Chúa Nhật XXIV thường niên  - Năm C
XIN CHUNG VUI VỚI TÔI
Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Bữa ăn chung với kẻ tội lỗi

Ở đây chúng ta chỉ nhắc qua bối cảnh là một cuộc tranh luận, và tập trung chú ý vào lời mời gọi hãy chung vui vì tìm lại được những gì đã mất, được ghi lại trong cả ba dụ ngôn.

Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem, nơi Người sẽ phải đổ máu để cứu muôn người. Nhiều “người thu thuế và tội lỗi, đến để nghe Người giảng. Những người Biệt phái và kinh sư thì khó chịu “xầm xì với nhau” chống lại Người bởi vì không chỉ “đón tiếp phường tội lỗi”, Đức Giêsu còn “ăn uống đồng bàn với chúng”, một hành động tỏ ra cùng phe với bọn chúng!

Để trả lời, Đức Giêsu nói với họ ba dụ ngôn rất hay về lòng thương xót, làm thành chương 15 của Tin Mừng Luca. Để biện minh cho cách đối xử của mình, Đức Giêsu nêu lên lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những kẻ tội lỗi. Qua những lời Người nói và các việc Người làm, từng là cớ vấp phạm cho đối phương, Người cho thấy lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa đang được thể hiện và hoạt động. Và “tình yêu ấy của Thiên Chúa dành cho tất cả những ai chúng được yêu và cũng chúng đáng yêu, gián tiếp lên án sự cứng cỏi và khắc nghiệt mà những con người “đàng hoàng” hơn kia đã đối xử với họ” (Cousin, L’Evangile de Luc, Centurion, trg 211).

2. Lời mời gọi chung vui

Cả ba dụ ngôn đều nêu bật sáng kiến của Thiên Chúa, Đấng đi bước trước trong việc tìm kiếm tội nhân (hai dụ ngôn đầu) và đã “chạy ra” đón đứa con hoang trở về dụ ngôn thứ ba. Tuy nhiên đỉnh cao của mỗi dụ ngôn đều nằm ở lời mời gọi hãy chung vui vì đã tìm lại được: Niềm vui của người “chăn chiên” vác “con chiên lạc đã được tìm thấy” trên vai. Mời gọi bạn bè và hàng xóm đến chia sẻ: “xin chung vui với tôi!”.

Niềm vui của “người phụ nữ” tìm lại được “đồng bạc đã đánh mất”, mời gọi bạn bè và chị em xóm giềng đến chia sẻ: “xin chung vui với tôi!”.

Niềm vui của “người cha” khi đứa con trở về, “đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”, mời gọi người con cả cố chấp của mình cùng chia sẻ: “chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ!”.

Roland Meynet nhận định, “Những người Pharisêu và các kinh sư, coi thái độ xử sự của Đức Giêsu như một hành dộng phản lại họ. Bởi vì đón tiếp những kẻ tội lỗi cũng có nghĩa là bỏ rơi những người công chính, là để mặc những con chiên ngoan ngoài hoang địa. Như vậy, chính những người này đã tự tách riêng mình ra, đứng ngoài bữa tiệc vui của Đức Giêsu và những kẻ tội lỗi ăn năn trở lại niềm vui của người khác làm gai mắt họ, trong khi chính họ cũng được mời đến tham dự cuộc vui đoàn tụ của tất cả mọi người. Họ không hiểu rằng niềm vui đoàn tụ không chỉ riêng của con chiên lạc với chủ nó mà thôi, nhưng còn là niềm vui đoàn tụ chung của tất cả các con chiên với nhau, của con chiên lạc với 99 con kia, trong cùng một chuồng chiên, dưới cùng một chiếc gậy chăn của một chủ chiên duy nhất. Niềm vui còn phải được nới rộng ra đến mọi người hàng xóm và bạn bè, nếu không nó sẽ không trọn vẹn. Sẽ không thể có niềm vui đoàn tụ đích thực nếu có ai đó còn đứng ngoài. Tất cả đều được mời, và vòng tròn tham dự còn rộng mở đến tận trời cao, đến các thiên thần của Thiên Chúa. Như vậy làm sao tự cho phép mình đứng ngoài và tự tách rời khỏi cuộc hoà giải của tất cả? Từ chối chung vui với Đức Giêsu, không chia sẻ niềm vui của ơn tha thứ được trao ban và đón nhận, chính là khước từ niềm vui Nước Trời, là xầm xì chống lại Thiên Chúa” (L'Evangile selon Saint Luc. Analyse rhélorique, tập 2, Cerf, trg 161-162).

BÀI ĐỌC THÊM:

1. Niềm vui cho tất cả.

(G. Bessière, trong “Diêu siproche. Année C”, Desclée de

Brouwer, trg 146-147)

“Một xã hội đang bị câu thúc. Nhiều phe cánh kình chống nhau. Cả một mớ những lời lẽ và ánh mắt thô tục. Ở giữa đó, hiện lên một khuôn mặt, đó là Đức Giêsu. Con người ấy đã dám đánh đổ mọi phe phái đạo đức và tôn giáo của đất nước mình. Thử tưởng tượng xem: “ông ta đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Tất cả bọn chúng tuôn đến để nghe ông ta. Trong lúc phía bên kia là những phần tử ưu tú trong dân về mặt trí thức, nhân đức và lòng đạo: nhóm Pharisêu và các kinh sư, những đấng bậc khả kính, những con người đủ tư cách sửa dạy người khác...

Sự thinh lặng được phá vỡ. Và đây con người lạ lùng kia, với biệt tài vô song, lên tiếng kể chuyện. Có ai ngờ được rằng suốt hai ngàn năm, và còn mãi về sau, người ta vẫn còn ngồi lại thuật cho nhau nghe những câu chuyện đó, và chúng sẽ mãi mãi là những gì quí báu nhất còn ghi lại trong ký ức của nhân loại.

Con chiên bị mất, không hề có chi tiết nào nói nó kêu be be, để gọi chủ. Nó chẳng có công gì xứng đáng để được chủ vác lên vai. Mọi sự đều phát xuất từ người chăn chiên mà ‘niềm vui trong tim’ cứ muốn tràn sang đến tất cả. Và cả cõi thiên đình chẳng quan tâm bao nhiêu tới trật tự tốt đẹp nơi bầy chiên ngoan, lại tỏ ra vui mừng rộn ràng khi có một con người biết chỗi dậy và bắt đầu cuộc sống mới? Còn việc trở về của thằng con phung phá, ăn chơi và hư đốn? Tới bước đường cùng hắn mới chịu “hồi tâm suy nghĩ”: dù có cố tìm một lời lẽ gì đó để nói khi về đến nhà, thì chẳng qua chỉ vì đói nên hắn mới chịu mò về đó thôi. Cũng thế, tất cả đều khởi động từ cõi lòng người cha, “trông thấy con từ xa, ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ con và hôn lấy hôn để”. Thằng con có ráng ấp úng bài diễn văn tạ tội đã dọn sẵn trong đầu cũng vô ích thôi, bởi lúc này ai nấy đang tưng bừng chuẩn bị dọn tiệc ăn mừng. Có cả tiếng ca tiếng đàn nữa! Chắc chắn rồi. Đối diện trước cả hai cánh tốt xấu trên của nhân loại, Đức Giêsu tuyên bố mọi sáng kiến của Người dành cho những kẻ bị loại trừ, bị khinh miệt và tất cả những người tật nguyền về mặt tinh thần, đều là những sáng kiến của chính Đấng được tung hô ba lần Thánh. Người là Mục Tử của Israel, là Cha của dân tộc, là người đã chạy đi tìm con chiên lạc và ra đón đứa con hoang trở về.

Thiên Chúa, mà người nhân đức thánh thiện tưởng mình độc quyền sở hữu, kẻ tội lỗi thì nghĩ mình đã quá xa rời, chính Người đã lật đổ mọi thứ học thuyết và mọi lề lối sống đạo có sẵn. Chúng ta có thực sự tin rằng nơi vị Thiên Chúa ấy có tình yêu mãnh liệt, khiến Người luôn mơ đến một thế giới trong đó mọi người đều là anh em, và làm dậy lên trong Người một niềm vui mong được chia sẻ với tất cả?”.

2. Khuôn mặt thật của Thiên Chúa.

(“Missel Emmaus des Dimanches”, trg 1105).

“Thiên Chúa! Đấng chúng ta muốn là quan toà kết tội người khác, nhất là những kẻ thù nghịch, trong lúc chúng ta lại xin Người tỏ lòng nhân từ với chính mình: phải chăng đó là chuyện “hoàn toàn tự nhiên?”.

Do suy nghĩ như vậy, nên giữa chúng ta vẫn xảy ra thói xét đoán lẫn nhau, lên án lẫn nhau.

Thiên Chúa chúng ta mơ tưởng đó thực ra chỉ là một ngẫu tượng do chúng ta nhào nặn ra và nhằm phục vụ lợi ích của bản thân. Đó không phải là Thiên Chúa thật. Phải, Thiên Chúa là Đấng giầu lòng xót thương. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này khi xua tan đi lớp mây mù do trí khôn loài người bày ra che phủ khuôn mặt thật của Người. Tuy nhiên chỉ những ai nhận ra tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, và những ai để cho ân sủng ấy chiếm hết đời mình, đồng thời phản chiếu ra bên ngoài qua cách ăn ở với mọi người xung quanh. Chỉ những người như vậy mới cảm nghiệm được khuôn mặt thật của Thiên Chúa. Ích kỷ chỉ biết đến mình là điều ai nấy đều không thể chấp nhận cho dù đó là những con người “ngoan đạo” nhất!