Chúa Nhật XXIII thường niên  - Năm C
MỜI GỌI TỪ BỎ
Chú giải mục vụ của Hugues Cousin

Hoạt cảnh hoàn toàn thay đổi. Cuộc hành trình tiếp tục. Các địch thủ tạm khuất dạng một chốc lát; nói với đám đông người cùng đi đường với Ngài, Chúa Giêsu dạy cho họ một bài giáo lý về điều kiện phải có để làm người môn đệ. Những lời dạy của Ngài tương phản với dụ ngôn ở trên, bởi vì chúng nêu lên trước một đề tài lúc đó được hiểu ngầm: những ai đón nhận lời mời đi vào Vương Quốc phải tuân thủ một số đòi hỏi.

Giáo huấn được mở đầu bằng hai lời liệt kê những điều kiện để trở thành môn đệ; thực thế, đến với Chúa Giêsu chưa đủ (cc.26-27). Điều thứ nhất đòi hỏi người ta ghét gia đình và cả đến mạng sống mình nữa (c.26). Chắc hẳn trong Do Thái giáo có nhiều trường hợp những người đã cưới vợ bỏ tất cả để theo phục vụ một ông thầy và học hỏi Lề Luật với ông, mà một trong những việc phục vụ là đi theo Thầy khắp nơi (x. đã có Êlisê đi theo và phục vụ Êlia, 1V 19-21). Tính cách độc đáo của lời Tin Mừng gồm có hai điểm. Trước hết, với một ngôn ngữ triệt để (“ghét”) người ta được yêu cầu phải từ bỏ, theo gương Chúa Giêsu (8,19-21; 11,27-28), mọi quyến luyến với gia đình là thứ gây cản trở (trường hợp người vợ mới cưới, x. 14,20). Mọi liên hệ hoàn toàn chính đáng này cũng như tình yêu hợp lý đối với chính mạng sống mình, không được chiếm chỗ ưu tiên. Điều mới mẻ thứ hai: rời bỏ gia đình không có mục đích là học luật nhưng để gắn bó với chính bản thân Chúa Giêsu và theo Ngài lên Giêrusalem để chia sẻ số mệnh của Ngài. Chỉ là môn đệ đích thực những ai có khả năng có được quyết định triệt để và khó khăn này: loại bỏ tất cả những gì ngăn cản họ bắt chước Chúa Kitô. Tiếp theo đó là giáo huấn về con đường khổ giá, giáo huấn này đưa ra hai điều kiện: vác thập giá mình và đi theo Chúa Giêsu. Như trong giáo huấn song song ở 9,23, có một ám chỉ đến cách thức mà Chúa Giêsu sẽ phải chết. Không có một chỗ nào khác trong Luca, Chúa Giêsu nói về việc Ngài bị đóng đinh.

Hai dụ ngôn, được gắn liền với những gì đi trước bằng một từ kiên quyết”quả thế”, mời gọi suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh: không có vấn đề dấn thân một cách nhẹ dạ theo Chúa Giêsu hay làm việc nửa vời, phải đảm bảo có thể tiếp tục công trình cho đến hoàn thành (cc.28-32). Các hình ảnh rút từ cùng môt lĩnh vực: vấn đề về xây cất (một cây tháp) và về lực lượng vũ trang; trở thành môn đệ cũng gần như gia nhập một đạo binh trong thời chiến…

Khi nói về việc áp dụng dụ ngôn, có một lời giáo huấn đưa ra một điều kiện mới rất được Luca yêu thích: người môn đệ phải từ bỏ hết những gì mình có (cc.26.27.33). Ai không quyết định từ bỏ mọi sự, kể cả chính mạng sống mình, sẽ thất bại một cách nhục nhã. Tính toán đến tài nguyên và sức lực của mình chính là, một cách nghịch lý, vất bỏ tất cả những gì gây trở ngại.

Bài diễn từ kết thúc bằng một câu châm ngôn bình dân (cc.34-35). Trong thời thượng cổ muối vừa được dùng để bảo tồn thức ăn vừa là gia vị. Vì có thể giữ thức ăn khỏi bị hư thối, nó tượng trưng cho sự bền vững; bởi vậy nó rất cần thiết cho việc hy tế (Lv 2,13). Ở Palestin người ta thường dùng muối có phẩm chất kém, pha trộn nhiều tạp chất, nên nó thường bị mất mặn đi sau một thời gian. Mà muối, dùng để ướp thức ăn cũng như của lễ chẳng hạn, thì chính nó không thể được ướp bằng thứ muối nào nữa, nếu nó mất khả năng ướp măn thì chẳng có muối nào làm nó mặn lại được. Vậy mà, giáo huấn về muối này lại được nói ở phần cuối của một bài giáo lý về điều kiện phải có của người môn đệ. Do bởi ý nghĩa kép của từ Aram tiềm ẩn, câu của Luca có nghĩa”nếu chính muối đã điên rồ” (nhưng”nhạt” ở Mc 9,50) và màu sắc tâm lý này làm cho việc áp dụng giáo huấn được dễ dàng. Nếu những liên hệ giữa môn đệ và Chúa của mình lỏng lẻo, thậm chí bị cắt đứt, thì làm sao tái lập được? Người tín hữu lạt lẽo là kẻ điên rồ; kẻ vô tích sự này bị quẳng đi bởi vì họ bị mắng không thể là môn đệ (c.33). như thế đừng theo Thầy thì tốt hơn là theo cách lừng khừng hay ngừng lại giữa đường (xc. 28-32). Như Chúa Kitô nói trong sách Khải huyền:”Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi ‘lạnh hẳn hay nóng hẳn’, nhưng vì ngươi hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,15-16).