Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - Năm C
CHỨNG NHÂN TIN MỪNG THỜI ĐẠI MỚI
                               Lm Gioan M. Thiên Khải, CMC

Thưa  anh chị em,

Mỗi lần nói đến các Thánh Tử đạo là chúng ta nghĩ ngay đến cảnh ngục tù, gông cùm, máu chảy, đầu rơi của những thế kỷ trước. Thế nhưng, ngày nay, những hình thức tử đạo như thế dường như không còn nữa. Vì hiến pháp của các quốc gia nào cũng tôn trọng tự do tín ngưỡng và nhân quyền của con người.

Cho nên, ngày nay khái niệm về tử đạo được hiểu theo nghĩa rộng rãi hơn. Người tử đạo thời nay là người sống chứng nhân Tin mừng, dám chết cho công lý, cho hòa bình, và nhất là dám chết cho niềm tin.

Hay nói theo ngôn từ của thánh Phaolô, họ hiến mình chịu chết từng ngày vì Danh Đức Giêsu Kitô. Trong âm thầm, tinh thần và thể xác họ bị hao mòn không phải bởi tra tấn và đòn vọt, nhưng là tình yêu của Đức Kitô nung nấu, để vinh quang Thiên Chúa được rạng ngời và sinh ơn cứu độ cho muôn tâm hồn.

Trong Tông Thư “Tiến đến ngàn năm thứ ba” (số 37), Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã kêu gọi các Giáo Hội địa phương lập danh sách các vị tử đạo mới trong thế kỷ này. Họ như là “những chiến sĩ vô danh, chứng nhân của thời đại mới”.

Vì Giáo Hội không chỉ có những người đổ máu vì Đức Kitô nhưng còn có những bậc thầy về đức tin, những nhà truyền giáo, những giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, những người sống đời gia đình… họ đổ máu rất đổi âm thầm”.

Có thể nói, người tín hữu đầu tiên tử đạo theo dạng thức này là Đức Maria. Kể từ khi Mẹ thưa lời  “Xin Vâng” cho đến khi đứng dưới chân thập giá của người Con dấu yêu, Mẹ sống và chết cho lời xin vâng ấy một cách trọn vẹn. Cho nên Mẹ được Giáo hội tôn vinh dưới danh hiệu “Mẹ xứng đáng lãnh nhận cành lá thiên tuế mà không phải đổ máu”.

Có một chứng nhân thời đại mới rất gần với chúng ta đó là Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Ngài là chứng nhân của hoà bình, của niềm vui và hi vọng. Cuộc đời của Ngài có thể đúc kết như tổ phụ Ápraham: “Luôn ra đi mà không biết mình đi đâu. Lắm lúc rơi vào tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông, tín thác”.

Chính khi ngài cậy trông tuyệt đối vào Thiên Chúa như thế, đã làm cho trang sử đời Ngài đậm nét lên dòng chữ “Chứng nhân của niềm vui và hi vọng”. Đó chính là nét quyến rũ đầy hấp dẫn và mộ mến mà người khắp năm châu dành cho Ngài.

  Giáo hội mở án phong chân phước cho Ngài, chắc hẳn không có dụng ý nào khác ngoài việc cổ suý cho những giá trị Tin mừng, mà tôi tớ Chúa là Phanxicô… đã dầy công diễn tả một cách sống động cho thế giới. Người chứng nhân anh dũng ấy xứng đáng lãnh nhận cành thiên tuế mà không phải đổ máu, như Đức Maria.

Đúng như lời Đức Phaolô VI đã viết trong Tông huấn loan báo Tin mừng: “Người thời nay thích nghe những chứng nhân hơn thầy dạy, bởi vì thầy dạy cũng là chứng nhân”.

Thưa anh chị em,

“Không có đổ máu, không có ơn cứu độ”, nhưng máu ấy mãi mãi là máu của Giao ước. Giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Một giao ước được ký kết bằng tình yêu, được khởi đi từ cạnh sườn của Đức Kitô, chảy tràn lan tới các tông đồ và không ngừng chảy dài qua muôn thế hệ.

Giáo hội Việt nam đã được tưới thắm bởi biết bao nhiêu máu của các chứng nhân Tin mừng, đó là ông bà tổ tiên của chúng ta. Các ngài đã dầy công vun xới để cho hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương Việt nam. Máu ấy vẫn tiếp tục chảy vào cuộc đời những thế hệ tương lai là người tin vào Chúa Kitô.

Tình yêu đáp lại tình yêu. Chỉ vì đáp lại tình yêu Chúa Kitô mà các tông đồ xưa đã quảng đại trả bằng giá máu của mình. Giá máu ấy các Thánh Tử đạo Việt nam cũng trả để minh chứng cho đức tin, mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng. Đúng như lời vị Giáo phụ Tertulianô nói: “Máu các vị Tử đạo chính là hạt giống phát sinh các kitô hữu”.

Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống cho đức tin, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời. Cuộc sống làm chứng cho Chúa ngày nay là một hình thức tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống, nhưng đòi chúng ta phải chọn Chúa trong từng công việc, qua từng ngày sống.

Mỗi ngày chúng ta thường đặt ra trước mắt những chọn lựa. Nếu chúng ta chọn Chúa thì hãy vui lòng đón nhận thập giá Chúa trao, giống như các vị Tử đạo năm xưa. Cuộc sống càng tự do, chúng ta càng dễ bị chi phối. Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc… nếu chúng ta sử dụng không đúng mục đích, thì nó dễ làm cho đời sống đạo trở nên khô khan, đức tin lu mờ, kém lòng yêu mến Chúa.

Mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta chung lời tạ ơn Chúa đã cho Giáo hội Việt Nam có những hạt giống đức tin, được gieo vãi và sinh hoa kết quả.

Tạ ơn Chúa đã cho ông bà tổ tiên chúng ta biết đón nhận Tin Mừng, và can đảm sống đức tin cho đến giọt máu cuối cùng.

Tạ ơn Chúa vì đức tin chúng ta được lớn lên trong dòng máu Tử Đạo của các thánh. Đồng thời noi gương các ngài, qua cuộc sống làm chứng cho Chúa, chúng ta tiếp tục chuyển giao đức tin ấy cho người khác trong thời đại hôm nay, đặc biệt trong Năm Đức Tin này. Amen.