Chúa Nhật XXIII thường niên  - Năm C
MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU
Lm. Phạm Thanh Liêm

Ai cũng được mời gọi trở thành môn đệ Đức Giêsu, nhưng không phải ai cũng là môn đệ Ngài. Để trở thành môn đệ của Chúa, phải chọn Thiên Chúa và từ bỏ những gì trái với Ngài.

Từ bỏ chính mình

Đám đông đi theo Đức Giêsu, nhưng không phải tất cả là môn đệ của Ngài: “nếu ai đi theo tôi mà không từ bỏ chính mình, thì không thể theo tôi được”.

Từ bỏ chính mình, là cách nói khác của thái độ chọn Chúa trên tất cả. Không có sự trái nghịch giữa giữa việc đi theo Chúa và đạo hiếu, vì giới răn thứ tư Chúa dạy: “thảo kính cha mẹ”; nhưng giả như cha mẹ hay bất kỳ ai đó có những đòi hỏi trái với luật Chúa, thì phải chọn Thiên Chúa trên tất cả. Thiên Chúa không muốn con người phải chết, nhưng muốn con người được sống và sống hạnh phúc với Thiên Chúa; nhưng giả như có trường hợp phải chọn giữa Thiên Chúa và mạng sống mình, chẳng hạn như trường hợp bách hại đạo, thì phải chọn Thiên Chúa trên cả mạng sống mình.

Chọn Chúa trên tất cả, sẽ được tất cả. Chọn Chúa, là yêu thương cha mẹ thật sự, là giữ đạo hiếu tuyệt hảo. Thí dụ, cha mẹ của một ai đó ép con mình lấy người nó không yêu không thương; thì theo đạo hiếu “thiển cận”, người con phải vâng lời lấy người cha mẹ muốn; nhưng nếu chỉ một thời gian ngắn sau cha mẹ người đó chết mà người con phải sống khổ cả đời vì đã vâng lời cha mẹ lấy người mình không thương yêu, thì nếu cha mẹ người đó biết con mình không sống hạnh phúc, chắc cha mẹ đã không ép con mình làm như vậy; nên trong trường hợp này không làm theo ý cha mẹ, là có hiếu hơn nghe theo lời cha mẹ. Nói như vậy, không có nghĩa là coi thường ý kiến của cha mẹ về vấn đề hôn nhân cho con cái. Con cái phải trân trọng ý kiến của cha mẹ, vì thường cha mẹ chỉ muốn cho con cái mình hạnh phúc; nhưng giả như có trường hợp khác, thì phải chọn Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn tôi làm điều đúng, và Ngài muốn tôi sống hạnh phúc.

Chấp nhận chính mình

“Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi”. Con người, ai cũng có những giới hạn.

Chẳng hạn, một người không được thông mình như chúng bạn mình, một người không đẹp như bạn mình, một người có một tật nào đó về thể lý hoặc tinh thần. Nếu con người không chấp nhận chính mình, luôn càm ràm Thiên Chúa “tại sao Chúa dựng nên con xấu như vậy, tại sao con lại không được thông mình bằng người khác, tại sao răng của con như vậy, tại sao mắt của con như vậy,…”, muốn làm “tài khôn” cho Chúa, thì người đó không thể làm môn đệ của Chúa được. Chấp nhận con người mình, chấp nhận những giới hạn của mình, đó là vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu. Chấp nhận con người mình như mình là, đã là vượt qua chính mình và nên thánh từng ngày rồi. Phaolô cũng có một cái dằm đâm vào xác thịt, và ngài đã ba lần xin Chúa cất cái dằm đó khỏi mình, nhưng Thiên Chúa phán “ơn ta đủ cho con” (2 Cor.12, 7-9).

Chấp nhận chính mình, là chấp nhận để Thiên Chúa làm tất cả những gì Ngài muốn trên mình. Đó là thái độ cần thiết để một người có thể sống hạnh phúc trên trần gian này. Nếu ai không hài lòng với chính mình, không nhận ra được gì hay nơi con người mình để tạ ơn Chúa, thì thật bất hạnh cho người đó.

Chấp nhận tha nhân trong yêu thương

Thiên Chúa là nhất đối với Phaolô. Con người là một giá trị tuyệt vời đối với Thiên Chúa và đối với con người. Trở nên con Thiên Chúa qua bí tích rửa tội, là một hồng ân vô cùng lớn mà không gì có thể so sánh và mua được.

Onesimus, người nô lệ của Philemon đã được ơn trở lại qua Phaolô. Phaolô chấp nhận Onesimus như một người với tất cả giá trị của con người, cho dù người đời có phân biệt nô lệ và tự do. Phaolô mời gọi Philemon, người môn đệ của mình, nhận ra và chấp nhận phẩm giá của Onesimus, và đối xử với Onesimus, người nô lệ của mình, như người anh em trong Chúa. Để làm được điều này, Philemon phải chọn Chúa trên hết, coi trọng người tông đồ đã rao giảng Lời Chúa cho mình, đặt nhẹ lợi lộc trần gian, và nhận ra giá trị đích thực của con người không tựa vào nô lệ hay tự do theo kiểu trần thế.

Chọn Thiên Chúa trên tất cả, chấp nhận con người của mình như mình là, từ bỏ tất cả thậm chí cả bản thân mình, là điều kiện của người môn đệ Đức Giêsu. Xin cho chúng ta được ơn trở thành môn đệ Đức Giêsu trong cuộc sống.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Có sự xung đột giữa những bổn phận đối với Thiên Chúa, cha mẹ và vợ chồng không? Xin bạn cho thí dụ và chia sẻ cái nhìn của bạn?

2. Bạn có đồng ý với quan điểm “chọn Thiên Chúa trên tất cả, sẽ được tất cả” không? Đâu là quan điểm của bạn?

3. Liệu con người có thể từ bỏ chính mình được không? Tại sao?