Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ - Năm B
CHUYỆN NGỤ NGÔN CỦA KIERKEGAARD
Lm Mark Link, S.J.

Soren Kierkegaard là một triết gia và thần học gia sống ở Đan Mạch khoảng 150 năm trước đây. Trong một cuốn sách của ông có câu chuyện về một vị vua rất yêu thương một cô gái nhà quê.

Vị vua này biết rằng đó là điều hầu như không thể nào xảy ra được để ông kết hôn với cô gái này. Các vua chúa thì không bao giờ lấy dân quê. Họ thường kết hôn với người hoàng tộc.

Nhưng vị vua này rất quyền thế đến độ ông có thể kết hôn với cô gái này và không ai có thể làm gì được.

Nhưng một ý tưởng khác lại nảy ra trong đầu ông. Nếu ông kết hôn với cô gái quê này và vẫn là vua, có thể có những điều gì đó thiếu vắng trong sự tương giao.

Có thể cô gái này luôn luôn thán phục vị vua, nhưng cô không bao giờ thực sự yêu thương ông. Khoảng cách biệt giữa hai người quá lớn. Có thể cô luôn luôn nghĩ đến sự kiện rằng ông ta thuộc hoàng tộc và cô ta chỉ là một dân quê tầm thường.

Do đó nhà vua quyết định một kế hoạch khác. Ông quyết định từ bỏ vương quyền của ông và chính ông trở nên một người dân quê tầm thường. Sau đó ông sẽ tỏ tình với cô như một người dân quê khác.

Dĩ nhiên nhà vua nhận thức rằng nếu ông thi hành điều này, hoàn cảnh có thể trái ngược. Không những ông mất vương quyền mà còn có thể mất cả cô gái này nữa. Cô ta có thể khước từ ông, nhất là khi cô nghĩ rằng ông thật điên rồ khi làm điều mà ông đang làm.

Và như thế, vị vua này có vấn đề. Ông phải làm gì?

Sau cùng nhà vua quyết định rằng vì tình yêu của ông dành cho cô này quá lớn đến độ ông liều mất tất cả để có thể biến tình yêu ấy trở nên đích thật giữa hai người.

Kierkegaard không cho biết câu chuyện này kết thúc như thế nào. Ông không cho biết cô gái ấy có chấp nhận hay từ chối tình yêu của nhà vua. Ông không cho biết họ có lấy nhau hay không và có sống hạnh phúc suốt đời không.

Kierkegaard có hai lý do để không cho biết câu chuyện ấy kết thúc như thế nào.

Thứ nhất, đó không phải là điểm chính của câu chuyện. Điểm chính của câu chuyện là tình yêu của nhà vua dành cho cô gái quê tầm thường. Tình yêu ấy quá lớn đến độ ông khước từ vương quyền và ngai vàng vì cô gái này.

Lý do thứ hai tại sao Kierkegaard không cho biết câu chuyện kết thúc như thế nào bởi vì câu chuyện ấy chưa chấm dứt. Nó vẫn còn tiếp tục. Đó là một câu chuyện thật mà đoạn kết chưa được viết xuống. Đó là câu chuyện thực về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Vị vua trong câu chuyện là Thiên Chúa; cô gái trong câu chuyện là mỗi người chúng ta.

Tuy nhiên, có hai sự khác biệt. Trước hết, Thiên Chúa thì hơn cả hoàng gia; Người đáng được tôn thờ. Thứ hai, tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta thì vô tận; Người yêu chúng ta nhiều hơn tình yêu của một ông vua dành cho cô gái nhà quê.

Nhưng phần còn lại của câu chuyện thì giống nhau. Thiên Chúa đã có thể yêu thương chúng ta và giữ địa vị thần thánh của Người. Nhưng điều đó sẽ tạo nên khoảng cách giữa chúng ta quá lớn. Sẽ thật khó cho chúng ta yêu thương Thiên Chúa cách tự do.

Do đó Thiên Chúa quyết định trở nên một con người sống giữa chúng ta. Trong con người của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa quyết định trở nên một con người tầm thường. Người quyết định nói lên một tình yêu dành cho chúng ta theo một phương cách mà tình yêu ấy không trùm lấp chúng ta. Người quyết định nói lên một tình yêu cho chúng ta theo một phương cách mà chúng ta có thể hiểu một cách tuyệt hảo và đáp trả một cách tự do.

Và điều này dẫn đến lý do thứ hai tại sao Kierkegaard không cho biết câu chuyện kết thúc như thế nào. Bởi vì chuyện tình giữa Thiên Chúa và chúng ta vẫn còn tiếp diễn. Bởi vì chuyện tình giữa Thiên Chúa và chúng ta chưa kết thúc.

Mỗi một người chúng ta đang viết phần kết thúc của câu chuyện đó một cách cá biệt. Mỗi một người chúng ta đang quyết định là chúng ta sẽ chấp nhận hay khước từ tình yêu của Thiên Chúa. Mỗi một người chúng ta đang quyết định là chúng ta sẽ sống hạnh phúc với Thiên Chúa cho đến đời đời hay không.

Đức Giêsu Kitô quả thật là một vị vua quyền thế đã trở nên giống như chúng ta để Người có thể yêu thương và phục vụ chúng ta. Đức Giêsu nói, “Con Người không đến để được phục vụ; Người đến để phục vụ và hiến mạng sống mình để cứu chuộc nhiều người” (Mc 10:45).

Thánh Phaolô đề cập đến mầu nhiệm lạ thường này trong Thư gửi tín hữu ở Philípphê như sau:
“Đức Giêsu Kitô… luôn luôn có bản tính Thiên Chúa, nhưng … Người tự ý khước từ tất cả những gì Người có, và mặc lấy bản tính của một người tôi tớ. Người trở nên một con người….
“Vì lý do này Thiên Chúa đã nâng Người lên ở chỗ cao hơn hết và ban cho Người danh hiệu vĩ đại hơn bất cứ danh hiệu nào khác.
“Và như thế, để tôn vinh danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa Cha.” (Philipphê 2:5-11)

Làm thế nào chúng ta áp dụng tất cả những điều này vào thực tế đời sống?

Ngay sau khi chúng ta được rửa tội, vị chủ tế lấy dầu thánh và xức trên đầu chúng ta, đọc lời cầu nguyện này:
“Như Đức Kitô được xức dầu tấn phong là Tư Tế, Ngôn Sứ và Vua, để như thế con có thể trở nên một phần tử của dân Người, được chia sẻ sự sống đời đời.”

Nói cách khác, mỗi một người chúng ta, qua bí tích rửa tội, được chia sẻ vương quyền của Đức Kitô, là đầu của chúng ta.

Và như thế, chúng ta có thể áp dụng điều này vào thực tế. Đức Kitô không còn sống trên trần gian này, không còn dậy bảo dân chúng và chữa lành cho họ như trước đây. Người chỉ có thể thi hành điều đó qua chi thể của Người. Chúng ta là đôi tay, đôi chân của Đức Kitô; chúng ta là miệng lưỡi, và con tim của Chúa.

Nói cách khác, vương quốc Thiên Chúa, được Đức Giêsu thiết lập trong khi Người ở thế gian, phải được hoàn tất bởi chúng ta trong thời gian chúng ta sống.

Và vì thế, lễ Đức Kitô Vua, mời gọi chúng ta hãy tự hỏi chính mình, Chúng ta phải làm gì, một cách cá biệt và cụ thể, để giúp vương quốc Thiên Chúa được hoàn tất ở trần gian này?

Khi kết thúc thời gian, Đức Giêsu sẽ trở lại như một vị vua. Mátthêu nói trong Phúc Âm:
"Khi Con Người đến như Đức Vua… Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người và các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người.
“Người sẽ tách biệt họ thành hai nhóm…Người sẽ đặt người công chính ở bên phải Người và những người khác ở bên trái.
“Sau đó Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng, ‘Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến đây… Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc…
“Bất cứ khi nào các ngươi làm như thế cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." (Mt 25:31-36, 40)