Lễ Giáng Sinh (Lễ rạng đông) - Năm C
ÁNH SÁNG ĐÃ XUẤT HIỆN
Góp nhặt

Hai em học sinh nói chuyện với nhau, một em hỏi người bạn của mình:

Đố bạn, bạn có biết lễ gì trên thế giới mà hầu hết mọi người đều biết và vui mừng không? Người bạn kia ấp úng trả lời: “Đó là lễ Giáng Sinh của đạo Thiên Chúa mình đấy”.

Niềm tự hào của em bé đó cũng có thể là niềm tự hào thầm kín của mọi người chúng ta. Lễ Giáng Sinh là một lễ được nhiều người biết đến, được nhiều người vui mừng chờ đón như một lễ hội chung của con người trên trái đất nầy. Nhưng bên cạnh những vẻ hào nhoáng vui mừng của ngày lễ, điều mà chúng ta phải tự hỏi, nhất là đối với những người Kitô hữu chúng ta, đó là mấy người trong chúng ta đã hiểu và sống ý nghĩa của mầu nhiệm mà lễ Giáng Sinh muốn bày tỏ.

Lời nguyện, bài đọc 1 và 2 của Lễ Rạng Đông hôm nay đều ca ngợi Đức Kitô là ánh sáng, là vinh quang của Thiên Chúa. Ánh sáng và vinh quang đó đến với con người không có một mục đích nào khác hơn là để dẫn con người ra khỏi bóng tối của sự chết, dẫn tới nguồn ánh sáng chân thật và nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.

Nhưng tại sao ánh sáng và vinh quang ấy không được tỏ cho tất cả mọi người, mọi thành phần trong xã hội, mà –như trong Tin Mừng hôm nay- Chúa chỉ tỏ cho những người đơn sơ, bé mọn, nghèo hèn là các mục đồng. Chỉ có những mục đồng nghèo hèn này mới nhận ra Chúa trong thân phận nghèo hèn giống như họ. Còn những người khác, họ đã chờ đón Chúa, nhưng khi Ngài đến thì họ lại không nhận ra và đón tiếp. Thế nhưng, nếu có ai nhân danh chính họ mà đến trong vinh quang trần thế, thì họ sẽ đón tiếp nồng nhiệt (x.Dcr 5,43-44). Con người luôn có một khuyết điểm, họ thường áp đặt lên Thiên Chúa những điều mà họ tưởng là của Thiên Chúa, nhưng thật ra lại chính là của họ. Trong khi luôn mải mê chạy theo những vinh hoa, phú quý thì người ta không thể nào chấp nhận một Đấng Cứu Thế xuất hiện một cách quá tầm thường giữa những người tầm thường. Người ta quan niệm Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, cao cả, vinh quang và uy quyền –giống theo kiểu loài người- Cho nên, người ta không thể nào tin nơi con trẻ sinh ra trong chuồng bò kia, con của bác thợ mộc và bà Maria trong xóm nghèo Nagiaret lại có thể là chính Thiên Chúa làm người được. Người ta quên rằng vinh quang trần thế thường làm cho người ta chia rẽ, tranh giành, chém giết nhau. Còn vinh quang và uy quyền của Thiên Chúa không phải để huỷ diệt, để phân rẽ, mà là ánh sáng ban sự sống, là sức mạnh của tình yêu để cải hoá chúng ta.

Thiên Chúa đã làm người. Sự sống và tình thương, ánh sáng và vinh quang của vị Thiên Chúa làm người đó vẫn được tiếp tục ban cho chúng ta. Nhưng chỉ những ai sống khiêm tốn, nghèo khó, sống yêu thương mới có thể nhận biết và đón nhận Ngài.

Đức Giáo Hoàng Gioan XIII kể lại rằng: Một trong những Lễ Giáng Sinh ý nghĩa nhất trong đời Giáo Hoàng của ngài, đó là Lễ Giáng Sinh đầu tiên khi ngài mới được bầu làm Giáo Hoàng. Theo một thông lệ đã có từ lâu đời trong Giáo Hội, vị Giáo Hoàng nào cũng phải tự giam giữa những bức tường của điện Vatican, không được đi lại tự do, đó là một điều vô lý. Ngài cứ suy nghĩ mãi và cuối cùng ra một quyết định khiến các chức sắc thân cận ngài phải sửng sốt: “Vào ngày Lễ Giáng Sinh, tôi muốn đi thăm các trẻ đau yếu tại bệnh viện Chúa Giêsu Hài Đồng –Lễ Giáng Sinh là lễ của nhi đồng thì tại sao môt vị Giáo Hoàng lại không được phép đi thăm các em nhi đồng?”. Thế là vị Giáo Hoàng được mệnh danh là người cha hiền từ, đã phá vỡ thông lệ cố hữu để đến gặp gỡ một cách thân mật với các em nhi đồng. Vừa thấy bóng dáng ngài, các em đã réo gọi ngài bằng tên Gioan như một người bạn thân. Ngài chuyện trò thân mật với các em, ngài ngồi bên cạnh một em bé vừa mới bị thương. Đó là Lễ Giáng Sinh đẹp nhất trong đời của Đức Giáo Hoàng Gioan XIII và cũng là ngày vui nhất đối với các em nhi đồng.

Chúng ta có thể sẽ lên án những người đi trước chúng ta là đã không nhận ra và không tiếp nhận Chúa. Nhưng, mãi mãi chúng ta sẽ chẳng bao giờ được hưởng ánh sáng của mầu nhiệm nhập thể và thông truyền cho người khác như các mục đồng xưa kia và ngày lễ hôm nay sẽ trải qua vô ích, sẽ chỉ là những hình thức trống rỗng bên ngoài, nếu chúng ta chưa mặc lấy cho mình một tâm tình khiêm tốn và yêu thương. Bao lâu chúng ta còn lo mải mê chạy theo những vinh hoa phú quý, những lợi lộc vật chất, những thú vui trần tục, mà quên đi những giá trị tinh thần, bao lâu chúng ta vẫn còn sống một cách ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình hoặc khinh miệt những người thấp kém, nhỏ bé hơn mình, mà không kính trọng, sẵn sàng yêu thương, giúp đỡ san sẻ những gì mình có, thì những điều đó chứng tỏ rằng chúng ta chưa nhận ra và chưa đón nhận “Đấng Thiên Chúa làm người”. Vậy hôm nay chúng ta hãy chứng tỏ chúng ta đã gặp và sẵn sàng tiếp nhận Đấng Cứu Thế bằng những hành động cụ thể; tỏ lòng tôn trọng đối với những người bé nhỏ, nghèo hèn thường bị khinh thường, coi rẻ; tỏ tình yêu thương với những người chung quanh chúng ta bằng những lời nói và việc làm. Nhưng không phải chỉ hôm nay, mà mãi mãi như vậy.