Chúa Nhật XXVIII thường niên - Năm C |
THỂ HIỆN LÒNG BIẾT ƠN |
Lm Giuse Đinh lập Liễm |
A. DẪN NHẬP. Người ta hay nói :”Hữu sự vái tứ phương, vô sự đồng hương không mất”. Câu nói ấy có ý chỉ trích thói vô ơn của nhiều người. Theo thói thường, người ta chỉ muốn nhận chứ không muốn cho đi. Nếu nhận được một ân huệ nào của ngưới khác thì dễ quên đối với vị ân nhân, còn khi mình làm ơn cho ai thì nhớ rất dai và muốn người ta phải thể hiện lòng biết ơn đó. Bài Tin mừng hôm nay cho biết Đức Giêsu đã chữa lành cho mười người phong cùi mà chỉ có một người dân ngoại Samaria trở lại ca tụng hồng ân Thiên Chúa, còn chín người Do thái kia bỏ đi luôn không nghĩ gì đến hồng ân đã lãnh nhận. Những người này không tỏ lòng biết ơn vì nghĩ mình là người Do thái nên có quyền đòi hỏi Chúa thi ân. Họ là những người vô ơn. Người đời thường nói :”Uống nước nhớ nguồn” hay “An quả nhớ kẻ trồng cây”. Biết ơn là một chuyện xem ra rất bình thường nhưng cũng là một bổn phận mà ít người làm trọn. Ngày nay người ta ít dùng hai tiếng “cám ơn”, người ta rất hà tiện trong việc dùng hai tiếng đó. Ngạn ngữ Pháp có câu :”Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim”, vì con tim cảm nghiệm được điều tốt người khác làm cho mình, nên người biết ơn người khác phải là người đạo đức, có văn hóa, có giáo dục. Vì vậy, chúng ta có thể nói : biết ơn là một việc khó, và thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm cụ thể lại càng khó hơn. Cuộc đời của chúng ta được đan dệt bằng những hồng ân của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói:”Tất cả là hồng ân”. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng nói như thế. Đối với người chịu ơn thì phải tỏ lòng biết ơn đối với người làm ơn. Đối với Thiên Chúa, lời cảm tạ của chúng ta không cần thiết vì nó chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng nó lại cần thiết cho chúng ta vì đem lại lợi ích cho chúng ta. Chúng ta phải có tâm tình tạ ơn Chúa như ông Naaman đối với tiên tri Elisê và người phong cùi Samaria đối với Chúa. Cách thể hiện lòng biết ơn của chúng ta đối với Chúa không gì tốt hơn là Thánh Thể và Thánh lễ, vì Thánh Thể và Thánh lễ đều là tạ ơn. Đi tham dự Thánh lễ là đi tạ ơn Chúa. Ngoài ra, tinh thần biết ơn ấy còn phải được thể hiện bằng sự chia sẻ với những người khác về tinh thần cũng như vật chất. B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA. + Bài đọc 1 : 2V 5,14-17. Ông Naaman là tổng tư lệnh quân đội Syria bị mắc bệnh phong cùi. Nghe tin bên Israel có ông Elisê có thể chữa được, nên ông đã đến xin tiên tri Elisê chữa cho ông. Tiên tri Elisê bảo ông hãy xuống sống Giorđan tắm 7 lần thì khỏi. Ông thấy đây là phương pháp quá tầm thường và nước sông ở đây cũng không hơn gì nuớc sông ở xứ sở mình. Lúc đầu ông không chịu, nhưng do một người hầu gái thuyết phục, ông đã đi tắm 7 lần và sau đó ông được khỏi bệnh cùi. Sau khi khỏi bệnh, ông Naaman muốn tạ ơn tiên tri Elisê nhưng ông nhất định từ chối, vì ông muốn quan chỉ cám tạ ơn Thiên Chúa mà thôi. + Bài đọc 2 : 2Tm 2,8-13. Lúc đó, thánh Phaolô đang bị giam cầm tại Rôma lần thứ hai. Ngài viết cho Timôthêô những lời di huấn : hãy chịu đau khổ và chết với Đức Kitô để được cùng sống lại và hiển trị với Ngài. Còn riêng với thánh Phaolô, mặc dầu đang chịu khổ sở vì bị giam trong tù, nhưng vẫn ca tụng Thiên Chúa và quyết tâm trung kiên với Ngài. + Bài Tin mừng : Lc 17,11-19. Chúng ta có thể chia bài Tin mừng thành ba đoạn nhỏ : a) Nhận biết phận mình : Mười người phong cùi đến với Đức Giêsu xin Ngài cứu chữa. Nhận biết phận mình là những người bị xã hội loại bỏ nên không dám đến gần Đức Giêsu mà chỉ “đứng đàng xa” mà kêu xin. b. Đức Giêsu thử thách họ : Ngài không chữa cho họ ngay mà chỉ bảo họ :”Hãy đi trình diện với các tư tế”. Nếu có đức tin thì họ sẽ đi ngay và sẽ được khỏi. Trường hợp này họ có đức tin vì đang đi trên đường thì họ được khỏi. c) Kết quả : Mười người đều được khỏi bệnh : 9 người cùi Do thái không trở lại tạ ơn vì họ đã quen được ơn Chúa nên coi đó là việc bình thường. Còn người cùi xứ Samariatrở lại tạ ơn vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được ơn, thế mà lại được. C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA. Tâm tình biết ơn. I. CHỮA LÀNH MƯỜI NGƯỜI PHONG CÙI. 1. Hoàn cảnh : Trên đường tiến về Giêrusalem, nơi Đức Giêsu thực hiện công trình cứu độ bằng việc chịu thương khó, chịu chết và sống lại. Thánh Luca thuật lại cho chúng ta một biến cố xẩy ra trong cuộc hành trình lên Giêrusalem, đồng thời cũng là một phép lạ : Chúa chữa lành mười người phong cùi ở biên giới Samaria và Galilêa. 2. Mười người phong cùi xin cứu giúp. Bệnh phong cùi vẫn được giới y học cho là phát sinh từ Ai cập truyền qua Palestine, An độ rồi hai đế quốc La Hy. Sau đó truyền sang Au châu. Phong cùi là một bệnh nan y nhơ nhớp, người bệnh phải sống cách biệt với người lành và vì thế họ không được ở trong thành, chỉ được sống ở những làng mạc chung quanh thành. Vì thế, trước khi vào Giêrusalem. Đức Giêsu đi qua làng thì gặp mười người phong cùi. Phong cùi là một bệnh khó trị, ai cũng ghê tởm và run sợ nếu mắc phải bệnh này. Vào thời Đức Giêsu, nó còn khoác vào người bệnh nỗi nhục nhã trong tâm hồn vì người ta cho rằng họ là những người bị Thiên Chúa phạt. Những người mắc bệnh cùi bị ruồng bỏ. Luật của Maisen thật là hà khắc nhằm tránh dịch bệnh lan truyền : người mắc bệnh phong cùi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên :”Ô uế ! Ô uế !”. Không cần phải nói thêm rằng họ đương nhiên bị cấm đến ở những nơi dân cư và hoàn toàn bị đuổi ra khỏi những nơi thờ phượng. Mười người phong cùi này sống chung với nhau lẫn lộn cả Samaria và Do thái, không còn phân biệt như trong các cộng đồng của họ ở trước. Họ sống vui vẻ hòa hợp. Chính đau khổ đã đưa con người đến tình liên đới nhân loại. Khi họ bị loại ra khỏi xã hội con người, họ đã trở thành một xã hội đầy tình người hơn. Theo luật Maisen, họ không được đến gần, phải đứng đàng xa mà kêu xin :”Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Đức Giêsu không chữa lành họ tức khắc mà chỉ bảo họ hãy đi trình diện với các tư tế. Những người phong cùi phải đến trình diện thầy tư tế, không phải để được khỏi bệnh nhưng để xác nhận là đã khỏi bệnh. Ở đây ra lệnh cho người bệnh đi trình diện khi chưa khỏi bệnh là để thử luyện lòng tin của họ, vì theo luật khi khỏi bệnh mới đi trình diện các thầy tư tế. 3. Đức Giêsu đã chữa lành họ. Để được khỏi bệnh, Đức Giêsu đòi hỏi phải có lòng tin. Những người cùi này đã tỏ bầy lòng tin vào Đức Giêsu khi họ tuyên xưng Đức Giêsu là Thầy và xin Ngài thương xót, đồng thời họ cũng đã tỏ lòng tin ấy bằng hành động : vâng lời Chúa đi trình diện ngay với các vị tư tế mà không chờ một hành động gì khác để chữa bệnh. Việc này cũng làm cho chúng ta nghĩ đến thử thách lòng tin mà tiên tri Elisê bắt ông Naaman, người gốc Syria phải chịu khi yêu cầu ông này phải tự mình thực hiện một biện pháp… điều này làm ông ta nổi giận. Vì thế, hiệu quả của lòng tin ấy làm họ thấy mình được khỏi bệnh trên đường đi trình diện theo Luật. 4. Lời tạ ơn sau khi được lành. Trong khi đi trình diện, cả mười người đều được lành sạch. Chúng ta nhận thấy trong khi 9 người tiếp tục đi “trình diện với các tư tế”, thì riêng có một người, thay vì vâng lệnh Chúa và Luật dạy, “liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”. Thật ngạc nhiên, chỉ đến lúc này, lúc mà cách xử sự của anh đã gây ấn tượng tốt nơi chúng ta, thì chúng ta mới biết anh thuộc dòng tộc nào : anh là người Samaria. Đối với anh, tuy đã khỏi bệnh cùi, nhưng vẫn phải mang thân phận của người bị khinh khi vì lạc đạo, nên không có vấn đề đi đến đền thờ… hơn nữa, anh đã gặp Đấng Thiên Sai trên đường, Đấng vừa cứu chữa anh, như rồi đây ta sẽ thấy : chính nơi Đức Giêsu mà ta tôn vinh Thiên Chúa. Cử chỉ anh làm là một cử chỉ trong phụng vụ,”anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn”. Anh nghĩ chắc hẳn đó là cách tuyên xưng công khai Đức Giêsu là người gần gũi với Thiên Chúa. Roland Meynet chú giải :”Người Samaria vừa khỏi bệnh đã kết hợp Thiên Chúa với Đức Giêsu trong cùng một lời ngợi khen và tạ ơn. Ơn cứu độ vừa đón nhận được anh công bố cho mọi người biết, đó là công trình của Thiên Chúa và của Đức Giêsu. Lòng tin của anh không phân biệt hai Đấng ấy, và anh sấp mình dưới chân Đấng đã làm cho anh nên sạch, như sấp mình dưới chân Đức Chúa” (Fiches dominicales C, tr 328-329). “Chớ thì không phải cả mười người được lành sao” ? Đức Giêsu đợi tất cả mọi người đến tôn vinh Thiên chúa qua trung gian của Ngài. Những người Do thái không tỏ lòng biết ơn, vì nghĩ mình là người Do thái nên có quyền đòi hỏi Chúa thi ân. Ở đây Chúa có ý ám chỉ đến người Do thái, đến riêng các biệt phái, luật sĩ là những người ỷ lại vào danh nghĩa (con cái Israel) dân riêng của Chúa, mà tự phụ kiêu căng, khép kín không tin nhận vào quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Đang khi ấy chỉ có người dân ngoại là ngườiSamaria đã tỏ bày lòng biết ơn bằng cách trở lại tôn vinh Thiên Chúa. II. HAI TIẾNG “CÁM ƠN” TRONG ĐỜI THƯỜNG. 1. Biết ơn, một chuyện bình thường. Trên bình diện con người thì biết ơn rất ư là chuyện bình thường. Khi chịu ơn ai thì tỏ lòng biết ơn qua một hình thức nào đó hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp vì người ta thường nói :
Uống nước nhớ nguồn Hoặc An quả nhớ kẻ trồng cây, An cơm nhớ kẻ đâm, say , giã, sàng. Thế nên lòng biết ơn thường là “có đi có lại”. Dĩ nhiên cũng có người chỉ muốn cho đi mà không muốn nhận lại, dù chỉ là lời cám ơn. Nhưng quả là hiếm ! Ngày nay, hai tiếng “cám ơn” hình như càng ngày càng thiếu vắng trong cuộc sống hiện nay. Chúng ta ngày hôm nay, ngần ngại khi phải nói tiếng “cám ơn”. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy hai tiếng “cám ơn” hình như bớt dần đi với tuổi tác. Càng lớn tuổi, người ta càng khó nói tiếng “cám ơn”. Nhưng nếu chỉ hai tiếng “cám ơn” mà chúng ta không nói được, thì cho thấy tình trạng luân lý của xã hội đang tuột dốc một cách nguy hiểm. 2. Biết ơn, là trí nhớ của trái tim. Người Pháp có câu ngạn ngữ :”Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim”. Vì con tim cảm nghiệm được điều tốt người khác đã làm cho mình, nên người biết ơn người khác phải là người đạo đức, có văn hóa, và có giáo dục. Thi sĩ người Anh, Samuel Johnson, đã nói rằng :”Lòng biết ơn là một hoa trái của công trình rèn luyện cao quí, bạn không tìm thấy nó ở những kẻ thô lỗ”. Còn Chu Văn, tác giả Chuyện Tử Tế thì chia sẻ với chúng ta :”Một tiếng nói cám ơn với tất cả thành thật, một cử chỉ biết ơn đối với những ai đã làm ơn cho chúng ta cách này hay cách khác, một thái độ như thế không những làm cho chúng ta được nên người hơn, mà là thể hiện của một niềm tin sâu sắc nữa. Có lẽ không gì tử tế bằng khi hai tiếngcám ơn luôn được thốt lên với tất cả chân thành và trân trọng”. Công ai một chút chớ quên, Phiền ai một chút để bên cạnh lòng. Truyện : Anh lính biết ơn. Kurt Emmerich, một bác sĩ giải phẫu trong quân đội của Đức, đã kể câu chuyện sau đây về một kinh nghiệm ông đã trải qua ở biên giới Nga sô. Hàng ngàn thương binh đã được ông giải phẫu tại bệnh viện dã chiến, nhưng chỉ có một trường hợp làm ông không bao giờ quên. Người lính trẻ đó được đưa vào bệnh viện với một khuôn mặt bị vỡ tan nát. Bác sĩ phải làm việc rất nhiều ngày để sửa lại khuôn mặt của anh với tất cả nỗ lực có thể được qua hàng loạt những phẫu thuật cấy và ghép da. Trong lần giải phẫu cuối cùng, bác sĩ đã phải khâu nối kết toàn thể các phần còn lại với nhau ở khóe miệng của bệnh nhân. Những y tá phụ đã giúp cho anh thương binh ngồi lên. Vì thuốc tê chung quanh miệng bệnh nhân vẫn còn hiệu quả, nên bác sĩ nói với anh, “Bây giờ công việc đã hoàn tất, chúng tôi muốn nghe anh phát biểu một điều gì với môi miệng mới của anh”. Anh thương binh trẻ từ từ cử động những bắp thịt quanh miệng một cách rất cẩn thận, và rồi với nụ cười mỉm chi đầu tiên của anh, miệng anh uốn theo những chữ :”Cám ơn”(Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa… năm C, tr 343). 3. Biết ơn là một việc khó. Đừng tưởng việc biết ơn, nhớ ơn, biết nói lời cám ơn là một chuyện dễ dàng, không mấy khó khăn. Nếu nghĩ như thế là lầm vừa chưa biết cám ơn bao giờ vì qua cách sống của mỗi người và qua thực tế như bài Tin mừng hôm nay trình bầy cho chúng ta thấy rằng : nhận ơn thì ai cũng muốn, còn nhớ ơn lại rất ít người làm hoặc cho ai cái gì người ta nhớ rất dai, còn khi nhận được cái gì thì lại quên mau chóng. Như thế, chỉ những ai có tâm hồn đạo đức, một lòng trí trong sáng mới có thể biết ơn ân nhân của mình cách đúng đắn. Nếu biết năng dùng hai tiếng “cám ơn” thì nó cũng sẽ giúp người ta rất nhiều : - Khi ta cám ơn ai, người đó sẽ hài lòng, và lần sau họ sẽ sằn sàng giúp ta nữa. - Nghe ta nói cám ơn, lòng người ta vui, mặt người ta sáng, người ta sẽ làm việc vui vẻ hơn.
Hai tiếng “cám ơn” khi được thốt ra bởi những người lớn hơn thì càng sinh hiệu quả nhiều hơn. Chẳng hạn cha mẹ cám ơn con cái, thầy cô cám ơn các em học trò, chủ cám ơn tớ… Nhưng tại sao người ta cám ơn “người dưng” hơn là cám ơn người nhà”(Frank Mihalic). 4. Làm ơn đừng nhớ, chịu ơn đừng quên. Bài đọc 1 đưa ra cho chúng ta một hình ảnh rất đẹp : Tướng của Syria là Naaman bầy tỏ lòng biết ơn của mình đối với tiên tri Elisê một cách cụ thể bằng lễ vật mà ông tha thiết xin tiên tri nhận cho. Còn Elisê thì kiên quyết từ chối, mặc dù lễ vật ấy chắc chắn sẽ giúp ngài sống đỡ thiếu thốn, và nhất là – theo cách suy nghĩ bình thường của người đời – có thể tạo cho ngài nhiều phương tiện hơn để thi hành sứ mạng của mình. Cả hai thái độ tốt đẹp trên có thể làm chúng ta suy nghĩ và xét lại thái độ của chúng ta khi chịu ơn ai hoặc làm ơn cho ai. Thông thường người ta có tâm lý hay quên hoặc không nhận ra những điều tốt người khác làm cho mình, nhưng lại dễ nhớ những gì tốt đẹp mình làm được cho người khác. Không những thế, mình còn mong họ nhớ ơn và trả ơn mình. Nếu họ vô tình quên ơn, thì ta buồn phiền, oán trách, thậm chí sẵn sàng lên tiếng chê bai :
Những người phụ nghĩa quên công, Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm. Truyện : Không ai cám ơn tôi cả. Cách đây đã lâu, một con tầu bị đắm vì giông bão trong vùng Ngũ Đại Hồ, Hoa kỳ. Những toán cấp cứu được phái đến giúp đỡ, trong đó có một nhóm sinh viên của trườngNorthwestern University ở Chicago. Một sinh viên trẻ tuổi, tên là Edward Spencer, đã cứu được 16 người từ con tầu đang bị chìm. Anh làm việc hăng say cho đến khi gần kiệt sức. Khi được phỏng vấn, anh còn lúng túng e ngại vì sợ rằng vẫn chưa làm hết sức mình :”Tôi đã làm việc hết sức chưa ? Quý vị có nghĩ rằng tôi đã làm việc hết mình không”? Nhiều năm sau đó, trong buổi họp mặt của các cựu sinh viên, một thuyết trình viên đã nhắc lại hành động anh hùng này. Bỗng nhiên có một người la lớn rằng Edward Spencer đang hiện diện ở đây. Thế là Spencer được mời lên bàn cử tọa. Bây giờ ông đã già, tóc bạc, buớc lên bục đài giữa tiếng hoan hô vỗ tay của khán giả. Thuyết trình viên hỏi ông :”Trong biến cố đó, sự kiện nào đáng ông ghi nhớ nhất” ? Ông cụ bèn trả lời:”Chỉ có một điều này làm tôi nhớ mãi, khoảng 16 hay 17 người đã được tôi cứu vớt, không một người nào đã cám ơn tôi cả”. 5. Biết ơn là thái độ sống căn bản. Thái độ biết ơn Thiên Chúa là một thái độ căn bản của các tạo vật và chỉ con người mới ý thức và nói lên được hai tiếng cám ơn. Trong Cựu ước, dân Israel đã dâng các lễ vật đầu mùa để cám ơn Thiên Chúa (Đnl 26, 1-10). Trong Tân ước, một hành động cảm ơn trọn vẹn và xứng đáng nhất là phép Thánh Thể thường được gọi là Lễ Tạ Ơn. Sách Talmud nói:”Một ngày kia khi mọi lời nguyện sẽ im bặt trên môi miệng con người, ngoại trừ kinh nguyện tạ ơn”. Thánh Bênađo đã nói:”Anh em, tôi xin anh em điều này là hãy xa tránh một nết xấu lớn lao là sự vô ơn. Chớ gì đời ta là một đời sống, một lời cám ơn liên lỉ. Chúng ta đừng cảm ơn suông bằng môi bằng miệng, nhưng bằng các việc làm và bằng chân lý của đời ta : đừng nói cám ơn, nhưng hãy thực hành việc cám ơn. Đó là điều mà Chúa mọi ơn lành đòi hỏi chúng ta”. III. THỂ HIỆN TÂM TÌNH BIẾT ƠN. 1. Tất cả đều là hồng ân. Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp nhau. Những ân huệ này đan xen với những ân huệ khác. Có những ơn do nơi Thiên Chúa, và cũng có những ơn đến từ con người. Vậy nếu cuộc sống là lãnh nhận thì người ta sẽ như thế nào nếu không hề biết nói hai tiếng “cám ơn”, hoặc chẳng bao giơ bầy tỏ tấm lòng tri ân. Chúa cho con đôi mắt, con nhìn bao kỳ công, Chúa cho con đôi tai, con nghe đủ âm thanh, Chúa cho con đôi môi, con hé mở nụ cười, Chúa cho con hai tay, bưng chén cơm, cầm bút, Chúa cho con đôi chân, dẫn con khắp nẻo đường, Chúa cho con khối óc, phân biệt điều thực hư, Những điều con có đó, tưởng tầm thường nhưng thật vĩ đại, thật cao cả. Mà đã lần nào con nhớ đến những thứ ấy để cám ơn Chúa. Chắc đợi đến khi mắt mù, tai điếc, chân què, con mới nhận ra những thứ ấy thật cao quí. Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con nhiều điều. Nhưng xin ban cho chúng con một điều nữa là cho chúng con biết luôn nhận ra những ân huệ Chúa mà không ngừng cảm tạ tri ân. Amen . (Hosanna). Truyện : Hồng ân Chúa quá nhiều. Có một người cha trong gia đình đã ghi lại câu chuyện và những ý nghĩ sau đây : Một đêm kia, trong lúc đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ của tôi nói :”Bố ơi, con sẽ đếm sao trên trời có bao nhiêu ngôi sao nhé”. Sau đó, tôi nghe giọng nói êm đềm của con tôi bắt đầu đếm 1,2,3,4… Rồi tôi chăm chú vào việc đọc báo, không để ý đến tiếng con tôi đếm các ngôi sao nữa. Đến khi đọc xong bài báo, tôi chú ý lắng tai và nghe tiếng nó vẫn tiếp tục đếm 123,124,125… Đến đây nó bỗng ngừng lại, không đếm nữa, rồi quay sang nói với tôi :”Bố ơi, con không dè trên trời lại có nhiều sao đến thế”. Nghe con gái nhận xét như vậy, tôi chợt nhớ là thỉnh thoảng tôi cũng âm thầm nói với Chúa :”Chúa ơi, để con thử đếm xem con đã nhận lãnh bao nhiêu ơn lành Chúa đã ban”, và càng đếm, trái tim tôi hình như càng cảm thấy thổn thức, không phải vì âu sầu mà vì bị quá nhiều hồng ân Chúa đè nặng. Rồi tôi cũng thường phải thốt lên như con gái tôi :”Lạy Chúa, con không dè đời con lại có quá nhiều hồng ân của Chúa đến thế”(Phạm văn Phượng). 2. Có nhiều cách tỏ lòng biết ơn. Tâm tình biết ơn thường được gói ghém trong hai tiếng “Cám ơn”. Cám ơn không những là một bổn phận mà còn là một nhân đức bởi vì người ta rất hà tiện trong việc cám ơn. Người ta có muôn vàn cách để cám ơn. Có rất nhiều chuyện mà người ta không thể cám ơn bằng tiền bạc được, người ta có thể cám ơn bằng nụ cười, một thoáng quan tâm, một tiếng cám ơn. Những ngưởi bán hoa đã viết một biểu ngữ trước quầy hàng của họ thế này:”Hãy diễn tả tâm tình của bạn bằng những bông hoa”. Cũng vậy, chúng ta phải diễn tả tâm tình của mình ra nhờ những cái gì khác hơn là tiền bạc, hoặc cả tiền trà nước, đó là lời cám ơn. Có cả một nghệ thuật bầy tỏ lòng tri ân mà chúng ta phải tập để biết sử dụng hợp thời, đúng lúc và tinh tế khéo léo. 3. Hãy tạ ơn Chúa về mọi sự trong cuộc đời. Về việc thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa không cần những lời cám ơn của chúng ta, nhưng chúng ta cần cám ơn Thiên Chúa. Điều ấy nhắc chúng ta rằng mọi việc mà chúng ta có đều do Thiên Chúa ban cho. Cám ơn Thiên Chúa về điều xẩy đến cho chúng ta là việc dễ dàng. Nhưng chúng ta cố gắng biết ơn về trọn cả cuộc đời mình : điều xấu cũng như điều tốt, những niềm vui và nỗi buồn, những thành công và thất bại. Đó không phải là một việc dễ dàng. Chúng ta chỉ thực sự gọi mình là những người có lòng biết ơn khi chúng ta có thể nói lời cám ơn về mọi việc đã đưa chúng ta đến giây phút này. Loại tri ân này làm chúng ta có khả năng cải tạo toàn bộ quá khứ của chúng ta và coi nó như là con đường cụ thể trong đó Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta đến giây phút này. 4. Cám ơn Chúa trong Thánh Lễ. Ngay từ ban đầu khi thành lập Giáo hội, các tín hữu đã qui tụ nhau lại hằng tuần để cử hành tiệc “Thánh Thể” (Cv 2,42). Chữ Eucharistia – “Thánh Thể” dịch từ tiếng Hy lạp “Eucharistos”, có nghĩa là “Biết ơn – Tạ ơn”. Vì thế ngay từ hồi Giáo hội sơ khai, người Kitô giáo đã ý thức về nhu cầu tạ ơn Thiên Chúa, và họ nhận thức rằng một cách tốt nhất để tạ ơn là việc dâng lễ. Khi mọi người tín hũu thời Giáo hội sơ khai đi dâng lễ, cái ý nghĩ và tâm tình của họ dựa trên cái ý niệm tạ ơn. Thánh lễ, theo tiếng Hy lạp, có nghĩa là tạ ơn. Vậy đi lễ là đi tạ ơn Thiên Chúa. Trong Thánh lễ, ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa bằng lời tạ ơn và tâm tình biết ơn. Bằng một biểu hiệu tạ ơn và biết ơn, ta dâng lên Thiên Chúa bánh rượu là do kết quả của sức lao công hằng ngày, được trở thành Mình và Máu thánh Chúa do lời truyền phép của Linh mục tế lễ. Do đó lễ vật tạ ơn của ta được hiệp nhất với Mình Máu Thánh Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội, ca tụng và cảm tạ. Để kết thúc, chúng ta có thể nói rằng Chúa không cần chúng ta phải cảm ơn nhưng lại cần cho chúng ta, bởi vì việc đó có lợi cho chúng ta như kinh Tiền tụng Thánh Thể IV đã nói:”Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được ca tụng Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con”. Truyện : Cám ơn. Thi sĩ Lamartine, người Pháp có kể lại một giai thoại như sau : một hôm ông tình cờ đi qua một khu rừng, ông nghe có một âm thanh kỳ lạ : cứ sau một tiếng búa đập vào đá lại vang lên một tiếng cám ơn ! Đến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ mới nhìn thấy một người thợ đá đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ búa vào phiến đá, ông lại thốt ra hai tiếng “cám ơn”. Thi sĩ nấn ná đến hỏi chuyện, ngưởi thợ đá mới giải thích :”Tôi tạ ơn Chúa” ! Ngạc nhiên về lòng tin của một người mà cuộc sống hẳn phải lam lũ, lầm than hơn nhiều người, thi sĩ bảo : - Giả như bác được giầu có thì tôi hiểu tại sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng “cám ơn”. Đàng này Thiên Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi một lần duy nhất, đó là lúc Ngài tạo nên bác. Sau đó Ngài ban cho bác có mỗi cái búa này để rồi không ngó ngàng gì tới bác nữa, thế thì tại sao bác lại mỏi miệng cám ơn Ngài ? - Ông nghĩ rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi sao ? - Dĩ nhiên – Lamartine thách thức – Chúa chỉ nghĩ đến bác có một lần thôi ! Người thợ đá nghèo, nhưng đầy lòng tin, náo nức thốt lên : - Tôi nghĩ điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ông hãy nghĩ rằng Thiên Chúa đã đoái thương nghĩ đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, và chỉ một lần thôi, vậy không đủ cho tôi cám ơn Ngài sao ? Vậy, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa ! Nói xong, người thợ đá đã bỏ mặc cho ông thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông : vừa đập đá vừa cám ơn Chúa.
“Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, Chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (Tv 103,2)
|