Chúa Nhật XXXI thường niên - Năm C |
ƠN CỨU ĐỘ ĐÃ ĐẾN CHO NHÀ NÀY |
Suy Niệm của Đinh ngọc Thiệu |
Câu hỏi gợi ý: Ông Da-kêu với cái nhình của người Do Thái trong bài Tin Mừng Luca. Còn Đức Giê-su, Ngài đã nhình Da-kêu như thế nào? Nhờ đâu ông được lãnh nhận ơn cứu độ? Suy tư gợi ý: Ông Da-kêu với cái nhìn của người Do Thái: Tin Mừng Thánh Luca hôm nay cho chúng ta hình ảnh ông Da-kêu. Ông là thủ lãnh những người thu thuế và người giàu có. Vào thời này đế quốc Rôma đang đô hộ nước Do Thái. Công việc và chức vụ của ông – đối với người Do Thái – là lời thú tội công khai: ông là kẻ làm giàu bất chính và là kẻ phản quốc. Người ta khinh bỉ và tránh giao tiếp với ông, sợ bị ô uế. Và khi Đức Giê-su ngỏ lời muốn đến và lưu lại tại nhà Da-kêu, họ đã xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ." Một bức tường vô hình đã ngăn cách Da-kêu với số đông những người Do Thái mộ đạo, họ đã nhìn ông với cái nhìn soi mói, nghi kỵ không khoan nhượng. Và kết quả là đường ai nấy đi. Còn Đức Giê-su, Ngài đã nhìn Da-kêu như thế nào và ông đã đáp lại ra sao? Cho dầu có nhiều lỗi lầm đến đâu, nhưng Da-kêu làm sao quên được nguồn gốc của mình: Thuộc dân tộc Do Thái, một dân tộc được tuyển chọn làm dân riêng của Chúa và đang chờ đón Đấng Cứu Thế đến. Nghe biết Đức Giê-su, một Ngôn Sư, sắp đi ngang qua khu vực, ông có ý định muốn nhìn xem Ngài tận mắt. Nhưng vì dân chúng thì đông mà ông lại thấp, ông liền chạy đến phía trước, trèo lên một cây cao để xem cho rõ. Ông tưởng việc mình làm không ai để ý. Không ngờ, vừa đến gần, Đức Giê-su nhìn lên và bảo ông xuống mau vì Ngài sẽ lưu lại tại nhà ông. Một khám phá quan trọng làm ông vô cùng ngạc nhiên và sung sướng: chính Đức Giê-su đang chủ động tìm gặp ông. Ngài không xa lánh ông như những người khác. Vội vàng ông tụt xuống khỏi cây và đón tiếp Ngài vào nhà. Mọi mặc cảm tội lỗi nơi ông tan biến hết. Ông đã thay đổi hoàn toàn. Tiền bạc, danh vọng, những điều mà trước đây ông háo hức kiếm tìm không còn lôi kéo được ông nữa. Và với một lòng thống hối chân thành, ông đã thưa với Đức Giê-su: "Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo ; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." (Lc 19, 8). Do đâu mà ông Da-kêu đã được lãnh nhận ơn cứu độ cách kỳ diệu như vậy? Chính cái nhìn đầy lòng nhân từ của Đức Giê-su đã mở cho ông nhận ra Ngài chính là Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, nguồn mạch mọi ân sủng. Để minh định cho biến cố trọng đại vừa xảy ra với Da-kêu, Đức Giê-su đã long trọng tuyên bố về ông trước mặt mọi người: "Hôm nay Ơn Cứu Độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Apraham, vì chưng con người đến tìm và cứu chữa những gì đã mất." (Lc 19, 9-10) Những bài học từ câu chuyện: Các bài đọc Chúa Nhật hôm nay là lời tuyên xưng long trọng về lòng nhân từ của Chúa: Ngài yêu thương mọi loài mọi vật vì tất cả là tác phẩm do tay Ngài tạo nên. Thiên Chúa giáo huấn con người từ từ, từng chút một, không nóng vộ, chậm bất bình và giàu lòng yêu thương. Ngài không nỡ bẻ gẫy cây lau đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Khi con người bất trung Ngài sẵn sàng chịu đựng, chờ đợi: "Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải." (Kn 11, 23). Để có dịp Ngài ban ơn tha thứ, tha thứ không giới hạn. Mặc dù thông biết mọi sự, Ngài vẫn đợi cho đến giây phút cuối cùng của đời người, mới đem ra phán quyết tối hậu. Sứ mạng của Chúa: Ngài đến không phải cho những người ngay lành, mạnh khoẻ nhưng là để "tìm và cứu những gì đã mất" (Lc 19, 17). Để chu toàn sứ mệnh, Ngài đã chấp nhận hi sinh, hi sinh cho đến chết và chết trên thập giá. NGUYỆN Lạy Cha, chúng con cám ơn Cha đã dạy chúng con bài học tuyệt vời về lòng khoan dung nhân hậu, Cha đã làm đối với những kẻ xúc phạm đến Cha. Chúng con thật thấp hèn, yếu đuối. Xin Cha ban sức mạnh để chúng con vượt thắng chính mình. Xin cho chúng con được gặp Cha thật sự và được đổi mới để chúng con biết: " đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm". Amen. |