Chúa Nhật XXXI thường niên  - Năm C
HÃY XUỐNG ĐỂ ĐÓN NHẬN
LÒNG XÓT THƯƠNG CỦA CHÚA
Lm. Đaminh Lâm Quang Khánh
 

 Các thiếu nhi rất thân mến, các con vừa lắng nghe và xem video clip  đoạn Tin Mừng của Thánh Luca (19, 1-10) Chúa nhật 31 thương niên  hôm nay về cuộc gặp Chúa Giêsu với ai các con ?

-Thưa Cha với ông Da-kêu.

- Rất đúng, thế Ông Da-kêu làm nghề gì? (Lc 19,2)

a. Thu thuế

b. Cho vay nặng lãi

c. Chăn chiên

d. Trồng nho 

- Thưa Cha là người thu thuế ạ.

-Người thu thuế thời Chúa Giêsu người Do Thái ghét hay quý mến ?

- Thưa Cha, người Do Thái ghét, Bởi vì, là những kẻ "Cõng rắn cắn gà nhà" làm tay sai cho đế quốc Rôma ạ.

- Cha cám ơn con rất nhớ giáo lý và Kinh Thánh.

Đúng vậy, Ông Da-kêu là một người bị dân chúng coi thường, vì ông là người cộng tác với quân chiếm đóng Rô-ma. Ông là một nhân viên thuế vụ luôn tìm cách thu lợi cho quân chiếm đóng và nhờ vậy mình được giàu thêm. Trước mắt dân chúng, đó là một con người bị khinh bỉ, mặc dù tên gọi của ông có nghĩa là trong sạch, là công chính.

Cha hỏi các thiếu nhi Ông Da-kêu, người thành nào? (Lc 19,1)

a. Thành Caphácnaum

b. Thành Giêrusalem

c. Thành Samari

d. Thành Giêrikhô

- Dạ người thành  Giêrikhô ạ,

- rất đúng, đây là đoạn Ðức Giê-su sắp đi ngang qua Giê-ri-khô, chặng cuối cùng trước khi băng qua sa mạc để lên Giê-ru-sa-lem. Cuộc đi qua này xác định thêm một lần nữa sứ vụ của Ðức Giê-su ; đó là tìm kiếm những gì đã hư mất.

Lúc đầu ông Da-kêu nghe là Chúa đang đi qua thành Giêrikhô, ông muốn tìm Chúa để thỏa mãn tính tò mò. Ông tò mò vì thực tế quá khác với những ưu tư của mình. Ông giàu có và quyền lực như thế, nhưng vẫn không chiếm được lòng người. Trong khi một anh chàng khố rách áo ôm như Ðức Giêsu lại thu hút mọi người. Không hiểu mãnh lực nào đã khiến có sự sai biệt như thế.  Mọi người xa lánh khiến ông cảm thấy cuộc đời thật trống rỗng và vô nghĩa. Ông mơ một ngày được quí mến như Ðức Giêsu. Một phần thôi cũng không bao giờ được ! Ðó là lý do tại sao ông "leo lên một cây sung để xem Ðức Giêsu." (Lc 19:4).

Các thiếu nhi, Khi gặp ông Da-kêu, Đức Giêsu đã nói gì? (Lc 19,5)

a. Ông hãy từ bỏ nghề thu thuế

b. Ông hãy xuống, mọi người đang chờ ông

c. Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông

d. Thầy đây, đừng sợ

-Dạ thưa cha Chúa nói " Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông"

- Cám ơn con rất đúng, Chúa nói " Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông".

Lúc đầu ông Dakêu cứ tưởng mình là người tìm Chúa. Nhưng thực tế, Chúa đã tìm ông.

Khi giáp mặt Người, ông mới cảm thấy một sức thu hút mãnh liệt từ Con Người Giêsu. Từ tấm lòng cảm phục sâu xa, tim ông bật thành tiếng bi thương vượt quá lòng mong đợi của những người nghèo khổ và bị áp bức. Ơn cứu độ đã có một chiều kích xã hội.

Ðức Giêsu đã cho mọi người cảm thấy bầu khí ấm áp và thân mật của hồng ơn Thiên Chúa: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham." (Lc 19:9)  Nghĩa là, đức tin đã dẫn ông Dakêu tới nguồn ơn cứu độ là Ðức Giêsu Kitô.   Rõ ràng không phải vì tò mò mà "ông ta tìm cách để xem cho biết Ðức Giêsu là ai."  (Lc 19:3)  Nhưng lòng tin thúc đẩy ông muốn tìm một lối thoát cho những bế tắc hôm nay trong thân phận làm người.  Ông đã mãn nguyện.   Quả thực, Thiên Chúa "dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin." (2 Tx 1:11)

Qua khát vọng của ông Da-kêu, Ðức Giê-su đã mở một con đường. Chính Người đã đưa ra sáng kiến, đã lôi ông từ trên cành cây xuống, đã làm vỡ tung những vỏ bọc bên ngoài con người ông. Người cần đến ông Da-kêu, như đã cần đến các ông Phê-rô, An-rê, và những người khác nữa như các cô Mác-ta, Ma-ri-a. Người cần đến họ để ở trong nhà họ, để sống với họ, biến họ thành những người bạn, những người anh em. Người cũng cần đến môỵi người chúng ta, Người muốn đến cư ngụ nơi chúng ta.

Quyền năng đó đã thể hiện mãnh liệt khi Thiên Chúa tỏ lòng "xót thương hết mọi người, để họ còn ăn hăn hối cải." (Kn 11:23) Ông Dakêu đã phung phí bao nhiêu thời giờ và sức lực để tạo nên những bất công cho xã hội. Giờ đây, Thiên Chúa cho ông cơ hội nhìn lại con người mình. Tất cả những gì theo đuổi từ xưa tới nay đều vô nghĩa. Ông đã đánh mất chính mình khi quay cuồng với những tham vọng vật chất đó.  Cứ tưởng có tiền là có tất cả.  Ông đã vong thân và tha hóa cùng cực.   Bởi vậy, ông thấy phải trả giá.   Nói khác, tất cả những gì đã mất mát đều được tìm lại trong cuộc hội ngộ với Ðức Giêsu dưới mái ấm gia đình ông.   Những mất mát do bất công ngoài xã hội đã được tìm lại trong bầu khí gia đình. Khi chạy ra bên ngoài, người ta dễ đánh mất những giá trị đích thực bên trong.  Ra đi là mất mát, là chết chóc.   Trở về là sống dồi dào, phong phú.  Chỉ khi nào trở về với chính nội tâm, con người mới nhận ra "Ðấng yêu sự sống" (Kn 11:26) và "là sự sống" (Ga 11:25) đang hiện diện rất gần gũi với mình. Ông Dakêu đã cảm nhận sự sống ấy như một kho tàng vô cùng phong phú.  Thế nên, ông đã đánh đổi tất cả.   Những hi sinh của ông chẳng là gì so với ân sủng ông đón nhận qua bàn tay Ðức Giêsu.

Thế nhưng, mỗi lần Ðức Giê-su đến với một người nào thì Người trở thành người quấy rầy, người phá vỡ những tình trạng an toàn sẵn có. Những chuyện như thế không chỉ xảy ra nơi ông Da-kêu, nhưng còn nơi nhiều người khác như chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng. Chẳng hạn như Mác-ta, cô phải thay đỗi cách nhìn ; như ông Phê-rô buộc lòng phải thả lưới, như Ðức Ma-ri-a và thánh Giu-se phải lên đường về Bét-lem, rổi sau đó từ Bét-lem sang Ai-cập. Luôn là những con đường hướng đến nơi không biết trước, không an toàn, kèm theo một thái độ từ bỏ quyết liệt buộc con người phải ra khỏi mình để lao vào trong tấm lòng thương xót của Thiên Chúa.

Ðức Giê-su cũng đang ở trong chúng ta : Người muốn lôi chúng ta xuống khỏi cái cây của chúng ta. Người muốn phá vỡ sự phòng vệ cá nhân của ta, Người muốn đập tan những gì chúng ta coi là cần thiết để giữ thể diện. Người đang nhìn chúng ta và thôi thúc chúng ta mỗi ngày. Ðể đáp lại, chúng ta phải để cho lòng thương xót của Người xâm chiếm, đổng thời cũng để niềm vui của chính Thiên Chúa tràn ngập tâm hổn chúng ta.

Giờ đây các thiếu nhi cùng với cha lập lại lời cầu nguyện dâng lên Chúa:" Lạy Chúa Giêsu, không phải con đến với Chúa, nhưng là Chúa đến với con trong bí tích Thánh Thể hôm nay. Con đến nhà thờ hôm nay như bày tỏ một chút thiện chí của con; những gì còn lại, là ơn cứu độ, là sự thay đổi đời sống, xin Chúa rộng lòng ban cho con như Chúa đã ban cho ông Da-kêu khi xưa." Amen