Chúa nhật Truyền giáo - Năm C
HÃY ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG
CHO MỌI THỌ TẠO
Lm Gioan M. Thiên Khải, CMC.

Kính thưa anh chị em,

Hằng năm, Giáo hội dành một ngày gọi là ngày thế giới truyền giáo, để kêu gọi mọi người tín hữu hay ý thức ơn gọi ngôn sứ của mình khi lãnh Bí tích Rửa Tội. Điều này công đồng Vat. II đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sắc lệnh truyền giáo: “Mỗi Kitô hữu phải là một tông đồ cho Chúa”.

Vậy để tuân theo lệnh truyền của Chúa được nhắc lại trong bài Tin mừng hôm nay; cũng như để thi hành ơn gọi ngôn sứ của mình, chúng ta cần có ít nhất những hành trang sau đây:

1/ Cầu nguyện, liên kết với Chúa.

Trước khi sai các tông đồ đi truyền giáo, Chúa Giêsu lần lượt kêu gọi các ông và huấn luyện họ. Về phần các ông đi theo Chúa, sống với Chúa, học nơi Chúa, họ từng nghe lời Chúa giảng, từng thấy phép lạ Chúa làm. Các ngài đã thấm nhuần được tinh thần của Chúa. Nhưng để cho việc truyền giáo mang lại kết quả, thì Chúa bảo họ hãy cầu nguyện. Đời sống cầu nguyện tựa như cành nho liên kết với thân nho, nhờ sự liên kết này ơn Chúa mới giúp sức cho. Bởi vì Ngài đã khẳng định: “Không có ơn Ta các con không thể làm gì được”. Việc truyền giáo sẽ thất bại, lời nói trở nên trống rỗng, không có sức đánh động người nghe, nếu thiếu đời sống cầu nguyện kết hợp với Chúa.

2/ Tinh thần bác ái.

“Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”. Đạo chúng ta là đạo yêu thương, do Thiên Chúa thiết lập. Cho nên khi chúng ta đi truyền giáo, là chúng đem tình thương Chúa đến cho người khác. Tin Mừng mà chúng ta loan báo sẽ trở thành vô nghĩa nếu nó không được thể hiện trong cuộc sống yêu thương, “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Trong thư chung HĐGMVN năm 2003 đã nhắc nhở: “Những hoạt động bác ái, là những lời rao giảng dễ đón nhận nhất, vì người đương thời sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy, bởi các thầy dạy cũng là những chứng nhân”.

        3/ Tâm hồn bình an.

Khi Chúa Giêsu sai các tông đồ đi rao giảng thì Ngài căn dặn: “Vào nhà nào, các con hãy chúc bình an cho nhà ấy”. Như vậy, nhà truyền giáo ra đi loan báo Tin Mừng mà không có sự bình an của Chúa thì chắc chắn sẽ không có kết quả “Vì không ai cho cái mình không có”.

    Anh chị em thân mến,

Với ba hành trang trên, bây giờ chúng ta truyền giáo cho những đối tượng nào?

Chúa Kitô là mẫu gương truyền giáo. Đầu tiên Chúa đi tới các Miền Thập Tỉnh, những làng dân ngoại chưa biết Chúa. Ngài đến với người phụ nữ xứ Samaria, nhờ cuộc đối thoại mà bà đã nhận ra Chúa là Đấng Mêsia. Đồng thời, bà trở nên người đi loan báo cho người khác về Chúa.

Truyền giáo là đi tới những người lãnh đạo cao cấp trong dân. Chúa Giêsu đã gặp gỡ và tiếp viên sĩ quan thành Caphanaum, khi ông đến gặp Ngài. Chính nghĩa cử quan tâm mà Chúa Giêsu đã chinh phục được viên sĩ quan và gia đình ông. Để rồi Ông trở thành người làm chứng cho Tin mừng.

Truyền giáo là đi tới những người nghèo đói, yếu đau và tật nguyền. Chúa Giêsu đã không ngừng ra tay cứu giúp những người đui mù, câm điếc, què quặt và phong cùi… Khi gặp người bại liệt đã 38 năm, một người bị xã hội bỏ rơi, nằm chung giữa một đám người tê liệt. Chúa Giêsu đã cứu chữa anh và anh đã trở nên người công khai tuyên bố tin nhận Ngài.

Truyền giáo là ra đi. Chúa Giêsu bảo Phêrô: “ Hãy chèo thuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”(Lc.5,4). Qua lệnh truyền mà Chúa bảo Phêrô, tôi  thiết nghĩ rằng: nhà truyền giáo chẳng những ra đi khỏi nhà, nhưng còn hiểu theo một cách khác, đó là phải ra đi khỏi chính mình, ra khỏi những kiêu căng tự phụ, và ra chỗ nước sâu của cái tôi ích kỷ, những tính toán hơn thiệt nhỏ nhen, đừng ỷ lại vào tài cán cá nhân, nhưng khiêm tốn coi mình chỉ là dụng cụ bé nhỏ trong tay Chúa, thành công thất bại là tuỳ ở Chúa.

Anh chị em thân mến,

Từ khi hạt giống Tin mừng được các vị Thừa Sai gieo vãi trên quê hương Việt Nam. Bắt đầu từ 1525 - 1633, thì số người tin theo Chúa được 5%.

  Rồi từ 1633 -1888, kết thúc thời Văn Thân bắt đạo, thì số người theo đạo tăng được 7% dân số. Đến 1960 thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, số tín hữu Việt Nam cũng chỉ 7%. Như vậy từ 1888 – 1960, số người tin vào Chúa dặm chân tại chỗ không có gia tăng.

Rồi đến 2010, nhân dịp kỷ 50 thành lập hàng Giáo phẩm và hơn 400 năm Giáo hội Việt nam lãnh nhận đức tin, làm một bản thống kê, số tín hữu tin vào Chúa được 8%.

Như vậy từ 1960 - 2010 con số phát triển được 1%, nhưng liệu 1% này, có phải là kết quả của một công trình loan báo Tin mừng của người tín hữu Việt Nam không? Trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ rằng không chắc lắm. Bởi vì  trong số 1% này, có thể phát triển theo sinh sản tự nhiên, và số người vì hôn nhân mà theo đạo thôi. Thế thì, có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi: tôi có trách nhiệm trong vấn đề này bao nhiêu phần trăm? Tôi có thao thức gì trong việc rao truyền Lời Chúa?

Thưa anh chị em,

Trước khi Chúa Giêsu về trời, Ngài để lại cho các tông đồ một lời di chúc đó là: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân....”. Thế nhưng, sau khi Chúa về trời các tông đồ vẫn còn nhúc nhát sợ hãi chưa dám ra đi thực hiện lời di chúc của Chúa, nhưng nhờ Mẹ Maria tập trung các ông trong nhà Tiệc Ly cầu nguyện, và nhờ sự hiện diện của Đức Mẹ mà Chúa Thánh Thần đã biến đổi các ông: từ những người dốt nát trở nên thông thái; từ những người nhút nhát sợ hãi trở nên mạnh mẽ tung cửa ra đi rao giảng  làm chứng cho Tin mừng của Chúa.

Xin Đức Mẹ Mân Côi, là mẫu gương truyền giáo đầu tiên trong việc mang Chúa đến cho người khác, giúp cho mỗi người chúng ta biết ý thức chức vị ngôn sứ của mình. Hầu tích cực loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến. Amen.