Chúa Nhật XXIV thường niên  - Năm C
THƯƠNG NGƯỜI
SƯU TẦM

Đề cập đến Tin Mừng nghiêm chỉnh một chút, chúng ta sẽ nhận thấy rõ điều này: những kẻ cầm quyền đương thời trong đạo Do thái, những người Pharisêu, những người tự cho mình là công chính… đã khinh thường và tẩy chay Chúa Giêsu. Trái lại, những người tội lỗi, những kẻ thu thuế… đã trân trọng và nhận biết Ngài. Thử hỏi: Nếu Chúa Giêsu trở lại giữa chúng ta hôm nay, chúng ta sẽ thuộc hạng người nào? Thuộc hạng người “công chính” không cần đến Ngài hay thuộc hạng người tội lỗi, đối tượng Ngài quan tâm khi đến thế gian? Bài Tin Mừng nêu lên vấn đề ấy. Chúng ta thấy Chúa Giêsu yêu thích “những gì đã lạc mất” một cách hết sức ngỡ ngàng. Ngài đến “tìm kiếm và cứu vớt những gì đã lạc mất”. Những lời nói này giúp chúng ta đi sâu vào tâm khảm của Chúa. Những lời nói đó đã làm rung lên một cung nhịp chính yếu của Kitô giáo: cung nhịp của tình thương.

Bài Tin Mừng thánh Luca kể lại một loạt ba dụ ngôn cùng diễn tả về một chủ đề duy nhất. Dụ ngôn thứ nhất nói về sự lo âu tìm kiếm và mừng rỡ của người chăn chiên khi tìm lại được con chiên lạc trong số 100 con chiên. Dụ ngôn thứ hai tương tự như vậy, nói về sự cố công tìm kiếm và vui mừng của người đàn bà khi tìm lại được đồng bạc rơi trong số 10 đồng. Dụ ngôn thứ ba nói về tình phụ tử hay thường gọi là dụ ngôn đứa con hoang đàng. Cả ba dụ ngôn đều nói lên tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Cả ba đều cho biết Thiên Chúa vui mừng biết bao khi một tội nhân ăn năn hối cải. Dụ ngôn con chiên lạc cho thấy: khi người chăn chiên tìm thấy con chiên lạc, đã vác nó lên vai, vui sướng trở về nhà, kêu gọi láng giềng lại và nói với họ: “Các bạn hãy vui mừng với tôi vì tôi đã tìm được một con chiên đã lạc mất”. Rồi Chúa kết luận: “Tôi bảo thật các ông: trên trời sẽ vui mừng vì người tội lỗi hối cải hơn 99 người công chính không cần hối cải”. Cùng một cung giọng, trong dụ ngôn đồng tiền mất, chúng ta thấy những câu kết còn rõ ràng và vui vẻ tưng bừng hơn: “Tôi nói thật với các ông: các thiên thần của Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn thống hối”. Rồi trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, cung giọng càng cảm kích hơn nữa về tình phụ tử của Chúa đối với người tội lỗi thống hối ăn năn trở về với Chúa: khi đứa con còn ở xa, người cha đã nhận ra nó, và ông thổn thức trong lòng, chạy lại ôm cổ con mà hôn.

Qua ba dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta hai điều: Thứ nhất, sứ mạng tình thương của Ngài. Thứ hai, bổn phận và thái độ của chúng ta. Trước hết, chúng ta đều biết: Sứ mạng của Chúa Giêsu đến trần gian để cứu vớt những kẻ tội lỗi. Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi thống hối ăn năn, và để tìm kiếm, cứu vớt những gì đã lạc mất. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cho Timôthêô cũng khẳng định: “Chúa Kitô đến thế gian để cứu vớt những kẻ tội lỗi”. Đó là động lực cần có để kéo Ngài xuống thế gian. Về điểm này, giáo huấn của mạc khải thật đồng nhất. Không có một đoạn văn nào, không có một chỗ nào quả quyết rằng: không có kẻ tội lỗi, Ngài cũng vẫn xuống thế gian.

Quả thực, Chúa Giêsu đã đến vì tội nhân. Đó chính là ánh sáng trong đó mạc khải bày tỏ Chúa Giêsu cho chúng ta và chúng ta phải luôn luôn ngắm nhìn Ngài trong ánh sáng này. Nói khác đi, vì yêu thương loài người tội lỗi mà Chúa Giêsu đã bỏ trời xuống thế gian. Chính tên “Giêsu” của Ngài, nghĩa là “Cứu Thế” cũng đã gắn liền với kẻ có tội. Cứu ai? Người lành đâu cần cứu, mà cứu là phải cứu người có tội. Do đó, đối với chúng ta, tình thương đã hiển hiện như một nét nổi bật của Chúa. Tình thương của Chúa không phải là một tình cảm mờ nhạt, mong manh mà là cả một tâm hồn say mê nóng bỏng. Lòng say mê đó là tình yêu đã đến cảm mến cảnh cùng khổ của chúng ta và để nâng cảnh cùng khổ đó lên. Tình thương của một Thiên Chúa làm người khôn lường và da diết. Tình thương đó không phải là một đức tính phụ thuộc nơi bản thân Người, nhưng là một nét chính yếu, đặc biệt: chính vì đó mà Ngài đã đến. Tội lỗi của chúng ta nếu được đưa vào ngọn lửa nóng bỏng yêu thương này sẽ bị thiêu hủy ngay.

Vậy nếu chúng ta có xa cách Ngài thì không phải vì chúng ta khốn cùng mà chính vì chúng ta đã không dâng lên cho Ngài sự khốn cùng đó. Chúng ta đã chẳng dâng lên cho Ngài sự khốn cùng hoặc vì chúng ta còn quá ham cái cái cảnh cùng khốn, hoặc vì chúng ta nghĩ rằng tình thương xót của Ngài quá nhỏ bé so với tội lỗi tầy trời của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta thực sự dâng lên cho Ngài sự khốn cùng đó, thì Ngài đã vồ lấy con người tội lỗi chúng ta mau lẹ hơn cả chim phượng hoàng vồ lấy con mồi. Khi ấy, dầu tội lỗi của chúng ta có thắm đỏ bao nhiêu, Ngài cũng sẽ biến nó trắng tinh như tuyết.

Chúng ta nghĩ sao đây? Chúng ta sẽ được liệt vào hạng người Pharisêu, kinh sư hay vào hạng những người tội lỗi, những người thu thuế? Chúng ta tự nhận mình là người công chính hay người tội lỗi? Chắc chắn không ai dám cho mình là trong sạch, vô tội trước mặt Chúa, bởi vì từ ngày có trí khôn cho đến nay, biết bao nhiêu lần chúng ta đã không giữ trọn 10 điều răn của Chúa. Bao nhiêu lần chúng ta đã chịu thua cám dỗ và sa ngã. Bao nhiêu lần lời ăn tiếng nói của chúng ta là những lời hành tỏi, xét đoán, gièm pha, kết án hay là những lời hư từ vô ích. Bao nhiêu lần chúng ta đã ghen ghét, oán thù, tranh chấp… Có lẽ chúng ta không chịu bới đống rác tội lỗi của chúng ta ra thôi, chứ thiếu gì những lý do để chúng ta phải ăn năn thống hối. Chúng ta phải thành thật nhận mình là tội nhân đáng hình phạt như người trộm lành; chúng ta là đứa con hoang đàng trở về, là Mađalêna thống hối, là Phaolô bị quật ngã, là Âu Tinh cần đổi mới. Kinh Kính mừng, Thương xót, An năn tội, Chiên Thiên Chúa… dạy cho chúng ta biết chúng ta chỉ là tội nhân, là kẻ bại trận, chỉ trông hòng vào lòng Chúa thương xót mà thôi.

Mong sao tự thâm tâm chúng ta luôn vọng lên lời tự thú của người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện: “Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi”. Và rồi chúng ta cũng hãy trào ra những giọt lệ sung sướng như Tin Mừng đã kể. Không cần phải có những giọt lệ trào ra từ khóe mắt, nhưng là những dòng lệ âm thầm chảy tự trong lòng. Những bước chân trở về và hoán cải thường gọi là niềm ân hận, âm thầm đau đớn về những lầm lỡ đã qua, đó là con tim tan vỡ, hay nói giản dị hơn, là lòng ăn năn hối cải. Tấm lòng ăn năn đó đôi khi được bộc lộ bằng những dòng lệ chảy ra từ khóe mắt, đó là những dòng lệ thấy được từ bên ngoài, nhưng quí hóa hơn, âm thầm sâu kín hơn vẫn là những dòng lệ đau đớn của con tim. Ước mong đó là những dòng lệ của chúng ta. Lạy Chúa, xin đừng chê bỏ con, xin nhận lấy tấm lòng con: tấm lòng tan nát khiêm cung.