Chúa Nhật XXVI thường niên  - Năm C
ĐẦU TƯ NHỜ SỐNG YÊU THƯƠNG CHIA SẺ
Lm Giuse Đinh tất Quý

"Ông Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe,

thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu"(lC 16,31).

 

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng con vừa được nghe một câu chuyện hết sức đặc biệt mà Chúa Giêsu đã kể cách đây hai ngàn năm. Cha đố chúng con biết khi kể câu chuyện đặc biệt này Chúa Giêsu muốn nói cho mọi người điều gì?

- Chúa muốn nói đến sự sống ở đời sau.

- Chúa muốn nòi đến sự sống sau khi chết.

- Chúa muốn nói đến cuộc sống của con người sống hôm nay và mai sau có liên hệ với nhau.

Chúng con giỏi quá.

Theo cha thì Chúa muốn nói với mọi người hai điều này:

Trước hết là đàng sau cuộc sống chúng ta đang sống hôm nay, có một cuộc sống khác. Đó là cuộc sống đời sau.

Hai là giữa cuộc sống hôm nay và cuộc sống đời sau có một mối giây liên hệ mật thiết với nhau.

Bây giờ cha bắt đầu nói về hai vấn đề này.

1. Trước hết là đàng sau cuộc sống chúng ta đang sống hôm nay, có một cuộc sống khác. Đó là cuộc sống đời sau.

Cha hỏi chúng con: Chúng con có tin rằng có cuộc sống mai sau không?

Tin vào cuộc sống mai sau là một trong những điều phải tin trong kho tàng đức tin của chúng ta.

Thế nhưng đây không phải là niềm tin của mọi người. Có rất nhiều người không tin vào cuộc sống đời sau, không tin vào cuộc sống đàng sau cái chết. Họ bảo: chết là hết, chẳng còn gì. Khi đã xuôi tay nằm xuống là phải đem đi chôn. Thế là hết cuộc đời.

Phần chúng ta, chúng ta tin có cuộc sống mai sau, cuộc sống đời đời.

Nếu không có cuộc sống mai sau thì cuộc sống đời này thật vô nghĩa.

Cha mời chúng con nghe câu chuyện này. Đây là câu chuyện giả tưởng nhưng nó cũng đem lại những giá trị hết sức đặc biệt cho mọi người.

Câu chuyện như thế này: Một lần kia có một ông bác sĩ phụ trách sản khoa đã nói chuyện với một bào thai còn trong lòng mẹ. Ông bác sĩ nói:

- Bào thai ơi, thời gian trong bụng mẹ chỉ là giai đoạn sửa soạn, cuộc đời thực sự sẽ đến sau này trên trần thế. Đó là một cuộc đời mà ngươi chưa biết và không thể tưởng tượng ra được.

Nghe vậy, bào thai liền nói:

- Thôi ông đừng có nói chuyện mê tín dị đoan. Cuộc đời trong bụng mẹ tôi là cuộc đời duy nhất mà tôi biết được lúc này, ngoài ra không còn cuộc đời nào khác nữa. Một cuộc sống ở nơi nào khác chỉ là điều bịa đặt của những kẻ cuồng tín.

Nhưng, suy nghĩ một hồi, bào thai liền thắc mắc:

- À nhưng mà tôi sẽ có mắt ở trên mặt. Để làm gì nhỉ? Ở đây đâu có gì để nhìn? Tôi sẽ có chân, nhưng tôi không có đủ chỗ để duỗi người ra, vậy có chân để làm gì đây? Và tại sao tôi lại phải có tay? Có tay để cứ khoanh mãi như thế này ư? Tay làm phiền tôi và mẹ tôi. Sự tăng trưởng của tôi trong lòng mẹ sẽ thật vô nghĩa, nếu như sau này không có một cuộc đời với ánh sáng, màu sắc và nhiều điều khác nữa để tôi nhìn ngắm. Không gian mà cuộc đời khác của tôi sẽ sống chắc là vĩ đại lắm nhỉ? Chắc là tôi phải đi thật nhiều nên tôi mới cần có đôi chân? Chắc là tôi phải làm việc nhiều và chiến đấu cam go lắm, nên tôi mới cần có đôi tay? Bác sĩ nói đúng đấy! Chắc chắn phải có một cuộc đời khác nữa trên trần thế ở bên ngoài bụng mẹ tôi.

Hội Thánh dạy chúng ta rằng cuộc đời trên trần gian này không khác gì bào thai đang sửa soạn cho một cuộc đời thực sự sẽ đến sau này trên Nước Trời.  Cũng như mắt, chân và tay của bào thai là sự khôn ngoan dành cho cuộc đời sắp đến. Sự phát triển của con người trong cuộc đời này chứng minh cho một cuộc đời mai sau. 

2. Và đây là vấn đề thứ hai: Giữa cuộc sống hôm nay và cuộc sống đời sau có một mối giây liên hệ mật thiết với nhau.

Có thể nói được bài Tin Mừng hôm nay là một bài Tin Mừng hết sức đặc biệt.

Với câu truyện hôm nay Chúa muốn cho chúng ta thấy hai điều  rất căn bản này:

+ Bên kia cái chết, nhân cách và ý thức con người vẫn còn tồn tại: người giầu có và Lagiarô người nghèo khó vẫn còn tồn tại và vẫn còn nhận ra nhau.

+ Cuộc sống trên đất và cuộc sống sống ở thế giới bên kia có một sự liên hệ gắn bó mật thiết chặt chẽ với nhau.

Và kết quả là chúng ta thấy:

- Người giầu có sau cái chết đã bước vào thế giới bên kia như một kẻ ăn xin.

- Còn Lagiarô người nghèo khó thì được các thiên thần đưa lên đến tận lòng của tổ phụ Abraham ... như một kẻ chiến thắng.

Như vậy vấn đề mấu chốt còn lại mà chúng ta phải suy nghĩ hôm nay là phải sống làm sao để cuộc sống mai sau sẽ trở thành một cuộc cuộc chiến thắng chứ không bao giờ trở thành chiến bại. Mỗi người chỉ có một cuộc đời. Thành công thì sẽ có tất cả. Còn thất bại ...chắc là không ai trong chúng ta mong muốn.

Khi chú giải đoạn Tin Mừng này, Charles Erdman, một trong những chuyên viên chú giải Tin Mừng Luca đã viết rất hay như sau: "Trong thí dụ về người phú hộ và Lagiarô, Chúa không dạy rằng làm giầu là một tội. Chúa cũng không quả quyết là tất cả những người nghèo khó đều được lên thiên đàng. Ở đây Ngài muốn cảnh cáo con người về cái mối hiểm họa rất nghiêm trọng thường hay xẩy ra trong cuộc sống của mỗi người. Đó là cái xu hướng ích kỷ muốn hưởng thụ và sử dụng tiền bạc của mình một cách ích kỷ không cần biết dến ai trên đời này. Tội của người phú hộ giầu có không phải ở chỗ ông ta làm thế nào để có tiền có bạc, cũng không phải ở trong chính sự giầu có của ông ta, nhưng là ở chỗ ông đã có quá nhiều cơ hội để chia sẻ với những người cùng khốn, khó nghèo mà ông đã bỏ qua. Trong khi chính ông, ông lại sống một cách quá xa xỉ. Đáng lý ra ông đã phải biết chia sẻ nhưng ông đã không làm"

Dửng dưng trước những nỗi khốn cùng của người khác là một tội trước mặt Chúa.

Vào một ngày mùa đông lạnh buốt, ông thị trưởng đầu tiên của Thành phố  New- York nổi tiếng là giầu có phải chủ tọa một phiên tòa.

Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi. Người đàn người này bị tố cáo là đã ăn cắp một mẩu bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là: “gia đình tôi đang chết đói”.

Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biện bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: “Luật pháp không dung thứ cho bất kỳ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng phạt 10 dollars Vừa công bố bản án, ông thị trưởng rút trong ví tiền của mình ra 10 dollars và trao cho người đàn ông lo đáng thương kia để ông nộp phạt theo phán quyết của toà. Sau đó ông quay xuống cử tọa và nói tiếp:

- Ông lo này đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quí vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố  giàu có của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp.

Nói xong, ông ra lệnh cho viên cho viện biện lý đi thu tiền và trao tất cả cho ông lão. Khi chiếc mũ đã được chuyền một vòng tòa án và trở về tay mình ông lão đếm được tất cả 47 dollars 50xu.

Dửng dưng trước nỗi khổ của người khác không là thái độ vô thưởng vô phạt, mà là một hành động tội ác. Ông thị trưởng thành phố New York trong câu chuyện trên đây quả thực đã thấy được tội ác của chính ông và thị dân của ông đối với ông lão ăn cắp bánh mì, họ đã sám hối bằng những việc làm rất cụ thể.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương với mọi người. Amen.