Chúa Nhật XXXI thường niên  - Năm C
HOÁN CẢI
SƯU TẦM

Đời sống con người gắn liền với những cuộc gặp gỡ. Có những cuộc gặp gỡ mà người ta háo hức như gặp người yêu, gặp một nhân vật nổi tiếng, gặp một người thân xa cách đã lâu… Tuy nhiên, gặp kẻ khó ưa, gặp tên trấn lột, tên lường gạt… thì chẳng ai mong muốn. Ngoài ra lại có những cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa, có sức hoán cải, làm thay đổi cả con người. Cuộc gặp gỡ như thế không chỉ dừng lại ở gặp mặt, gặp gỡ xã giao, nhưng là cuộc gặp gỡ thâm sâu, gặp gỡ giữa hai tâm hồn.

Trang Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ hết sức thú vị giữa Đức Giêsu và Giakêu. Đức Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa, lại muốn kết thân với Giakêu, kẻ tội lỗi bị mọi người xa lánh. Thế nhưng trong cuộc kết giao này. Đức Giêsu chẳng mất mát gì, trái lại Ngài đã cứu được một tội nhân khỏi vòng tội lụy ; còn Giakêu, dù là chia nửa gia tài của mình cho người nghèo, nhưng lại được mối lợi thật to. Ông và cả gia đình đón nhận được hồng ân cứu độ. Quả là một cuộc gặp gỡ diệu kỳ đưa đến hoán cải tận căn.

Phải chăng là sự hài hước, chế giễu hoặc là một nghịch lý ? Danh xưng “Giakêu” trong tiếng Do thái có nghĩa là “người thanh khiết, người công chính”. Con người tội lỗi công khai ấy lại có tên “thanh khiết, trong sạch” làm chúng ta nghĩ tới một kẻ lừa bịp ác tâm mà người ta đặt cho là “người vô tội”.

Bạn của Giakêu là “tiền”, còn phương châm sống là “bất chấp dư luận”. Thế nên, dù có vóc dáng nhỏ thó với chiều cao khiêm tốn, ông cũng leo lên được nấc thang xã hội, đã đạt được vị trí ước mong, đã thu tích được một gia tài. Có được gia tài này, một phần là nhờ trí tuệ, sự miệt mài làm việc, một phần cũng là nhờ bòn mót và kiếm chác của người khác. Bởi lẽ ông đứng đầu những người thu thuế. Ông coi những người khác là bần cùng, khố rách áo ôm. Còn người ta lại khinh bỉ ông là kẻ tội lỗi. Giakêu, một con người bị tránh xa như bệnh dịch, kẻ tội lỗi hoàn toàn hư mất. Cấm không được giao du với hạng người hư hỏng đó. Người ta nhổ xuống đất và quay mặt đi khi đi ngang qua con người ấy.

Ông đã sống để kiếm tiền và khuấy động thành phố. Nhân danh pháp luật, ông bức bách người ta. Nhưng khi nghe nói Đức Giêsu đi qua đó, và Người là bạn của những kẻ không được ai yêu thương, ông đã leo lên một cây sung bên đường để xem cho biết mặt Đấng ấy. Khi tới chỗ ấy, Đức Giêsu dừng lại và đưa mắt nhìn lên. Chẳng biết Người muốn nói gì nơi ông ?

Chúng ta có thể gọi chỗ này là “nơi hai ánh mắt gặp nhau”. Bề ngoài, cái nhìn đầu tiên là của Giakêu, đang cháy bỏng ước muốn xem Đức Giêsu. Nhưng sẽ không có gì xảy ra nếu như Đức Giêsu đã không ngước mắt nhìn lên kẻ ở trọ lạ lùng – trên cây sung. Người “nhìn lên” Giakêu. Người không xem thường ông, nhưng nhận ra nơi ông một con người sẵn sàng hoán cải. Anh mắt, thái độ và lời nói của Người không ngừng biểu lộ sáng kiến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.

Giakêu muốn gặp mặt Đức Giêsu, không kèn, không trống, không kẻ hầu người hạ. Ông đi một mình trơ trụi, bị đẩy lại sau những kẻ tò mò, và điều hạ nhục ông là ông phải làm một chuyện kỳ dị đối với một viên chức cao cấp. Có thể nói ông đã làm một bước nhảy vọt, vượt trên mọi dư luận, mọi thành kiến. Ông làm tất cả những điều đó cốt để tận mắt thấy Đức Giêsu. Quả là đáng khâm phục ! Thế nhưng, Đức Giêsu lại làm một cữ chỉ đáng kinh ngạc hơn. Trong lúc được đám đông dân chúng vây quanh và hết lòng ngưỡng mộ, Người lại tách mình ra khỏi đám đông hỗn độn ấy để đến với một kẻ tội lỗi. Vì lòng thương xót đối với tội nhân, Người chẳng màng đến những lời xì sầm, bàn tán hay dị nghị. Đấng Thánh của Thiên Chúa hạ mình xuống làm bạn với một người tội lỗi.

Tình yêu vượt lên mọi thành kiến, mọi trở ngại, mọi rào cản.

Hiển nhiên, đám đông chờ đợi và hy vọng Đức Giêsu sẽ cho Giakêu một bài học đích đáng. Và nếu Người làm như vậy, Người sẽ được dân chúng tán dương. Nhưng Đức Giêsu từ chối đối xử với ông như vậy. Thay vào đó, Người lại muốn trọ tại nhà ông. Dân chúng lập tức đâm ra ghét Người ; còn Giakêu thì vô cùng bỡ ngỡ, ông vui vẻ đón tiếp Người.

Người ta ghét Giakêu. Họ không muốn thấy ông được cứu độ. Họ chỉ muốn ông bị kết án và bị trừng phạt. Nhưng Đức Giêsu không nghĩ như vậy. Người thấy rằng điều Giakêu cần không phải là bị kết án nhưng là ơn cứu độ. Giakêu có xứng đáng hay không xứng đáng lãnh ơn cứu độ – điều đó không quan trọng – Giakêu cần ơn cứu độ, như thế là đủ đối với Đức Giêsu. Nếu Người cũng như đám đông dân chúng kết án, hạ nhục hay tránh né ông, thì chắc chắn phép lạ hoán cải đã chẳng xảy ra.

Nghịch lý trong tên gọi của Giakêu lúc đầu giờ đây lại hoàn toàn hữu lý. Chúng ta thấy rằng niềm vui của cuộc gặp gỡ làm nảy sinh nơi người tội lỗi ước vọng thiết tha được khởi đầu một cuộc sống mới : “Thưa Ngài, này đây là phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo ; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.

Ban đầu, Giakêu chỉ muốn xem cho biết Đức Giêsu là người thế nào. Thay vì chỉ thoáng thấy Chúa đi ngang, ông được diễm phúc diện đối diện, và còn hơn thế nữa tâm hồn ông gặp được tấm lòng bao dung của Thiên Chúa. Tâm hồn Giakêu giờ đây giống như vùng đất sa mạc được tưới mát sau cơn mưa lớn.

Cuộc hoán cải của Giakêu đã xảy ra tức khắc, tỏ tường và chúng ta có thể chắc chắn về điều đó. Tuy nhiên, đây không phải chỉ là cuộc hoán cải thuộc lãnh vực trí tuệ. Ông đã thay đổi cõi lòng. Trên quan điểm của Tin Mừng, đây là cuộc hoán cải có tầm quan trọng nhất và cũng để lại những dấu ấn sâu đậm nhất. Sợ hãi chẳng thể nào làm nảy sinh được cuộc hoán cải nội tâm. Chỉ có tình thương và lòng bao dung mới có thể làm được điều đó. Một sự tiếp cận cứng cỏi sẽ đưa tới một con tim khép kín và chai đá. Một sự tiếp xúc dịu hiền, như Đức Giêsu đã cư xử với Giakêu, sẽ dẫn đến một con tim mềm mại và cởi mở.

Lời tuyên bố của Đức Giêsu cho thấy phép lạ thật sự đã xảy ra ngay trong cuộc gặp gỡ giữa Người và Giakêu : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Giờ đây, Giakêu không còn mang danh hiệu kẻ tội lỗi nữa, nhưng ông có thể mang tên thật của mình là “người thanh khiết”.

Đức Giêsu không chỉ muốn gặp gỡ Giakêu nhưng Người cũng muốn gặp gỡ mỗi người chúng ta. Trước mặt Thiên Chúa chúng ta cũng là những kẻ tội lỗi đáng thương như Giakêu, cũng cần đến sự hoán cải và ơn tha thứ.

Thiên Chúa không chờ ta quyết định đến với Người. Người luôn đi bước trước. Bao giờ cũng chính Người đến với ta, và Người vẫn còn đến mãi bao lâu chưa tiếp xúc được với chúng ta.

Thế nên chúng ta phải hành động để tìm gặp Thiên Chúa. Người không đòi ta phải leo lên cây sung như Giakêu, nhưng quan trọng là phải đi gặp Người bằng chính hành động của mình. Cũng như Giakêu, Thiên Chúa không đòi ta phải bỏ nhiệm vụ của mình mà lánh vào sa mạc. Người giúp Giakêu khám phá ra rằng ông phải chu toàn nhiệm vụ của mình một cách công bằng và đền bù những lạm dụng. Do đó, chúng ta cũng nên xét lại những bổn phận và cách cư xử của mình có hợp với lẽ công bằng hay chưa. Có thể chúng ta chẳng lấy cắp hay chiếm cứ tài sản của ai cách công khai, nhưng chúng ta lại thỏa hiệp với việc lấy cắp của công, tham ô, hối lộ, bớt xén thời gian làm việc, đầu cơ trục lợi hoặc cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, có bao giờ chúng ta đã để tâm sống đức công bằng qua việc tôn trọng danh dự, phẩm giá người khác ; hay chúng ta coi việc gièm pha, vu khống, hỗn láo, nói xấu người khác… là chuyện bình thường ?

Sự hoán cải của Giakêu là một cuộc hoàn lương. Tất cả chúng ta cũng cần một cuộc hoán cải như vậy. Mỗi người đều có khả năng mà Giakêu đã có, cho dẫu nó có thể bị che khuất hay chưa được tỏ lộ. Thế nên, chúng ta cũng cần hoán cải hằng ngày để từ một quả tim khép kín trở nên rộng mở, từ một quả tim chai đá, bất công trở thành thịt mềm, ngời sáng đức công bằng.