Chúa Nhật XXVI thường niên - Năm C |
KHÓ NGHÈO và SANG GIÀU |
Chú giải của R. Gutzwiller |
Trong Tin mừng Thánh Luca, các diễn từ về vấn đề ‘hư mất’ kết thúc đẹp đẽ với dụ ngôn người con hoang đàng. Các diễn từ về của cải trần gian mà kết thúc là dụ ngôn người giàu hưởng thụ và Lagiarô khốn khổ. Ở đây, trình thuật không có ý nói đến khía cạnh xã hội, dầu sự tương phản giữa người phú hộ và Lagiarô được diễn tả bằng những nét sâu sắc. Dụ ngôn cũng không có ý (dầu người ta giải thích như thế) nói đến sự nhẫn tâm thiếu bác ái. Nếu hiểu theo nghĩa này, người ta ưa thêm thắt những lời không có trong nguyên văn. Khi nói ‘Lagiarô ước được ăn những mụn bánh rớt từ bàn ăn’ cho đỡ đói. Người ta nghĩ nên thêm: ‘Nhưng không ai thèm cho’. Thực tế câu này đã được thêm vào; Hơn nữa diễn từ của Abraham cũng ám chỉ không ít ý tưởng đó. Dụ ngôn trước hết nhắm ám chỉ đến quan niệm sai lầm của các biệt phái, vì họ coi thịnh vượng đời này là dấu chỉ ơn lành của Thiên Chúa và nghèo nàn là dấu chỉ bị ruồng bỏ. Dưới mắt họ, thế giới bên kia chỉ có ích lợi thứ yếu. Những người Saducêo, không tin đời sau, hành vi đạo đức chủ yếu nhắm tới quyền lợi và công bằng trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Nó đòi hỏi mỗi người cố gắng hành động tốt, tức là giữ giới luật Chúa, lãnh nhận ngay khi còn ở trên dương gian phần thưởng mà họ có thể được. Người lành sẽ được thịnh vượng, kẻ ác gặp bất hạnh. Ở trần gian này nếu mọi sự tốt đẹp, có nghĩa là con người đã làm hài lòng Thiên Chúa; bằng không thì vì tội lỗi ngự trị trong lòng họ. Đó là nguyên nhân người Biệt phái chế diễu Chúa Giêsu vì Ngài đòi hỏi phải từ bỏ lạc thú ở đời này. Yêu sách này mâu thuẫn gay gắt với xác tín tôn giáo của họ, và dụ ngôn khai triển sự tương phản đó một cách không kiêng nể. Hai nhân vật đối đầu nhau: một người sống trong xa hoa, không thiếu thứ gì và một người nghèo sống trong cảnh khốn khổ cùng cực, kéo lê cuộc sống đáng thương cho đến lúc chết. Trong khoảnh khắc, cảnh huống thay đổi hoàn toàn vì ở thế giới bên kia, sự tương phản đôi bên cũng gay gắt nhưng theo chiều hướng đảo ngược. Người hành khất được hạnh phúc trong lòng Abraham, còn người giàu có phải chịu muôn vàn đau khổ. Thịnh vượng trần thế không minh chứng giá trị đạo đức và sự hậu đãi của Thiên Chúa; cũng như nghèo khó không minh chứng sự bại hoại luân lý và việc Thiên Chúa ruồng bỏ. Người biệt phái đã quan niệm sai lầm. Thiên Chúa phán đoán hoàn toàn khác. Đó là ý nghĩa của dụ ngôn. Cho nên không thể rút ra những hệ luận thiêng liêng căn cứ vào một vài chi tiết trong bài trần thuật này: chẳng hạn các khổ hình dành cho người phú hộ hưởng thụ là biểu hiệu những khổ hình của hoả ngục. Đó chỉ là một hình ảnh, việc an nghỉ trong lòng Abraham cũng thế… Cũng không thể áp dụng trên khía cạnh luân lý khi nói đến đức bác ái hay sự từ khước ý muốn của Thiên Chúa. Thực sự, dụ ngôn không có ý nói người phú hộ cứng lòng và Lagiarô nhẫn nhục chấp nhận số phận. Chúng ta chỉ nói đến một chủ đích riêng của dụ ngôn: minh chứng rằng cảnh ngộ trần thế và bên ngoài không liên quan tới trạng thái tâm hồn. Đó là điều dụ ngôn muốn nói. Giải thích này, vào đúng thời của nó, đã đả phá được quan niệm sai lạc của Biệt phái, đòi hỏi họ phải thay đổi toàn bộ cảm nghĩ… Ngày nay tầm quan trọng của nó vẫn còn. Người ta luôn luôn đánh giá cuộc đời của mình cũng như của người khác theo tiêu chuẩn vật sở hữu bề ngoài. Nếu một người có tiền, ăn sung mặc sướng, sẽ được coi là người biết tổ chức tốt đời của mình. Vở kịch đời sẽ thay đổi hoàn toàn ở màn hai khi bước qua thế giới bên kia. Chúng ta không ngại thán phục người quyền thế, người hùng mạnh, họ đã đạt thành công, ‘đã làm được một cái gì’ và chúng ta thương cảm cho người yếu đuối vì cuộc sống của họ đầy thất bại và không có được may mắn. Ở điểm này, Thiên Chúa cũng không nghĩ như chúng ta. Không nên xét đoán theo quy tắc nền tảng của Kitô giáo. Tuy nhiên, con người tỏ ra xung khắc với giáo lý đó. Cho nên ở cuối dụ ngôn, Đức Kitô quả quyết họ không muốn nghe Môisen và các tiên tri, và ngay cả một người chết sống lại đến bảo họ rằng họ đang sống không đúng với đường lối của Thiên Chúa, họ không thể thay đổi lập trường. Ở đời sau, người trước sẽ thành sau, sau sẽ thành trước; nghèo sẽ thành giàu và giàu sẽ thành nghèo; hèn kém sẽ thành quyền thế và ngược lại. ‘Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhu; kẻ đói khát, Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng’. Đức Kitô đã đến trần gian và Ngài đã nhắc đi nhắc lại điều đó một cách hết sức rõ ràng. Nhưng người ta không tin và cũng không muốn tin Ngài… Sự đời trần gian đối với họ còn hơn của thiêng liêng, đời sống hiện tại hơn đời sau. Họ thích cuộc sống như người phú hộ hơn là số phận của Lagiarô, dù họ có biết trong thế giới bên kia sự thể sẽ hoàn toàn thay đổi. Thực họ khó xét lại quan điểm và lề lối suy nghĩ của mình. |