Chúa Nhật XXXII thường niên  - Năm C
NIỀM HY VỌNG SỐNG LẠI
SƯU TẦM

Bằng những cách khác nhau, tất cả ba bài đọc của thánh lễ hôm nay đề cập đến đề tài sự sống đời đời.

Một ông già ốm yếu sống trong một túp lều ở bìa rừng. Một buổi sáng mùa đông, ông thức dậy tìm được một chén cháo còn sót lại, lò sưởi trống không, và tuyết rơi đầy mặt đất. Ông cảm thấy muốn cầu xin Thiên Chúa đem ông đi ra khỏi cuộc đời này cho xong. Tuy nhiên, ông thu hết chút ít can đảm để đi vào rừng tìm củi.

Ông kiếm được một bó củi to, rồi ông lấy dây cột lại và làm thành một cái nút. Tuy nhiên, khi ông cố gắng nâng bó củi để đặt lên vai, ông mới thấy rằng ông không thể nào nâng nó lên nổi. Một nỗi thất vọng tràn ngập tâm hồn ông. Ông nhìn lên trời và nói : “Lạy Chúa, Chúa cất con đi cho rồi, con không còn gì để thiết sống nữa”.

Bỗng chốc, một thanh niên vạm vỡ xuất hiện bên cạnh ông tự giới thiệu mình là Tử Thần và nói : “Ông gọi tôi đến phải không. Nào, bây giờ tôi ở đây rồi, tôi có thể làm gì cho ông ?” Nhanh như chớp, ông già đáp : “Này cậu, cậu giúp cho tôi một tay để nâng cái bó củi này lên”.

Khi chúng ta càng sống, chúng ta càng thấy cuộc đời phù du ngắn ngủi. Và việc chúng ta níu kéo nó quả là bấp bênh không chắc chắn. Mặc dù tư tưởng chúng ta quen dần với cái chết thì điều đó không có gì là tiêu cực và bệnh hoạn. Thật vậy, nó có thể là một điều tích cực. Suy nghĩ về sự chết có thể dẫn đến tình yêu chân thực về sự sống. Khi chúng ta quen thân với sự chết , chúng ta chấp nhận mỗi ngày sống như một ơn huệ. Và khi chúng ta chấp nhận đời sống tuần tự như thế, nó trở nên rất quí giá.

Khi đối diện với tính chất phải chết, chúng ta tiếp cận với một đời sống khác, đời sống vĩnh cửu mà hạt giống đã được gieo trồng trong lòng và trong linh hồn chúng ta. Cái chết là sự vượt qua một đời sống mới, đời sống này (Như Đức Giêsu nói trong Tin Mừng) hoàn toàn vượt quá đời sống mà chúng ta biết hiện nay. Điều này xem ra rất đẹp, nhưng để hiểu ý nghĩa của nó không phải là chuyện dễ.

Chúng ta vượt qua đời sống mới ấy bằng nhiều giai đoạn nhỏ hơn trước đó. Khi chúng ta mới sinh ra đời, chúng ta đã thực hiện cuộc vượt qua từ đời sống bên trong bụng mẹ đến đời sống bên ngoài bụng mẹ. Khi chúng ta đi học, chúng ta đã thực hiện cuộc vượt qua từ đời sống trong gia đình đến đời sống trong một cộng đồng lớn hơn. Những người đã lập gia đình vượt qua từ đời sống với nhiều chọn lựa đến đời sống gắn bó với một người. Những người đã về hưu vượt qua từ đời sống có công việc như thế. Mỗi một giai đoạn dẫn đến một thứ chết đi nhưng cũng đưa lại một đời sống mới. Khi chúng ta sống những giai đoạn này cho tốt, chúng ta chuẩn bị chính mình cho sự vượt qua sau cùng của chúng ta.

Điều tốt nhất giúp chúng ta đối đầu với thực tế của sự chết là đức tin Kitô giáo của chúng ta. Đức tin làm chúng ta có thể đương đầu cái chết với lòng can đảm và hy vọng bởi vì chúng ta biết chúng ta có thể vượt qua nó trong Đức Kitô. Nhưng lòng can đảm và đức tin của những người như người phụ nữ và bảy người con trai của bà (Bài đọc 1) cũng được dùng làm gương sáng mạnh mẽ cho chúng ta bước đi theo họ trong đức tin. Các vị tử đạo khi làm chứng cho Thần Khí, cho chúng ta thấy rằng đời sống ấy mạnh mẽ hơn những sức mạnh của sự chết.

“Những chứng cứ dựa trên tính bất tử của linh hồn không ích lợi lắm. Đối với người Kitô hữu, nền tảng thật sự của tính bất tử là tình bạn với Chúa Phục sinh và với Thiên Chúa hằng sống. Như thánh Phaolô đã nói : “Thiên Chúa yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp” (Bài đọc 2)

Thiên Chúa đã hứa với chúng ta trong Đức Kitô và những lời hứa ấy là chắc chắn, không thể sai sót, cả cái chết cũng không thể hủy bỏ. Niềm hy vọng sống lại của chúng ta nằm trong quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Cái chết không là một kẻ thù đặt một dấu chấm hết cho mọi chuyện nhưng là một người bạn nắm tay và đưa chúng ta vào vương quốc của tình yêu vĩnh cửu.