Chúa Nhật XXVI thường niên - Năm C |
GIÀU CÓ |
SƯU TẦM |
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy xét mình về thái độ sống đối với anh chị em xung quanh, nhất là trên bình diện sử dụng nguồn vốn Thiên Chúa ban cho. Bài đọc I trích từ sách tiên tri Amos: “Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quí tại Sion và tự kiêu trên núi Samaria”. Những lời này tự cảnh tỉnh mỗi người trong chúng ta có thái độ tự kiêu, ỷ lại vào của cải mà không nghĩ gì đến những anh chị em đang cần sự chia sẻ và tình liên đới của chúng ta. Thử hỏi hiện có bao nhiêu người trong xã hội này hằng ngày đang lo lắng? Nhưng trớ trêu thay, không phải lo lắng vì thiếu thốn nhưng lại lo lắng không biết phải ăn uống làm sao? Lo lắng không phải vì thiếu mặc, nhưng lo lắng phải mặc những kiểu áo nào cho hợp thời trang, vì có quá nhiều của cải dư thừa, không biết phải làm gì cho hết. Trong khi đó thì hằng ngày bên cạnh ta, trước mắt ta, bên tai ta, ta có thể thấy, có thể nghe không biết bao nhiêu thảm cảnh của những anh chị em đang phải chết đói, đang cần của ăn áo mặc cho cuộc sống. Trước viễn cảnh đau lòng như vậy, có thể nào chúng ta im lặng, lãng quên được hay không? Mỗi người trong lãnh vực của mình và nhất là những anh chị em có trách nhiệm trong xã hội, trong môi trường sinh sống đều có bổn phận nghiên cứu để thăng tiến mức sống của những anh chị em khác. Những anh chị em nào có trách nhiệm nhiều thì sẽ không thể nào ngủ yên khi chỉ lo tìm tư lợi cho mình như người giàu có trong bài Phúc âm hôm nay. Ông vui sống an nhàn trong ngôi nhà sang trọng của mình mà quên đi hay không thèm biết đến nỗi thống khổ và sự cần được trợ giúp của anh người nghèo Ladarô ngay trước cổng nhà mình. Ông đã không thực thi tình liên đới bác ái chia sẻ và ông chỉ cảm thấy lời này khi qua đời. Lúc đó ông hiểu hơn: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào được ích gì, người ta lấy gì mà đổi được linh hồn mình”. Một nhà tỷ phú trước khi chết đã phải thốt lên: “Nếu tôi có thể đổi hết phần gia tài tôi có để thêm vài phút sống nữa trên trần gian này thì tôi sẵn sàng đổi”. Vài phút trên trần gian này có là bao so với sự sống đời đời. Vấn đề là chúng ta tin Chúa và tin vào sự sống đời đời hay không mà thôi. Đối với những tín hữu bình thường là như vậy, rồi còn đối với những ai có trách nhiệm tôn danh Chúa lại còn phải đòi hỏi nhiều hơn nữa. Chúng ta được lưu ý điểm này nơi bài đọc II, lời của thánh Phaolô cảnh tỉnh người đồ đệ Timôthêô như sau: “Phần con, hỡi người của Thiên Chúa, hãy tránh xa những điều đó, hãy cố gắng trở nên người công chính đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến. Hãy sống nhẫn nại và hiền lành. Con hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, vì đức tin dành cho được sự sống đời đời. Chính vì sự sống này mà con đã được Thiên Chúa kêu gọi và con đã nói lên lời tuyên xưng trước mặt nhiều nhân chứng. Thực hiện được những điều này đòi buộc người tông đồ của Chúa không những phải biết sống bác ái, chia sẻ tình liên đới, không ham của cải giàu sang mà còn phải biết chăm lo cho ơn cứu rỗi, cho sự sống đời đời của những ai được trao phó cho mình chăm sóc: “Hãy cố đạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi, và vì đó con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng”. Lời rao giảng của người đồ đệ Chúa cần phải đi đôi với việc làm, với đời sống đức tin, đức cậy và đức mến. |