Chúa Nhật XXVIII thường niên  - Năm C
HÃY CHIA SẺ HẾT LÒNG VỚI ĐỨC GIÊSU
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Câu chuyện của bài Tin mừng tuần này làm sáng tỏ nhiều điểm quan trọng cần phân biệt. Ơn cứu độ cao trọng hơn ơn chữa bệnh thể lý, và lòng tin vào Chúa Giêsu làm cho người Samaritanô trở lại cám ơn Chúa Giêsu làm cho ông xứng đáng hưởng ơn cứu độ trong khi những người khác chỉ hưởng ơn chữa lành thể lý. Những nghi kỵ phân biệt ngàn đời vốn hằng ngự trị trong tư duy của những người do thái hay của chúng ta đối với những người khác bị cho là ngoại đạo không biết lề luật giờ đây được thay đổi bởi một tiêu chuẩn quyết định là lòng tin và tương quan chân thật với Chúa Giêsu. Những người nổi bật trong các bài đọc của chúa nhật tuần này là tướng Naaman người xứ Syria và người phong cùi xứ Samaria trở lại tạ ơn Thiên Chúa, họ đã có một thái độ và trải nghiệm gương mẫu là vì lòng chân thành và lòng tin mới mẻ, dù họ chỉ là những người ngoại giáo so với những người do thái.  Vào thời Chúa Giêsu, có nghi kỵ giữa những người do thái và người xứ Samaria bởi vì những người xứ Samaria bị cho là dân ngoại đạo, phần lớn họ là dân không phải bị đi lưu đày thời Cựu ước và sống pha trộn với dân địa phương và không trung thành giữ những qui định của lề luật, ngoài ra họ còn pha trộn lòng tin vào Giavê Thiên Chúa với những tín ngưỡng địa phương.

          Trong câu chuyện các bài đọc, ơn chữa lành bệnh cùi là một ơn đặc biệt Thiên Chúa dành cho những người tìm kiếm chân thành. Trong sách Các Vua quyển II có thuật lại trường hợp của tướng Naaman được chữa lành thời tiên tri Êlisê. Ông là một người ngoại, quan lãnh binh của nhà vua xứ Syria. Qua một người nữ tỳ, ông nghe biết ở xứ do thái có tiên tri Êlisê là người của Thiên Chúa có khả năng trị bệnh  nên đã mạnh dạn xin phép nhà vua của mình để lên đường đến xứ Do thái để được chữa trị. Khi tiếp xúc lần đầu, ông không được gặp mặt tiên tri, chỉ được hướng dẫn xuống sông Giorđan tắm 7 lần, ban đầu ông do dự và tức giận vì không được tiên tri gặp mặt thăm hỏi, nhưng sau đó nghe lời khuyên của những người tùy tùng, ông cố gắng xuống tắm dưới sông Giorđan và da thịt ông được lành sạch. Để tỏ lòng biết ơn đối với người của Thiên Chúa đã chữa lành cho ông, ông trở lại để xin tạ ơn. Được gặp người của Thiên Chúa, ông tuyên xưng lòng tin vào Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa hằng sống và xin phép để hậu tạ đối với tiên tri, nhưng tiên tri đã từ chối. Thái độ ngay thẳng và biết ơn của Naaman đã được chính Chúa Giêsu ghi nhận, ông là con người chân thành và hiểu biết nên xứng đáng được ơn chữa lành, trong khi có nhiều người phong cùi khác trong xứ Do thái thời tiên tri Êlisê nhưng không được chữa lành.

          Vào thời Chúa Giêsu bệnh cùi là bệnh nan y, những người cùi phải sống ngoài cộng đoàn và không được hiệp thông đời sống xã hội và tôn giáo với những người khác. Câu chuyện Tin mừng thánh Luca thuật lại Chúa Giêsu trên đường đi Giêrusalem, đã xuyên qua xứ Galilêa và Samaria để đến thung lũng sông Giorđan và có mười người bệnh phong cùi đến gặp người và xin người thương xót họ. Những người phong cùi không được trực tiếp tiếp xúc với những người lành mạnh nên họ phải đứng từ xa mà la lớn tiếng, đồng thời họ cũng không xin rõ Chúa chữa lành mà chỉ xin người thương xót họ. Nhận lời cầu xin của họ, Chúa Giêsu truyền cho họ đi trình diện các tư tế theo luật. Và trong khi đi đường, họ được chữa lành. Họ đã được chữa lành vì đã vâng theo lời truyền của Chúa Giêsu. Từ đây câu chuyện sẽ làm nổi bật lên thái độ mới mẻ đáng khen ngợi của một trong số mười người vừa được chữa lành. Nhận thấy mình được chữa lành, người này nhận biết sức mạnh chữa lành do bởi Chúa Giêsu, nên ông đã vội vàng quay lại để ngợi khen Thiên Chúa và sấp mình dưới chân Chúa Giêsu để tạ ơn người. Tin mừng Luca ghi nhận người này lại là người xứ Samaria. Sự khác biệt giữa người xứ Samaria này, vốn bị những người do thái đánh giá là vô đạo, là ở lòng biết ơn đối với Chúa Giêsu trong khi chín  người khác, được chữa lành đã không biết ơn để ngợi khen Thiên Chúa và tạ ơn Chúa Giêsu. Và như thế, một cách kín đáo, Tin mừng đã ghi nhận thời điểm mới của công trình của Chúa Giêsu, phá đi ranh giới phân cách chủng tộc ngàn đời giữa những người do thái và người Samaria. Từ nay, những người xứng đáng với ơn cứu độ không phải chỉ là những người do thái do bởi nguồn gốc chủng tộc hay chuyên chăm giữ những qui định lề luật mà là những người biết thờ phượng ngợi khen Thiên Chúa và đặt lòng tin vào Chúa Giêsu. Câu chuyện kết thúc với lời tuyên bố của Chúa Giêsu : người xứ Samaria này biết quay lại để ngợi khen Thiên Chúa được cứu độ. Lòng tin của người xứ Samaria là mới mẻ khi ông nhận ra ơn thương xót chữa lành của Thiên Chúa và bắt đầu dấn thân vào một hành trình đức tin sống tương quan chân thật với Chúa Giêsu. Tình yêu của Thiên Chúa không có biên giới, ngay cả nơi những người mà người ta đánh giá thấp, ít hy vọng chờ đợi nhất lại là những người gặp gỡ được tình yêu Thiên Chúa. Họ lại là những người như Naaman và người phong cùi xứ Samaria, có lòng tin vào Thiên Chúa một cách độc đáo và chân thật, và họ đã bắt đầu sống những giá trị của Tin mừng mà Chúa Giêsu đã gặp được một cách thật sống động.

          Thánh Phaolô, trong bức thư gửi cho Timôthêu đã chia sẻ những trải nghiệm của ngài về tương quan với Chúa Giêsu. Ngài đã sống tương quan với Chúa Giêsu mà ngài luôn xác tín vào mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của người: Người đã chết và phục sinh vì chúng ta, giờ đây Phaolô cố gắng kết hiệp vào mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh này và thâm tín rằng nhờ đó mình sẽ được thông hiệp vào sự sống lại và được cùng hiển trị với Chúa Giêsu. Ơn cứu độ đòi phải có những trải nghiệm mới với Đức Giêsu bởi vì người đã chia sẻ tận cùng với con người chúng ta. Người đã chia sẻ hết tình với mười người phong cùi trong Tin mừng, không giữ lại điều gì cả. Họ xin người thương xót họ, và lập tức người đã chữa lành cho họ. Người mong muốn chia sẻ trọn vẹn, không giữ lại gì và mong muốn những người khác cũng chia sẻ với người hết lòng.