Chúa Nhật XXXI thường niên  - Năm C
ƠN CỨU ĐỘ

Lm. Vũ minh Nghiễm

“Hôm nay nhà nầy được ơn cứu độ.”

Toàn bộ sách Tin Mừng được viết ra tập trung vào một chủ đề: Đức Kitô là Đấng cứu độ trần gian. Đó là quan niệm của các môn đồ tiên khởi về thân thế và sự nghiệp của Ngài.

Trên thực tế, Ngài đã cứu họ. Ngài rất hiểu sứ mạng cứu thế của Ngài. Ngài nói: “Con Người đến trong thế gian để tìm cứu những gì đã hư mất” (Lc 19:10)

Điều đáng tiếc là trong Giáo hội, đề tài này chỉ mặc được một ý nghĩa rất giới hạn. Gần như chỉ giới hạn vào những gì sẽ xảy đến cho chúng ta sau khi chết mà thôi. Được cứu rỗi có nghĩa là đời sau, tại bên kia thế giới, chúng ta được vào thiên đàng, sống bên cạnh Chúa muôn đời.

Điều này thật sự thì rất dễ hiểu. Một ngày nào đó chúng ta sẽ chết. Thiên đàng là nơi cực lạc, thoát ra ngoài những truân chuyên buồn khổ của trần gian. Dĩ nhiên, ai trong chúng ta cũng ước được vào thiên đàng.

Nhưng đây không phải là điều mà sách Phúc âm nhấn mạnh trước hết trong công cuộc cứu độ trần gian của Đức Kitô. Trong Phúc ân, các thánh sử đã trình bày Ngài như một vị Tôn sư giúp con người ta đối phó với những thử thách của cuộc đời, giải thoát con người ngay trên dương thế.

Bài Phúc âm hôm nay là một ví dụ điển hình. Đức Yêsu đến thăm nhà một ông trưởng thuế vụ. Chúng ta biết câu chuyện đã bắt đầu như thế nào, và đã kết thúc làm sao. Nhưng giữa đó những gì đã xảy ra? Chúng ta không được biết rõ. Đầu hết, Đức Yêsu trên đường đi ngang qua thành Yêricô, nhìn thấy trên cây sung một người thấp bé. Ngài liền nói:

“Hỡi Zakhê, hãy xuống mau. Hôm nay Ta phải lưu lại nhà ngươi.”

Kết thúc là ông Zakhê hứa cùng Chúa sẽ lấy nửa phần của cải to lớn của ông bố thí cho người nghèo. Sẽ đền bù gấp bốn cho những người ông đã gian lận. Gian lận ai 100, ông sẽ bù lại cho 400. Chúng ta có thể đoán được sự Chúa viếng thăm ông đã làm cho ông được vui mừng hạnh phúc như thế nào, đã đổi mới đời ông, giải thoát ông như thế nào.

Và Đức Kitô đã tỏ mình là đấng cứu độ loài người ngay trên trần gian nầy như thế nào.

Đây lời Ngài phán trong cuộc tiếp xúc với ông Zakhê:

“Hôm nay đây, nhà này được ơn cứu độ.”

Lời Chúa vừa nói có nghĩa gì? Chúng ta có thể nghĩ rằng hôm nay ông Zakhê đang được ở trên thiên đàng?

Nhưng đó không phải là điều mà bài Phúc âm muốn nhắm. Chúa đang nói về kinh nghiệm cứu độ xảy đến ngay ngày hôm đó tại nhà ông Zakhê. Ông đã được cứu độ cách rất thiệt thực trong đời sống hằng ngày của ông tại thành Yêricô.

Nhìn vào bối cảnh của đời ông, chúng ta có thể hiểu được phần nào Đức Kitô đã cứu giúp ông như thế nào. Phúc Âm nói: “Ông là một trưởng ty thuế vụ vùng Yêricô, tức là người cầm đầu các nhân viên thu thuế. Điều nầy làm cho ông Zakhê trở thành một người bị đồng hương ghét bỏ hoàn toàn. Người thu thuế là hạng người đáng ghét nhứt, đáng khinh bỉ nhất trong dân Israel thời bấy giờ.

Người thu thuế trong Phúc âm với người có tội cũng là một. Họ có tội thứ nhất, là tội phản quốc. Cộng tác với kẻ thù là dân cai trị Rôma, để thâu tiền về cho đế quốc. Họ có tội thứ hai là tội lỗi phép công bằng. Họ thâu đa mà nộp thiểu. Họ thâu mười mà không biết có nộp cho chính phủ được bốn năm hay không? Họ được chính phủ cho phép tha hồ làm giàu trên dân chúng.

Người thu thuế quả là người có tội. Mà ông Zakhê không những là người thu thuế, mà còn là cầm đầu các người thu thuế. Với cương vị trưởng ty thuế vụ, ông còn bốc lột hơn các đồng nghiệp. Người thu thuế đã đáng ghét rồi, ông trưởng ty phải đáng ghét gấp bội. Không ai muốn nói chuyện với ông. Trên đường phố, ai cũng xa lánh ông. Ông bị cấm tham dự các buổi lễ nghi tôn giáo.

Sự khinh khi ghét bỏ của xã hội chung quanh đó hẳn gây ảnh hưởng tai hại lớn lao cho tính tình ông, cho đời sống hằng ngày của ông. Ông chỉ là cái đích cho thiên hạ phỉ nhổ.

Tôi sẽ không thể có được một chút tự tin hay hãnh diện nào về bản thân tôi, nếu không có một người nào khác giúp tôi có đuợc sự tự tín hay hãnh diện về tôi.

Đức Yêsu chính là người khác đó của ông Zakhê. Trong khi những người đồng hương xa lánh ông, coi ông như phẩn thổ, thì Đức Kitô nhận biết ông, gọi ông đích danh : “Hỡi Za khê”. Trong khi những người khác khinh thị ông, thì Đức Kitô kính nể ông. Ngài không sợ người chung quanh thấy Ngài chuyện vãn với ông. Hơn nữa, Ngài muốn lưu lại nhà ông hôm đó, dường như là bạn cố tri của ông Zakhê vậy.

Sự Đức Kitô chấp nhận ông là khởi điểm ơn cứu độ của ông. Ngài cho ông chỗ đứng trong đời sống mới.

Người chung quanh chỉ thấy ông là một người tham lam bất lương. Và hình như ông Zakhê cũng mặc nhận như vậy. Nhưng Đức Kitô nhìn thấy trong ông những đức tính tiềm tàng có thể làm ông trở nên một ngưới lương thiện.

Thái độ của Đức Kitô đối với ông đã làm cho những đức tính tiềm tàng kia hiện ra và đáp ứng với những thách đố của một đời sống cao thượng.

Trước đây ông vốn tham lam, bất lương. Nhưng hôm nay ông đã đổi đời, không đi theo con đường cũ nữa. Lòng quảng đại của ông đã bị chôn vùi trong bao nhiêu năm, hôm nay, với sự hiện diện của Đức Kitô, lòng quảng đại đó đã bộc phát một cách thật rõ ràng.

“Tôi xin bố thí nữa phần của cải tôi cho người nghèo. Nếu xưa nay tôi có làm thiệt hại ai, tôi xin bù lại gấp bốn.”

Quả là một sự lạ lùng. Rất lạ lùng: “Hôm nay đây nhà nầy được ơn cứu độ.”

Hôm nay đây ông Zakhê đã trở nên người hiền lương, một người bạn dân. Ông sẽ được các đồng hương kính nể, yêu vì. Khi cần, họ sẽ cầu bàu cùng Đức Yêsu cho ông như họ đã cầu bàu cùng Ngài cho viên sĩ quan Rôma rằng: “Ông nầy đáng được Ngài giúp đỡ, vì ông quí mến dân ta.” (Lc 7:5). Phải: “Hôm nay đây, chính hôm nay đây, nhà nầy được ơn cứu độ.”

Phương pháp Đức Kitô dùng để cứu đời là giúp người ta khai thác những khả năng tiềm tàng của mình: Ngài nhìn họ như người điêu khắc nhìn thấy một pho tượng tốt đẹp trong khối đá cẩm thạch sù sì. Ngài giúp họ khai thác các đức tính của họ như thầy giáo giúp học trò khai thác các tài năng của mình. Lòng ưu ái của Ngài đã làm cho những đức tính vốn tiềm tàng của họ được hiện ra sống động.

Một người khác tên Simon, vốn rất yếu đuối và nhu nhược, đến nỗi run sợ trước một cô sen, chối bỏ Thầy đến những ba lần. Thế mà lòng ưu ái của Ngài đã biến đổi con người yếu đuối dễ thất trung thất tín ấy thành Phêrô, hòn đá tảng của Giáo hội. Ông được cứu độ hoàn toàn trong đêm thứ Sáu Tuần thánh.

Một người khác nữa tên Saolô, thuộc nhóm biệt phái, cuồng tín, hung hăng dữ tợn, bắt bớ đạo Chúa không ai bằng. Thế mà Ngài đã cảm hóa được. Và Saolô đã trở thành Phaolô, vị tông đồ thượng thặng của các dân ngoại. Phaolô đã được cứu độ hoàn toàn trên đường Damas.

Đối với chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta có thể quả quyết rằng tất cả những gì là tốt lành, là lương thiện trong chúng ta, một phần lớn là do nơi lòng tin tưởng một cách nào đó, một lúc nào đó, của một người nào đó đối với chúng ta.

Cũng như sự nghi ngờ, khinh khi của người khác đối với tôi sẽ làm cho mất tinh thần, bế tắc, bại hoại, xuống giốc, thì lòng tin tưởng, ưu ái của người khác đối với tôi, là một động lực thúc đẩy tôi trở thành người tốt, hầu đáp lại lòng tin tưởng và ưu ái của họ.

Đức Kitô đã tin tưởng vào ông Zakhê. Ngài giúp ông tìm ra thế giá của mình.

Rồi Ngài đi một bước xa hơn. Ngài đã giúp ông ý thức được trách nhiệm đối với người khác. “Tôi sẽ chia sẻ nửa phần của cải tôi cho người nghèo. Nếu tôi đã làm thiệt hại ai, tôi sẽ đền bù cho họ gấp bốn.”

Trau dồi các nhân đức nơi bản thân và lưu tâm giúp đỡ kẻ khác, là như đôi ngựa song phi. Hai điều kiện hình thành ơn cứu độ. Người chỉ lo cứu linh hồn mình, mà không quan tâm gì đến việc giúp đỡ kẻ khác, người đó tự lừa dối mình.

Một buổi sáng bêm bờ hồ Galilê, Đức Yêsu hỏi Simon Phêrô:

- Con có yêu mến Thầy không?

Phêrô trả lời:

- Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.

Không đợi cho Phêrô nói gì thêm, Đức Yêsu tiếp liền:

- Hãy chăn dắt các con chiên Ta. (Yo 21:16)

Cứu độ là một danh từ vĩ đại trong tất cả các ngôn ngữ của thế giới. Toàn bộ sách Phúc âm được cấu tạo chung quanh hai tiếng cứu độ. Một ơn cứu độ torng đời sống thường ngày ngay trên trần gian. Nhưng ơn Cứu độ bao giờ cũng có hai chiều song song. Chúa cứu độ tôi. Và đến lượt tôi, tôi phải thực hành ơn cứu độ đó nơi kẻ khác, bằng cách bớt thời giờ, bớt sức lực, bớt tài năng, bớt của cải, để phục vụ Chúa nơi kẻ khác. Chỉ có lúc bấy giờ, lời Chúa phán hôm nay mới được đầy đủ thể hiện nơi tôi:

“Hôm nay đây, nhà nầy được ơn cứu độ.”