Chúa Nhật XXXI thường niên  - Năm C
LÒNG THƯƠNG XÓT

Lm. Trần thanh Sơn

Suốt mấy tuần lễ vừa qua, Lời Chúa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lời cầu nguyện trong đời sống kitô hữu chúng ta. Trong Chúa Nhật 29, Đức Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện liên lỷ đừng nản lòng, như bà goá kiên trì trước vị Thẩm phán bất lương. Còn trong Chúa Nhật vừa rồi, Đức Giêsu lại mời gọi chúng ta cầu nguyện với một tấm lòng khiêm tốn, biết nhận ra những lỗi lầm, yếu đuối của mình, để nhờ đó chúng ta nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, như người thu thuế cầu nguyện trong Đền Thờ.

Sỡ dĩ Đức Giêsu luôn kêu mời chúng ta cầu nguyện, vì Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ là một người Cha đầy lòng nhân ái. Ngài yêu thương chúng ta “đến nỗi đã ban Con Một của Người, ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi, nhưng được sự sống đời đời” (Ga 3, 16). Người Con đó chính là Đức Giêsu Kitô, Ngài đã được Chúa Cha sai đến thế gian, không phải để xét xử, nhưng là để chứng tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã đến trong thế gian là để ban ơn cứu độ, hay nói như lời Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay, Ngài đến để “tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất”.

1. Lòng thương xót của Thiên Chúa: Theo tâm lý tự nhiên, chúng ta thường muốn sự dữ, và những kẻ làm điều ác, những người sống bất công phải trả giá ngay lập tức. Khi suy nghĩ như thế, mặc nhiên chúng ta đang tự đặt mình trong tư thế của những người công chính để lên án kẻ khác. Nhưng Thiên Chúa thì khác, bài sách Khôn ngoan hôm nay cho chúng ta thấy rõ lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Mặc dù Thiên Chúa luôn đối lập với sự dữ, nơi Ngài không hề có bóng dáng của bất cứ một sự dữ nào, thế nhưng Ngài lại hết lòng thương xót các tội nhân. Ngài luôn chờ đợi sự trở về của những người tội lỗi. Và chính lòng thương xót vô biên đó đã chứng tỏ cho chúng ta thấy được quyền năng vô cùng của Thiên Chúa. Kinh nghiệm thực tế cũng cho chúng ta thấy rằng, chỉ những người yếu mới tìm cách để loại bỏ những người mình không ưa thích, còn những người mạnh mẽ thực sự thì lại thường dễ dàng bỏ qua những thiếu sót, và tạo mọi cơ hội để người khác có thể làm lại cuộc đời.

Tương tự như thế chính vì là Đấng dựng nên muôn loài, nên Thiên Chúa luôn yêu thương và không muốn bất cứ một tạo vật nào của Ngài phải hư đi, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc một: “Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, … Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó. Nếu Chúa không ưng, thì làm sao một vật có thể tồn tại được?”. Thậm chí, Ngài còn “nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối”. Thiên Chúa chưa xét xử và kết án chúng ta, không phải vì Ngài không biết, hay đồng ý với cách sống của chúng ta, nhưng Thiên Chúa muốn dành cho chúng ta một thời gian, một cơ hội để chúng ta “ăn năn sám hối”, trở lại với Ngài.Vâng, nếu Thiên Chúa cư xử với chúng ta như cách chúng ta cư xử với anh em, với những người chúng ta không thích, có lẽ tôi và quý vị không ai còn có mặt trên cõi đời này. Sỡ dĩ, chúng ta vẫn còn sống và đang tiếp tục nhận được biết bao hồng ân của Thiên Chúa, thì chẳng phải là do chúng ta đạo đức thánh thiện, nhưng bởi vì “Chúa là Đấng nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng”. Ngài luôn sẵn sàng đưa tay “nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên”.

Chính lòng thương xót đã thúc đẩy Đức Giêsu dừng bước để ngỏ lời và viếng thăm gia đình ông Giakêu, một thủ lãnh của những người thu thuế, nghĩa là một người tội lỗi đầy mình theo cái nhìn của người Do thái. Nhưng cho dù dưới mắt mọi người Giakêu có là người tội lỗi đến đâu đi chăng nữa, thì dưới con mắt yêu thương của Đức Giêsu, Giakêu vẫn là “con cái Abraham”, nghĩa là xứng đáng nhận được ơn cứu độ. Do đó, Đức Giêsu đã đến và dùng bữa tại nhà ông, và ban ơn cứu độ cho gia đình ông, bởi lẽ sứ mạng của Đức Giêsu là “đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”. Cảm nghiệm điều này, thánh Phaolô chia sẻ với giáo đoàn Thessalônica: “Thiên Chúa chúng ta đã đoái thương làm cho anh em nên xứng đáng với ơn Chúa kêu gọi anh em”.Thiên Chúa rất giàu lòng thương xót vẫn sẵn sàng ban ơn cứu độ cho tất cả chúng ta. Tuy nhiên, để nhận được ơn cứu độ, về phần mình, giống như Giakêu, mỗi người chúng ta cũng cần có những nỗ lực cá nhân để xứng đáng với ơn ban của Thiên Chúa.

2. Lời mời gọi đáp trả:

Trở lại với bài Tin mừng, lúc đó Đức Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem, và có rất đông dân chúng cùng đi với Ngài. Lúc đó có một người thủ lãnh của những người thu thuế tên là Giakêu cũng muốn đến gặp mặt Đức Giêsu, nhưng không thể được, vì dân chúng quá đông còn vóc dạng của ông thấp bé. Nhưng cho dù có nhiều trở ngại, ông vẫn không bỏ cuộc. Ông đã đoán hướng đi của Chúa và chạy trước đến một cây sung và trèo lên để có thể nhìn thấy Chúa. Điều này chứng tỏ được lòng nhiệt thành và quyết tâm của ông. Mặc dù là một thủ lãnh của những người thu thuế, nhưng ông đã quên đi địa vị của mình để rồi, trèo lên cây như một đứa trẻ. Và khi được Chúa ngỏ lời sẽ đến và ở lại nhà ông, ông đã vui vẻ trèo xuống và đón tiếp Người cách hân hoan, mặc cho những lời xì xầm, đàm tiếu của đám đông dân chúng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”. Ông biết rõ mình là người tội lỗi, nhưng ông không giấu giếm điều đó. Ông thành tâm muốn giao hoà với Thiên Chúa.

Không chỉ giao hoà với Thiên Chúa. Ông còn muốn giao hoà với anh em. Và chính sự giao hoà lại với anh em này của Giakêu đã trở nên một dấu chỉ rõ ràng cho tâm tình sám hối chân thành của ông. Ông thưa với Chúa: “Tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Không chỉ đền trả theo lẽ công bằng, Giakêu xin đền gấp bốn. Thậm chí ông còn tự nguyện chia sẻ nửa phần gia tài của ông cho tha nhân. Giakêu đã vượt qua sự công bình thông thường để đi đến đức ái. Lòng nhân ái của Giakêu, chắc hẳn phát xuất từ cảm nghiệm của ông về lòng nhân ái của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Ông biết Thiên Chúa luôn yêu thương ông. Do đó, ông cũng có bổn phận yêu thương và chia sẻ cho anh chị em mình.

Mặc dù câu chuyện của Giakêu đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm, nhưng có lẽ mẫu gương của Giakêu vẫn là bài học thiết thực cho mỗi người chúng ta hôm nay. Tương tự như ông Giakêu, trong hành trình theo Chúa, mỗi người chúng ta vẫn đang gặp biết bao khó khăn, trở ngại. Nào là đường xá xa xôi, lầy lội, thời tiết bất thường đi lại khó khăn; nào là bận rộn với công việc làm ăn bởi vì hôm nay “người khôn của khó”; nào là Nhà thờ chật chội, nóng nực, lại còn bị muỗi đốt … Thế nhưng, theo gương của Giakêu, chúng ta hãy cố gắng “chạy lên trước” vượt qua những khó khăn bên ngoài, rồi can đảm “trèo lên cây”, để vượt thắng sự nhỏ bé ươn lười của chính bản thân, để đến với Chúa trong các Thánh Lễ mỗi ngày, nhất là Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, và sốt sắng đón Chúa vào lòng nhờ việc hiệp lễ một cách chu đáo. Và nhờ có Chúa trong tâm hồn, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được ơn cứu độ. Đồng thời, cuộc sống của chúng ta sẽ là một lời chứng sống động để dẫn đưa anh chị em chúng ta đến với Chúa. Amen.