Chúa Nhật XXIV thường niên  - Năm C
NHÂN HẬU
SƯU TẦM

Có một bài hát chúng ta hay hát trong lễ cầu hồn mà tôi rất thích: “Chúa là Đấng Từ Bi và Nhân Hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương”. Vâng, tình thương nhân hậu ấy của Thiên Chúa từ ngàn xưa đến nay vẫn luôn tuôn đổ trên muôn loài Chúa tác thành: trên muôn vật, muôn dân, muôn người, và đặc biệt trong Phúc âm hôm nay, tình thương ấy còn được tuôn đổ trên tội nhân khiến “Người không xử với họ như họ đáng tội, và không trả cho họ theo lỗi của họ”.

Vâng, trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng cách rõ nét và cụ thể lòng nhân hậu ấy của Thiên Chúa, để rồi từ đó ta được mời gọi sống noi gương Ngài, cư xử nhân ái với anh chị em xung quanh.

Trước hết, điều đáng chú ý trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay là: có một sự tiến triển trong việc mạc khải khuôn mặt nhân hậu của Thiên Chúa. Nói cách khác, từ bài đọc I đến bài Phúc âm, lòng nhân hậu của Thiên Chúa được khắc họa ngày càng rõ nét hơn.

Thật vậy, nếu như ở bài đọc I, tác giả sách Xuất Hành diễn tả cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trước tội “thờ bò vàng” của dân Israel, và phải nhờ lời cầu khẩn của Môsê, cơn thịnh nộ ấy mới nguôi dần, cho thấy khuôn mặt nhân hậu của Thiên Chúa mới chỉ được phác họa cách mờ nhạt, thì đến bài đọc II, thánh Phaolô đã diễn tả khuôn mặt ấy ở một chiều kích khác, cụ thể hơn, gần gũi hơn: Chúa nhân hậu không chỉ cách chung chung với một dân, một nhóm người, mà Ngài còn nhân hậu với từng người một, như kinh nghiệm chính thánh Phaolô đã thuật lại khi xác tín: “Đức Giêsu đã đến trần gian để cứu chuộc những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi”. Với câu nói này, khuôn mặt nhân hậu của Thiên Chúa đã được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến để cứu độ con người.

Tuy nhiên, hình ảnh Thiên Chúa nhân hậu chỉ thực sự được xuất hiện cách rõ nét trong bài Phúc âm qua chính hình ảnh của Chúa Giêsu và ba dụ ngôn nổi tiếng về lòng nhân hậu của Thiên Chúa mà chỉ Phúc âm thánh Luca, một Phúc âm được mệnh danh là “Phúc âm của lòng nhân hậu Chúa” mới ghi lại, đó là các dụ ngôn: “Con chiên lạc”, “đồng bạc mất” và “người cha nhân hậu”.

Đi vào bối cảnh của ba dụ ngôn ta sẽ thấy được chủ ý của Chúa Giêsu khi đưa ra ba dụ ngôn này. Người Biệt phái thấy Đức Giêsu đón tiếp người tội lỗi thì khó chịu và phiền trách Chúa: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Trước thái độ ấy, Chúa Giêsu đã cho họ một bài học. Với giáo huấn của Chúa Giêsu, Thiên Chúa không còn là một Thiên Chúa xa xôi, hay giận dữ như trong Cựu ước quan niệm nữa, nhưng là một Thiên Chúa rất gần gũi và giàu lòng nhân hậu đối với những kẻ lỗi lầm.

Lòng nhân hậu ấy của Thiên Chúa được diễn tả qua hai hành động cụ thể: Đi bước trước đến với tội nhân và hoàn toàn tha thứ mọi lỗi lầm cho tội nhân.

Đi bước trước đến với người tội lỗi: các dụ ngôn hôm nay đều diễn tả điều này. Hình ảnh người chăn chiên không chờ phải nghe tiếng con chiên lạc kêu cứu mới đi tìm, mà ngay khi phát hiện nó đi lạc, ông đã vội vã đi tìm ngay; hay người cha nhân hậu chạy ào ra đón con khi thấy nó từ đàng xa, mà không chờ một lời xin lỗi đã nói lên điều đó. Cũng thế, Thiên Chúa luôn yêu thương và đi bước trước đến với con người. Ngay khi ta còn là tội nhân, Thiên Chúa đã sai Con Một đến cứu độ chúng ta. Chính Chúa Giêsu, trong cuộc đời tại thế cũng vậy, Ngài từng đi bước trước đến với người tội lỗi để cứu chữa họ, nâng họ dậy. Những cuộc gặp gỡ giữa Ngài và Mađalêna, người phụ nữ bên giếng Giacop, Giakêu… đã cho thấy điều này. Cảm nghiệm được tình thương ấy của Thiên Chúa, thánh Gioan đã thốt lên: “Chúa thương ta ngay từ khi ta còn là kẻ có tội”.

Hoàn toàn tha thứ mọi lỗi lầm cho tội nhân: dấu chỉ của sự tha thứ ấy là: phục hồi nguyên trạng cho họ. Hình ảnh người cha sai gia nhân mang áo, nhẫn, giày mới… cho người con trở về đã nói lên điều đó. Anh ta đã được tha thứ mọi lỗi lầm và được lại địa vị làm con trong gia đình. Chúa Giêsu cũng từng phục hồi phẩm giá cho tội nhân khi tha thứ mọi lỗi lầm cho họ: cho Phêrô, cho người phụ nữ ngoại tình, người trộm lành… và nhất là cái chết của Ngài đã phục hồi địa vị làm con cho toàn nhân loại tội lỗi.

Chúng ta cũng cảm nhận được điều này khi lãnh nhận Bí tích Giải tội: được lại những công phúc ta lập đã bị mất đi do tội lỗi gây nên, và nhất là được lại địa vị làm con Thiên Chúa.

Tóm lại, qua giáo huấn và chính cuộc đời Chúa Giêsu, ta nhận ra một Thiên Chúa nhân hậu với những hành động thật cụ thể. Tuy nhiên, không dừng ở lại đó, Ngài còn mời gọi ta hãy noi gương Ngài, cư xử nhân hậu với tha nhân.

Với lời mời gọi: “Hãy chung vui với tôi” và “chúng ta phải vui mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Chúa đang mời gọi chúng ta hãy noi gương Ngài cư xử nhân hậu với tha nhân, những anh chị em của mình, đặc biệt là những người bị coi là tội lỗi.

Tuy nhiên, với bản tính con người ta thấy, thực hiện điều này không phải là dễ: làm sao tôi có thể đi bước trước để đến với kẻ xúc phạm tôi? Làm sao tôi có thể tha thứ cho kẻ đã cướp bóc, chà đạp nhân phẩm tôi …? Vậy thì công bằng ở đâu? Vâng, đó cũng là suy nghĩ của người Biệt phái và người anh cả hôm nay, thế nên họ không thể tha thứ lỗi lầm cho người khác. Với lẽ tự nhiên của con người thì không thể được, nhưng thử nhìn lại cuộc đời mình xem: biết bao lần nếu Chúa cư xử công bằng với ta như ta đáng tội, thì liệu ta có còn tồn tại như ngày hôm nay không? Thế nên, trong cuộc sống không chỉ có công bằng mà còn có bác ái, có lòng nhân hậu nữa, nhất là đối với những người con cái Chúa. Như vậy, lời mời gọi sống nhân hậu của Chúa hôm nay vẫn là lời mời gọi chúng ta. Dù biết rằng khó, ta vẫn phải cố gắng thực hiện, lý do vì:

Mỗi người đều là tội nhân, đều từng được Chúa cư xử nhân hậu, nên phải nhân hậu với nhau. Đừng để lời quở trách trên con nợ bất lương xưa kia giờ lại xuống trên ta: “Sao ngươi không cư xử với anh em ngươi như Ta đã cư xử với ngươi!”. Hơn nữa, “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, nếu Chúa là Đấng Nhân hậu thì tại sao là con, ta không sống nhân hậu như Thiên Chúa là Cha của mình?

Tóm lại, lời Chúa hôm nay trình bày cho ta hình ảnh một Thiên Chúa từ bi nhân hậu, qua đó mời gọi chúng ta noi gương Ngài trong cư xử với tha nhân. Để kết luận, xin đưa một vài thực hành cụ thể qua Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay như sau:

* Đối với Chúa: Ta hãy luôn sống trong tâm tình cảm tạ, vì Chúa đã đối xử nhân hậu với ta, bằng cách tránh xa tội lỗi; đồng thời, mỗi khi lỡ phạm tội, hãy tin tưởng vào lòng Chúa xót thương mà chạy đến với Ngài trong Bí tích Giải tội.

* Đối với tha nhân: Ta hãy noi gương Chúa, luôn thông cảm với những lỗi lầm của anh em, và tha thứ khi anh em xúc phạm đến mình, không mang tật xấu của họ ra bàn tán…

Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn giúp sức để chúng ta biết sống noi gương Ngài, Đấng Từ Bi Nhân hậu, hầu xứng danh là con của Cha trên trời.