Chúa nhật Truyền giáo - Năm C
TRUYỀN GIÁO
Lm Mathia M. Quang Thận CMC

Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây." Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." Đức Giê-su bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giê-su bảo: "Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy được. "Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10, 35-45) 

Kính thưa quý ông bà và anh chị em.

Năm nay, ngày thế giới truyền giáo mang một ý nghĩa của năm Đức Tin một năm hồng ân của Chúa Giêsu khi Ngài đến thế gian để đền bồi tội lỗi chúng ta ngang qua cái chết đau thương trên thập giá và giờ đây được tái diễn trên bàn thờ qua thánh lễ.

Thực ra, đau khổ, tủi nhục và thập giá đã từng được Isaia khắc họa khi nói về người tôi tớ của Thiên Chúa: Chúa đã muốn hành hạ Người bằng đau khổ. Đau khổ không do bởi Người nhưng do chính con người mang tội lỗi: vì Người đã gánh lấy tội ác của họ. Ngang qua sự tự hiến của mình, Chúa Giê-su đến với sứ mạng giải thoát con người khỏi ách nô lệ ma quỷ và tội lỗi, cùng đem con người vào vương quốc Thiên Chúa.

 Thế nhưng nào các môn đệ đã hiểu. Chẳng vậy mà họ đã tìm cách đến xin với Chúa cho mình được tham dự vào vinh dự cai trị chư dân như trường hợp của hai anh em Gioan và Giacôbê con của Dêbêđê.

Không muốn để cho các môn đệ bị chìm đắm vào bã vinh hoa thế tục và óc thực dụng. Chúa Giê-su muốn thăng tiến các tông đồ bằng cách siêu nhiên hóa, cách nhìn cao cả lên Thiên Chúa, cảm thông với những yếu đuối tội lỗi của con người, và để chúng ta từ đây có quyền tin tưởng rằng: trong Chúa Giê-su Kitô niềm cậy trông của chúng ta sẽ không hề thất vọng.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Như các tông đồ, chúng ta khó chịu vì lối suy nghĩ quá thực dụng của hai anh em nhà Dêbêđê mà còn cả các Tông Đồ và hiện nay có cả mỗi người chúng ta, cũng đã nhiều lần suy nghĩ và sống như  các Ngài. Vì thế đây phải là dịp để chúng ta kiểm điểm lại chính mình: chúng ta có biết nhận ra điều đó, để thay cho những đòi hỏi, yêu sách, quyền lực là sự phục vụ trong quên mình, trong khiêm tốn, sẵn sàng hy sinh phần cá nhân để lợi ích anh em được nâng cao. Đây là cách truyền giáo tốt nhất chúng ta không chỉ rao giảng một giáo lý, chia sẻ cuộc sống yêu thương, cô đọng trong giới răn mến Chúa yêu người để rao giảng một thứ đạo, đó là “Đạo tình thương”

Dù là Con Thiên Chúa, là thượng tế cao cả, nhưng qua con đường nhập thể, Đức Kitô đã cảm thông với những yếu đuối của con người nhất là đối với những ai tội lỗi, hầu lôi cuốn họ về cùng Thiên Chúa. Phần chúng ta đã biết noi gương Chúa tỏ ra rộng rãi khoan dung, quan tâm và giúp đỡ hay đay nghiến ghét bỏ, trì chiết và tìm mọi cách để loại trừ người thân và anh em mình, dù người anh em đó đã nhìn ra nết xấu và ước mong được sửa chữa để nên tốt hơn. 

Chúng ta được mời gọi để cậy trông vững vàng trong khi tiến đến trước toà ân sủng của Chúa. Để hạ mình xuống phục vụ đã là cả một chén đắng. Nhưng khi phục vụ lại còn bị nghi ngờ, hiểu lầm, gặp những chống đối, ghen ghét lại càng dễ nản lòng hơn. Trong những giờ phút đó, chúng ta có biết nhìn ra lý tưởng chúng ta đang hướng về đó là công cuộc truyền giáo qua chính việc đóng góp phục vụ của chúng ta cho mọi người. Hội thánh đang dành cho việc Phúc Am hóa mới và tuyền giáo. “Không tín hữu nào, không tổ chức nào trong Giáo Hội có thể trốn tránh nhiệm vụ tối cao này là loan báo Đức Kitô cho mọi người” (RM số 3).

Cánh đồng truyền giáo thật rộng lớn bao la, có rất nhiều việc cần phải làm và nhiều tông đồ với nhân sự để thực hiện. Xin Chúa không chỉ ban cho Hội Thánh có nhiều tâm hồn dâng mình phục vụ Chúa trên cánh đồng truyền giáo, mà còn có nhiều tâm hồn quảng đại sẵn sàng đóng góp lời cầu nguyện của mình hoà trong những hy sinh bệnh tật vào sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh hôm nay.