Chúa Nhật XXXII thường niên  - Năm C
THÂN XÁC SỐNG LẠI
SƯU TẦM

Tất cả chúng ta đều phải chết, vì cái chết là một cái gì gắn liền với thân phận con người, là án phạt của tội lỗi kể từ khi hai ông bà nguyên tổ vấp phạm. Thế nhưng, chúng ta lại chẳng biết gì về cái chết.

Thực vậy, bao lâu nữa tôi sẽ chết ? Tôi sẽ chết ở trong nhà hay ở ngoài ngõ ? Tôi sẽ chết mà có kịp lãnh nhận những bí tích cuối cùng hay không ?  Tôi hoàn toàn không biết. Phải, tôi hoàn toàn không biết.

Cái chết thì chắc chắn, nhưng giờ chết lại bấp bênh vô định. Chính vì thế, chúng ta phải luôn sẵn sàng. Cái chết không phân biệt tuổi tác. Nó ở trước mặt người già và ở sau lưng người trẻ.

Tôi có thể chết giữa những vui thú của một ngày hội lớn. Tôi có thể chết trên một bãi chiến trường xa xôi và hẻo lánh. Tôi hoàn toàn không biết. Điều tôi có thể nắm chắc, đó là lời cảnh cáo của Chúa :

- Cái chết sẽ đến vào ngày chúng ta không ngờ, vào giờ chúng ta không biết. Nó như một kẻ trộm viếng thăm một cách âm thầm và kín đáo, không kèn không trống và cũng chẳng báo trước. Bởi vậy, phải sẵn sàng vì đó là giây phút thật quan trọng, ấn định số phận đời đời cho mỗi người chúng ta. Vậy chết là gì ?

Sách giáo lý đã trả lời :

- Chết là linh hồn lìa khỏi xác.

Có lẽ hơn một lần chúng ta được nhìn thấy những người đã chết. Mắt họ mở mà chẳng thấy được. Tai họ mở mà chẳng nghe được. Miệng họ mở mà chẳng nói được. Tay chân họ giang rộng mà chẳng hề động đậy. Một khoảng thời gian sau, thân xác ấy bắt đầu rữa thối, làm mồi cho dòi bọ, để rồi sẽ bị chôn cho chặt và vui cho sâu dưới lòng đất lạnh.

Thế nhưng, chúng ta hãy vui lên, bởi vì Chúa Giêsu đã chịu chết để chuộc tội cho chúng ta. Ngài cũng sẽ làm cho chúng ta một ngày kia được sống lại như Ngài và với Ngài.

Đúng thế, vào ngày cuối cùng, thân xác chúng ta sẽ sống lại, sẽ được kết hiệp với linh hồn cho cuộc sống vĩnh cửu. Đây là một chân lý đã được Kinh Thánh nói đến nhiều lần. Chúng ta hãy nghe lời than thở của ông Gióp, khi số phận bẽ bàng đổ xuống trên ông : con cái thì bị chết chóc, tài sản thì bị tiêu tan, thân xác thì bị ghẻ chốc. Ngồi trên đống phân, ông đã tâm sự như sau :

- Tôi biết rằng Đấng cứu độ tôi, Ngài hằng sống và trong ngày sau hết Ngài sẽ làm cho tôi từ bụi đất sống lại. Tôi sẽ mặc lại thân xác tôi và sẽ nhìn thấy Thiên Chúa trong thân xác của tôi.

Tiên tri Đanien cũng nói :

- Đám đông những người đã ngủ yên trong lòng đất sẽ trỗi dậy để được sống vĩnh cửu hay phải đau khổ muôn đời.

Trong Phúc âm, Chúa Giêsu cũng bảo :

- Khi thời gian đến, những người ở trong mồ sẽ nghe thấy tiếng Con Thiên Chúa. Những người đã làm lành sẽ sống lại để được sống đời đời, còn những kẻ đã làm dữ sẽ sống lại để chịu trừng phạt.

Và sau cùng, thánh Phaolô đã xác quyết :

- Tất cả chúng ta đã chết trong Adong thế nào, thì cũng sẽ được sống lại trong Đức Kitô như vậy.

Tất cả những lời Kinh thánh ấy đã đủ để trả lời cho những ai nói rằng chết là hết. Điều đó chỉ đúng với con vật, chứ không thể đúng với con người. Bởi vì cái chết sẽ là thời khắc ấn định số phận đời đời dựa trên những việc lành dữ chúng ta đã làm khi còn sống ở trần gian.

Việc sống lại, nếu suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy đó là một việc vừa hợp tình lại vừa hợp lý : Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ bởi không, liệu Ngài lại chẳng thể làm cho thân xác chúng ta được sống lại hay sao ? Chúa Giêsu đã cho Lagiarô, cho con trai bà góa thành Naim, cũng như  cho con gái ông Giairô sống lại, thì lẽ nào Ngài lại chẳng thể làm cho chúng ta được sống lại hay sao ?

Hơn thế nữa, trong cuộc sống trần gian thân xác đã tích cực cộng tác với linh hồn để làm điều tốt cũng như làm điều ác, cho nên nó cũng phải được sống lại để cùng với linh hồn hưởng hạnh phúc hay bị đau khổ.

Hãy làm chủ thân xác và bắt nó đi trên đường nẻo của Chúa, để trong ngày sau hết nó cũng sẽ được chia sẻ phần vinh quang phục sinh với linh hồn.