Chúa Nhật XXXII thường niên  - Năm C
GIEO GÌ GẶT NẦY
SƯU TẦM

Ông Cao Bá Quát là một nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông có mấy câu thơ như sau :

“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,

Cảnh phù du trông thấy những nực cười.

Thôi công đâu chuốc lấy sự đời

Tiêu khiển một vài chung lếu láo”.

Qua đó chúng ta thấy Cao Bá Quát chủ trương còn sống bao lâu thì hãy ăn chơi, hưởng thụ cho tối đa, kẻo chết rồi sẽ không còn được hưởng thụ nữa. Đây là quan niệm của những người không tin có sống lại. Vì quan niệm như vậy, cho nên nếu họ có sống buông thả, chạy theo hưởng thụ thì cũng là hợp lý thôi. Thế nhưng có những người có đạo mà cũng sống theo kiểu đó, quan tâm duy nhất của họ là chỉ lo ăn, lo mặc, lo xài, lo mua sắm, lo chơi, lo thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Sống kiểu đó là mâu thuẫn với niềm tin của mình.

Hạng người thứ hai không quá duy vật như số người vừa kể trên. Tuy họ mải mê kiếm tiền và rất coi trọng cuộc sống vật chất, nhưng họ vẫn không quên đời sau. Họ ít đến nhà thờ, ít đọc kinh cầu nguyện, nhưng họ chịu khó bỏ tiền ra để xin lễ, chịu khó bỏ tiền ra để góp phần xây sửa nhà thờ, đóng góp tiền bạc khi có những cuộc quyên góp… Bỏ tiền ra như vậy là họ yên tâm, cho rằng mình đã có bỏ vốn để đầu tư cho đời sau. Có phải đó là niềm tin vào sự sống lại không ? Có lẽ cũng là niềm tin, nhưng là tin lệch lạc : hạnh phúc đời sau không phải mua được bằng tiền bạc đâu. Đời này thì có tiền mua tiên cũng được, nhưng đời sau không phải vậy !

Thiết nghĩ nếu chúng ta tin rằng có sống lại, thì chúng ta phải thể hiện niềm tin ấy bằng cách sống của mình. Thể hiện thế nào ?

. Trước hết ta phải biết đánh giá những biến cố xảy ra ở đời này bằng cặp mắt đức tin : người không tin thì rất sợ chết, rất sợ bệnh tật, rất sợ mất mát, rất sợ đau khổ. Họ sợ như vậy là phải, bởi vì họ không biết có đời sau. Chỉ có mỗi đời này mà đời này lại bệnh tật, mất mát, khổ sở và chết nữa thì không sợ sao được. Nhưng người có đạo như chúng ta đã tin có đời sau, đã tin rằng đời này chỉ là tạm, đời sau mới vĩnh viễn, mà cũng sợ như thế tức là mâu thuẫn với niềm tin của mình.

. Điểm thứ hai để thể hiện niềm tin của mình vào sự sống lại là chúng ta phải biết phân chia thời giờ của ta để quan tâm chăm lo mọi mặt :

Dành một phần thời giờ để lo làm ăn sinh sống.

Dành thêm một phần thời giờ khác để gần gũi với con cái, giáo dục gia đình.

Thêm một phần thời giờ nữa để xây dựng những tương quan xã hội.

Và chắc chắn cũng phải dành một phần thời giờ để lo việc đạo, đời sau.

Chúng ta phải nhớ nguyên tắc “Gieo gì thì gặt nấy” : nếu chúng ta dành hết thời giờ ở đời này để chỉ lo tiền bạc vật chất thì chúng ta chỉ gặt được tiền bạc vật chất mà thôi ; nếu ta không dành thời giờ để xây dựng hạnh phúc gia đình thì sẽ không có gì lạ nếu gia đình ta chẳng hạnh phúc ; nếu ta không đầu tư thời giờ và công khó để lo cho đời sau thì mong gì đời sau ta sẽ được hạnh phúc.

Dưới đây là một câu ngạn ngữ phương Tây cho chúng ta suy nghĩ :

Nếu bạn muốn hạnh phúc một ngày, hãy mua một cái áo mới.

Nếu bạn muốn hạnh phúc một tuần, hãy làm thịt một con heo.

Nếu bạn muốn hạnh phúc một năm, hãy cưới vợ lấy chồng.

Nếu bạn muốn hạnh phúc một đời, hãy làm người sống tử tế.

Nếu bạn muốn hạnh phúc một muôn đời, hãy làm người có đạo tốt.