Chúa Nhật XXVIII thường niên  - Năm C
BIẾT CÁM ƠN LÀ BIẾT SỐNG ĐÚNG NHÂN PHẨM

Lm. Đaminh Lâm Quang Khánh

 

Các thiếu nhi rất thân mến, đoạn Tin Mừng thánh Luca các con vừa nghe và xem được diễn ra tại biên giới giữa 2 miền Samari và Galilê, Đức Giêsu gặp những người mắc bệnh gì các con? (Lc 17,12) 

a. Bệnh phong

b. Bệnh điếc

c. Bệnh mù

d. Bệnh quỷ ám 

- Thưa Cha là câu a "mười người mắc bệnh phong" ạ. 

- Rất đúng Cha cám ơn con. Và khi họ gặp Đức Giêsu, những người mắc bệnh phong nói gì? (Lc 17,13) 

a. Xin thương xót chúng tôi

b. Lạy thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi

c. Lạy thầy Giêsu, xin cứu chữa chúng tôi

d. Lạy thầy Giêsu, xin làm cho chúng tôi được sạch 

- Dạ, thưa Cha câu b, họ xin "Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi". 

- Đúng, họ xin Chúa Giêsu rủ lòng thương họ. Các thiếu nhi cho bạn Hoa tràng pháo tay, Cha cám ơn con. Chúa Giêsu đến trần gian Ngài ban phát tình thương cho mọi người đặc biệt là những người đau khổ bệnh tật. Và khi gặp những người mắc bệnh phong, Chúa Giêsu bảo họ đi đâu? (Lc 17,14) 

a. Hãy lên Giêrusalem, dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa

b. Hãy đi trình diện với các tư tế

c. Hãy trở về với gia đình

d. Chỉ a và b đúng

c. Hãy trở về với gia đình 

 - Dạ thưa Cha câu b đúng nhất Chúa Giêsu bảo họ: " Hãy đi trình diện với các tư tế". 

- Cám ơn con rất đúng. Và khi họ đi dọc đường mười người phong cùi  đã được khỏi, thì chỉ có 1 người phong cùi miền Samari trở lại gặp Đức Giêsu để làm gì? (Lc 17,16)

a. Cám ơn

b. Trình diện

c. Xác nhận đã lành bệnh

d. Cả a, b và c đúng 

 - Dạ thưa Cha câu a là anh ta cám ơn Chúa vì Chúa đã chữa anh khỏi bệnh. 

- Rất đúng, Cha cám ơn con, con rất giỏi và khi nghe Tin Mừng. Người bệnh phong miền Samari khi Chúa đã cho mình khỏi bệnh và anh biết phải chạy trở lại để  cám ơn Chúa. Đó là người biết sống đức tin biết cám ơn Chúa khi Chúa ban đức tin cho mình. 

Bài Tin Mừng cho chúng ta một bài học là biết "Cám ơn" tất cả những ai đã cho, đã giúp mình. Vì Sống ở đời mà không biết cám ơn thì chưa biết sống: 

·        Với Chúa: có thể nói cuộc đời của ta từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đều nhờ ơn Chúa thương yêu giúp đở mới có thể tồn tại.Cho nên mọi sự ta có ta hưởng đều là của Chúa ban,nếu ta sống mà vô ơn bạc nghĩa với Chúa thì quả là không thể tưởng tượng nổi. 

·        Với tha nhân: ta sống được là nhờ: sống cùng,sống với mọi người vì không ai sống cô độc lẽ loi mà hạnh phúc được. Như thế ít hay nhiều ta mắc ơn người khác. 

Phải khẳng định ngay rằng ”cám ơn” là một bổn phận phải chu toàn của tất cả mọi người sống trên trái đất này. Bởi vì những gì ta có đều mắc nợ với Trời,với gia đình và với xã hội.Hơn nữa ai biết “cám ơn” mới chứng tỏ đó là người tốt .

Bởi vì, đã là người, ai mà chẳng nhận lãnh từ bàn tay nhân ái của Chúa ơn này đến ơn khác, ơn phần hồn ơn phần xác, ơn-lớn ơn-nhỏ suốt cả đời. Có thể nói được sống đến hôm nay, cả khi đang mang trọng tội trong mình, chúng ta vẫn luôn thụ hưởng ơn Chúa. Cho nên, nếu ta biết cám ơn Ngài hết sức mình, bằng đủ mọi cách, cũng chỉ là một giọt nước trong biển cả mênh mông. Hơn nữa, việc tạ ơn Chúa không thêm vinh quang hay lợi lộc gì cho Ngài, bởi vì Ngài là Đấng Toàn Thiện Toàn Mỹ, nhưng đó lại là việc cần thiết và hữu ích vô cùng cho chúng ta vì mỗi lần ta biết cám ơn đàng hoàng là mỗi lần ta được Chúa yêu và ban ơn thêm.

Ngoài ra, nếu việc cám ơn được gọi là đúng nghĩa, nhất là trong lãnh vực thiêng liêng, thì nó không chỉ là một biểu lộ tình cảm biết ơn, trả nghĩa, mà thực chất cốt yếu của nó còn là một nhận thức sâu xa về bản thân mình và về Thiên Chúa. Thật vậy, cứ nhìn cung cách của người phung cùi được lành trở lại cám ơn Chúa và nghe lời Chúa chỉ dạy, chúng ta mới thấy chỉ một mình anh ta nhận ra Chúa là ai và khiêm tốn nhận rõ mình là kẻ yếu đuối, khốn khổ như thế nào nên anh ta mới vội vã đến cám ơn. Như vậy, việc cám ơn là hậu quả của lòng thống hối, ăn năn thật tình, nghĩa là khi con người đã nhận thức được về Chúa quá ư tốt lành và bản thân mình quá ư hèn hạ một cách chân thành thì không thể mà không cám ơn Chúa. Do đó, có thể nói : kẻ nào biết cám ơn thì kẻ đó mới biết cải thiện đời sống nên tốt hơn. 

Để hành động”cám ơn” đúng nghĩa cao đẹp thì các thiếu nhi :

·        Phải ý thức rõ mình mang ơn ai,mang ơn gì.

·        Việc cám ơn phải là một hành động cụ thể,tự nguyện,không bị ép .

·        Thái độ cám ơn phải thành thật, vui vẻ,nhiệt tâm. 

      Tại sao”nhận thì dễ,cám ơn lại khó” ?

Câu nói này tố cáo một tình trạng chung,thường xảy ra là người ta hay vô ơn bạc nghĩa với ân nhân của mình.Nói khác đi nhận lãnh thì ai cũng hăng hái,nhưng biết cám ơn thì nhiều người thường hay quên hoặc cố ý vong ân.

Dĩ nhiên "Tiếng cám ơn", chúng ta không chỉ cám ơn Chúa và người khác bằng môi miệng mà thôi, nhưng còn bằng việc làm và bằng cả đời sống. Nói khác đi, không có gì làm vui lòng ân nhân của mình cho bằng biết sử dụng ơn nghĩa nhận được một cách thật hữu ích và cố gắng sống xứng đáng với hồng ân đó. Còn đối với chúng ta, có một cách cám ơn Chúa tốt nhất là tham dự thánh lễ vì thánh lễ là một sự tạ ơn Chúa có giá trị nhất. Thêm vào đó, việc lành như hy sinh, hãm mình, bố thí… cũng là một phương thế tạ ơn được Chúa ưa thích.

Chúng ta hãy tập cho mình có thói quen biết cám ơn Chúa.

Thi sĩ Alphonse de Lamartine (1790–1869) người Pháp có kể lại một giai thoại như sau: một hôm ông tình cờ đi qua một khu rừng, ông nghe có một âm thanh kỳ lạ: cứ sau một tiếng búa đập vào đá lại vang lên một tiếng cám ơn! Đến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ mới nhìn thấy một người thợ đá đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ búa vào phiến đá, ông lại thốt lên hai tiếng "cám ơn".

Thi sĩ nấn ná đến hỏi chuyện, người thợ đá mới giải thích: "Tôi tạ ơn Chúa!" Ngạc nhiên về lòng tin của một người mà cuộc sống hẳn phải lam lũ, lầm than hơn nhiều người, thi sĩ bảo:

 - Giả như bác được giàu có thì tôi hiểu tại sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng "cám ơn". Đàng này Thiên Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi một lần duy nhất, đó là lúc Ngài tạo nên bác. Sau đó Ngài ban cho bác có mỗi cái búa này để rồi không ngó ngàng gì tới bác nữa, thế thì tại sao bác lại mỏi miệng cám ơn Ngài?

- Ông nghĩ rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi sao?

- Dĩ nhiên  Alphonse de Lamartine bèn thách thức – Chúa chỉ nghĩ đến bác có một lần thôi!

Người thợ đá nghèo, nhưng đầy lòng tin, náo nức thốt lên:

- Tôi nghĩ điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ông hãy nghĩ rằng Thiên Chúa đã đoái thương nghĩ đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, và chỉ một lần thôi, vậy không đủ cho tôi cám ơn Ngài sao? Vậy, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa!

Nói xong, người thợ đá đã bỏ mặc cho thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông: vừa đập đá vừa cám ơn Chúa!

"Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi.

Chớ khá quên mọi ân huệ của Người."

(Tv 103,2)

Vậy các thiếu nhi trong tuần này, các con hãy thực hành Lời Chúa dạy là luôn biết mở miệng nói hai tiếng "cám ơn" khi được khác giúp mình trong cuộc sống. Amen