Chúa Nhật XXVIII thường niên  - Năm C
TÂM TÌNH TẠ ƠN
                                      Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Lòng biết ơn là một trong những lễ nghĩa cao nhất không thể thiếu trong cuộc sống con người với nhau. Ngay trong lãnh vực đạo hiếu, ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn; công cha nặng lắm ai ơi, nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang…”. Qua đó, cũng đủ thấy rằng, truyền thống cha ông chúng ta rất đề cao đặt nặng lòng biết ơn.

Khi Chúa Giêsu đến trần gian, một trong những gương Ngài để lại cho chúng ta đó là tâm tình tạ ơn.

Ngài tạ ơn Thiên Chúa Cha trước khi phục sinh Ladarô.

Ngài tạ ơn Thiên Chúa Cha trước khi hoá bánh ra nhiều.

Và  tạ ơn Thiên Chúa Cha khi lập Bí tích Thánh Thể.

Cả cuộc sống của Chúa Giêsu là một bài ca tạ ơn. Ngài rất trọng lòng biết ơn, và Ngài muốn chúng ta sống tâm tình tạ ơn. Bởi vì việc tạ ơn chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Thế nhưng, trong thực tế người đón nhận ơn Chúa thì nhiều, nhưng người biết ơn Chúa thì rất ít.

Bằng chứng Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chữa lành 10 người cùi, nhưng chỉ có một người quay lại tạ ơn Chúa, mà người đó là người ngoại, xứ Samaria.

Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi bao nhiêu ngàn người ăn no nê dư đầy, nhưng khi Chúa vác Thánh giá lên đồi Canvê té ngã nhiều lần, thì chỉ có một người đứng ra vác đỡ Thánh giá cho Chúa, người đó cũng là người ngoại.

Chúa Giêsu rao giảng Tin mừng như Đấng có uy quyền và kèm theo các phép lạ, dân chúng tin theo Chúa đông lắm. Vậy mà khi Chúa vừa tắt thở trên cây Thánh Giá, thì chỉ có một người lớn tiếng tuyên xưng đức tin: “Đúng ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54). Người đó là viên sĩ quan ngoại đạo.

Như vậy, những người con Chúa, những người thụ ơn Chúa ở đâu rồi, sao không thấy dâng lời tạ ơn Chúa; cũng chẳng thấy ai đứng ra bênh vực cho Chúa?. Nói như thế không có ý là chúng ta sống vô ơn với Chúa, nhưng điều muốn nói là chúng ta sống chưa đúng, chưa xứng với những hồng ân Chúa tràn phủ trên chúng ta.

Bản chất con người hư vô đầy những vết nhơ tội lỗi. Thật vậy, mỗi người chúng ta sinh ra đều ảnh hưởng tội nguyên tổ, trừ Mẹ Maria. Vua Đavít đã cảm nghiệm được điều này nên đã thưa lên cùng Chúa: “Ngài thấy cho lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai”. Nhưng qua Bí tích thanh tẩy, Chúa đã thương xót chữa lành và tái sinh chúng ta trong ơn làm con Chúa.

Mỗi khi chúng ta cố tình phạm tội trọng, làm cho linh hồn bị thương tích mất hết công phúc, đáng sa hỏa ngục, nhưng nếu chúng ta tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa qua  Bí tích hoà giải, thì linh hồn chúng ta được tăng thêm sức mạnh thiêng liêng và phục hồi công phúc.

Thật đúng như lời thánh Gioan tông đồ nói: “Từ nguồn sung mãn của Người, mà tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16). Hồng ân nối tiếp hồng ân. Có những hồng ân do nơi Thiên Chúa, và cũng có những ơn huệ đến từ con người.

Cho nên, khi chúng ta sống tâm tình biết ơn là nhận ra thân phận nghèo hèn của mình, và thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa là Cha phép tắc và lòng lành vô cùng. Đồng thời, nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng: một mình chúng ta không thể nào nên người được nếu không sống cùng sống nương nhờ người khác. Vì thế, tiếng nói cám ơn với tấm lòng chân thành là chứng tỏ con người có nhân cách cao và thể hiện niềm tin sâu sắc hơn vào Thiên Chúa.

  Sở dĩ Chúa Giêsu rất trọng lòng biết ơn cũng vì ích lợi cho chúng ta mà thôi. Người Samaria trở lại tạ ơn Chúa vì được ơn chữa lành phần xác, thì Chúa lại ban thêm khi củng cố niềm tin cho anh. Chúa nói: "Đứng dậy về đi ! Lòng tin của con đã cứu chữa con"(Lc 17,19). Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn nữa.

Anh chị em thân mến,

Lòng biết ơn không chỉ bằng môi miệng, nhưng phải được thể hiện bằng cả cuộc sống nữa. Chúa Giêsu không chỉ là mẫu mực về lòng biết ơn mà còn dạy chúng ta thể hiện lòng biết ơn ấy khi lập Bí tích Thánh Thể: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy". Kể từ đó Thánh lễ là lời tạ ơn cao cả nhất. Bởi vì, Giáo hội cậy nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. Vậy chúng ta hãy siêng năng tham dự thánh lễ Misa để tạ ơn theo ý Chúa muốn.

 Mẹ Maria đã cảm nghiệm được lòng Chúa thương xót khi Mẹ cất lên lời kinh tạ ơn: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, vì Ngài đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,46-49). Và rồi Mẹ đã dành cả cuộc đời để tạ ơn Chúa. Xin Đức Mẹ giúp cho mỗi người chúng ta biết nhận ra tất cả hồng ân Chúa ban và cố gắng sống đáp lại tình yêu ấy. Amen.