Chúa Nhật XXXII thường niên - Năm C |
AI SỐNG LÀM SAO, TA... |
SƯU TẦM |
Gần hết năm phụng vụ, nên Giáo Hội đề cập đến những vấn đề trọng đại hơn. Chúa nhật này Giáo Hội nhắc lại giáo lý về mầu nhiệm xác con người sống lại và sự sống đời sau. Chúa nhật sau sẽ đề cập tới việc Chúa Kitô lại đến, tức là Chúa Kitô tái giáng để phán xét chung nhân loại. Như vậy, đề tài chúng ta cần tìm hiểu hôm nay đã rõ ràng, đó là sự sống lại và sự sống đời sau. Bài Tin Mừng thuật lại một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người phái Sađuxêô. Phái này chỉ nhận có Ngũ Kinh, tức là năm cuốn sách đầu của bộ Cựu ước, nên những gì không chép trong đó thì họ không tin. Họ không tin Thiên Chúa quan phòng, không tin có đời sau, không tin linh hồn bất tử. Họ cho rằng linh hồn chết luôn cùng với thân xác. Họ càng không tin kẻ chết sống lại, vì linh hồn là điều kiện cho sự sống lại thì họ đã chối rồi. Cho nên họ dựa vào một khoản luật về thừa kế ghi trong sách Đệ Nhị Luật để chất vấn Chúa Giêsu về vấn đề sống lại. Trước hết họ tóm tắt khoản luật : trong anh em một nhà, nếu người anh có vợ rồi chết mà chưa có con, thì người em phải cưới người vợ góa kia để sinh con nối dõi cho anh mình. Rồi họ phịa ra một câu chuyện giả tưởng để hỏi Chúa : có một phụ nữ khi sống ở trần gian đã lần lượt lấy cả bảy anh em làm chồng. Vậy thì khi sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai ? Chúa Giêsu trả lời : “Khi sống lại, người ta không còn dựng vợ gả chồng nữa mà sẽ sống như các thiên thần trên trời”. Qua đó Chúa bảo cho mọi người biết một chân lý : chắc chắn kẻ chết sẽ sống lại; và đời sống mới ấy ở trên thiên đàng khác hẳn đời sống hiện tại nơi dương thế. Tất cả những ai, dù là Công giáo hay không, nếu đã tin linh hồn bất tử, thì đều tin có một kiếp sống khác. Tuy nhiên, ngoài Công giáo ra, những người tin vào luân hồi thì cho rằng : sau khi chết, linh hồn còn phải phiêu lưu trong nhiều số kiếp nữa, có thể là súc vật, cây cỏ hay con người. Nhưng tư tưởng luân hồi chỉ để an ủi những kẻ tội lỗi, hy vọng làm lại cuộc đời, chứ thực ra là vô lý. Bởi vì trước khi đi vào bước đường luân hồi, linh hồn ở đâu mà ra ? Lại nữa, nếu có một số linh hồn nhất định, rồi khi chết đám thì xuống hỏa ngục, đám thì đầu thai kiếp khác, đám nữa thì được hoàn toàn giải thoát, được “tiêu diêu nơi miền cực lạc” rồi, thì tại sao dân số hoàn cầu mỗi ngày cứ gia tăng mau lẹ, thử hỏi những linh hồn mới này, chưa có luân hồi lần nào thì do đâu mà xuất hiện ? Hơn nữa, có ai biết kiếp trước mình làm gì không ? Kiếp đang sống là phần thưởng hay là hình phạt ? Mà tại sao không ai hay biết ? Kinh Thánh và Chúa Giêsu dạy rằng : người ta chỉ có hai kiếp phải sống và được sống : một kiếp sống tạm bợ và một kiếp sống vĩnh cửu. Một kiếp sống hiện tại và một kiếp sống tương lai. Một kiếp sống hành hương và một kiếp sống ở quê thật. Một kiếp sống ở trần gian và một kiếp sống thiên đàng hay hỏa ngục. Có vậy thôi, từ kiếp sống này qua kiếp sống bên kia thế giới, mỗi người phải qua sự chết duy có một lần, vì kiếp sống tạm bợ ở trần gian chỉ diễn ra có một lần. Vì sống ở trần gian có một lần, một kiếp, cho nên, con người cũng chỉ có một linh hồn và một thể xác, chứ linh hồn không di chuyển từ thể xác này qua thể xác nọ. Những người chấp nhận thuyết luân hồi đều không tin rằng thể xác con người ta sẽ sống lại, vì linh hồn đã du nhập biết bao thể xác, không biết thể xác nào sẽ sống lại với linh hồn ? Trái lại, người Công giáo tin chỉ có một linh hồn với thể xác, và một ngày kia, thân xác sẽ sống lại để cùng với linh hồn hưởng hạnh phúc bất diệt hay bị trầm luân muôn kiếp. Do đó, sự sống, sự chết và sự sống lại đối với người Công giáo thực là quan trọng. Bởi vì đối với chúng ta : được là được tất cả muôn đời, mà mất thì cũng mất tất cả đến vô tận. Còn theo thuyết luân hồi, thì rủi có sa đọa kiếp này, vẫn còn có thể gỡ gạc ở kiếp khác nơi trần gian, nên không lo. Tuy nhiên, điều quan trọng là thực sự có kiếp khác ở trần gian để gỡ gạc hay không ? Nếu không thì sao ? Mà chắc chắn là không có rồi. Vấn đề sống, chết và sống lại còn quan trọng hơn nữa khi biết rằng đời sống trần gian là giá mua đời sống mai sau. Nói cách khác, kiếp sống mai sau có được hạnh phúc hay phải bất hạnh là tùy ở kiếp sống hôm nay thánh thiện hay tội lỗi. Nếu muốn sống hạnh phúc muôn đời thì phải làm những điều lành, còn nếu muốn bị xét xử và luận phạt, thì cứ làm những điều ác, điều xấu, điều dữ. Dĩ nhiên là Thiên Chúa trợ giúp, nhưng sự quyết định cuối cùng là ở con người tự do. Chúa không ép buộc ai vào thiên đàng, và cũng không xô đẩy ai xuống hảo ngục bao giờ. Tóm lại, chắc chắn thân xác sẽ sống lại. Đây là một chân lý chúng ta tuyên xưng trong kinh tin kính : “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Nghĩa là tới ngày Chúa quang lâm, ngày tận thế, ngày cánh chung, mọi người sẽ sống lại. Nhưng sống lại để sống như thiên thần hay quỉ dữ, sống hạnh phúc muôn đời hay bất hạnh ngàn thu lại là chuyện khác. Bởi vì kẻ lành cũng sống lại và kẻ dữ cũng sống lại. Nhưng sống lại để được thưởng hay chịu phạt. Đó là điều khác biệt. Thiên Chúa sẽ căn cứ vào đời sống hiện nay của chúng ta để thưởng phạt chúng ta. Đời này quyết định số phận đời sau của chúng ta, như Chúa đã quả quyết : “Ai sống làm sao Ta sẽ trả cho như vậy”. Đúng như một bài hát : “Thiên đàng hỏa ngục hai quê. Ai khôn thì về ai dại thì xa”. Chúng ta vào số những người khôn hay những người dại ? Hoàn toàn do chúng ta quyết định bằng chính đời sống chúng ta sống hôm nay. |