Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ - Năm C
LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ
Lm Giuse Đinh tất Quý

Luca 23,35-43

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Cha đố chúng con hôm nay là lễ gì nhỉ?

- Lễ Chúa Giêsu Vua.

+ Chúa Giêsu đã xưng mình là Vua lúc nào?

- Lúc Chúa bị xét xử trước quan Philatô.

+ Chúng con trả lời rất đúng. Cha cám ơn chúng con. Trong bài Tin Mừng hôm nay chúng con thấy Chúa Giêsu đã làm gì để chứng tỏ mình là Vua?

- Chúa tha tội cho một tên cướp và hứa cho người đó vào Thiên đàng với Chúa.

- Cám ơn chúng con. Chúng con trả lời rất đúng. Cha khen chúng con. Thật đúng như thế. Chúa tha tội và ban phúc Thiên đàng. Điều này chẳng có vua nào trên trần gian này làm được. Vua chúa trần gian này cùng lắm chỉ có quyền tha tội và ban bổng lộc, còn Chúa, Chúa tha tội, tội tầy đình và sau đó Chúa còn ban một điều mà cả loài người không ai làm được đó là phúc Thiên đàng, là điều mà cả loài người mơ ước kể cả các vua trần thế.

Bây giờ chúng con hãy nhìn vào câu chuyện hôm nay, chúng con sẽ thấy tại sao Chúa lại làm thế.

Người ta đã nói rất nhiều về người trộm biết ăn năn này, thậm chí ở nhiều nước đạo gốc có nơi người ta còn thờ anh như một vị thánh. Anh được người ta gọi bằng những tên khác nhau như Dismas, Demas, Dumachus.

Chúng ta hãy nhìn xem sự việc được diễn tiến như thế nào nhé! Hai tên phạm nhân ở hai bên Thánh giá của Chúa, cùng một án phạt, cùng một hoàn cảnh nhưng đã có hai thái độ khác nhau.

Thái độ kỳ lạ của hai người này là một ứng nghiệm hết sức rõ ràng cho lời mà cụ Simêon đã nói về Chúa Giêsu trong Đền Thờ:"Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên." (Lc 2,34).  Lời tiên tri đó quả đã đúng với những gì đang xẩy ra và cũng có thể nói nó sẽ còn đúng mãi mãi về sau, đó là có những người tin Chúa sẽ được cứu, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những người không tin thì không được cứu. Lịch sử loài người luôn luôn như vậy. Tin Mừng sẽ đem lại sự sống cho nhiều người và cũng đem lại án phạt cho nhiều người. Tình trạng ấy sẽ kéo dài cho đến ngày tận thế.

Chúa Giêsu bị xỉ nhục. "Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người." Tại sao thế?  Một con người, mà cuộc đời đã đến chỗ sắp tàn, vậy mà còn đi mắng nhiếc người đồng cảnh ngộ, thì hèn hạ không biết chừng nào! Đau quá hóa điên, làm liều để tạm quên những đau đớn của mình, y như một con vật mắc bẫy cắn bất cứ cái gì nó gặp … Đó là tình trạng của tên cướp không chịu tin và cũng chẳng chiụ ăn năn!

Còn tên kia thì sao? Thánh Luca viết: Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ"  Rõ ràng là con người này đã thay đổi. Anh ta đã ăn năn. Để giải thích cho sự ăn năn đột ngột này, có người cho rằng tên cướp này đã từng có lần gặp Đức Giêsu. Điều đó không biết có hay không thì người ta không chắc, nhưng chắc chắn là hắn đã được nghe lời Ngài nói với nhóm phụ nữ thương hại Ngài, đã thấy thái độ của Ngài trên đường bị dẫn tới Núi Sọ, đã nghe Ngài cầu xin tha thứ cho kẻ thù.

Rồi, chính những tiếng nhục mạ bằng những danh hiệu mà Ngài tự xưng hay bị người ta ghán ghép cho, của kẻ thù đứng ở dưới chân Thập giá đã giúp hắn nhận ra Chúa.

Lúc này, lòng của hắn đã tràn ngập đau đớn hối hận vì tội lỗi, nhưng cũng tràn đầy tin yêu, nên chỉ cần một tàn lửa thật nhỏ phát xuất từ Thánh giá Chúa Cứu Thế, cũng đủ làm cho đức tin trong hắn bùng lên. Lòng ăn năn của hắn đã được biểu lộ qua câu nói với đồng bạn: "Mày không sợ Thiên Chúa sao?" Với những lời như thế không những hắn đã dứt bỏ được dĩ vãng, với quá khứ tội lỗi, mà còn cắt đứt được mốt liên hệ với tên cướp không chịu ăn năn.

Hơn nữa, khi nhìn lại cuộc đời đã qua, hắn thấy mình đã bị nhơ nhuốc vì những hành động mà hắn biết rằng chỉ có cái chết mới là hình phạt xứng đáng "Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm." Bình thường thì kẻ thống hối luôn sợ không dám đến với Chúa, vì nghĩ rằng tội họ quá lớn không thể tha thứ được. Thế nhưng, trường hợp của tên cướp ăn năn, là một chuyện lạ. Hắn đã không sợ mà còn can đảm dám nói lên lời van xin: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" Câu nói thật đơn sơ và khiêm nhường, nhưng rõ ràng nó đã biểu lộ một niềm tin nơi Chúa. Tất cả niềm mơ ước của hắn bây giờ là được Chúa nhớ đến, khi Chúa về nước của Ngài.

Như vậy là giữa những tiếng kêu gào của đám quần chúng bị sách động, giữa những tiếng kêu than ai oán vì tội ác, giữa những tiếng cuồng loạn của đám người chống đối, đã có một tiếng vang lên để ca tụng Chúa, đó là tiếng kêu của một tên trộm bị đóng đinh.

Giữa lúc, những kẻ trước đây cuồng nhiệt tung hô, nay lại phản đối Ngài.

Giữa lúc đám môn đệ thề quyết trung tín nhưng đã bỏ trốn hết, thì một mình tên trộm lên tiếng bênh vực Ngài.

Nếu anh thanh niên con của góa phụ thành Naim, được cải tử hoàn sinh, lên tiếng tin vào quyền năng của Đấng xem ra mất hết quyền đế vương, nếu Phêrô đã từng chứng kiến Chúa biến hình trên núi, nếu anh mù thành Giêrikhô đứng lên công nhận thần tính nơi Ngài … chúng ta không ngạc nhiên.

Phải, nếu một trong những người trước đây đã hưởng ân huệ của Chúa lên tiếng, có lẽ các môn đệ nhát sợ đã lấy lại được lòng can đảm, đám dân vô tâm đã tỉnh ngộ, bọn ký lục và biệt phái đã tin theo.

Nhưng giữa lúc cái chết gần kề, giữa lúc Chúa Cứu Thế như hoàn toàn thất bại trước mặt người trần (ngoài ba người đứng dưới chân thập giá), chỉ có một người lên tiếng tin nhận Ngài, đó lại là tên trộm bị đóng đinh.

Anh đã thấy cây thập giá nhưng anh đã tôn thờ như ngai vua cả.

Anh đã thấy người bị đóng đinh nhưng anh kêu cầu với Ngài như Chúa Tể.

Anh đã thấy sự sống trong cõi chết, thấy vinh quang trong nhục nhã … "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi."

Có thể đây là lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần cuối cùng, tên trộm này cầu nguyện. Dầu vậy Đấng đã được tiên báo "Không bẻ đứt cây sậy dập gẫy, không tắt hẳn tim đèn còn khói" (Mt 12,20), chẳng lẽ Ngài lại không đáp ứng lại một niềm tin như vậy sao? "Người nào đến với Ta, chẳng bao giờ bị Ta xua đuổi." (Ga 6,37). Chúa Giêsu đã giữ lời và còn giữ hơn cả điều người ta trông đợi. Bằng chứng rõ rệt của tên trộm là một chiến thắng vĩ đại của Chúa Giêsu.

Trước đây Ngài đã dùng nghị lực mạnh mẽ để chế ngự thiên nhiên, dùng quyền lực để trục xuất được ma quỉ, thì hôm nay dù tay Ngài bị đóng chặt vào thập giá, Ngài vẫn có thể mở được cửa trời.

Trong khi nhà cầm quyền Giêrusalem không thể làm Ngài rời khỏi thập giá, trong lúc mọi tố cáo bất công không thắng được sự yên lặng của Ngài, trong lúc những lời gào thét "Nó đã cứu được người khác, mà không cứu nổi mình" không làm Ngài hé môi …

Vậy mà Ngài đã nghiêng đầu về người yếu đuối bên cạnh Ngài. Ngài đã nói và cứu một tên trộm "Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta."

Trước đây không một ai được hứa như thế, dầu người đó là Ápraham, Môsê hay Gioan, ngay cả Madalêna hay chính Đức Maria, Ngài đã hứa và nói về thế giới vô hình ấy như một nơi quê hương quen thuộc, nơi mà Ngài nắm quyền hành, Ngài ban cho ai tùy ý. Vì Ngài là Vua.

Vâng một kết quả hết sức tuyệt vời.

Lạy vua Giêsu, xin cho chúng con biết tin tưởng và phó thác cuộc đời chúng con trong tay Ngài. Amen.