Chúa Nhật XXX thường niên  - Năm C
HAI HẠNG NGƯỜI CẦU NGUYỆN
SƯU TẦM

Bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe có thể không cần một câu chuyện hướng dẫn nào khác, nhưng tự nó gợi ý để chúng ta suy nghĩ về điều mà chúng ta có thể gọi là sự thành thật của người Kitô. Thành thật với chính mình, thành thật với kẻ khác và thành thật với Thiên Chúa.

Con người thành thật là con người nhìn nhận thực thể của mình và cảm nhận thực thể đó một cách trung thực. Thành thật trước tiên không có nghĩa là nói thẳng ra điều mình nghĩ hay điều mình cảm nhận. Nói thẳng điều mình nghĩ, điều mình cảm nhận được không đủ để sống thành đạt. Trước hết, yếu tố quan trọng phải là chân thành nhìn nhận thực thể mình, nhìn nhận chính điều mình nghĩ về mình, và khi ta nhận thực thể mình và ý thức những giới hạn của nó, ta sẽ không còn hứng thú để xét đoán kẻ khác.

Người thành thật ý tứ để đừng lừa gạt chính mình và cũng không lừa gạt kẻ khác. Người thành thật không thích người giả hình, không thích mánh mung, nói láo. Đây không phải là điều dễ, cần phải kiên trì quan sát mình, phải xét mình hằng ngày dựa theo lời Chúa và trong sự khiêm tốn vâng phục ơn soi sáng nội tâm của Chúa. Lời cầu nguyện của chúng ta cần dâng lên Chúa hằng ngày phải là: “Lạy Chúa, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa. Lạy Chúa xin thương xót con vì con là kẻ có tội.

Bài dụ ngôn hôm nay nêu bật lời cầu nguyện khiêm nhường của người thu thuế, anh không nhìn sang người khác, không dám so sánh mình với kẻ khác, nhưng nhìn vào mình và so sánh mình với mẫu gương của Chúa, qua đó anh đã khám phá ra những khuyết điểm của mình rồi khiêm tốn chấp nhận.

Chúng ta cũng vậy, mỗi lần chúng ta đặt mình trước nhan Chúa, khi cầu nguyện chúng ta hãy ý thức rằng, Thiên Chúa đã biết rõ cả rồi, đã biết trọn cả con người của chúng ta là như thế nào rồi, nên không cần che giấu tránh né. Nhưng Thiên Chúa cũng là Đấng nhân từ và hay thương xót, nên chúng ta không quá lo sợ hay tuyệt vọng vì những bất toàn ấy mà hãy vươn lên cùng Chúa, xin Chúa chữa lành: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi”.

Trong lời cầu nguyện của người thu thuế, chúng ta còn có thể khám phá ra một yếu tố quan trọng khác nữa, khi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi, là kẻ đã xúc phạm đến Chúa”. Người thu thuế kia tha thiết muốn kêu lên cùng Chúa, muốn hưởng nhờ lòng nhân từ của Ngài để tiến mãi trên con đường thiêng liêng, sống mối tương quan với Chúa mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

Người Pharisêu không có được thái độ này, ông tự mãn với chính mình và ông nghĩ là do công trạng của mình tạo lập ra, như vậy lời cầu nguyện của ông thật ra không phải là lời cầu nguyện mà chỉ là những lời khoe khoang đi kèm với thái độ khinh dể kẻ khác.

Ước chi trong cuộc sống đức tin của mỗi người chúng ta, chúng ta đừng nhìn sang kẻ khác mà so sánh. Bởi vì chúng ta sẽ bị cám dỗ so sánh mình với những bất toàn của anh chị em và nâng mình lên khinh dể kẻ khác. Chúng ta hãy so sánh mình với chính mẫu gương trọn lành của Chúa để nhận biết chúng ta còn nhiều điều phải canh tân để tiến lên mãi: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi”.

Ước chi lời cầu nguyện này trở thành lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta không những hôm nay mà trong mọi ngày của đời sống chúng ta, để chúng ta nhận lãnh ơn thương xót của Chúa và tiến lên mãi trong tình thương của Ngài. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua Kinh Tin Kính.