Chúa Nhật XXVI thường niên  - Năm C
CỦA CẢI CHÂN THẬT
M. Hoàng Thị Thùy Trang

“Khôn chết, dại cũng chết, biết thì sống”, có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên vô tình mà ông cha ta có được những câu thành ngữ để đời như vậy. Quả thật, để mà tồn tại được trên cõi đời này, khôn quá cũng chết, dại quá cũng chẳng xong, biết người, biết ta, hiểu đời, hiểu người thì sống. Thế nhưng, thế nào là “biết” đây? Cái “biết” theo nghĩa trần gian chính là sự khôn khéo, nhạy bén, biết lựa thời, lựa thế mới hòng thành công. Tuy nhiên, giữa thời buổi nhiễu nhương sự sáng bóng tối này, thế nào mới là khôn, thế nào là dại? Vì chưng, cán cân của công lý, của sự thật đã bị tiền bạc, quyền lực và địa vị bóp méo. Khi mà mọi trật tự trong xã hội đã bị đảo lộn, đồng tiền đã hóa thân vào đời sống của con người, thì cái khôn vẫn là đồng tiền đi trước! 

        Dụ ngôn hôm nay, Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta hai ví dụ điển hình về sự khôn ngoan về tiền bạc. Câu chuyện nói về ông quản gia bất lương toan tính về tương lai: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gian, sẽ có người đón rước mình về nhà họ.” (Lc 16, 3-4) Nghĩ sao làm vậy, ông vội vàng gọi các con nợ đến cho họ viết lại giấy nợ theo số tiền đã được giảm bớt hầu lấy lòng, mua chuộc con nợ. Hành động khôn ranh của ông, cũng chính là sự thật của mặt trái xã hội ngày nay. Nếu cứ sống công minh chính trực theo đạo lý luân thường, hà tất sẽ chịu thiệt thòi mất mát mà thôi. Đức Giêsu đã khẳng định một cách minh xác, cho dù thế nào đi nữa, thì con cái đời này vẫn khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với đồng loại. (Lc 16, 8) 

        Con cái sự sáng không thể hành động như thế vì đã có Lời Chúa là ánh sáng chiếu soi họ. Giới răn, lề luật của Chúa không cho phép người tín hữu gian dối tiền của người khác. Người ngoài tôn giáo, lương tâm chân chính cũng không cho phép họ hành động gian tham. Vấn đề ở đây chính là sự buông thả lý trí, nuông chiều đam mê, dục vọng để rồi không còn nghe tiếng lương tâm mách bảo, không còn nghe giáo huấn của Hội thánh… Người trong hay ngoài tôn giáo nếu cứ mặc sức sống tự do hưởng thụ, đặt nhu cầu lợi ích cá nhân lên vị trí ưu việt, Thiên Chúa và tha nhân, đạo lý và tình người… tất cả đều trở thành thứ yếu, vô giá trị thì không còn gì bất hạnh bằng. 

        Đụng đến tiền bạc, tức là đụng đến cứu cánh ưu việt của nhân loại. Thế giới ngày nay là thế giới của đồng tiền. Đồng tiền đang bá chủ hoàn vũ. Đồng tiền đã hóa thân, chui vào mọi ngóc ngách của đời sống con người. Không loại trừ bất kể tổ chức nào, nơi đó có lòng tham và ích kỉ, thì đồng tiền hiện hữu và làm chủ. Hơn bao giờ hết, nhân loại hôm nay là nạn nhân đáng thương nhất của đồng tiền, những kẻ nô lệ tội lỗi! 

        Nếu bạn thuộc về Đức Kytô, tức là thuộc về ánh sáng, tất nhiên bạn không thể suy nghĩ, tính toán hay hành động như kẻ nô lệ của đồng tiền, cái gọi là sự khôn ngoan của  bóng tối. Nói như vậy cũng đồng nghĩa với việc phải chịu thiệt thòi, mất mát, thua thiệt ở đời này. Thế nhưng, Đức Giêsu đã khẳng định: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” (Lc 16, 9) 

        Ngài đã đưa ra cho chúng ta chìa khóa về việc sử dụng tiền bạc sao cho không trở thành kẻ nô lệ nó. Chính là sự bác ái, sẻ chia chứ không phải là sự mua chuộc, đút lót, tham nhũng… Chính những hành động san sẻ yêu thương ấy, là những chỗ dựa vững chắc để bạn có được vị trí ưu việt trên thiên quốc. Bằng không, những chỗ đứng, những chiếc ghế địa vị, chức tước mà nhân loại đang dùng bạc tiền mua chuộc trên thế gian này sẽ nay còn  mai mất trong tích tắc, cuộc đời thay trắng đổi đen khôn lường, rồi sự mưu mẹo, xảo trá của thế gian sẽ lấy cắp của bạn bất cứ khi nào. 

        Đức tính cao quý nhất của con người trong mọi thời đại chính là sự trung tín. Trung tín không chỉ trong việc lớn nhưng trung tín từ những việc nhỏ nhặt, bé mọn, tầm thường trong cuộc sống thường nhật. Trung tín thi hành lề luật Chúa, trung tín trong cách sống, cư xử với tha nhân, không để cho tham vọng, cho đồng tiền làm chủ, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta của cải chân thật không bao giờ hư nát: “Anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?” (Lc 16, 11)

         Lạy Chúa, ai có thể sống nếu không có tiền bạc? Kẻ nào cho rằng mình không cần tiền thực ra chỉ là kẻ nói dối. Con người cần tiền để sống. Đồng tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Trên tiền còn có Thiên Chúa, còn có tình yêu và công lý. Làm người, con không thể sống nếu như không có tiền. Cho nên hằng ngày con phải tất tả ngược xuôi bôn ba kiếm tiền để bảo tồn cuộc sống. Đó cũng chính là vinh quang của lao động khi con tham dự vào công cuộc sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa. Thế nhưng, cái thế giới mà Ngài đặt con đến đã không phải là thế giới của ánh sáng, của sự thiện, khi đồng tiền mỗi ngày càng lấn sâu vào mọi ngóc ngách đời sống. Nếu không thuộc về nó, con lại càng bị đẩy lùi, bị hủy diệt. Xin giúp con, luôn ý thức mạnh mẽ rằng, cho dẫu đồng tiền thực sự quan trọng và cần thiết nhưng vẫn không thể đánh đổi với Thiên Chúa, tình yêu và sự sống vĩnh cửu của Ngài. Xin giúp con đừng vì đồng tiền mà thiệt hại đến tha nhân, đừng vì đồng tiền mà đánh mất trái tim trung tín.Cho dù có phải làm kẻ nghèo, cho dù có mất đi tất cả, con cũng không thể vì tiền mà đánh mất Thiên Chúa. Xin giúp con biết sống không phải vì của cải bất chính hay hư nát mà chính là vì của cải chân thật Thiên Chúa sẽ ban tặng mai hậu trên thiên quốc.