Chúa Nhật XXIV thường niên  - Năm C

CHIÊN LẠC (15, 1-7)

Chú giải của R. Gutzwiller

Trong số những người môn đệ Chúa, có nhiều người thu thuế và tội lỗi. Các ký lục và biệt phái lấy điều đó là gương mù và ta biết là họ đã tỏ ý không chấp thuận điều đó, cho nên họ đưa ra những vấn nạn là chuyện đương nhiên.

1. Vấn nạn

Những người thu thuế là những người làm ăn sinh sống bằng những nghề khá mập mờ. Thế nên, họ chẳng lưu tâm đến luật lệ của Thiên Chúa trong lý thuyết lẫn trong thực hành; họ chẳng cần biết đến những giá trị tinh thần, những cái họ coi là chỉ tổ mất thì giờ và bất lợi. Họ còn có thái độ khinh dể những nơi thờ phượng nữa.

Còn những người tội lỗi, họ chỉ thấy bình thản khi lãng quên Thiên Chúa và cố tránh né mọi bận tâm về tôn giáo.

Thế nhưng sao họ đến với Chúa Giêsu thật đông như thế? Chúa Giêsu không chấp nhận một não trạng duy vật, một cuộc sống xa cách Thiên Chúa, Ngài cũng chẳng có ý làm cho tôn giáo thành dễ theo hơn. Thế mà sao họ vẫn đến với Ngài?

Ngược lại, những người biệt phái, đại biểu cho thành phần tôn giáo ‘đạo gốc’, là những nhà đạo đức chuyên nghiệp, những người sùng đạo nhiệt thành, những người hoàn toàn không thể trách cứ: tóm lại họ là thành phần đạo đức ưu hạng.

Các luật sĩ là những nhà chuyên môn, những người thông thạo lề luật và thực hành về tôn giáo, thông thái về khoa giáo điều, nói những lời đáng tin về Thiên Chúa. Và hẳn là những hạng người này đã không đến với Đức Kitô, có chăng là tính cách địch thủ, hầu hại Ngài và làm cho Ngài ‘mất tín nhiệm’.

Những người thu thuế và tội lỗi vẫn là những kẻ bị lên án, còn luật sĩ và biệt phái là những người ưu tuyển. Dân chúng nghĩ như thế và chắc có lẽ là Thiên Chúa cũng vậy. Thế mà tại sao lại xẩy ra thế khác?

2. Trả lời

Nhưng Thiên Chúa đã và còn đang xét định cách khác. Tư cách của những người thu thuế và tội lỗi có xâú thật, tư cách của luật sĩ và biệt phái có đúng về nhiều điểm thật. Thế nhưng, những ý định bên trong, những động lực của việc họ làm lại chứng tỏ hoàn toàn khác hẳn.

Những người thu thuế và tội lỗi coi mình như hạng hư mất, xa cách Thiên Chúa, không còn sùng mộ chi nữa, đúng ra đầy tội lỗi. Do đó họ xác tín về sự bất lực của họ, không thể tự thoát mà phải chờ mong tất cả từ ân sủng và lòng nhân lành của Thiên Chúa.

Biệt phái và luật sĩ tự hào là những người công chính, được bảo đảm an toàn, nơi họ tất cả đều ổn định và ân sủng đầy tràn. Vì tự lực thánh hoá bản thân, những người như thế đâu cần nhờ nguồn lực thánh hoá độc nhất nữa.

Nhưng Thiên Chúa lại có cái nhìn khác hẳn. Ngài không xét hành vi bên ngoài, nhưng là những ý định trong lòng.

Linh hồn có ý thức sự yếu đuối của mình, sự hèn hạ, giới hạn và tội lỗi của mình, khi ấy nó mới tìm kiếm Thiên Chúa nơi thâm sâu của lòng mình, mới ao ước Ngài, mới có thể đón nhận ân sủng của Ngài và như thế là mở cửa để đón Ngài.

Nương đồng dẫu có sỏi đá cũng không hề chi: nó đã được cày bừa và những luống cày sâu sẵn sàng tiếp nhận hạt giống sẽ gieo vào. Tạo vật mang tật bệnh, vì thế nó cần đến y sĩ; vì thấy mình trống rỗng, nên chỉ có sự viên mãn của Thiên Chúa mới có thể lấp đầy. Sự viên mãn ấy thấu nhập nơi ngõ hẹp cuộc đời của nó: vì thế nó sẵn sàng trở về, sẵn sàng hoán cải, nó khẩn khoản bàn tay cứu nhân độ thế đến cứu thoát mình.

Ngược lại, con người tự hào về sự cao trọng, về sức mạnh của mình, nghĩ rằng mình không thể phạm tội và vinh vang vì giai cấp được tôn trọng, tưởng rằng mình hoàn hảo trong đàng đạo đức, thì họ sẽ chẳng lo kiếm tìm Thiên Chúa, bởi vì họ lấy bản thân làm nơi an nghỉ. Tin tưởng ở mình thì không còn tin tưởng nơi Thiên Chúa; tình yêu mình sẽ thay thế cho lòng yêu mến Thiên Chúa.

Người thu thuế có thể hoán cải khi họ nhận thấy thân phận tội lỗi của mình. Còn biệt phái và luật sĩ không thể hối cải vì họ cứ ngỡ là mình công chính. Trên trời sẽ vui mừng khi có một người cải tà qui chánh, bởi vì đây là một sự quay về, một khuôn mặt nhìn lại Chúa, một con người đã hư mất được cứu thoát. Như thế trên trời sẽ vui mừng mỗi lần có người ‘tội lỗi’ trở về, chứ không phải mỗi khi có người ‘công chính’ tin rằng mình không cần hoán cải nữa. Trên trời vui mừng vì người tội lỗi thực sự được Chúa Kitô, Đấng hằng tìm kiếm những tâm hồn tội lỗi, đến cứu thoát.

 Nhưng trên trời không vui vì số phận của những người –và họ là đa số- không thể được cứu thoát chỉ vì lý do họ nghĩ rằng không cần thiết.

Tư tưởng của Thiên Chúa không phải là ý tưởng của chúng ta và đường lối của Người chẳng phải là đường lối của ta. Vì đó, Chúa Kitô đã cho họ thấy rằng những ý định của Thiên Chúa khác hẳn của con người, xưa cũng như nay, Ngài đi tìm kiếm những kẻ tội lỗi thực sự, và bỏ qua những người ‘công chính’ giả hiệu.

TÌM KIẾM (15, 8-10)

Liều mất mạng sống vì tình yêu Chúa Kitô, mất mạng sống vì không có Ngài… Bây giờ là vấn đề được Đức Kitô kiếm tìm và đi tìm kiếm theo gương Ngài.

1. Được kiếm tìm.

Người đàn bà đánh mất một đồng bạc. Bà tìm kiếm không ngơi cho đến khi thấy lại đồng bạc đã mất: theo một nghĩa loại suy, dựa theo lời Đức Kitô, ta có thể nói về việc Thiên Chúa tìm kiếm.

Ân sủng không được ban theo kiêủ buôn bán, dè xẻn, mà Thiên Chúa cũng chẳng đưa cho con người một bản tổng kết những gì Ngài đã ban cho họ. Ân sủng của Người tuôn chảy không ngừng, tình Người yêu thương chẳng bao giờ cạn.

Thiên Chúa kiếm tìm tạo vật đã lạc mất bằng những lời khuyên nhủ, cảnh cáo, khích lệ; đó là bề trong, còn bề ngoài người dùng Giáo Hội, các linh mục, sách vở, người này người nọ, biến cố này biến cố khác. Nhiều biến cố có vẻ phũ phàng. Nhưng thực ra đó chỉ là những dấu chân hữu hình của Thiên Chúa, dõi theo từng người chúng ta.

Bệnh tật giúp người ta mau mắn hồi tâm lại, mất mát của cải sẽ tách người ta ra khỏi những sự thế trần. Thất vọng sẽ cho thấy không nên quá tin tưởng vào con người. Thất bại sẽ thanh lọc tính kiêu căng và những lời phê bình gay gắt sẽ giải thoát ta khỏi tính ích kỷ.

Cả khi con người lang thang phiêu lãng, Thiên Chúa vẫn đuổi theo. Không có chỗ nào con người ở một mình cả. Chẳng bao giờ con người có thể tự nhủ Thiên Chúa đã bỏ rơi mình rồi. Một người thợ săn kiên nhẫn, rình chờ con mồi, một ngư phủ lưới người cũng kiên nhẫn đợi chờ chú cá bé nhỏ dính vào lưới ân sủng, hoặc là có dẫy dụa đi nữa, thì cũng mắc vào chiếc lưỡi câu. Đấy Thiên Chúa như thế đấy.

Chỉ có ở thế giới bên kia, tạo vật đã bị chiếm hữu sẽ nhận thấy rằng Thiên Chúa vẫn luôn theo đuổi, tìm kiếm mình, và tình Ngài yêu thương không ngừng đưa ra hết cách, và hết thế để dẫn đưa mình trở về. Tất cả mọi người chúng ta –dầu không nhận thấy- đang sống trong bầu khí yêu thương của Người.

Trước nhan Thiên Chúa, chúng ta tỏ ra phong phú –đây là điều khó có thể tưởng tượng được-. Điều này giải thích niềm vui trên trời khi một người xa lạc được tìm về.

2. Tìm kiếm

Cũng có thể áp dụng dụ ngôn này cho việc tìm kiếm những người con đã hư mất. Người mục tử không bao giờ được bằng lòng với những con chiên sốt sắng ngoan đạo, mà phải biết nghĩ đến những tâm hồn còn đang xa cách, đang gặp nguy khốn, đã sa ngã, đã lầm đường lạc lối.

Thực là một hiện tượng đáng buồn khi thấy trong tiểu thuyết hiện đại, thường các vị linh mục được miêu tả như những vị trưởng giả đầy đủ. Rõ ràng những nguyên tắc bất can thiệp và nhẫn nhục ảnh hưởng nhiều đến đời sống linh mục. Ngạc nhiên hơn nữa là ngày nay các toà Giám mục, đa số gồm có những vị trẻ trung, tinh thần cởi mở, đến độ gần như cách mạng trong khoảng thời gian thế chiến thứ nhất. Kết quả vẫn chán nản biết bao!

Một số lớn các linh mục hiện nay đã tham dự vào thế chiến thứ hai, và rồi người ta mới thấy điều đó.

Có lẽ người ta cho rằng nhận một trọng trách trong Giáo Hội đã có quy củ, chắc chắn sẽ làm cho họ mau an phận và làm suy yếu tinh thần tìm kiếm của họ. Thực sự những người mà Giáo Hội có trách nhiệm, đã tiếp tục lìa xa Giáo Hội.

Nếu người mục tử tốt lành để lại chín mươi chín con chiên để tìm kiếm một con thất lạc, và nếu người đàn bà bỏ mọi công chuyện để tìm đồng bạc đánh mất, thì người mục tử cũng phải tìm ra đường lối và phương pháp để dẫn những kẻ lầm lạc trở về. Chúng tôi có ý nói đến sứ vụ tông đồ tại các gia đình, tổ chức thăm viếng tận nhà, tái phối trí những họ đạo lớn, phát huy tinh thần tìm kiếm trong công tác tông đồ giáo dân, sự chuẩn bị môi trường bằng báo chí, những nỗ lực bác ái xã hội, những điều kiện ưu tiên cho vùng ‘sỏi đá’. Nói tóm lại, ta không thể bằng lòng với những gì mình đang có mà phải nghĩ đến những gì đã mất mát đi.

Làm cho những người vốn đã tốt, trở nên tốt hơn không đủ. Thực tế rất thường chưa hẳn những người đó đã là những người tốt.

Nhiều khi những người tân tòng, những người ăn năn hối cải lại khiến cho người ta mừng rỡ hơn bởi vì họ biết mình lầm lạc và đã được tìm kiếm, họ biết rằng chính bản thân họ đã tìm lại điều đã mất; Họ quí chuộng kho tàng của họ hơn là những người bao giờ đức tin cũng bình thường, không yếu đuối cũng chẳng lu mờ.

NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (15, 11-32)

Xét theo tâm lý, phải là bậc thầy mới hoạ nổi dụ ngôn đứa con hoang đàng. Thế nhưng đây lại chẳng nhấn mạnh về đứa con hoang đàng, về những nỗi khốn nạn và sự trở về của chàng ta. Mà lại nhấn mạnh nhiều đến người cha.

Tất cả những đoạn văn Thánh Luca nói về vấn đề hư mất đã kết thúc một cách ý nghĩa khi đưa chúng ta về Thiên Chúa, Đấng cứu thoát những gì đã hư hại và bù đắp dư dật.

1. Người cha để cho đứa con hư hỏng.

Trong dụ ngôn, người cha có thể, hoặc tạm thời từ chối không chia cho người con phần gia tài của anh ta, hoặc là nói cho thấy hơn thiệt. Bản văn lại chẳng đả động đến chi tiết. Người cha đã chia gia tài cho anh, và để anh ra đi. Đối với đứa con, chẳng phải vì xung khắc hay vì sự sa đoạ nào đó thúc đẩy anh ra đi, nhưng là vì anh khát khao được sống ngoài vòng kềm toả, vì háo hức khao khát kinh nghiệm, vì muốn biết cái mới lạ, vì chưa có bản lãnh, vì tính hung hăng và bản năng thích phiêu lưu mạo hiểm.

Thiên Chúa cũng để cho con người hành động. Người có thể gìn giữ con người khỏi tội lỗi bằng những đường lối quan phòng của Người hoặc bằng áp lực của ân sủng mà con người không thể nào cưỡng lại được. Thế nhưng, Người vẫn tôn trọng tự do của con người: điều này làm chúng ta ngạc nhiên và khó hiểu.

Nhưng thể theo Thánh ý của Người, sau khi con người đã được tạo dựng một cách tự do và được ban cho quyền tự do, Thiên Chúa đã thực sự để cho con người làm chủ những quyết định của mình, lại còn ban cho con người sự trợ giúp tự nhiên để thực hiện những quyết định đó nữa. Bởi chưng mọi chuyện con người thực hiện –cả khi con người làm điều ác nữa- con người cần phải có sự trợ lực của Thiên Chúa, nếu không con người hoàn toàn bất lực.

Trong dụ ngôn, đứa con lầm lạc dần dần sa sút, trước tiên là một sự phung phí dại dột, rồi hắn phung phí gia tài cho bọn đĩ điếm cho đến lúc hắn hoàn toàn chìm đắm trong tình cảnh khốn nạn và phải đi chăn heo (ta chớ quên thái độ xa lánh của người Do thái đối với loại thú vật này) rồi suýt chết đói.

Thiên Chúa cũng thế, Ngài để mặc con người tự do theo con đường đã chọn lựa, để họ xuống dốc theo ý muốn và ao ước của họ. Ai tưởng mình có thể định đoạt giá trị sự vật thì Chúa sẽ để họ theo ý riêng mình, cho đến khi họ hiểu rằng ý muốn tự quyết của họ chỉ là sự sụp đổ bất lực.

Thiên Chúa thường thông cảm với việc con người yếu đuối sa ngã giữa lúc làm bạn với bầy heo và cơn đói ám ảnh. Tuy nhiên –sẽ có một hiện tượng kỳ dị- bao lâu mọi sự tốt đẹp thì con người ít nghĩ đến Thiên Chúa. Họ muốn quán xuyến tất cả và tự mình quyết định. Nhưng khi có trục trặc vì lỗi của họ, họ vội vàng quy trách cho Thiên Chúa.

2. Người cha đón nhận đứa con hư hỏng

Trong dụ ngôn, người con đã trở về với chính mình. Bị lâm vào cảnh phiền muộn, nó mới biết đến kinh vực sâu, thú nhận lỗi lầm của mình và dọn sẵn lời thú tội: ‘Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha’. Nó ý thức mình không còn quyền lợi nữa và chỉ còn trông cậy vào lòng nhân hậu để được coi như một kẻ hèn hạ nhất trong đám thợ làm công.

Khi con người có kinh nghiệm sâu sắc và chua cay về thất bại bản thân, họ dễ ý thức giá trị của ân sủng. Lúc ấy, họ biết không thể tự sức mình mà được việc, nên phải phó thác vào ân sủng của Thiên Chúa. Tội lỗi đã làm cho con người mất địa vị làm con Thiên Chúa, cho nên, làm tôi tớ đối với nó là một đặc ân. Con người không còn đến trước Thiên Chúa Cha với tư cách một người con quấy rầy, nhưng như một kẻ van xin đầy lòng hối hận đứng trước chủ nhân. Và Thiên Chúa chấp nhận họ.

Trong dụ ngôn, người cha đã chờ đợi rồi ông đã chạy ra đón đứa con hư, tỏ lòng tha thứ mà không cần đứa con giãi bày lời thú tội. Ông đã dọn một bàn tiệc, tổ chức một buổi lễ… Đối với tội nhân hối cải, Thiên Chúa cũng có một thái độ tương tự. Ngài đến gặp họ. Phán quyết trong nội tâm và lòng hối cải đã là dấu hiệu của ân sủng Thiên Chúa. Kẻ lầm lạc khi tự phán quyết rồi lại quyết định trở về với Thiên Chúa, đó cũng là ân sủng.

Thiên Chúa cầu mong lại đón nhận họ. Đó là do lòng nhân hậu của Ngài. Và, nói một cách sát chữ, Ngài đem lòng yêu thương dạt dào người tội lỗi đã hối cải, quên đi quá khứ, xoá bỏ ác quả và tội vạ, và hơn nữa, cho họ được những đặc ân không ngờ, đây là mầu nhiệm khôn dò của ân sủng Người.

Bữa tiệc sẽ minh chứng là Thiên Chúa yêu thương. Người anh khó tính với cảm nghĩ tầm thường lấy vẻ liêm chính che đậy đầu óc thiển cận, tâm hồn hẹp hòi của mình. Trái lại, qua hành vi quảng đại của người cha, dụ ngôn cho chúng ta thấy bản tính thâm sâu của Thiên Chúa, tầm mức vô biên của tình yêu, nhịp điệu và hài hoà, âm vang trong Thiên Chúa.

Lầm lạc không còn là điều đáng quan tâm. Tăm tối đã biến đi. Ánh sáng chói chan khắp nơi, mọi sự thấy đẹp hơn bao giờ hết. Tội hồng phúc!... Tội lỗi là dịp vô cùng hữu ích để chúng ta nhận ra sự cao cả của Thiên Chúa đến nỗi chính các lỗi lầm của con người lại dẫn đến ơn cứu độ và vinh quang của Thiên Chúa.