Chúa Nhật XXX thường niên  - Năm C
BIẾT MÌNH
SƯU TẦM

Ai nâng mình lên, thì sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên.

Đó chính là tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi hành động của chúng ta, bởi vì ai khiêm nhường thì sẽ trở nên to lớn, còn ai kiêu ngạo sẽ trở thành nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa.

Hơn thế nữa, Chúa thường chống đối kẻ kiêu ngạo và ban ơn phúc cho người khiêm nhường.

Tuy nhiên, điều kiện đầu tiên để sống khiêm nhường, đó là phải biết mình.

Thực vậy, chúng ta thường biết nhiều sự, nhưng có một điều chúng ta cần phải biết thì lại không biết, đó là biết chính bản thân, biết chính con người mình. Và tâm hồn mình vẫn mãi mãi là một vùng đất xa lạ nhất.

Dân ngoại thời xưa cũng đã biết tới tầm mức quan trọng của việc biết mình. Thực vậy, trên cửa đền thờ kính thần Apollo tại Delphes có khắc ghi câu này:

- Hãy biết mình.

Người Trung Quốc cũng bảo:

- Tri bỉ, tri kỷ, bách chiến bách thắng. Biết mình, biết người trăm trận đều thắng.

Và thánh Augustinô thường cầu nguyện:

- Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con.

Sở dĩ như vậy vì nếu không biết mình, thì cũng chẳng thể nào sống khiêm nhường. Mà đã không khiêm nhường, thì chẳng thể nào có nhân đức. Mà đã không nhân đức, thì chẳng thể nào vào được Nước trời.

Ai muốn tập luyện các nhân đức, mà không thực thi khiêm nhường thì cũng chỉ là như bụi bay trước gió. Ai không biết mình, thì làm sao có thể sửa chữa những sai lỗi để trở nên hoàn thiện. Họ không có lấy một cố gắng để thăng tiến, bởi vì họ luôn tự mãn với chính mình. Họ giống như một chiếc đồng hồ đã chết.

Tuy nhiên, biết mình không phải là chuyện dễ. Bởi vì không có một cái thước nào chính xác để đo được thẳm sâu cõi lòng.

Trong kinh Kính mừng, chúng ta thường đọc:

- Cầu cho chúng con là kẻ có tội.

Khi tâm hồn trong sạch, thì chỉ một vết nhơ rất nhỏ bé cũng đủ đập vào mắt chúng ta. Chính vì thế, những người đạo đức thường có nhiều điều để xưng thú trong tòa giải tội. Thậm chí có những vị thánh xưng tội mỗi ngày. Còn chúng ta, một khi tâm hồnđã phủ đầy bùn nhơ, chúng ta không còn cảm thấy những dấu vết của nó nữa và chúng ta thường tự nhủ:

- Tôi chẳng có tội gì để mà xưng thú cả.

Hay:

- Năng xưng, không bằng năng chừa.

Và chúng ta trở thành những kẻ mù lòa, có mắt mà không nhìn, có nhìn thì cũng chẳng thấy.

Lý do khiến chúng ta khó nhận biết mình, đó là tính kiêu ngạo, đó là tinh thần Pharisêu.

Chúng ta giống như người đeo hai cái giỏ. Cái giỏ trước mặt đặt những sai lỗi của người khác, còn cái giỏ sau lưng đặt những sai lỗi của bản thân. Vì thế, chúng ta thường nhìn thấy rất rõ những sai lỗi của người khác, để rồi lên tiếng phê bình và chỉ trích một cách thậm tệ. Trong khi đó, những sai lỗi của bản thân thì lại chẳng nhìn thấy. Và nếu có nhìn thấy thì cũng sẽ đưa ra một ngàn lẻ một lý do để bào chữa.

Chúng ta thường cư xử hà khắc đối với người khác mà khoan dung với chính bản thân. Đáng lý ra chúng ta phải khoan dung với người khác mà hà khắc đối với chính bản thân mình.

Vậy có phương cách nào giúp chúng ta biết mình hay không?

Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu về tính tình và những sai lỗi của mình. Đâu là điều tôi hay vấp phạm nhiều nhất? Đâu là điểm yếu, đâu là “mối tội đầu” của tôi để rồi bắt tay vào việc sửa đổi.

Tiếp đến là hãy tự vấn lương tâm xem những cám dỗ nào là những cám dỗ tôi thường xuyên gặp phải? Cách thức chống trả của tôi như thế nào? Và tại sao những cám dỗ ấy lại làm cho tôi vấp ngã?

Rồi cũng hãy tự kiểm điểm xem tình trạng đạo đức hiện giờ của tôi ra làm sao? Khô khan và nguội lạnh hay chăm chỉ và sốt sắng?

Và sau cùng, đừng bao giờ quên đi một phương pháp chính yếu đó là sự cầu nguyện. Hãy suy nghĩ và hỏi Chúa trong thinh lặng. Hãy nhìn vào Chúa và chúng ta sẽ thấy được con người thực của mình.

Chỉ khi nào biết mình, thi chúng ta mới thực sự bắt đầu trở nên trọn lành. Hay như lời thánh nữ Têrêsa đã nói:

- Nhận biết mình nhỏ bé thì có giá trị và lợi ích hơn là nhận biết những chân lý cao vời.