Chúa Nhật XXIII thường niên  - Năm C
KÊU GỌI và LỰA CHỌN
Chú giải của R. Gutzwiller

Dụ ngôn sau cùng về bữa tiệc hiển nhiên ám chỉ cuộc sống vĩnh cửu. Người ta hiểu được như vậy căn cứ vào lời một thực khách: ‘phúc cho kẻ sẽ được ăn tiệc trong Nước Thiên Chúa’. Đức Giêsu soi sáng vấn đề những kẻ được chọn trong Nước trời đã thành hình khi Ngài kể dụ ngôn các thực khách dự tiệc cưới.

1. Mời gọi.

Trong tất cả các dân tộc, Israel là dân tộc được mời dự tiệc cưới trước tiên. Câu ‘xin mời đến vì mọi sự đã dọn sẵn’, hàm chứa lời mời của Chúa khi Ngài đến nhập thể làm người. Những gì có trước đó chỉ là chuẩn bị. Giai đoạn chuẩn bị đã chấm dứt, bữa tiệc đã sẵn sàng. Thời chuẩn bị đó chính là việc xuất hành khỏi Ai cập để về Canaan và chinh phục đất hứa; là giao ước trên núi Sinai, là toàn bộ lề luật, là sấm ngôn quan trọng của các tiên tri, là đền thờ. Ngoài ra còn là hình ảnh của những vị vua tiêu biểu, là những khổ nhục thời lưu đầy, rồi là vị Tiền Hô, sau cùng là những lời giảng thuyết và phép lạ của chính Đức Giêsu.

Giờ đây, mọi sự đã sẵn sàng. Đức Giêsu tiến về Giêrusalem để nhận quyền làm chủ thành thánh. Ngài tự hỏi: không biết với những cái chuẩn bị đó, dân của Ngài đã thực sẵn sàng chưa?

Giáo Hội với công việc của mình, cũng là một sự chuẩn bị. Dĩ nhiên, đây là giai đoạn hoàn tất giao ước cũ, những vẫn là chuẩn bị đối với sự ứng nghiệm dứt khoát. Phép rửa, một cuộc tái sinh, chuẩn bị cho đời sống mới bắt nguồn từ biến cố Phục sinh. Tiệc Thánh Thể chuẩn bị cho tiệc vĩnh cửu trên trời.

Cho nên, chúng ta cử hành tiệc Thánh Thể cho tới khi ‘Chúa lại đến’. Bí tích Hôn phối chuẩn bị đi đến một cộng đồng vĩ đại, sống và yêu thương dưới quyền quản trị của Thiên Chúa. Bí tích Thống hối chuẩn bị việc Chúa đến, ân sủng chuẩn bị cho vinh quang. Sau cùng, đau khổ chuẩn bị cho cuộc khải hoàn thêm vĩ đại và cái chết chuẩn bị cuộc sống chân thực.

Giáo Hội chuẩn bị cho Nước Thiên Chúa, hay đúng hơn Giáo Hội là Nước Thiên Chúa còn phôi thai.

2. Những người kiếu từ.

Trong dụ ngôn, các thực khách được mời không sẵn sàng. Vì cho rằng còn có những việc còn quan trọng hơn, họ đã khước từ việc thiết yếu. Họ lo lắng đến những điều phụ thuộc và vì thế bỏ qua việc chủ chốt.

Lời thoái thác của người thứ nhất biểu hiệu não trạng duy vật. Một miếng đất mới tậu đối với y còn giá trị hơn một lời mời danh dự. Israel muốn có một vị Thiên Sai đem lại cho họ của cải vật chất. Đối với dân chúng, cơm bánh và vui chơi quan yếu hơn cả Tôn giáo. Trong Giáo Hội cũng có rất nhiều người lấy việc thủ đắc đất đai quan hệ hơn thủ đắc Nước Thiên Chúa. Đất đáng giá hơn trời, tiền bạc hơn tinh thần, tạm bợ hơn vĩnh cửu.

Người thứ hai viện cớ bận việc. Họ phải thử mấy cặp bò mới tậu. Đúng ra, họ có thể nhận lời nhưng phải là lúc khác. Bây giờ, họ rất bận bịu. Chúng ta thấy hạng người này ở nhiều nơi, nhiều lúc. Họ bị nô lệ cho công việc; tâm hồn không có lúc nào thư thái.

Bị lôi cuốn vào guồng máy hoạt động họ không còn thì giờ và thảnh thơi để lo đến việc trọng đại đời đời và nghĩ đến vận mệnh đích thực của mình.

Sau cùng, những nhu cầu của tình yêu và xác thể được người thứ ba đưa ra để kiếu từ. Nơi nhiều người, tình dục thắng lướt cả những nhu cầu thiêng liêng, và bản năng đã ràng buộc họ. Họ hoàn toàn chìm đắm trong dục tình và không còn gì là linh thiêng nữa. Với họ, tôn giáo hình như là một vùng đất xa xăm, một thực tại lạ lùng.

3. Những người được tuyển chọn

Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa cuối cùng cũng phải thành hình. Điều mà Đức Giêsu đòi hỏi gia chủ trong đoạn trên thì chính Ngài sẽ thực hiện. Những người ‘ăn xin, què quặt, mù loà và bất toại được mời vào dự tiệc’. Hạng người đáng thương bị các luật sĩ khinh bỉ có cơ hội ở trong Nước Thiên Chúa. Những người bị các biệt phái bài bác, thực tế lại là những kẻ được chọn.

Lời mời được tống đạt một lần nữa, dọc theo đường đi và các bờ rào mà đến với những người không quen, những người ở xa, những người chẳng có liên hệ gì cả. Trường hợp của Israel đã đưa đến biện pháp hoạt động sứ vụ nơi dân ngoại. Họ gia nhập từng đoàn. Trong thư gửi tín hữu Rôma, th. Phaolô bình luận mầu nhiệm này:

Theo lối so sánh của thánh nhân thì: ngành cây Israel đã bị chặt khỏi thân cây Ô-liu (tượng trưng cho Đức Kitô). Nhưng gốc cây không mất sinh lực. Ngành cây dân ngoại được tháp vào đó và như thế cây Ô-liu đã sinh hoa kết trái không ngờ. Ở đây, mầu nhiệm Thiên Chúa chọn lựa được bày tỏ rõ ràng.

Đó cũng là điều khích lệ các Kitô hữu. Trong tiệc cưới trên Nước trời, người ta sẽ thấy có những người vắng mặt: giáo hoàng, giám mục, linh mục, đan sĩ, tu sĩ, giám đốc hội đoàn, các chức sắc trong Giáo Hội, những người nhiệt tâm hoạt động; việc họ không có mặt khiến người ta ngạc nhiên, nhưng có tìm cũng vô ích thôi.

Bù lại, người ta thấy có những kẻ không ngờ, họ không gia nhập Giáo Hội hữu hình, nhưng nối kết với Đức Kitô trong tâm hồn mà không ý thức, như vậy cũng là thuộc về Giáo Hội. Trong Giáo Hội, có những người bề ngoài chưa được tốt, nhưng vì có ý thức tội lỗi của mình nên đã tìm được con đường về với Thiên Chúa nhờ hối cải và sám hối.

Cũng có những người đơn sơ, ngây thơ, sống âm thầm mà vác thánh giá, đồng thời cố gắng chu toàn bổn phận của mình trong cuộc sống thường nhật. Những kẻ được chọn thực sự lại khác với những người thiên hạ thường nghĩ. Và nhà của Chúa cũng sẽ đầy người…

Trong khi Chúa tiến về Giêrusalem, và cảm thấy sức đề kháng của quần chúng. Lời huấn dụ của Ngài ngày càng có tính chất trang trọng và nghiêm khắc, tuy nhiên vẫn có mầu sắc lạc quan. Vì căn nhà Chúa đến để xây dựng thì Ngài sẽ dành cho những người biết đền đáp tình thương của Ngài.

TỪ BỎ (14, 25-33)

Nếu trong đoạn trước, khung cảnh bên ngoài của bữa tiệc khiến đoạn văn được thống nhất, thì ở đây, mọi lời Chúa nói đều quy về một ý niệm sâu xa là sự thoát ly và từ bỏ.

Nhiều đám đông dân chứng dấn bước theo Thày. Họ tưởng là noi gương Thày cũng dễ thôi, và trong lúc hăng say nhất thời, mọi chuyện họ đều coi là thường. Chính vì lẽ đó, Chúa Kitô, một cách từ tốn nhưng không kém phần nghiêm trọng, đã đặt ra cho thính giả đang nghe Ngài, là các môn đệ, một điều kiện gắt gao.

1. Yêu sách

Người nào muốn theo Ngài hẳn phải cởi bỏ mình khỏi những gì ràng buộc mình nhất. Người đó phải cắt đứt liên hệ với gia đình,, tức là những liên hệ huyết nhục: ‘cha mẹ, vợ con, anh chị em’. Tình gia tộc huyết thống đã được ghi khắc trong bản tính loài người, và thêm đậm đà thắm thiết nhờ những tháng dài chung sống với nhau.

Thế nhưng Thiên Chúa còn quí giá hơn gấp bội, và hết thảy mọi quyền lời phàm nhân đều phải nhường bước trước những quyền lợi Thiên Chúa. Quyền lợi của Thiên Chúa ràng buộc con người đến độ mọi thứ liên hệ khác hoá ra vô hiệu.

Theo kiểu diễn tả lạ kỳ của Kinh Thánh, thì Chúa là Thiên Chúa hay ghen. Tình yêu mà Ngài đòi hỏi phải toàn diện và tuyệt đối, để về phần Ngài, tình yêu của Ngài cũng làm mãn nguyện những kẻ được tuyển chọn. Người ta chỉ có thể hiểu được bí nhiệm trọng đại đó, chỉ có thể tiến sâu vào ngôi thánh điện này một khi hoàn toàn thoát ly khỏi tạo vật. Người ta chỉ vào phòng loan với Chúa một thân một mình mà thôi.

Còn hơn thế nữa: con người đó lại phải từ bỏ ‘chính bản thân mình’. Thân phận con người hoàn toàn tự nhiên, với những ước muốn, những nhớ nhung, bản năng tự cao tự đại, lòng ham sinh uý tử, địa vị của mình trong xã hội và đồng loại, tất cả những cái đó phải được từ bỏ hoàn toàn.

Như cánh bướm kia thoát thân từ caí kén, con người mới sẽ một lần nữa rời bỏ cung lòng người mẹ để tái sinh trong cuộc sống mới. Đức Kitô còn đòi hỏi hơn nữa: con người đó phải ‘ghét’ tha nhân cũng như chính mình vậy. Như thế không chỉ có ý nói đến sự xa cách về không gian, sự chấp nhận những thua thiệt, sự từ bỏ tiệm tiến và hầu như không cảm thấy, nhưng đây là một sự từ khức mãnh liệt, có ý thức, đớn đau ở mọi nơi mọi thời.

Khi gặp phải chống đối hoặc ngay cả khi Thiên Chúa hay những nhu cầu linh thiêng coi như dửng dưng xa cách, lúc đó con người sẽ phải lựa chọn, phải quyết định trước một ngã ba đường nan giải.

Còn phải đi xa hơn nữa: ‘Ai không vác khổ giá mình, ắt không thể là môn đệ Ta’. Bị đóng đinh có nghĩa như bị xã hội coi như là nguy hiểm và đại ác. Thập giá đem lại cái gì? Thưa, bị bạo lực nghiền nát, bị hành hạ, xua đuổi, chết chóc, một cuộc đời kết thúc ô nhục và đẫm máu.

Trên tất cả, có một lời soi sáng và biện minh cho yêu sách tiệm tiến đó: ‘Kẻ nào theo Ta, kẻ nào muốn làm môn đệ của Ta’. ‘Ta’ và ‘của Ta’ ở đây ám chỉ Chúa Kitô. Theo Ngài là bước đi trong con đường của Ngài, là được làm môn đệ của Ngài, là được dõi bước theo Ngài. Ngài là một vị Thày thật cao cả, tình yêu thương của Ngài quá mạnh mẽ,những điều Ngài đòi hỏi quả chính đáng, uy thế của Ngài mãnh liệt đến độ mọi cái khác đều phải lùi bước.

Khi đã tận hiến hoàn toàn cho Chúa, không thể nào sống dễ dãi, tiện nghi nữa, mà chỉ còn Thiên Chúa độc quyền đòi hỏi và tình yêu hướng về đối tượng độc nhất.

2. Soi sáng

Giáo huấn này thật là quan trọng, khiến Chúa Giêsu phải soi sáng bằng ba ví dụ. Thứ nhất: việc xây tháp. Cũng như không thể xây một cái tháp mà không có một đồng xu dính túi, thì người ta chẳng thể xây dựng đời sống theo Đức Kitô một cách tươi vui khi không có sự từ bỏ hoàn toàn. Sự hy sinh phải được coi là điều kiện tiên quyết, một giả thuyết nền tảng.

Thí dụ thứ hai là cuộc chiến. Ông vua cần có binh lính mới chinh phục được chỗ này chỗ nọ; người môn đệ cũng cần phải có sự từ bỏ để chiến đấu chống lại thù địch của Thiên Chúa. Trong trận chiến trần gian, binh giáp là điều kiện tiên quyết thì hy sinh cũng là điều kiện rất cốt thiết cho cuộc chiến đấu thiêng liêng: ‘Ai trong anh chị em không từ bỏ hết thảy của cải mình đi thì không thể làm môn đệ của Ta’. Trong hai thí dụ trên đây có một sự đảo lộn giá trị. Tiền bạc là một động lực hữu hiệu để xây tháp cũng như muốn chiến tranh cần phải có ba quân chiến sĩ.

Ta cũng phải kết luận rằng: muốn phục vụ Đức Kitô, con người cần phải có những giá trị tích cực. Nhưng hai hình ảnh lại có ý nghĩa trái ngược. Đối với thế gian, chiếm hữu là cơ bản; còn trong việc theo gương Chúa Kitô, sự không-chiếm-hữu, sự từ bỏ mới chính là điều quan trọng hơn hết. Chúa Kitô là và phải là tất cả. Từ bỏ đối với Đức Kitô không nghĩa là một tặng phẩm với hậu ý được đền đáp.