Lễ Giáng Sinh (Lễ ban ngày) - Năm C |
NGÔI LỜI ĐÃ TRỞ NÊN NGƯỜI PHÀM |
Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’ |
Cảnh sát thành phố Los Angeles ở Mỹ đã từng lùng sục mọi hang cùng ngõ hẻm tối tăm để tìm một em nhỏ tên Thad. Nhiều người ở Mỹ và Canađa đã góp tiền, thực phẩm để tặng cho em khi người ta chuyển đến “Cơ quan Bảo vệ Trẻ em Thành phố” một bức thư đầy lỗi chính tả của em. Em viết như sau: “Thưa Ông “dà” Noen, Giáng Sinh này xin ông giúp đỡ bố mẹ con. Bố con không còn đi làm nữa. Bây giờ nhà con không có nhiều thức ăn. Mẹ con phải cho chúng con ăn những thức ăn đáng lẽ mẹ ăn… Con muốn được lên “chời” để ở chung với các thiên thần. Ông mang con lên “chời” nhé. Bố mẹ con sẽ không phải mua đồ ăn cho con nữa. Điều đó sẽ làm cho bố mẹ con “xung xướng”. Xin Ông mang cho bố con một chỗ làm và ít thức ăn… Con sẽ không ngủ đâu. Khi Ông cho bố con một việc làm và cho mẹ con ít thức ăn, con sẽ đi với Ông và bảy tuần lộc… Con gởi lời chúc Giáng Sinh vui vẻ đến Bà Noen và các chú lùn nữa. Ký tên: Thad. Người ta vẫn chưa tìm ra em Thad y như rất nhiều người Do Thái đã không tìm ra trẻ Giêsu nghèo khó năm xưa. Họ đâu dám đi ra ngoài vì sợ trời lành, họ không dám đến những khu nhà tối tăm, bẩn thỉu vì sợ dơ quần áo. Họ giống như những người giàu thời đại chúng ta chỉ muốn ở yên trong nhà, tự mãn với những nệm êm, chăn ấm, với những bữa tiệc, những cây thông đủ ánh đèn màu, với những chương trình tivi hấp dẫn. Những người giàu ấy sẽ phải khóc vì không nhận được ơn bình an và ơn cứu độ của Chúa Hài Đồng. Chúng ta không cần tìm kiếm ở đâu xa xôi, vì Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Quả thức, Thiên Chúa không phải chỉ làm người giả hiệu, mà Ngài đã cắm lều ở giữa chúng ta. Để nhận ra điều đó, chúng ta hãy bước đến hang đá. Hẳn nhiên đó chỉ là biểu tượng. Nhưng là một biểu tượng nhắc nhớ một biến cố lịch sử duy nhất. Một cảnh sống nghèo nàn, thanh bạch đến thiếu tất cả, giữa một đêm tối không đèn, không đóm, nơi một góc trời không tên không tuổi. Hai người bạn trẻ, hai người lao động đơn sơ nằm nhờ trên đống rơm giữa những con vật hiền lành. Một hài nhi mới sinh trong một cuộc hành trình bất đắc dĩ. Nhưng Thiên Chúa đó! Thiên Chúa không yêu thương chúng ta từ trời cao. Ngài đã đến cắm lều ở giữa chúng ta, trong da thịt Đức Giêsu Nazarét. Điều mà không ai có thể tưởng tượng ra, đó là Thiên Chúa liên đới trọn vẹn với số phận mạt kiếp của chúng ta. Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, như là một người nghèo nhất tại Bêlem trước khi trở thành người rốt hết trên thập giá. Giáng Sinh nhắc nhớ cuộc gặp gỡ thân tình có một không hai đó giữa Thiên Chúa và con người như một huyền nhiệm, như một trao đổi kỳ diệu. Và như vậy, thưa anh chị em, chúng ta thấy Thiên Chúa “người” hơn chính chúng ta. Ngài ở dưới đất. Đừng đi tìm Ngài trên khung trời cao! Chúng ta là như vậy đó: Khi tình yêu quá lớn, nghĩa là quá khiêm tốn thì chúng ta lại không dám nhận ra, không dám chấp nhận. Chúng ta không chấp nhận để cho Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến mức Ngài đến gặp chúng ta trong huyền nhiệm Nhập Thể của Ngài. Nhưng dù chúng ta có muốn hay không, thì từ nay Thiên Chúa đã đi vào cuộc sống của ngõ hẹp, của chuồng chiên bò, của hang đá, máng cỏ. Và nếu Thiên Chúa đã tự hạ gần gũi như vậy, tầm thường như vậy, thì không có gì xảy ra trong đời thường của chúng ta lại ở ngoài ánh sáng thần linh của Thiên Chúa, “ánh sáng cho nhân loại, ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và ánh sáng ấy là sự sống”. Khi đất này đã được sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu bao trùm, thì đất này đã là túp lều của Con Thiên Chúa nhập thể. Mọi đóng góp cho đất này đã trở thành nơi ở, chẳng những ở được mà còn ở tốt cho Thiên Chúa và cho con cái loài người của Ngài, là một điều không ai được khước từ nếu không muốn phủ nhận niềm tin của mình và mầu nhiệm Giáng Sinh. Không có con người nào là con người bị loại ra ngoài tình yêu của chúng ta nếu chúng ta không muốn cho đức ái chỉ là chữ viết trên giấy. Không có cảnh đời nào là cảnh đời chúng ta phải chạy trốn, nếu chúng ta thật sự muốn sống lòng cậy trông của mình. Chúng ta thường đi gặp Chúa ở ngoài cuộc sống cụ thể, hằng ngày, trong khi Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong cuộc sống cụ thể hằng ngày đó. Chính vì thế mà những người Mỹ, những người Canađa, những cảnh sát ở thành phố Los Angeles vẫn chưa tìm ra được em Thad khi họ nhận được bức thư em gởi cho ông già Noen. Bởi em Thad là hiện thân của bao nhiêu em bé và gia đình nghèo đói trên trái đất này, nơi Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ ở giữa chúng ta trong những gia đình, những em bé khốn khổ đó. Anh chị em thân mến, tôi không tin là chúng ta có thể gặp được Chúa trong nhà thờ nếu đã không gặp cho được Ngài trong cuộc sống qua một khuôn mặt nào đó, như khuôn mặt của các em bé mồ côi, khuôn mặt của những ông già bà cụ cô thân cô thế, khuôn mặt của những con người ốm đau, bệnh tật, của những người nghèo đói, của những người bị bỏ rơi, bị loại trừ, thiếu vắng tình thương… Bởi vì, đối với chúng ta, cụ thể mà nói, quê hương này là nơi Thiên Chúa làm người để anh em đồng bào chúng ta không phân biệt giai cấp, được làm con Chúa; là nơi Thiên Chúa hẹn gặp chúng ta; là nơi chúng ta phải gặp Ngài qua chứng từ về ánh sáng, để nhờ ánh sáng anh em đồng bào chúng ta sẽ nhìn thấy Ánh sáng của Tình thương, Ánh sáng của sự sống. |