Chúa Nhật XXIV thường niên - Năm C |
YÊU THƯƠNG
ANH EM NHƯ CHÚA CHA YÊU THƯƠNG TÔI |
Lm. Đaminh Lâm Quanh Khánh |
Các thiếu nhi thân mến, các con vừa lắng nghe và vừa xem qua đọan Tin Mừng (Lc.15,1-32) các con hãy cho cha biết : Những người hay lui tới để nghe Đức Giêsu giảng? (Lc 15,1)
a. Người ngoại kiều b. Người tội lỗi c. Người thu thuế d. Chỉ b và c đúng
- Dạ thưa Cha câu d là đúng nhất ạ. Đúng rồi Cha cám ơn con. Chỉ có người tội lỗi và người thu thuế đến nghe Chúa Giêsu giảng.
Chúa Giêsu đã giảng cho họ bài dụ ngôn về "người con hoang đàng hay nói chính xác hơn tình Phụ Tử Người Cha đã yêu thương tha thứ mọi tội lỗi của người con khi người con biết sám hối quay trở về với Cha mình.
Các con đã xem diễn tiến câu chuyện người con thứ xin cha mình chia gia tài cho mình, rồi bỏ nhà ra đi ăn chơi. Sau khi phung phí tài sản, anh lâm vào cảnh túng thiếu, phải đi ở đợ, người này sai anh làm gì? (Lc 15,16)
a. Ra vườn hái nho b. Ra đồng chăn heo c. Lên thuyền đánh cá d. Ra ruộng gieo giống
- Dạ thưa Cha: người con phải đi ở đợ ra đồng chăn heo là câu b đúng ạ.
Cha cám ơn con rất đúng, thế tại nơi chăn heo, anh ta hồi tâm và tự nhủ điều gì? (Lc 15,17)
a. Người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa b. Ta đứng lên, đi về cùng cha c. Xin được coi như 1 người làm công cho cha d. Cả a, b và c đúng
Dạ thưa Cha câu d cả a,b và c đều đúng ạ. Cha cám ơn bạn Nam trả lời rất giỏi. Trong dụ ngôn các con thấy khi người Cha thấy người con thứ trở về từ đằng xa, người cha thế nào? (Lc 15,20)
a. Chạnh lòng thương b. Chạy ra ôm cổ anh c. Hôn lấy hôn để d. Cả a, b và c đúng
Dạ thưa Cha câu d đúng nhất ạ. Đúng người Cha đã chạnh lòng thương, chạy ra ôm người con thứ rồi hôn lấy người con. Các con thấy theo lẽ thường khi mình có lỗi với cha mẹ thì mình phải bị phạt bị ăn đòn đúng không? nhưng ở đây người Cha luôn yêu thương và sẵn sàng tha thứ khi người con dù có phạm tội nặng tới đâu mà biết sám hối quay trở vềngười Cha luôn yêu thương và tha thứ. Đây là lời người cha nói lúc người con hoang trở về: (Lc 15,22)
a. Hãy mặc áo đẹp cho cậu b. Xỏ nhẫn vào ngón tay c. Con ta đã chết mà nay sống lại d. Cả a, b và c đúng.
Dạ thưa Cha câu d cả a, b và c đều đúng ạ. Rất đúng, Cha cám ơn các con. Vậy nội dung qua 3 dụ ngôn cách riêng dụ ngôn Tình Phụ Tử mà bài Tin mừng này nhấn mạnh đến vấn đề gì ? Dạ thưa Cha Bài Tin Mừng này đề cập đến lòng thương xót bao dung của Thiên Chúa đối với kẻ tội lỗi.
Rất đúng, mục đích Chúa kể ra những dụ ngôn này là: · Để cho mọi người hiểu và thấy lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa đối với con người. · Để giải đáp thắc mắc của Biệt phái khi phê phán Chúa hay đón tiếp và cùng ngồi ăn uống với phường tội lỗi.
Cha kể cho các con một câu chuyện (hay minh họa cho các em đoạn Video clip)
Có rất nhiều đệ tử đang tu luyện thiền học dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Trong số đó có một đệ tử thường hay thức dậy ban đêm, lẻn trốn một mình trèo tường ra phố rong chơi dạo mát cho thỏa thích. Và một đêm kia, thiền sư Sengai đi kiểm tra phòng ngủ các đệ tử, thấy vắng mặt một người và cũng khám phá ra chiếc ghế đẩu mà anh ta thường dùng để leo qua tường ra ngoài. Sau khi suy nghĩ, thiền sư Sengai liền dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Một lát sau, anh chàng ham rong chơi trở về không biết rằng thầy mình là chiếc ghế, cứ thản nhiên đặt chân vào đầu thầy mình để nhảy xuống đất. Đúng lúc đó mới khám phá ra sự thể động trời của mình, anh ta hoảng hốt sợ đến ngất xỉu. Nhưng thiền sư Sengai nhỏ nhẹ bảo anh : “Sáng sớm trời lạnh lắm, con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy”. Và từ đó, người đệ tử hoang đàng ấy không bao giờ dám ra ngoài chơi ban đêm nữa.
Dù có u mê đến đâu thì ai cũng nhận thấy rằng cách đối xử với tội nhân của thiền sư Sengai mang dáng dấp bất thường khác lạ với quan niệm và thái độ chung của mọi người, nhưng lại phản ảnh được một chút nho nhỏ cách đối xử của Chúa với tội nhân mà bài Tin Mừng hôm nay trình bày.
Chính vì lẽ đó, khi đặt bài Phúc Âm này vào Chúa nhật hôm nay, Giáo hội mong muốn chúng ta phải nhận thức rằng để trở thành con cái, môn đệ, bạn hữu thực sự của Chúa thì chúng ta hãy cố gắng thực hiện hai điểm này :
Thứ nhất phải thay đổi cách nhận định và thái độ cư xử đối với tội nhân. Nghĩa là đừng quá quan trọng hóa nết xấu, lỗi lầm của anh em, đừng nuôi lòng thích thú khi thấy anh em sa ngã, lầm lỡ, đừng giả đò thương hại khi đưa lỗi lầm của anh em ra bàn tán và đừng bao giờ tỏ vẻ khinh khi, ruồng bỏ anh em bằng lời ăn tiếng nói, bằng cử chỉ ánh mắt, nhưng hãy bắt chước Chúa biết thông cảm với nỗi khổ tâm của anh em, biết thao thức lo lắng giúp anh em sửa mình, biết tôn trọng, bênh vực anh em, biết cầu nguyện cho em.
Thứ hai hãy nhớ rằng mình cũng là tội nhân. Một trong muôn cái sai lầm của con người là chỉ nhìn người khác mà quên nhìn mình, chỉ để ý đến tội người khác mà ít quan tâm đến tội mình. Điều đó muốn nói rằng mỗi người chúng ta đều cần đến sự thương yêu tha thứ của Chúa và sự rộng lượng bao dung của anh em để có cơ hội và điều kiện mà ăn năn sửa sai. Nhất là khi lầm lỡ sa ngã trầm trọng thì cũng đừng quá lo lắng, buồn sầu mà dễ sinh lòng thất vọng chán nản, buông xuôi, nhưng hãy đặt niềm tin tưởng vững chắc nơi tình thương tha thứ của Chúa và can đảm nhờ anh em giúp đỡ. Dĩ nhiên, khi tin tưởng Chúa thương ta và sự thông cảm của anh em không có nghĩa là ta cứ lì lợm trong sự sa ngã, nhưng nhờ Chúa và anh em thúc đẩy ta quyết chí, hăng hái trong việc sám hối sửa mình.
Bài Tin Mừng hôm nay, cho chúng ta về hình ảnh một chủ chiên bôn ba đi tìm con chiên lạc và một người đàn bà vất vả tìm đồng tiền mất nói lên rằng Thiên Chúa quá giàu lòng xót thương với hết mọi người chúng ta, nhất là tội nhân, nhưng đó cũng phải là cung cách sống của mỗi người chúng ta đối với Chúa và với anh em trong đời sống hàng ngày. Đó là chúng ta hãy luôn quảng đại tha thứ cho những anh em xúc phạm đến mình và xót thương tha thứ cho anh em.,. |