Chúa Nhật XXVI thường niên - Năm C |
AI SẼ GIẢI CỨU CHÚNG TA |
Chú giải của William Barclay |
HÌNH PHẠT CHO NHỮNG AI KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN NHỮNG NỖI KHỔ CỦA THA NHÂN Dụ ngôn về người quản gia bất trung dạy ta cách sử dụng của cải cách hợp lý. Dụ ngôn về người phú hộ Ladarô nghèo được Chúa dùng để cảnh cáo những người nghe khỏi lạm dụng của cải. Trong câu chuyện này Chúa không dạy rằng nên làm giàu là tội lỗi hoặc tất cả người nghèo đều được cứu. Ngài muốn nói đến cái hiểm họa nghiêm trọng của việc sử dụng tiền bạc cách ích kỷ. Tội của người phú hộ không phải ở trong cách làm giàu hay trong sự giàu có của ông, cũng chẳng phải trong nếp sống kém đạo đức của ông, mà ở một điều đã được mô tả rõ ràng là trong khi ông ta sống xa xỉ ích kỷ, thì có một người thiếu thốn khổ sở ngay trước nhà ông mà không được ông giúp đỡ. Chúng ta rút tỉa một số dạy dỗ trong dụ ngôn này. 1. Trước hết dụ ngôn dạy tất cả mọi người đều phải chết, và chết chưa phải là hết vì vẫn còn một đời sống bên kia cửa tử, và đời sống ấy là hậu quả của đời sống này: Ngay sau khi chết con người được tòa án Thiên Chúa xét xử về đời sống trên trần thế để đáng lãnh thưởng hay bị chịu phạt. Trên trần gian, của cải vật chất cũng như các đau khổ, đều là tạm bợ, sẽ mau qua, nó chấm dứt với cái chết, và bởi sự chết cũng chấm dứt thời gian thử thách và khả năng làm lành hay làm ác, rồi bắt đầu từ đó vui lòng thưởng công hay chịu đau khổ hình phạt tùy theo hậu quả của đời sống trên trần. Theo như giáo lý của Giáo Hội: linh hồn của những người chết trong ơn nghĩa Chúa sẽ được lên thiên đàng ngay hay sau một thời gian thanh luyện nếu cần: “Chúng tôi tin có sự sống đời đời. Chúng tôi tin rằng tất cả những người chết trong ơn nghĩa Chúa Kitô, hoặc còn phải thanh luyện trong luyện ngục, hoặc ngay sau khi rời bỏ thân xác, được Chúa Giêsu đem về thiên đàng như người trộm lành, đều là dân Thiên Chúa bên kia cửa tử, tử thần sẽ bị vĩnh viễn chiến bại ngày phục sinh khi các hồn người được kết hợp lại với thể xác”. (Phaolô VI, tuyên xưng đức tin Công Giáo). 2. Tiếp theo là bài học chính yếu của dụ ngôn, dụ ngôn đề cập đến vấn đề sử dụng ích kỷ của cải trần gian. Chúng ta cần phác hoạ hai nhân vật trong câu chuyện để thấy được điểm này. - Trước hết là người giàu. Mỗi câu văn đều làm tăng thêm sức sống sa hoa của ông ta. Ông thường mặc áo tía hồng và áo gai mịn đó là cách nói về hai bộ áo của thầy tế lễ thượng phẩm với giá từ ba mươi đến bốn mươi Anh kim một số tiền khổng lồ, trong khi lương công nhật một người chỉ được bốn xu Anh, ông ta ăn cao lương mỹ vị hàng ngày. Từ ngữ chỉ đồ ăn ở đây dành cho những tay sành điều, chuộng những món ăn đắt tiền và hiếm có. Ông ta ăn như vậy mỗi ngày, tức là chủ ý phạm điều răn của Chúa. Điều răn Chúa không những cấm làm việc trong ngày sabat, mà cũng còn nói “ngươi hãy làm việc trong sáu ngày” (Xh 20,91) trong một xứ mà được ăn thịt mỗi tuần mộ lần và vẫn phải làm việc suốt sáu ngày trong tuần đã là may mắn rồi, thì người nhà giàu này quả là một tên lười biếng, chỉ ăn chơi. Còn Ladarô cứ chờ đợi từng mẩu bánh nhỏ rớt xuống từ bàn tiệc của người nhà giàu. Trong thời Chúa Giêsu, khi ăn không dùng dao, nĩa hay khăn, nhưng dùng tay mà ăn, và trong những nhà giàu có, người ta dùng những mẩu bánh mì nhỏ lau tay cho sạch rồi ném bánh đó. Ladarô chỉ đợi những mẩu bánh này. - Nhân vật thứ hai là Ladarô. Lạ thay, Ladarô là một nhân vật duy nhất trong truyện ngụ ngôn được nêu tên riêng. Tên đó có nghĩa là “Chúa là sự giúp đỡ của tôi”. Ông là người ăn mày, mình ông đầy ung nhọt. Ông yếu đuối đến nỗi không thể đuổi lũ chó hoang ở đường phố, chúng đem mõm bơ bẩn đến làm khổ ông. Cảnh tượng thế gian là như vậy, rồi tức khắc biển đổi sang một cảnh khác, khi cả hai bước qua cửa tử, trong đó Ladarô được vinh hiển, còn tên nhà giàu bị gia hình. Tội của người nhà giàu này là tội gì? Ông ta không tống cổ Ladarô ra khỏi cổng nhà, đã không phản đối mà vẫn để cho Ladarô nhận lấy những miếng bánh từ trên bàn của ông ta vất xuống. Ông đã không giơ chân đá Ladarô mỗi khi đi qua, đã không có lòng độc ác với Ladarô kia mà! Tội của ông ta là tội đã không quan tâm đến Ladarô, là kiểu “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”, là chấp nhận Ladarô như một phần của cảnh đời và chỉ đơn giản nghĩ rằng việc Ladarô sống trong đau khổ, đói khát, còn ông ta chìm ngập trong xa hoa sung túc, chỉ là việc tự nhiên không thể tránh khỏi được, như có người đã nói “Không phải vì ông ta đã làm những điều quấy mà bị sa địa ngục, nhưng chính vì ông ta không quan tâm đến các điều lành phải làm nên mới xuống đó”. Lấy câu chuyện này làm điểm tựa, Đức Gioan Phaolô II đã ban huấn tại sân vận động Yaukee: “Người giàu này bị hình phạt vì ông không quan tâm tới người khác, vì không để ý gì tới Ladarô đang nằm trước cổng nhà ông chờ đợi từng mẩu bánh từ bàn ông ăn rơi xuống. Đức Kitô không bao giờ lên án việc có tài sản, nhưng Người đưa ra những lời nghiêm khắc chống lại những người sử dụng của cải vật chất cách ích kỷ, không chú ý gì tới người khác… Chúng ta phải luôn luôn nhớ, dụ ngôn người giàu và nghèo này. Câu chuyện đó phải đào tạo lương tâm chúng ta. Đức Kitô đòi buộc ta phải mở rộng lòng với anh chị em sống trong khó nghèo. Với những người giàu, những người khỏe mạnh, những người có được một bảo đảm kinh tế, Chúa đòi buộc phải rộng lòng đối với người nghèo, những người sống trong các nước chưa phát triển”. Nói như thế Đức Thánh Cha cũng chỉ nhắc lại điều mà Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Các giáo phụ và các tiến sĩ của Giáo Hội dạy rằng mọi người có bổn phận nâng đỡ người nghèo và không phải chỉ giúp đỡ bằng của cải dư thừa. Trước con số quá lớn những người đói khổ trong thế giới. Thánh Công Đồng tha thiết kêu gọi mọi người “hãy cho kẻ sắp chết đói của ăn, vì nếu không cho họ ăn là giết chết họ” (MV 69). Về một phương diện khác, dụ ngôn này về giá trị cao cả của con người, độc lập hoàn toàn với địa vị xã hội, văn hóa tôn giáo, tình trạng giàu nghèo… Lòng kính trọng nhân phẩm này diễn tả việc ta phải giúp đỡ những ai khi gặp cảnh xấu số về tinh thần cũng như vật chất. “Vậy mỗi người phải coi người đồng loại – không trừ ai như “cái tôi thứ hai”, cho nên trước hết phải quan tâm đến sự sống của họ và quan tâm đến những phương tiện cần thiết giúp họ sống một đời sống xứng đáng, chứ đừng bắt chước người giàu có kia đã không săn sóc tới Ladarô bất hạnh” (MV 27). Tội của người nhà giàu này là ông ta thấy những đau khổ túng cực của thế giới mà không cảm thấy thương xót, buồn rầu, ông ta đã nhìn thấy một người đói khổ và không làm gì để cứu giúp. Hình phạt cho người này là hình phạt của một người đã không hề chú ý, quan tâm đến kẻ khác. Cần phải nhớ lời cảnh cáo đáng sợ ở đây: tội của người giàu ở đây không phải là ông đã làm gì xấu xa nhưng là đã không làm gì cả trước những đau khổ của kẻ khác. Một thí dụ khác của việc tôn trọng nhân phẩm là phân phối cân bằng tài nguyên thế giới, và những nỗ lực bảo vệ con người, kể cả các thai nhi, như Đức Phaolô đệ lục đã phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 4-10-1965: “Chính trong tổ chức của quý vị, mạng sống con người, ngay cả trong vấn đề sinh sản, phải được đặc biệt tôn trọng và được bảo vệ. Nhiệm vụ của quý vị là làm thế nào để có dồi dào cơm bánh trên bàn ăn nhân loại, chứ không phải là cổ võ kiểm soát sinh sản một cách giả tạo và phi lý, nhằm giảm bớt số người tham dự bữa tiệc đời sống”. 3. Bài học cuối cùng liên quan tới lời yêu cầu của người giàu xin cho anh em ông. Có thể là vì tình thương mà xin, nhưng cũng rất có thể ngầm bào chữa rằng nếu được soi sáng nhiều hơn, hẳn ông đã không phạm tội đáng buồn như thế. Có thể có người trong chúng ta cảm thấy khó chịu khi lời ông ta xin cho anh em được cảnh cáo lại bị từ chối. Nhưng sự thật hiển nhiên là nếu người ta đã nắm được chân lý của lời Thiên Chúa, và nếu ở ngay trước mắt họ có kẻ buồn rầu cần an ủi, có kẻ thiếu thốn cần trợ giúp, có kẻ đau khổ cần giúp đỡ, song họ không động lòng và không làm gì hết, thì không còn gì khác để thay đổi lòng họ. Cuộc đối thoại giữa người giàu đau khổ và cụ tổ Ápraham là nổi bật linh động để ghi sâu vào lòng thính giả giáo huấn Chúa dậy qua dụ ngôn. Hỏa ngục là thế giới của ghen ghét, không có chỗ nào cho cảm thương tha nhân, chí có thù ghét ngự trị. Khi Ápraham nói với người giàu: “giữa chúng tôi đây và các con có cả một vực thẳm lớn”. Cụ muốn nói sau khi chết và sống lại thì không còn ăn năn nào nữa. Những kẻ dữ sẽ không ăn năn và đi vào Nước Chúa; người lành không phạm tội và không sa xuống hỏa ngục được, một vực thẳm lớn không thể vượt qua mà! Chúng ta sẽ hiểu hơn với lời giải thích của thánh Gioan Kim Khẩu: “Tôi xin anh em, quỳ xuống chân anh em mà nài xin, anh em hãy ăn năn, hãy sám hối mà trở về với Chúa, hãy sống tốt lành hơn, trong khi chúng ta còn hưởng được quãng thời gian vắn này, để chúng ta không phải than khóc cách vô ích như người giàu kia khi chúng ta chết, và khi mà những tiếng khóc than chẳng đem lại một an ủi nào. Vì ngay cả khi chúng ta có một người cha, người con, một người bạn hay bất cứ một nhân vật nào đi nữa có thế giá bên cạnh Chúa, không ai có thể giải cứu chúng ta khỏi những hành động của chúng ta, chính chúng ta kết án chúng ta”. |