lính gác la lên một cách đầy phấn khích: “Anh em hãy lắng nghe đi!”. Họ lắng nghe, và nhận thấy những quân lính Đức cũng đang ca hát. Một lúc sau, hai người lính can đảm, do mỗi phe cử một người, đến gặp nhau tại bãi đất trống. Thêm nhiều quân lính khác đi theo họ. Theo quan điểm quân đội, điều này không có ý nghĩa gì cả. Với tư cách là những người lính, người ta cho rằng họ đến đánh nhau. Đột nhiên ngừng lại và và trở nên bạn bè không tạo nên ý nghĩa. Nhưng trong đêm hôm đó, có sức mạnh còn lớn lao hơn cả quân đội tại nơi chiến trường. Khi ngày Lễ Giáng Sinh bắt đầu ló rạng, với gương mặt tươi cười, các binh lính đi dạo chung quanh Vùng Đất Không Người. Người ta không nhìn thấy một dấu vết nào của sự hận thù. Họ trao đổi với nhau lương thực, đồ kỷ niệm và thuốc lá. Khoảng giữa trưa, khi tình thân thiện đang gia tăng, thì bắt đầu có một trận đấu bóng đá giữa hai phe. Nhưng trận đấu này không kéo dài lâu. Tin này đã lan tới tai các vị tướng, và họ ban bố những mệnh lệnh gay gắt phải chấm dứt tất cả mọi chuyện. Các sĩ quan dồn binh lính trở lại vào hào. Tất cả mọi chuyện đều kết thúc. Trong đêm Lễ Giáng Sinh, cuộc giao chiến bắt đầu trở lại. Nếu điều này không chứng tỏ một điều khác, thì nó chứng tỏ được sức mạnh của Lễ Giáng Sinh. Nhưng bình an không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh hoặc chia rẽ. Đây còn là một điều sâu xa hơn và phong phú hơn. So với peace của tiếng Anh tiếng Do Thái chỉ sự bình an –shalom– chuyển tải một ý nghĩa phong phú hơn. Từ này chuyển tải một ý nghĩa về sự trọn vẹn, một tình trạng hoàn toàn hạnh phúc. Thành phần chủ yếu của bình an là sự công chính. Như vậy, ở đây có sự công chính, thì tại đó có bình an đích thực. Do đó, không thể có bình an đối với kẻ quỷ quyệt. Bình an không đơn giản chỉ là sự hài hoà. Đây là sự hạnh phúc trọn vẹn. Bình an vẫn có thể tồn tại trong một thế giới rối loạn, và thậm chí ngay cả giữa những vấn đề không giải quyết được. Đây là một điều gì đó quá xấu xa, đến nỗi nó không lệ thuộc vào những hoàn cảnh bên ngoài. Bình an là trạng thái yên tĩnh nội tâm, và cho thấy rõ mối tương quan thực sự với Thiên Chúa và với người khách. Theo ý nghĩa đầy đủ này, nếu chỉ bằng nỗ lực của con người, thì không thể tạo ra được sự bình an. Đây là một ân sủng của Thiên Chúa. Đây là một món quà tặng của ngày Lễ Giáng Sinh. Thiên Chúa đến với chúng ta trong bình an, và người mong muốn chúng ta tiếp cận với nhau. Bình an là ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta; quà tặng của chúng ta đối với Thiên Chúa chính là đem bình an đến cho nhau. Bình an là sự kết hợp với Thiên Chúa. Trong ngày Lễ Giáng Sinh, dường như Thiên Chúa rất ngần gũi vớ chúng ta, và rất yêu thương chúng ta. Xin người giúp chúng ta cảm mến được sự bình an, vượt qua tất cả sự hiểu biết, mà chỉ một mình Người có thể ban, và thế giới này không thể đem đến được. Đó là sự bình an mà không ai có thể tước đoạt khỏi chúng ta. Suy Niệm 2. VƯƠNG QUỐC CỦA THIÊN CHÚA Thông thường trong cuộc sống, ngày mà chúng ta mong đợi nhất, lại hay bị chuyển thành ngày thất vọng nhất. Điều này cúng có thể xảy ra đối với ngày Lễ Giáng Sinh nữa. Đôi khi, chúng ta có thể có những ước mong không thực tế về ngày Lễ Giáng Sinh. Dường như thể chúng ta mong đợi một điều gì đó kỳ lạ xảy ra, một điều gì đó sẽ mãi mãi thay đổi cuộc sống nhàm chán của chúng ta. Nhờ vào sự xây dựng kéo dài mãi mãi, khi gần đến ngày trọng đại, niềm hy vọng của chúng ta bay lên cao vút. Tuy nhiên, bản chất của những niềm hy vọng này thường bị thị trường ức chế – một sự tràn ngập những đồ ăn thức uống, tràn ngập những chương trình Tivi để chúng ta giải trí. Nhưng khi bắt đầu đến Lễ Giáng Sinh, thì điều đầu tiên mà chúng ta ghi nhận là gì? Ngày đó chỉ giống như bất cứ mọi ngày nào khác. Không ai nhìn thấy các thiên thần, không ai nghe được những giọng hát từ trên trời vang vọng xuống. Tất cả mọi sự đều diễn tiến y như bình thường. Và khi mặt trời của ngày này lặn xuống, thì nhiều người lại cảm thấy trống rỗng và trầm cảm, và họ nói một cách cay đắng “Lễ Giáng Sinh chỉ dành cho trẻ con mà thôi”. Những ngày này có thể khác hẳn. Mặc dù không hề có dấu hiệu này trên bầu trời, nhưng ít nhất đối với những người biết cách nhìn, thì vẫn có những dấu hiệu về ngày này. Trong ngày Lễ Giáng Sinh, trên thế giới, có nhiều ánh sáng hơn, ấm áp hơn, hy vọng hơn. Người ta trở nên thánh thiện với nhau hơn trong ngày lễ này. Không ai đi qua mặt nhau, mà không chào nhau. Trong ngày này, chúng ta cảm thấy mình là một thành phần của gia đình nhân loại, hoặc ít nhất, chúng ta mong muốn được trở nên một phần của gia đình đó. Nếu phải đi một mình đơn độc trong buổi sáng hôm nay, thì dường như đó là một điều kỳ lạ, thậm chí còn sai trái nữa. Thật vậy, trong ngày Lễ Giáng Sinh, Nước Thiên Chúa trở nên rõ rệt. Trong ngày này, nếu biết cởi mở tâm hồn của mình được sự hiện diện thần thánh đụng chạm vào. Hugh Leonard, một nhà viết kịch người Ailen, đã nói “Có thể tôi không biết Thiên Chúa là ai, nhưng tôi biết được nơi Người sinh sống. Người ở chung quanh tôi trong suốt cả năm, nhưng trong ngày Lễ Giáng Sinh, Người tiến tới và thọc sâu vào cạnh sườn của tôi”. Đó không chỉ là một cảm giác. Trong này Lễ Giáng Sinh, chúng ta có được một cảm giác về sự gần gũi, ấm áp, và về lòng từ ái của Thiên Chúa. Chúng ta cảm nhận được rằng mình không cô độc, rằng cuộc sống của chúng ta có một ý nghĩa, rằng có một ai đó đang săn sóc và hướng dẫn đường lối cho chúng ta. Đó là ý nghĩa cốt lõi của ngày Lễ Giáng Sinh. Chúng ta không nên e ngại trong việc sưởi mình nhờ hơi ấm này, giống như chúng ta vẫn vui mừng tắm mình trong ánh nắng ấm áp vào một ngày lạnh lẽo. Chúng ta cũng có được một cảm giác về sự thành tâm thiện chí của bản thân mình và của những người khác. Chúng ta cảm nhận được rằng cuộc sống thật tươi đẹp và có một ý nghĩa. Chúng ta không phải là những hạt bụi hoặc hạt cát, mà là những người con trai và con gái yêu quý của Thiên Chúa. Chúng ta có một nhân phẩm thần thánh và một vận mệnh vinh quang. Một sự bình an nội tâm xuất phát từ mối quan hệ với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Nếu ngày Lễ Giáng Sinh để lại cho chúng ta sự thất vọng, thì có nghĩa là chúng ta đã gắn bó niềm hy vọng của mình vào những điều sai trái. Kẻ nào gắn bó niềm hy vọng của mình vào những thứ do dân buôn bán đưa ra, thì sẽ luôn luôn bị thất vọng, không phải vì họ hứa hẹn quá ít, mà là vì họ hứa hẹn quá nhiều, mà hứa hẹn về những điều sai trái. Tâm hồn chúng ta khát khao nếm được “niềm vui” mà các thiên sứ đã loan báo cho các mục đồng. Đó là niềm hy vọng của ngày Lễ Giáng Sinh. Chúng ta phải cầu xin điều gì đây? Chỉ cần một điều duy nhất: hay cởi mở tâm hồn mình ra để đón nhận niềm hy vọng này. Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã được sinh ra cho chúng ta; Người là Đức Kitô, là Đức Chúa. Suy Niệm 3. ÁNH SÁNG CỦA ĐỨC GIÊSU Chúng ta đang cử hành vào thời gian tối tăm nhất trong năm (ở bắc bán cầu). Đó là thế gian chúng ta đánh giá được giá trị của ánh sáng. Phụng vụ Lễ Giáng Sinh đầy rẫy những câu ám chỉ về ánh sáng. Đức Giêsu đến làm trọn lời tiên báo của ngôn sứ Isaia: “Dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi ”. Mẹ Têrêxa đã kể lại một ngày kia, tại Melbourne, Úc, Mẹ đến thăm viếng một người đàn ông nghèo nàn không được một ai quan tâm đến. Ông ta sinh sống dưới tầng hầm, tại một căn phòng ở trong tình trạng bê bối khủng khiếp. Căn phòng này không hề có ánh sáng, và hiếm khi ông ta vén bức rèm ra. Dường như ông không hề có một người bạn nào trên thế giới này. Mẹ bắt đầu bằng việc thu dọn và sắp xếp lại căn phòng. Ban đầu, ông ta cự tuyệt “Bà cứ để mọi sự như cũ đi. Tôi quen với cảnh này rồi”. Mặc dù thế Mẹ vẫn cứ xúc tiến công việc của mình. Trong khi dọn dẹp, Mẹ nói chuyện với ông ta. Dưới một đống rác, Mẹ phát hiện ra một cây đèn dầu phủ đầy bụi bặm. Mẹ lấy cây đèn ra lau chùi, và nhận thấy là nó khá đẹp. Mẹ nói với ông ta “Ở đây, ông có một cây đèn rất đẹp. Làm thế nào mà không bao giờ ông thắp sáng nó lên vậy?”. Người đàn ông này đáp “Tại sao tôi không bao giờ thắp sáng cây đèn đó lên ư? Có ai đến thăm tôi đâu!” Ông ta trả lời “Vâng, nếu tôi nghe thấy một giọng nói của người nào, thì tôi sẽ thắp đèn lên”. Hai trong số các nữ tu của Mẹ Têrêxa bắt đầu thường xuyên đến thăm viếng ông. Mọi sự dần dần được cải thiện đối với ông ta. Mỗi lần các nữ tu đến thăm, thì ông ta đều thắp đèn lên. Thế rồi một ngày kia, ông nói với các nữ tu “Thưa các sơ, kể từ bây giờ, tôi có thể tự xoay sở được rồi. Nhưng xin nói dùm với người nữ tu đầu tiên đến thăm tôi, rằng ánh sáng mà bà đã thắp lên trong cuộc đời tôi hiện vẫn còn đang cháy sáng”. Bạn có thể nói rằng ngọn đèn đã giải thoát ông ta. Nhưng tất nhiên không phải là bản thân ngọn đèn, nhưng là lòng tử tế và nhân ái mà ngọn đèn này tượng trưng, trước hết, nơi Mẹ Têrêxa, sau đó, là nơi các nữ tu của Mẹ. Chúng ta sống trong một thế giới bị tối tăm do chiến tranh, bạo lực và đủ mọi loại đau khổ. Và tất cả chúng ta đều đã từng trải qua cảnh tối tăm trong cuộc sống cá nhân và cuộc sống gia đình của chúng ta –buồn phiền, thất vọng, yếu đuối, đau đớn, lỗi lầm, tội ác, cô đơn v.v… May mắn thay, ánh sáng mà Đức Kitô đã thắp lên trong thế giới của chúng ta vẫn còn tiếp tục cháy sáng. Không phải là ánh sáng của Người đã được thắp lên tại Bêlem một lần, và rồi tắt ngúm đi. Ánh sáng đó vẫn chiếu toả ra giữa cảnh tàn phá, đổ vỡ và biến động. Ánh sáng đó chiếu toả ra tất cả những ai tin tưởng và đi theo Người. Lịch sử có đầy rẫy những câu chuyện về bao con người mang lại cảnh tối tăm cho thế giới. Không giống như Đức Giêsu. Từ 2000 năm nay, giáo lý của Đức Giêsu đã để lại một ảnh hưởng trên mọi người, theo một cách thức không giống như bất cứ người nào khác. Nhưng tự thân lòng từ ái rạng ngời của Người vẫn biểu hiện ra, qua tất cả những hành động và những cuộc gặp gỡ của Người với dân chúng. Vô số người đã đến với Người trong tâm trạng tối tăm, và khi ra đi, họ được tắm mình trong ánh sáng. Lòng từ ái rạng ngời của Đức Giêsu vẫn còn tiếp tục soi chiếu trên thế giới. Nơi Đức Giêsu và nơi Tin Mừng của Người, chắc chắn chúng ta có được một suối nguồn ánh sáng, mà từ 2000 năm nay, đã chiếu toả trên nhân loại. Ánh sáng mà soi chiếu cho các mục đồng đi đến Bêlem trong đêm Giáng Sinh này. Ánh sáng của Đức Giêsu không đến để phán xét chúng ta, nhưng để cứu độ chúng ta. Ánh sáng đó đến để chỉ ra cho chúng ta cách thế sống như thế nào, và hướng dẫn chúng ta hướng về vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta đều có thể trở nên nguồn sáng cho thế giới tối tăm. Nhưng trừ phi ngọn đèn của bản thân chúng ta còn đang chiếu sáng, nếu không, chúng ta sẽ không có khả năng soi sáng được cho bất cứ ai. Được sống trong ánh sáng là một niềm vui lớn. Nhưng có một niềm vui thậm chí còn vĩ đại hơn, đó là được trở nên một nguồn sáng cho người khác. Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta bước ra khỏi bóng tối, để đi vào ánh sáng tuyệt diệu nơi Con của Người. Chúng ta phải cố gắng sống đúng tư cách là con cái của ánh sáng. Người ta nhận thấy những hiệu quả của ánh sáng qua tấm lòng tốt, lối sống đúng đắn và theo lẽ phải. Xin cho trong lòng từ ái của Người, Chúa cho chúng ta nếm được niềm vui, mà các mục đồng đã cảm nghiệm được, khi ánh sáng của vinh quang Thiên Chúa chiếu toả chung quanh họ, trong đêm Giáng Sinh đầu tiên đó. Và xin cho chúng ta nghe được những tiếng nói êm dịu vang vọng trong tâm hồn chúng ta “Bất cứ ai đi theo Ta, sẽ không bao giờ phải đi trong tối tăm, nhưng sẽ luôn luôn có được ánh sáng ban sự sống”. Suy Niệm 4. ÂN SỦNG CỦA THIÊN CHÚA Bối cảnh: một thành phố tồi tàn trong một thế giới thứ ba. Mặc dù có ánh sáng mặt trời, bóng tối vẫn bao trùm lên những dãy lán trại lụp xụp. Nhưng Lễ Giáng Sinh đang đến, mọi sự sẽ khác hẳn đi, ít nhất là trong một chốc lát. Tuy nhiên, vào ngày trước Lễ Giáng Sinh, có một sự kiện xảy ra càng đào sâu thêm cảnh tối tăm của những túp lều tồi tàn. Một người cha của ba đứa con nhỏ đã phạm tội giết người. Không ai biết được đầy đủ câu chuyện phía sau hành động của anh ta. Nhưng anh ta để cho người khác nhìn thấy sự tối tăm nhìn thấy sự tối tăm đã xâm nhập vào tâm hồn anh. Một thời gian ngắn trước khi qua đời, anh ta nói với bạn bè rằng anh rất khổ tâm, vì không có món quà tặng nào cho con cái của anh trong ngày Giáng Sinh. Tặng quà là một phần trong việc cử hành Lễ Giáng Sinh. Charles Dickens kết luận: “Lễ Giáng Sinh là thời điểm trong tấm lịch dài của cả năm trong đó người ta cởi mở ra với nhau cánh cửa tâm hồn vốn đã khép kín”. Có thể nói rằng Giáng Sinh là mùa của việc trao tặng quà, mặc dù quà tặng của chúng ta có thể tầm thường và chỉ theo thủ tục. Một món quà tự nó là một cách thế để nói lên với người được tặng quà rằng chúng ta quý mến họ. Món quà tặng ít liên quan đến lẽ phải, mà liên quan đến tình yêu. Việc Thiên Chúa ban ân sủng mang chúng ta trở lại với bản thân ngày lễ. Ngày Lễ Giáng Sinh được tạo ra bởi một ân sủng. Chính Thiên Chúa là Đấng đi bước trước. “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban tặng Con duy nhất của Người, hầu cho tất cả những ai tin tưởng nơi Người đều không bị hư đi, nhưng có được sự sống đời đời”. Trong khi trao tặng quà cho nhau, chúng ta hãy đảm bảo rằng chúng ta cũng trao tặng cho nhau chính bản thân mình nữa. Lễ Giáng Sinh không chỉ là dịp để trao tặng quà, nhưng ngày lễ này nói nhiều về sự hiện diện –nghĩa là trao tặng chính bản thân mình. Và phẩm chất sự hiện diện của chúng ta là tất cả mọi sự. Có sự hiện diện mang tính cách xa vắng, nhạt nhẽo, lãnh đạm –giống như mặt trời vào một ngày mùa đông, đã mọc lên và lặn đi, mà thậm chí không hề làm tan giá cho mặt đất. Và có sự hiện diện gần gũi, ấm áp, quả quyết –giống như mặt trời vào một ngày mùa hè, mang lại sự sống cho tất cả mọi loài. Việc trao tặng quà quan trọng, nhưng việc tiếp nhận qua cũng quan trọng tương tự như vậy. Lễ Giáng Sinh cũng là một thời gian để tiếp nhận –tiếp nhận những món quà mà người khác trao tặng, và đặc biệt là những món quà mà Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta. Thiên Chúa không trao tặng cho chúng ta món quà là một đồ vật, mà là một con người. Đức Giêsu chính là một quà tặng đối với những người nghèo khổ và thấp kém, để đảm bảo với họ rằng tình yêu mến không bỏ qua họ. Khi trao tặng quà, chúng ta gói món quà đó trong một lớp bọc có trang trí, mặc dù chúng ta biết rằng giấy gói không gia tăng gì thêm cho món quà, và sẽ bị xé ra và quẳng vào sọt rác. Khi Thiên Chúa làm cho chúng ta một món quà là chính Con của Người, thì món quà đó của Người không hề đến trong một lớp bọc được trang trí. Nhưng Người đã đến trong thân phận con người yếu đuối, mỏng dòn và hay chết. Chính nơi điểm này, mà chúng ta càng nhận thấy được mức độ sâu xa nơi tình yêu của Người. Mặc dù Đức Kitô đã đến giữa chúng ta với đôi bàn tay trống rỗng và yếu đuối, nhưng Người vẫn mang lại cho chúng ta những món quà vô giá và kéo dài muôn thuở. Người đến để dạy cho chúng ta không phải là những hạt bụi hoặc hạt cát, mà là những người con trai và con gái yêu quý của Cha trên trời, đươc tiền định vinh quang trên trời. Vậy chúng ta cần có loại khuynh hướng gì, để có thể đón nhận những ân sủng của Thiên Chúa? Chúng ta cần ý thức về sự nghèo nàn của bản thân chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Sau đó, điều mà chúng ta phải làm, là cởi mở tâm hồn chúng ta ra, để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Những ai biết đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, sẽ luôn luôn có được điều gì đó, để chia sẻ với những người khác. “Có một quà tặng không thể nào đánh giá được đã trao tặng từ 2000 năm trước. Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa không ban tặng như vậy, thì Người vẫn là một kẻ xa lạ ở nơi xa xôi, và không phải là một Hài Nhi nằm trong máng cỏ”. (John Betjeman) Suy Niệm 5. CUỘC HÀNH TRÌNH LÂU DÀI NHẤT Tháng 7, năm 1969, Neil Amstrong cùng với hai phi hành gia đồng đội, đã bắt đầu đi vào một cuộc hành trình lâu dài nhất, chưa từng được con người thực hiện. Mục tiêu của họ là một nơi ở cách xa hàng triệu dặm. Cả thế giới hướng đôi mắt về phía họ, trong khi bay tới một hành tinh trong không gian ở gần chúng ta nhất –mặt trăng. Họ đã đáp xuống tại một nơi trên mặt trăng, được biết đến như là Biển của Yên Tĩnh. Họ khám phá ra rằng nơi không có sự sống và cằn cỗi, và đã mang về một nắm đá và bụi. Tuy nhiên, Amstrong mô tả sứ mạng của họ là “một bước nhảy vọt đối với nhân loại”. Lúc đó, đây là một tin vĩ đại. Bây giờ, dường như cuộc hành trình này mang tính cách khá mơ hồ. Hầu như chúng ta đã quên lãng điều gì đã từng xảy ra. Người ta đang hỏi nhau không hiểu cuộc hành trình đó đã đạt được gì, bất cứ điều gì? Và những con người mà danh tính của họ đã từng ở trên môi miệng của tất cả mọi người, thì nay hiếm khi được nhắc nhở đến. Hôm nay, người Kitô hữu chúng ta cử hánh mầu nhiệm Nhập Thể –việc Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đi vào thế giới của chúng ta. Người đã được một người trinh nữ thấp kém sinh ra, vào một thời điểm mà nền thông tin còn chậm chạp, và tại một đất nước nhỏ bé, không hề có biển yên tĩnh, mà chỉ có bối cảnh là những cuộc xung đột triền miên. Chỉ có một nhúm người biết việc Người đã đến mà thôi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nói về mầu nhiệm này và cử hành ngày lễ này. Sự Nhập Thể là giây phút vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Kết quả là mọi việc không bao giờ còn giống như trước nữa. Qua bao thời đại, các nghệ sĩ, nhà thơ, tác giả đã nhận ra tầm quan trọng của biến cố Nhập Thể. Trong biến cố Nhập Thể, chúng ta nhận ra được tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Mặc dù Đức Kitô đến giữa chúng ta trong đôi tay trống rỗng và yếu đuối, nhưng Người vẫn mang đến cho chúng ta những ân sủng vô giá và tồn tại muôn thuở. Người đến để dạy cho chúng ta rằng không phải là những hạt bụi hoặc hạt cát, mà là những người con trai và con gái yêu quý của Cha trên trời, được tiền định vinh quang đời đời. Có một người giáo viên rất muốn đưa ra những lời giảng dạy, hướng dẫn, phê bình và sửa sai. Ngay sau khi kết hôn, ông liền dạy cho vợ ông biết cách rửa bát đĩa, bởi vì ông cho rằng nàng làm việc này không đúng cách. Và với cách thức chỉ dạy của ông, nàng phải rửa lại từng cái đĩa, mà nàng đã rửa xong rồi, dưới sự giám sát của ông. Thay vì cho nàng nhìn thấy ví dụ cụ thể, bằng cách tự tay rửa bát, thì ông lại chỉ đưa ra những lời khuyên bảo và hướng dẫn. Đức Giêsu đã không làm như vậy. Với tư cách là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu được chia sẻ cùng một bản chất thần thánh, giống như Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nhưng trong sự Nhập Thể, Người đã tự mang lấy trên thân mình Người chính thân phận của chúng ta, đó là một thân phận yếu đuối, mỏng dòn, lệ thuộc vào tội lỗi và sự chết. Bởi vì cuộc đấu tranh và chiến thắng ở ngay trong bản chất của chúng ta, nên chúng ta cũng có thể được ích lợi từ bản chất đó. Và Đức Giêsu không hề đòi hỏi bất cứ điều gì nơi chúng ta, mà Người lại không tự mình thực hiện. Từ đó, bạn có được mầu nhiệm Nhập Thể. Đó mà mẫu thức của sự cứu độ. Thiên Chúa đã đi vào thế giới cảu chúng ta, cùng với những điều kiện sống của chúng ta. Người muốn cảm nhân được nỗi khổ đau của kiếp người, và chỉ ra cho chúng ta tính cách vĩ đại của con người. Bây giờ, chúng ta có được một Thiên Chúa, Đấng thấu hiểu chúng ta, mỗi khi chúng ta nói với Người về nỗi đau đớn của chúng ta. Nhưng Người cũng là một Thiên Chúa, Đấng sẽ không cho phép chúng ta được đắm mình trong nỗi đau khổ đó. Người sẽ không thoả lòng cho đến khi Người đòi hỏi được điều tốt đẹp nhất nơi chúng ta. Con Thiên Chúa đến trên trái đất này, để chia sẻ thân phận của chúng ta, sao cho chúng ta có thể được chia sẻ trong sự thần thánh của Người: “Hai ông bà lấy tã bọc con trẻ, và đặt Hài Nhi trong một máng cỏ”. Đức Giêsu đã lớn lên chính từ nguồn gốc thấp kém này, để chỉ ra cho chúng ta thấy sự vĩ đại của nhân loại chúng ta. Niềm vui của ngày này tràn đầy trong tâm hồn chúng ta và trên toàn thế giới. Đức Giêsu hướng dẫn chúng ta trên một cuộc hành trình còn táo bạo hơn cả cuộc hành trình của các phi hành gia –cuộc hành trình đi đến Vương Quốc của sự sống đời đời. |