Chúa Nhật XXIII thường niên  - Năm C
PHẢI TỪ BỎ ĐỂ THEO CHÚA
 Lm Giuse Đinh tất Quý

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa nghe một đoạn Tin Mừng với những lời lẽ không được êm dịu cho lắm. Đây cha nhắc lại cho chúng con nghe một lần nữa.

 "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được."(Lc 14,26)

"Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được"(Lc 14 27).

 "Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được"(Lc 14,32).

Cha đố chúng con qua những lời như thế Chúa muốn nói với chúng ta điều gì?

- Chúa muốn bảo theo Chúa thì phải từ bỏ.

- Chúa muốh nói theo Chúa thì phải vác thánh giá.

+ Rất đúng! Hay nói một cách khác gọn nhẹ hơn, chính xác hơn đó là phải hy sinh. Muốn theo Chúa thì phải hy sinh. Sự hy sinh được cụ thể qua việc từ bỏ và vác thánh giá.

1. Trước hết Chúa đòi chúng ta phải từ bỏ.

Tại sao thế? Chúng con thấy cuộc đời của Chúa đã là như thế.

Chúa từ bỏ cuộc sống trên trời để xuống thế làm người,

Đời sống của Chúa nơi trần thế cũng là đời sống từ bỏ mọi sự. Chúa đã từng nói: "Con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu".

Đến mạng sống của Chúa, Chúa cũng hy sinh luôn, hy sinh trong đau thương và đầy nhục nhã. Chúng con đã thấy điều đó.

Chính vì thế mà Chúa muốn những người theo Chúa cũng phải như vậy. Làm môn đệ là phải từ bỏ đến tận cùng.

Từ bỏ đến cùng, là từ bỏ đến cả những gì riêng tư nhất của mình.

Cha mời chúng con nghe câu chuyện sau đây:

Trong sách Sự tích của thánh Antôn tu rừng, người ta đọc được câu chuyện này:

Một hôm có người đến muốn xin làm môn đệ của Ngài, Ngài hỏi:

- Ở ngoài thế gian con làm nghề gì?

- Thưa con làm nghề đan thúng.

- Vậy con cũng hãy đan cho cha một cái thúng.

Đan xong, đem dến cho Ngài. Ngài xem tới xem lui rồi dạy tháo ra.

 Hôm sau Ngài cũng dạy như thế – Người đó đem về đan.. rồi đem đến .. rồi cũng lại phải tháo ra.

Bữa thứ 3 Ngài cũng dạy y như thế ……rồi lại cũng cố làm ... khi đem lại Ngài cũng lại bảo tháo ra. Anh ta bực mình cho là làm mất thời giờ vô ích. Lúc đó thánh Antôn mới nói:

- Hỡi con, con hãy về nhà con đan thúng và làm tôi Chúa như những người khác – Còn việc con ước ao vào dòng thì không được vì con thiếu một điều cần nhất là bỏ ý riêng của con.

Rồi chẳng bao lâu có người khác cũng xin đi tu – như lần trước: con làm nghề gì ?

Biết là người đó làm nghề nông nên thánh Antôn dạy ra đào cho ngài một chiếc hầm vuông vắn .…mỗi bề một thước, bề mặt cũng như bề sâu.

 Người đó vui vẻ đào – Ngài lại dạy lấp đi.

Lần 2 cũng như thế.

Lần 3 cũng vậy... người đó vui vẻ lấp đi không có một lời than trách.

Sau, thánh Antôn kêu người đó lại và nói:

- Hỡi con, từ nay cha nhận con vào dòng và con hãy nhớ điều này là bao lâu con sống trong dòng việc trước hết là con phải lo thắng mình con và vâng lời cho trọn. Được như vậy con sẽ có phúc ở đời này và đời sau.

 2. Bây giờ cha nói với chúng con về điều thứ hai: vác Thánh Giá.

 Thánh giá đây không phải chỉ là cây Thánh giá bằng gỗ như cây Thánh giá ngày xưa người ta đã dùng để đóng đinh Chúa trên đó. Thánh giá đây còn phải hiểu là những gánh nặng của bổn phận, những khổ đau của cuộc sống, những thử thách vì nhiệm vụ mà một người môn đệ phải chấp nhận trên con đường theo Chúa.

Chẳng hạn như cuộc đời của Đức Mẹ, chúng con thấy khi Đức Mẽ đã chấp nhận nhiệm vụ trờ thành mẹ Chúa Cứu Thế, chúng con thấy Đức Mẹ đã phải chịu biết bao nhiêu là khổ đau, biết bao nhiêu là vất vản để chương trònh của Chúa được thực hiện.

Rồi như Thánh Phaolô chúng con thấy, vì người đã chấp nhận làm môn đệ của Chúa, cho nên người đã phải bị tù đày vì Chúa – bị xiềng xích vì Tin Mừng.

Tù đày có ai mà ham? Bị xiềng xích có ai mà muốn – nhưng khi cần phải chấp nhận như là một việc phải làm vì bổn phận thì thánh Phaolô đã vui mừng.

Chúng con hãy nghe câu chuyện này:

Một hôm, Chúa Giêsu hiện ra cho hai trong số các môn đệ của Ngài, đưa họ đến đầu một đường rồi trao cho mỗi người một cây thánh giá giống nhau và nói:

- Mỗi người các con hãy vác thánh giá này và đi đến cuối đường trước mặt, Thầy sẽ đợi các con ở đó.

Nói xong, Chúa biến đi. Và hai môn đệ bắt đầu vác lấy thánh giá của mình.

Người thứ nhất xem ra vác nhẹ nhàng, chân rảo bước mỗi lúc một nhanh. Nội trong ngày, anh đã đến cuối đường và vui mừng gặp Chúa Giêsu đã đứng chờ sẵn ở đó.

Còn người thứ hai thì mãi chiều hôm sau mới đi hết con đường, xem ra anh mệt mỏi, không còn vác, nhưng kéo lê thánh giá mỗi lúc một nặng thêm, làm anh gần kiệt sức. Vừa gặp Ngài, anh phàn nàn ngay:

- Chúa đối xử bất công quá, Chúa cho con cây thánh giá nặng, còn anh kia Chúa cho thánh giá nhẹ, nên anh đã đến trước con lâu như vậy.

Gương mặt vui tươi của Chúa bỗng trở nên nghiêm nghị, Ngài nói:

- Này con, Ta không đối xử bất công đâu, hai cây thánh giá giống nhau và nặng như nhau. Con đừng trách thánh giá nặng nhẹ, nó trở nên nặng là vì tâm hồn con ngay từ đầu và trong suốt quãng đường Ta đã chỉ, con luôn than phiền và càng than phiền thì thánh giá càng trở nên nặng nề. Người bạn đồng hành của con đến trước vì tâm hồn lúc nào cũng tràn đầy yêu thương.

Tình yêu làm cho thánh giá trở nên nhẹ nhàng. Khi nhìn lại kinh nghiệm về ơn Chúa trong cuộc đời mình, thánh Phaolô Tông đồ đã tâm sự với các tín hữu Rôma bí quyết sống sau đây

"Chúng ta biết rằng trong mọi sự, Thiên Chúa cộng tác vào để đem mọi lợi ích cho những ai yêu mến Ngài"

Chúa Giêsu đòi hỏi những ai muốn theo làm môn Ngài phải từ bỏ vác lấy thập giá:

"Ai không vác thập giá mình, thì không đáng làm môn đệ Ta. Ai theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, thì không đáng làm môn đệ Ta. Ai không từ bỏ của cải thì không đáng làm môn đệ Ta ".

Xin Chúa cho chúng ta hiểu rằng muốn theo Chúa thì phải biết vượt lên trên giới hạn hẹp hòi của ích kỷ, của mầu da, chủng tộc. Ai muốn theo Chúa thì làm tất cả vì cộng đồng nhân loại. Ai muốn theo Chúa thì phải sử dụng mọi sự để làm ích cho anh chị em. Xin cho tâm hồn chúng ta được tràn đầy tình yêu Chúa để Thánh giá Chúa muốn chúng ta vác mà đi theo Chúa sẽ trở nên nhẹ nhàng cho chúng ta.