Chúa Nhật XXXI thường niên  - Năm C
TINH YÊU LÀM KINH NGẠC

McCarthy

Khi sửa chữa người khác, cách tiếp cận mà chúng ta chọn rất quan trọng. Nếu chúng ta tiếp cận họ chỉ để chất vấn những lỗi lầm của họ thì có nhiều khả năng, chúng ta không làm được gì. Thật vậy, chúng ta hầu như làm cho vấn đề trở nên tồi tệ. Họ sẽ khép kín, trở nên oán hận và chai cứng tâm hồn.

Một người quản lý nhà tù nói rằng cách duy nhất để thay đổi người ta phải thông qua một tương quan với người ấy. Bạn không thể cải thiện người khác bằng cách tránh xa hoặc bỏ rơi họ. Một bầu khí lạnh lùng không khích lệ sự trưởng thành.

Nếu bạn làm bẽ mặt một người, bạn chỉ làm cho tâm hồn người ấy chai cứng. Bạn chỉ tìm cách nào để tâm hồn người ấy cảm động. Mọi người, kể cả người có máu lạnh nhất đều có cái cốt lõi của sự lễ nghĩa, và có khả năng thay đổi, nếu tâm hồn họ cảm động.

Chúng ta phải tiếp cận những người khác cách nào để họ thấy rằng chúng ta tin tưởng và tín nhiệm họ. Kết quả là họ sẽ dẹp bỏ sự thủ thế, dè chừng và cởi mở lòng họ. Một khi họ cởi mở thì một điều gì đó có thể xảy ra. Chúng ta thấy điều đó trong trường hợp của Giakêu.

Đức Giêsu nhìn thấy Giakêu trên cây. Lúc đó cách sống của Giakêu hoàn toàn trái ngược với những điều mà Đức Giêsu bảo vệ. Chắc chắn đám đông chờ đợi và hy vọng Đức Giêsu sẽ quở trách và cấm ông ta không được làm bậy. Làm như thế, Người sẽ làm cho dân chúng trong thành thêm yêu thích Người.

Nhưng Đức Giêsu từ chối quở trách Giakêu. Trái lại, Người đã làm một điều khiến dân chúng lập tức không còn yêu thích Người. Người nói với Giakêu Người muốn dùng cơm tối ở nhà ông và với sự kinh ngạc. Giakêu vui mừng đón tiếp Người. Dân chúng than phiền: “Ông ấy đến ở lại nhà người tội lỗi”. Họ ghét Giakêu. Họ không muốn nhìn thấy ông được cứu. Họ muốn nhìn thấy ông bị lên án và trừng phạt.

Nhưng Đức Giêsu đã không nghĩ như thế, Người thấy rằng điều mà Giakêu cần không phải là sự lên án mà là sự cứu chuộc. Vấn đề không phải là ông ta có xứng đáng với sự cứu chuộc hay không. Ông ta cần có – đối với Đức Giêsu, như thế đã đủ. Với việc đi đến nhà ông, đối đầu với sự bất mãn và giận dữ của dân chúng trong thành, Đức Giêsu cho Giakêu thấy rằng Người quan tâm đến ông. Nếu Người tránh xa ông hoặc lên án ông, phép lạ hẳn không bao giờ xảy ra.

Giakêu đã cảm nghiệm tình yêu thương của Đức Giêsu. Điều này đã là một kinh nghiệm kỳ diệu đối với một người mà cho tới nay chỉ có kinh nghiệm về sự oán ghét. Được một người tín nhiệm chúng ta, người ấy không phán xét hoặc lên án chúng ta nhưng yêu thương chúng ta, đó là một cảm giác tuyệt vời. Tâm hồn Giakêu nở bung ra với sự sống như một sa mạc sau trận mưa to.

Được người ta yêu thương vì mình tốt lành không có gì là to lớn, khác thường. Cũng như khi mình xứng đáng. Nhưng được yêu thương khi mình xấu xa – như trường hợp của Giakêu quả là kỳ diệu. Giakêu đã cảm nghiệm sự kinh ngạc ấy vì được yêu. Điều này khiến cho những điều tốt đẹp nhất trong ông được triển nở. Sự hoán cải của ông là một sự hoán cải hướng đến điều thiện hảo. Với mức độ nhiều hơn hoặc ít hơn, tất cả chúng ta cần có sự hoán cải ấy.


 

8. Từ khán giả đến người tiếp cận - McCarthy

Truyền hình đang đe dọa biến tất cả chúng ta thành những khán giả, kẻ bàng quan, người ngoài cuộc. Giả sử bạn là một người yêu thích thiên nhiên. Giờ đây, bạn không cần phải để cho giày mình bị bẩn, hoặc bạn phải đội mưa. Bạn cũng không cần phải ra khỏi phòng khách hoặc đi xa lò sưởi. Truyền hình đem lại cho bạn lễ hội với quang cảnh và âm thanh. Không nguy hiểm, không mệt nhọc, không rắc rối. Tuy nhiên, đó là một sự thay thế quá nghèo nàn so với cảnh vật.

Có những người tuyên bố rằng mình yêu thiên nhiên nhưng hiếm khi hoặc không bao giờ họ đi dạo trong rừng, băng qua các cánh đồng hoặc đi dọc theo bờ biển. Nói cách khác, họ chỉ là những khán giả. Họ không thật sự bị lôi kéo để tham gia. Tham gia là góp phần mình vào việc đó. Nhưng bạn sẽ thu hoạch nhiều hơn điều bạn cho đi.

Tuy nhiên, khi làm khán giả, ít nhất, người ta cũng có sự quan tâm. Và nơi nào có sự quan tâm, ở đó có khả năng người ta sẽ thật sự tham gia.

Trường hợp của Giakêu là như thế. Lúc bắt đầu câu chuyện ông chỉ là một khán giả. Ông có thể nhìn thấy mà không bị nhìn thấy, ông chỉ là một người đi xem. Ông cảm thấy thuận tiện khi bị quan sát. Tất cả chúng ta chẳng như thế sao?

Ông không hòa nhập vào đám đông. Ông trèo lên cây sung giữa những cành cây. Và bằng cách đó, ông chơ vơ, không có chỗ để bám. Ông đứng bên lề, không phải vì nghèo nàn mà vì giàu có. Sự giàu sang đã cô lập ông với những đồng bào ông trong thành mà phần lớn đều nghèo khó.

Là một người đi xem, ông chỉ tham dự một cách thụ động. Ông ở đó trong những giới hạn của mình. Hẳn ông phải có một sự quan tâm nào đó, nhưng không liều lĩnh, không dấn thân. Khi mọi việc qua đi, ông có thể trở về nhà, và nếu ông muốn, ông sẽ quên hết mọi chuyện.

Nhưng điều gì đã xảy ra? Đức Giêsu đã nhìn thấy ông và mời gọi ông trở thành một người tham dự. Thình lình Giakêu bị lôi từ đường biên vào thẳng trung tâm của hành động. Ông giống như một khán giả đi xem bóng đá và thình lình giám đốc đội banh phát hiện anh ta, thẩy cho anh ta một bộ đồ cầu thủ và nói: “Anh ra sân đi?” Và anh thấy mình đang chơi banh.

Điều làm ngạc nhiên là không những Giakêu đáp lại một cách tích cực mà còn hân hoan làm như thế ngay lập tức. Có niềm vui khi đi xem nhưng niềm vui còn lớn hơn khi tham dự. Kết quả đối với ông thật là to lớn, nó biến đổi cuộc đời ông. Đời sống hoạt động theo ơn gọi Kitô hữu của chúng ta sẽ thay đổi đời sống của chúng ta.

Giakêu đã cảm nghiệm một ơn hoán cải – hoán cải hướng về sự thiện hảo. Với mức độ lớn hơn hoặc nhỏ hơn, tất cả chúng ta cần có loại hoán cải ấy.